Đời linh mục cao đẹp, nghĩa lý nhưng đòi hỏi. Ai sống cuộc đời đó cũng phải tự nguyện hy sinh và đặt ra cho mình một kỷ luật riêng. Nói đến kỷ luật thì tự nhiên ai cũng nghĩ đến gò bó, mất tự do thoải mái. Đúng thế. Kỷ luật bao giờ cũng có khuôn khổ và hạn chế. Những người không chịu kỷ cương thì không thể sống trong cuộc đời này được. Vì thế, phải có ơn gọi và được huấn luyện kỹ lưỡng trong nhiều năm. Tuy vậy, vẫn không loại trừ được các khó khăn. Bởi đấy phải nhìn thẳng vào các khó khăn này để tìm cách đối phó.
Linh mục là một ơn gọi, hơn nữa một sứ vụ chứ không phải một nghề như có người nghĩ. Có lẽ ai đó thấy linh mục này hay linh mục kia sống thế nào ấy, nên mới nghĩ như vậy. Vì thế, các linh mục phải sống thế nào, để đẩy lui được ngộ nhận kia.
Sống đời linh mục có hai vế, một là sống hai là đời linh mục. Trước hết là:
1. Sống
Sống là động. Bởi vậy sống thì phải lưu động và hoạt động. Những động tác này bao gồm việc đi lại, làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ. Linh mục sống là làm những công việc đó ở giữa người ta và cùng với họ. Nhưng sự sống hay đời sống đó là đời sống của linh mục, nghĩa là cũng sống như mọi người, nhưng với nhãn hiệu linh mục.
2. Đời linh mục
Linh mục là người như mọi người nhưng lại có nhãn hiệu linh mục. Nhãn hiệu là cái “mác” người ta dán lên một đồ vật như Tiến Đạt, Trung Nguyên, Honda , Toyota v.v… Đó là sản phẩm của một xí nghiệp hay công ty. Ngày trước nhãn hiệu linh mục hiện ra rõ ràng bên ngoài bằng chiếc áo chùng thâm hay áo dòng. Ngày nay nhãn hiệu ấy kín đáo hay giản dị hơn bằng một thánh giá nhỏ, hay chiếc áo sơ mi có miếng cổ trắng bằng nhựa băng ngang, hay chẳng có gì cả hoặc chỉ có con người với một dáng vẻ hiền lành, thậm chí hơn nữa với dáng vẻ của một người tu hành. Điều này xem ra như đi ngược lại với chủ trương của các linh mục muốn được tiếng là chịu chơi với giới trẻ. Thực ra, chịu chơi có nghĩa là hòa đồng, đơn sơ, gần gũi, không kiểu cách, quá đạo mạo tới chỗ trịnh trọng chứ không phải hoàn toàn đồng hóa với người ta trong cách nói năng xử sự hay ăn uống. Chính vì thế mới có lời khuyến cáo linh mục tu sĩ ở đời hơn mà lại ít thuộc về đới hơn. Câu nói đơn sơ nhưng ẩn chứa một thực tại sâu đậm.
Nhãn hiệu linh mục dù công khai hay kín đáo hoặc ẩn giấu, nhưng vẫn phải luôn luôn làm cho linh mục nhớ rằng mình là người như những người khác, nhưng có một giới hạn không thể vượt qua, vì mình đã cam kết và thề hứa sống độc thân để phục vụ cho Tin Mừng. Giới hạn này buộc mình phải sống như người ta, nhưng lại có cái gì khác với họ. Cái như và không như này nhằm nhắc nhở cho linh mục:
2,1 Người của Chúa
Linh mục là người của Chúa, của Giáo hội, người đã hiến thân cho Chúa để lo cho phần rỗi của mình và của người khác. Là người của Chúa nên phải mang tâm tưởng và hình ảnh của Chúa. Tâm tưởng đó là hướng về Chúa và làm theo ý muốn của Người. Mà hình ảnh của Chúa là hình ảnh của một người hiền lành và khiêm nhường, sẵn sàng phục vụ, không tìm vinh quang cho mình nhưng qui về Chúa như lời thánh vịnh: “Non nobis Domine, sed nomini tuo da gloriam”, xin đừng làm vinh danh chúng con, nhưng làm vinh danh Chúa (Tv 113 B, 1).
