Tăng cường năng lực cạnh tranh
Ngày 30 tháng 11, một bản báo cáo về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam đã được công bố.
Người chủ trì việc nghiên cứu là Giáo sư Michael Porter của Đại học Harvard tại Hoa Kỳ. Là nhân vật nổi tiếng thế giới về chiến lược cạnh tranh, ông Porter đã tới Hà Nội dự cuộc hội thảo để thuyết trình về những ưu khuyết điểm của Việt Nam trong lĩnh vực cạnh tranh.
Nhân dịp này, Diễn đàn Kinh tế trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về những chướng ngại và cạm bẫy trong cạnh tranh. Xin quý vị theo dõi chương trình do Việt Long thực hiện sau đây.
Những hạn chế
Việt Long: Sau khi đổi mới kinh tế rồi hội nhập vào luồng trao đổi toàn cầu, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục so với trước đây. Nhưng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bị nhiều hạn chế, như Giáo sư Michael Porter đã trình bày trong cuộc hội thảo quốc tế tại Hà Nội hôm 29 tháng 11 vừa qua, trước khi công bố bản báo cáo về khả năng cạnh tranh của Việt Nam vào ngày 30. Kỳ này, xin đề nghị ông phân tích cho những hạn chế đó và nhắc tới những việc phải làm để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã được quốc tế viện trợ cho rất nhiều dự án nghiên cứu về khả năng cạnh tranh của mình. Lần này là lần đầu tiên mà một phúc trình nghiên cứu được công bố ra ngoài. Dự án này do Viện Cạnh tranh Á châu tại Singapore yểm trợ thực hiện cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương của Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của Giáo sư Michael Porter của trường Harvard. Sinh năm 1947, Giáo sư Porter là nhân vật có uy tín và là nhà tư vấn về cạnh tranh cho nhiều tập đoàn kinh doanh và quốc gia trên thế giới cho nên báo cáo của ông là một phúc trình mà các doanh nghiệp nên tham khảo. Tuy nhiên, những khuyến cáo được đưa ra cũng nhắm vào chiến lược phát triển và các vấn đề kinh tế vĩ mô của Việt Nam nên cần được giới chức nhà nước chú ý khi chuẩn bị chiến lược kinh tế trong dài hạn.
Việt Long: Nếu vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ khuôn khổ chung là chuyện chiến lược và vĩ mô trước khi tìm hiểu về các quyết định vi mô của doanh nghiệp.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Các nhà nghiên cứu phúc trình cạnh tranh này tất nhiên có thấy ra vấn đề mà giới kinh tế quốc tế đã đề cập và khuyến cáo từ lâu. Gần đây nhất là ý kiến của đại diện của Ngân hàng Thế giới trong cuộc hội thảo hồi tháng Tám của Ủy ban Khoa học Xã hội.
Ta thấy là Việt Nam theo mô hình phát triển dựa trên lợi thế nhất thời và không thể kéo dài mãi về vị trí địa dư, về lượng tài nguyên thiên nhiên và dân số trẻ, mà lại gây vấn đề lâu dài như bất công xã hội và hủy hoại môi sinh trong khi chẳng cải tiến về giáo dục và đào tạo để nâng cao năng suất lao động. Vì hoàn cảnh đó nên Việt Nam vẫn tìm sức cạnh tranh ở mức lương rẻ hơn các thị trường khác và không leo lên trình độ sản xuất cao hơn, có giá trị gia tăng lớn hơn. Đã đến lúc Việt Nam phải đi tìm một chiến lược phát triển khác, và càng sớm càng hay.
Thứ hai, thuộc về cơ chế và khả năng quản lý kinh tế cấp quốc gia, 25 năm sau khi tiến hành đổi mới, Việt Nam chưa cải tiến hệ thống chính trị cho thông thoáng, không xây dựng hạ tầng cơ sở luật pháp cho minh bạch và thiết lập bộ máy quản lý vĩ mô cho ổn định. Ngay trước mắt thì các vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát hay bất ổn ngoại hối cũng thu hẹp khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Vấn đề doanh nghiệp nhà nước
Việt Long: Bản báo cáo này cũng nói tới một vấn đề đã được quốc tế khuyến cáo nhiều lần là vị trí quá lớn của doanh nghiệp nhà nước. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đây là loại vấn đề thứ ba trong cơ chế và tư duy của lãnh đạo. Do chọn lựa chính trị của lãnh đạo - nói vắn tắt là "phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" - Việt Nam duy trì sự bất công lớn và một gánh nặng tai hại là vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước và còn nâng các doanh nghiệp này lên cấp tập đoàn như một đầu máy kinh tế cho quốc dân. Các cơ sở ấy vốn có năng suất kém và gây hoang phí vì thu hút tài nguyên quốc gia vào những việc không thiết thực cho lợi ích quốc dân.
