Kỳ 1: Cũ người, mới ta
Ngọc Lan/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Một thanh niên trên dưới 30, gốc người Châu Á, ngồi xuống gian hàng được bày la liệt dưới đất để tìm kiếm một thứ gì đó. Chốc sau, anh thanh niên cầm lên một chiếc laptop cũ ngắm nghía.
“Cái này giá bao nhiêu vậy?” Anh ngước về người bán hàng, hỏi.
Ðang đứng sắp xếp lại một vài món đồ, bà chủ người Mexico đưa mắt nhìn về hướng người khách, trả lời: “25 đồng.”
“Cái laptop này còn chạy không?” Người khách hỏi thêm.
Bà bán hàng, không đắn đo: “Nếu nó chạy, tui đâu có bán cho anh $25!”
Anh thanh niên cười ha ha, trong khi mắt vẫn nhìn săm soi và tay vẫn rờ rờ chiếc máy.
Ðó là một trong những mẫu đối thoại vẫn thường nghe khi bước chân ra “chợ trời.” Ðặc biệt là khu chợ trời nổi tiếng Golden West ở gần ngay Little Saigon.
“Tôi nghĩ, với những người ở quốc gia khác mới đặt chân đến Hoa Kỳ, đặc biệt là những người ở xứ nghèo, như Việt Nam vậy, thì Mỹ luôn là một cái gì đó biểu trưng cho sự hào nhoáng, xa hoa, sang trọng. Thế nên khi nghe một người bạn rủ đi chợ trời tôi thật sự ngạc nhiên, ‘Mỹ mà cũng có chợ trời sao?’”
Anh Phương Ðoàn, vừa định cư tại Boston khoảng hai năm nay, cho biết cảm tưởng khi lần đầu tiên đặt chân đến chợ trời Golden West ở Califorina.
Không chỉ có Phương Ðoàn, mà rất nhiều người, ngay cả những người đã sống lâu ở Mỹ nhưng chưa một lần bước chân ra chợ trời, cũng đều có chung sự ngạc nhiên như vậy khi nghe ai đó rủ đi “swap meet.”
***
Chợ trời, chốn “giang hồ bon chen,” những tưởng chỉ còn nằm trong ký ức của người đã trải qua một thời khốn khó ở Sài Gòn, giờ đây, thực sự đã trở nên khá thân thiết đối với không ít người dân sống quanh Little Saigon. Không chỉ có người Việt lớn tuổi mê “chợ trời” mà người trẻ cũng mê. Người Mexico cũng mê, người Mỹ cũng mê.
Người ta mê chợ trời bởi nhiều lý do khác nhau!
Không như những “shopping mall” mở cửa lúc 9, 10 hay tận 11 giờ, chợ trời Golden West “mở cửa” từ lúc 7 giờ sáng và “đóng cửa” dọn hàng lúc 5 giờ chiều.
Khu chợ trời này được nhóm họp vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần ngay trước cổng trường Golden West College, phía mặt đường Golden West và Edinger, ở thành phố Huntington Beach, nằm ngay cạnh Little Saigon.
Không cần tốn tiền mua vé vào cổng, không cần tốn tiền parking như một vài khu chợ trời “cao cấp” khác ở Costa Mesa, Stanton, Anaheim,... chợ trời Golden West thu hút đông đảo khách lui tới bởi sự bề thế với đủ loại chủng hàng, “thượng vàng hạ cám,” cái gì cũng có.
Cứ mỗi người một gian hàng được chia theo những dãy parking, rồi thì có người kê thêm mấy bàn dài để bày biện hàng hóa; có người thì không cần bày hàng ra từng món mà cứ để nguyên cái thùng nhựa hoặc thùng giấy carton lên đó. Ai muốn sục sạo lựa chọn gì cứ tha hồ.
Có người chẳng cần kê bàn gì cả, họ bày hàng ngay xuống đất, người mua cứ ngồi chồm hổm mà săm soi tìm kiếm thứ mình cần. Những gian hàng bán đồ còn mới như giày dép, quần áo, sofa, hay những hàng nhựa gia dụng thì được xếp đặt ngăn nắp hơn.
Người đi chợ trời thuộc đủ sắc dân, đủ lứa tuổi, đủ thành phần.
Có người đi chợ từ sớm tinh mơ cho mát mẻ và trở về khi chân vừa mỏi.