Vì là người của Chúa nên linh mục lo làm những công việc của Chúa, mà một trong những công việc ấy là loan báo triều đại Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà Người bảo anh thanh niên muốn theo Người là: “Hãy theo tôi. Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ, còn anh hãy đi loan báo triều đại Thiên Chúa.” (Mt 8,22). Kẻ chết chôn kẻ chết là một câu nói khó thực hành, nếu hiểu theo nghĩa chữ. Kẻ chết ở đây có thể hiểu về con người, bởi vi là người ai cũng phải chết. Chôn kẻ chết của họ là lo lắng những công việc của người ta. Chúa không bảo những người đi tu là cha mẹ mình chết thì cứ để cho anh em bà con ở nhà lo, còn mình đi tu rồi thì thôi. Không phải vậy. Chúa bảo cứ để cho người đời lo công việc của họ là lo làm ăn sinh sống, sinh cơ lập nghiệp, còn mình đi tu làm linh mục rồi, thì hãy lo công việc của linh mục là loan báo triều đại của Thiên Chúa là rao giảng lời Chúa, làm việc truyền giáo.
2,2 Làm công việc của Chúa
Công việc của Chúa là rao giảng, làm phép Rửa cho người ta tức là làm việc tông đồ, mục vụ. Những việc ấy trước hết là cử hành bí tích và rao giảng lời Chúa. Những việc này là những việc hàng đầu trong đời sống linh mục mà trước hết là cử hành thánh lễ. Sống đời linh mục là siêng năng cử hành thánh lễ, mà cử hành cho hay cho tốt. Đây là việc linh mục phải làm cho nghiêm túc, xem lịch trước, đọc các bài sách thánh, soạn bài giảng cho kỹ. Những việc hết sức thông thường này, nếu không được để tâm, sẽ thành những việc nhàm chán và làm cho người khác cũng nhàm chán nữa, vì sự tẻ nhạt, vô hồn bởi những cử chỉ, lời đọc trong thánh lễ, lời nói khi giảng lễ do thiếu sửa soạn và lưu tâm. Giáo dân hay than phiền về các bài giảng. Bài giảng có khi dài quá, nội dung trống rỗng, không có mạch lạc trước sau, không dựa vào lời Chúa qua các bài sách thánh trong lễ, hời hợt, quá nhiều tính thời sự. Sở dĩ như vậy, có lẽ vì không chịu dành thời giờ để đọc sách, trau dồi thêm, ít suy nghĩ, ít ngồi tại bàn viết, không chịu viết bài giảng.
Tiếp đến là đọc sách Phụng vụ các giờ kinh, tức sách nguyện. Sách nguyện là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của linh mục. Không chăm chỉ đọc sách nguyện và không cầu nguyện riêng thì khó là linh mục cho đúng nghĩa được. Vì thế ưu tiên hàng đầu của linh mục phải là cầu nguyện dưới nhiều hình thức, mà trước hết là thánh lễ và sách nguyện. Trung thành với hai việc này, linh mục được một bảo đảm chắc chắn cho phẩm chất đời linh mục của mình.
2,3 Công việc mục vụ
Tiếp đến là công việc mục vụ. Công việc này ở đây là làm lễ, giải tội, đi kẻ liệt, thăm viếng gặp gỡ giáo dân. Các linh mục thường nói là quá bận việc. Thật thế, nhất là khi làm cha sở. Nếu không biết sắp đặt thì công việc sẽ ngấp đầu ngập cổ. Vì thế thiết tưởng phải biết lượng sức và tổ chức công việc cho thích hợp với khả năng, sức khỏe và thời giờ. Thường bó nhiều thì không chặt. Vậy phải biết chọn việc mà làm: cái gì cần thì làm trước, cái có ích làm sau, cái thích làm sau cùng. Thích xem ti-vi, đọc báo, nghe nhạc. đi chơi phải xếp đàng sau thánh lễ, bài giảng, giải tội, đi kẻ liệt.
Ngoài việc đặt bậc thang giá trị trước sau cho các công việc, còn phải biết từ chối. Không phải cái gì cũng nhận, ai nhờ cũng nhận, nhưng phải dựa vào sức khỏe và thời giờ của mình. Phải có thời giờ cho mỗi việc. Như thế mới quân bình và điều hòa, một điều cần cho sức khỏe thể lý và tâm lý. Nhưng cũng đừng vì thế mà hóa ra ích kỷ, chỉ biết đến công viêc của mình thôi, không sẵn sàng chia sớt và giúp đỡ người khác, khi thây cần và nên.
Một điều khác cũng cần lưu ý là làm thế nào để khi giáo dân muốn gặp về công việc giấy tờ, phép tắc có thể gặp vào thời giờ và nơi ấn định. Nhiều giáo dân than phiền gặp cha sở khó quá, vì cha hay đi vắng và không biết rõ lúc nào có thể gặp được trong ngày. Nếu có văn phòng giáo xứ và người trực thì sẽ giúp giải quyết kịp thời các vấn đề giấy tờ về hôn phối, rửa tội, đi kẻ liệt v.v…
Vậy nhất thiết linh mục phải có chương trình và kế hoạch cho mình cũng như cho giáo dân. Thời buổi này có mạng, có vi tính, có điện thoại di động nên công việc tổ chức, sắp xếp cũng không đến nỗi khó khăn gì. Tựu trung vấn đề vẫn là tổ chức.