Một ngẫu nhiên đáng chú ý là trong khi dư luận còn lên cơn sốt về tập đoàn đóng tàu Vinashin bị mắc nợ và có thể phá sản thì hôm 26 vừa qua, PetroVietnam Finance Co. một phân vụ của tập đoàn Vietnam Oil and Gas cho biết rằng mức doanh lợi trong Quý ba đã sụt mất 90% vì chơi stock mà bị lỗ khi thị trường chứng khoán mất giá nặng. Loại tập đoàn này có cái thế độc quyền thực tế mà vì sao còn nhảy vào thị trường chứng khoán để bị lỗ mất 225 tỷ đồng?
Phúc trình về cạnh tranh có khuyến cáo là phải để khu vực tư doanh giữ vai trò chủ đạo, phải coi cạnh tranh là ưu tiên chiến lược và quan niệm lại vai trò của nhà nước là tạo dựng lợi thế cho kinh tế chứ không phải là kiểm soát kinh tế. Việc giải phóng và coi trọng sức mạnh của tư doanh được các định chế quốc tế nhắc nhở từ lâu thay vì nhà nước nhảy vào cạnh tranh với tư nhân.
Việt Long: Ở bên cạnh Trung Quốc như nền kinh tế rồng cọp, lãnh đạo Việt Nam có thể đã ngó lên Bắc Kinh để tìm bí quyết thành công. Hình như là bản báo cáo về cạnh tranh cũng khuyến cáo là Việt Nam sẽ không thành công nếu lại bắt chước Trung Quốc, có phải vậy không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Như trường hợp phổ biến của kẻ đi sau là học theo người đi trước, thấy ai làm gì thành công thì bắt chước, Việt Nam cũng vậy. Ở cấp quốc gia, lãnh đạo xứ này cho rằng mô hình Trung Quốc có giá trị vì: thứ nhất bảo vệ thế lực chính trị cho đảng độc quyền; thứ hai, lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng; và thứ ba lấy nhân công rẻ làm lợi thế xuất khẩu. Giáo sư Porter thì khuyên là Việt Nam nên nghĩ khác hơn là chỉ nhìn vào lương bổng rẻ và một thị trường đông dân. Và không nên bắt chước Trung Quốc với chiến lược nhân công rẻ. Thực tế thì toi e là chiến lược Trung Quốc đã đi hết chu kỳ vận hành ban đầu của nó, và kinh tế xứ này đang gặp sức ép rất mạnh về lương bổng công nhân, lại còn bị nguy cơ "bộc súc" - là implosion, nổ vào - với nạn bong bóng gia cư địa ốc nay mai có thể bể kéo theo sự phá sản dây chuyền.
Năng lực cạnh tranh
Việt Long: Bây giờ ta mới bước qua phần vi mô, về quản lý doanh nghiệp như thế nào để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước khi tiến qua mục đó, tôi xin được nhắc tới một ý kiến có giá trị chiến lược từ Giáo sư Michael Porter nếu ta nhìn ra khỏi phạm vi của Việt Nam.
Đó là khối ASEAN của 10 quốc gia Đông Nam Á, một khu vực có hơn 600 triệu dân, với nhiều nền kinh tế đã đạt trình độ phát triển cao, có lợi tức trên mức trung bình và thoát khỏi lề lối cạnh tranh chỉ nhờ khai thác lợi thế nhân công rẻ. Việt Nam nên học kinh nghiệm của các quốc gia này, vốn dĩ đã khác và tiến bộ hơn kinh nghiệm Trung Quốc. Chưa nói là họ còn có nền chính trị dân chủ và môi trường kinh doanh minh bạch hơn. Nếu muốn tìm một thị trường lớn và có sức cạnh tranh bén nhạy để tự mài dũa khả năng thì Việt Nam nên hội nhập vào kinh tế ASEAN.
Nhìn từ nhiều giác độ khác nhau thì chiến lược này rất có giá trị. Thứ nhất là nhờ vị trí địa dư, thứ hai là nhờ quan hệ gắn bó về cả văn hoá, lịch sử và kinh tế của miền Nam Việt Nam với khu vực Đông Nam Á, thứ ba là về quyền lợi an ninh nữa. Hơn 10 năm trước, Việt Nam đã có những dự tính như vậy mà không hiểu sao lại càng ngày càng thiên về Trung Quốc về cả kinh tế lẫn ngoại giao chính trị nên đang bị mắc kẹt.
Trở lại những khuyến cáo về cạnh tranh cho doanh nghiệp, có lẽ ta nên chú ý đến một số nhận xét cũng từ vĩ mô xuống vi mô của Giáo sư Michael Porter.
Việt Long: Nghĩa là ông chưa ra khỏi khuôn khổ vĩ mô, là môi trường chung cho các doanh nghiệp?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa đúng vậy nếu ta xét tới sự phát triển tản mát mà thiếu sức tập trung và hỗ tương của các doanh nghiệp. Vấn đề này cũng thuộc phạm vi chiến lược ở cấp quốc gia.