Có người đi lúc mặt trời lên cao, mang theo cả xe đẩy em bé, và dẫn theo chó để tắm nắng.
Có người đi thong thả tay không, như một kiểu bách bộ dạo phố.
Có người đẩy theo xe mua hàng phòng lúc có mua thứ gì thì có cái chất lên mang về cho đỡ nặng.
Có điều, không ai bảo ai, mọi người đều biết chợ trời là nơi chỉ xài “cash only” (tiền mặt) và trả giá ở chợ trời là chuyện hầu như ai cũng làm.
***
Chợ trời là nơi người ta có thể tìm thấy đủ mọi thứ trên đời. Từ hàng mới ra lò như bánh mì, bánh ngọt, mới hái từ trong vườn ra như các loại rau củ, hoa quả, cho đến những thứ lỗi thời sắp trở thành “đồ cổ” như đồng hồ, máy ảnh ở thế kỷ 19.
Ngoài những thứ đó, vải vóc, quần áo, máy hát đĩa, máy cassette, máy khoan, máy mài, máy cưa, sofa, bàn đá, khung cửa sổ, cây cảnh, nước hoa, đồ lạc xoong, đồ trang trí, xe đạp, đồng hồ đứt dây, cái ly mẻ cạnh, con búp bê gãy chân, sợi dây cable cho TV, máy tính, cái nắp ống kính cho máy chụp hình, sợi dây cột chó để dắt đi dạo, quyển ablum gia đình có bìa bằng da đã rách, những đĩa CD vỏ cũ mèm, những băng cassettes, mấy quyển truyện giấy vàng ố, cái ấm trà bằng sứ bị mất nắp, bộ chén đĩa Ý thật đẹp chỉ còn 3 cái... Tất cả đều có mặt ở chợ trời.
Có những thứ mà người mua tự hỏi, không biết nếu vứt ngoài đường thì có ai lượm không, vậy mà nó cũng được bán ở chợ trời, dù giá chỉ có 50 cents.
Tại gian hàng của một chàng Mexico, người đi xem có thể nhìn thấy một chai nước hoa hiệu Calvin Klein đã vơi đi một nửa, một chiếc đồng hồ quả lắc cũ kỹ nằm chen chúc cùng cái máy cassettes, rồi nào quần áo cũ, những đầu máy DVD, những cuốn sách quăn bìa, những món đồ chơi trẻ con còn nằm trong thùng, chiếc giá thắp nến bằng sắt, những chiếc đầu ampli, loa. Lẫn trong cõi tạp nham đó có cả một tượng Phật Tổ đúc bằng nhựa cứng.
Có hai cô gái trong lúc lân la đi chợ trời đã nhìn thấy bức tượng. “Ông bán cái này bao nhiêu?” Một cô hỏi.
“10 dollars,” người bán nói giá.
Cô gái nói với bạn: “Mày trả $5 coi ổng bán không.” Cô kia ngần ngừ, “Hồi đó bà ngoại dặn không được mua thần bán thánh. Cho nên, thôi, mày trả đi, tao không dám.”
“Vậy thì mua luôn đi, khỏi trả, cũng chỉ có $10.” Cô kia quyết định.
Họ đưa người bán $10. Người bán đưa cho họ chiếc túi ni lông bỏ bức tượng vào. Thế là xong một cuộc mua bán.
Hai cô nàng ôm lấy chiếc tượng Phật Tổ đi tiếp sang những gian hàng khác. Có lẽ ngay từ đầu, khi bước chân ra khỏi nhà, hai nàng không hề có ý định mang về nhà mình cả một ông Phật như thế.
Những điều này chỉ có thể xảy ra một cách bất chợt, ở... chợ trời.
***
Chợ trời Golden West còn có một điểm khá thú vị là dù người bán đa phần là người Mexico, Mỹ, hay Trung Quốc, ai cũng có thể mặc cả bằng tiếng Việt một cách trơn tru.
Tại một hàng lạc-xoong, một bà khách Việt Nam đến xởi lởi vỗ vai anh chàng Mexico bán hàng: “Bán cho tui cái đồng hồ đó $18 đồng đi.” Có lẽ cuộc mặc cả đã xảy ra trước đó.