Ngoài ra là tiền bạc, sổ sách của giáo xứ. Tiền của cha xứ là của riêng, tiền của họ đạo là của chung. Hai sổ sách này cần tách biệt nhau. Linh mục nào trong sáng, rõ ràng về vấn đề này thường rất được kính trọng. Cũng nên lưu tâm về bà con, họ hàng. Người ta vẫn vin vào câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ.” Người ta cũng còn nói “một người cháu bằng sáu thằng kẻ cướp”. Bởi vậy, linh mục nên coi chừng kẻo vừa mang tiếng lại vừa bị rút tỉa, như đã thường xẩy ra.
2,4 Vấn đề nữ giới
Cuối cùng là vấn đề nữ giới. Linh mục và nữ giới xem ra có một cái gì đó dễ cảm thông và hướng về nhau. Không biết có phải vì thế hay không mà nữ văn sĩ người Áo, bà Ida Frederika Gorres viết quyến La rencontre du prêtre et de la femme (Sự gặp gỡ giữa linh mục và phụ nữ). Nữ giới thích linh mục vì vẻ mặt sáng sủa, ngoại hình dễ coi và hấp dẫn của nhiều vị, có khi lại thông minh, đạo đức nữa. Còn linh mục thích giới nữ vì dễ bảo, dễ nhờ, dễ coi v.v… Bên này có một hấp lực đối với bên kia và ngược lại. Đó cũng là truyện bình thường do hấp lục tự nhiên của tính phái. Có điều linh mục đã hứa và tình nguyện sống độc thân nên bao giờ cũng phải thận trọng trong các mối liên lạc tiếp xúc với phụ nữ. Do bổn phận mục vụ, linh mục không thể nào không tiếp xúc với phụ nữ. Vì vậy làm thế nào để tránh tai tiếng trong các mối liên lạc đó. Trong thời gian huấn luyện, thường các chủng sinh và tu sĩ đã được chỉ dạy cho các cách thế để giữ mình. Khi làm linh mục rồi được tự do hơn, có khi không còn cẩn thận như trong thời kỳ còn được kỷ luật gìn giữ và bảo vệ nữa. Vì vậy cảnh giác là điều cần thiết. Chẳng vậy sẽ dễ bị sa lầy. Mà đã sa lầy về vấn đề này thì thường khó gỡ. Nhà thơ Tú Mỡ đã viết hai câu thơ sau đây:
Một khi lòng đã mắc lòng
Dẫu thiên lôi đánh cũng không thể rời
có ý nhắm vào trường hợp vua Edward VIII của nước Anh. Năm 1936, vua này đã từ bỏ ngai vàng để theo tiếng gọi của trái tim sống với nàng Simpson Wallis, vì nàng không tủ tư cách để làm hoàng hậu. Hai câu thơ đó cũng muốn cảnh giác những ai muốn làm việc lớn thì đừng vướng mắc vào vòng tình ái. Ái tình sẽ chiếm lấy hết lòng ta không để cho ta làm công việc lớn, như Phạm Thái với Trương Quỳnh Như trong tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ của nhà văn Khái Hưng.
Kết luận
Nói tóm lại, đời linh mục cao đẹp, nghĩa lý nhưng đòi hỏi. Ai sống cuộc đời đó cũng phải tự nguyện hy sinh và đặt ra cho mình một kỷ luật riêng. Nói đến kỷ luật thì tự nhiên ai cũng nghĩ đến gò bó, mất tự do thoải mái. Đúng thế. Kỷ luật bao giờ cũng có khuôn khổ và hạn chế. Những người không chịu kỷ cương thì không thể sống trong cuộc đời này được. Vì thế, phải có ơn gọi và được huấn luyện kỹ lưỡng trong nhiều năm. Tuy vậy, vẫn không loại trừ được các khó khăn. Bởi đấy phải nhìn thẳng vào các khó khăn này để tìm cách đối phó.
Cách đối phó tốt nhất là không rời bỏ hay buông lơi nếp sống đã được huấn luyện. Trung thành với nếp sống đã được huấn luyện là một trong những cách thế bảo đảm cho đời linh mục khỏi xuống cấp.
Nhưng trên hết vẫn là đời sống cầu nguyện qua việc làm lễ hàng ngày, cử hành các bí tích, đọc sách Kinh thánh, tu đức, viếng Thánh Thể, lần chuỗi Mai Khôi một cách trường kỳ và đều đặn. Chúa nói với thánh Phao-lô: “Ơn của Thày đủ cho anh.” (2 Cr 12,9)
Vậy chúng ta hãy tin tưởng mà đón nhận ơn Chúa để sống đời linh mục cho thật tốt đẹp.
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
No comments:
Post a Comment