Một cách cụ thể thì các mũi nhọn sản xuất của Việt Nam như giày dép, hàng dệt may hay thủy sản không có sức cộng hưởng, không hỗ trợ lẫn nhau mà nhà nước có muốn yểm trợ thì cũng không có đòn bẩy. Trong buổi thuyết trình, Giáo sư Porter nhắc đến một giải pháp đã được nhiều xứ khác áp dụng là phát triển các cụm ngành sản xuất theo tinh thần chiến lược hay sách lược. Nghĩa là nhìn xa vào tương lai để chọn những khu vực hay ngành sản xuất có giá trị cao và lập ra những trung tâm phát triển lợi thế tương đối của các ngành đó. Vai trò yểm trợ của nhà nước cần được thấy ở đó.
Bước qua khuôn khổ vi mô, thuộc sách lược quản trị của các doanh nghiệp, cuộc hội thảo hôm 29 có nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa việc xác định mục tiêu với một khái niệm có lẽ vẫn còn mới cho các doanh nghiệp là thiết lập chiến lược. Các doanh nghiệp quốc tế đều nắm vững sự khác biệt đó là đi tìm chiến lược cho trường kỳ và căn cứ trên chiến lược mới nhắm vào những mục tiêu ngắn hạn hơn, trong vòng năm bảy năm trước mắt. Tại Việt Nam mà nhìn ra tương lai xa hơn năm năm là chuyện khó, và ít ai nghĩ tới, cho nên họ mới thường xuyên bị động.
Chuyện thứ hai mà các doanh nghiệp cần chú ý là tránh bắt chước chiến lược của công ty khác. Cứ thấy họ làm cái gì đó có lợi thì nhảy vào làm y hệt, cũng như muốn giành lấy một phần bánh lớn hơn trong một cái bánh không thay đổi kích thước. Nghĩa là phải sáng tạo trong chiến lược và đừng rơi vào cái bẫy là chết chùm với nhau vì mức lời sút giảm.
Chuyện thứ ba, cũng có tính chất chiến lược, là doanh nghiệp phải mạch lạc trong mục tiêu kiếm lời hơn là chiếm thị phần, hoặc chỉ mong doanh số gia tăng mà bất kể tới doanh lợi. Tôi nghĩ rằng đây là bài học phổ biến cho nhiều doanh nghiệp Đông Á khoảng hai chục năm trước khi họ cố bán cho nhiều mà không chú ý xem mỗi món hàng bán ra thì lời bao nhiêu và đóng góp chừng nào cho doanh lợi chung, tức là cho lợi nhuận của cả doanh nghiệp. Giáo sư Porter có nói đến một chân lý ngắn gọn, là "ưu tiên số một là phải có lời, ưu tiên thứ hai mới là mức tăng trưởng của doanh số!" Bán nhiều mà lời ít thì sẽ càng bán càng lỗ!
Nếu có thể kết luận thì tôi cho là từ cả chục năm nay, Việt Nam được các quốc gia hay cơ quan quốc tế viện trợ rất nhiều để cải thiện cách suy nghĩ, tổ chức và làm ăn. Một nhân vật như Giáo sư Michael Porter mà đã chỉ đạo việc nghiên cứu và tới tận nơi nói chuyện thì Việt Nam nên chú ý tìm hiểu, học hỏi và áp dụng, trước tiên là từ giới chức hữu trách về kinh tế tài chính, sau đó là trên doanh trường. Quan trọng nhất là nhà nước phải xét lại nhiệm vụ của mình và thu hẹp vai trò của doanh nghiệp nhà nước để mở ra không gian kinh doanh cho tư nhân. Bản báo cáo có đưa ra một nhận xét chí lý.
Rằng doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đang bị giao nhiệm vụ không thể thi hành nổi là vừa hoàn thành mục tiêu công ích, vừa phải có lợi nhuận, vừa tạo ra việc làm nên không thể sa thải lao động mà lại phải đạt năng suất cao. Sự phi lý đó khiến Việt Nam rất khó cạnh tranh mà chỉ giúp đảng viên cán bộ rất dễ kiếm tiền bỏ túi. Có lẽ đấy mới là lý do chính khiến bản báo cáo sẽ lại bị cất vào kệ sách và giá trị không được khai triển cho mọi người.
Việt Long: Ông có thể nói rõ hơn, vì sao những việc đó làm Việt Nam khó cạnh tranh mà lại giúp đảng viên cán bộ dễ kiếm tiền bỏ túi?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Đó là do lợi thế của Nhà nước trong việc chủ đạo nền kinh tế quốc dân, mà không bị kiểm soát kỹ càng. Vì vậy những người quản lý những doanh nghiệp Nhà nước đó đồng thời cũng là những đảng viên trong guồng máy đảng, có được nhiều lợi thế, mà không chịu trách nhiệm trước quốc dân; họ có thể làm bậy và trục lợi bất chính, dù lợi ích của doanh nghiệp Nhà nước đóng góp cho nền kinh tế quốc dân rất nhỏ. Đó là lý do họ muốn chiếm lấy lợi thế đó và không muốn thay đổi.
No comments:
Post a Comment