Nhìn cái đồng hồ cổ không ra cổ, mới chẳng ra mới, chàng bán hàng người Mexico nói bằng tiếng Việt lơ lớ: “Hai chục đồng đi, mười tám đồng bán không được.”
“Thôi, vậy không mua đâu.” Bà khách Việt Nam quay đi trong lúc trên tay đang “ẵm” một tượng búp bê bằng “ceramics” dùng để trang trí trong phòng khách hay ngoài patio. Bà hí hửng khoe mới mua được với giá... $12.
Những gian hàng quần áo ở chợ trời cũng được người mua, nhất là các bà các cô, ghé lại khá đông.
Quần áo cũ đổ đống trên những chiếc bàn dài có giá $1/cái, từ quần jean, áo khoác, áo đầm, đồ người lớn, đồ trẻ em,... Có cái trông đã sờn vai, đứt nút, nhưng có cái nhìn cũng “kha khá.” Một cô gái trông khá thời trang hí hửng khi “chộp” được chiếc jacket hiệu Banana Republic với giá chỉ một đồng, nói: “Kệ, cũ người mới ta!”
Trong một gian hàng nằm dưới đất, lẫn trong đống hầm bà lằng thứ, người viết bài tìm ra được 2 chiếc tách uống trà bằng sứ trắng nhẹ tênh, có hình một phụ nữ đang cười. Hỏi giá: “Hai cái 1 đồng.” Bà bán hàng nói giá. Không cần phải trả, tôi mang luôn 2 chiếc tách về nhà làm vật trang trí.
Anh Phương Ðoàn tỏ ra vui mừng khi mua được một chiếc đồng hổ cổ của Ðức với giá $2. “Khi người bán nói giá, tôi nghe cứ tưởng là $20, đang suy nghĩ có nên mua không. Tôi hỏi lại '$20 hả?' ông chủ cười nói, '$2' Tôi mua liền.”
Ðến chợ trời, không chỉ mua đồ với giá rẻ, mà người ta còn có thể tìm thấy những món đồ mà “trước giờ chưa từng thấy.”
Ông Lợi Nguyễn, một người có “thâm niên” đi chợ trời đã 17 năm, chia sẻ: “Lúc ở Việt Nam qua, ra chợ trời nhìn thấy những cái khoan điện, hay những cái máy tháo ốc vít, tôi ngạc nhiên lắm, bởi hồi xưa có thấy đâu.”
Chính từ những cái chưa bao giờ thấy, thậm chí không biết máy đó dùng vào chuyện gì, mà ông Lợi lại cảm thấy mê đi chợ trời. “Tôi khoái máy móc, nên ra đây thấy cái gì rẻ thì mua về. Tìm tòi, tháo ra, lắp vô, vọc cho đã rồi nếu xài được thì xài, còn hư luôn thì bỏ, tốn có vài đồng thôi, nhưng cũng thỏa được sự tò mò.” Ông vui vẻ cho biết.
Thêm một điều khiến ông Lợi Nguyễn cảm thấy thích đi chợ trời là “không ai làm phiền mình.” Thấy cái gì lạ, ông có thể cứ cầm ngắm nghía thoải mái, thích thì mua, không thì thôi. Người bán chẳng nói năng, rào đón gì.
Chợ trời là vậy.
***
Ði chợ trời, việc dừng lại để góp ý, nhận xét, hướng dẫn cách sử dụng một món hàng mà ai đó đang cân nhắc, suy nghĩ xem nên mua hay không, cũng là một chuyện rất bình thường.
Trước một hàng bán cây kiểng, có khoảng 4, 5 người đàn ông đứng quanh một chậu lan. Họ bàn tán về chậu cây mà một người nào đó trong nhóm vừa mua được. Loáng thoáng câu chuyện của họ xoay quanh chuyện trồng lan và những giống lan lạ mà họ tình cờ mua được đâu đó. Thêm một vài người đi ngang, nghe có vẻ hợp với mình cũng dừng lại góp chuyện.
Dừng lại dưới một gốc cây to, có những chiếc bàn ghế kê sẵn của trường Ðại Học Golden West, một nhóm những ông bà Việt Nam hơi lớn tuổi ngồi nghỉ chân, sau hơn một giờ đồng hồ dạo chợ trời. Nhìn kiểu trò chuyện thân mật của họ, ít ai biết họ cũng chỉ làm quen và thân thiết nhau qua những buổi đi chợ trời mà thôi.
“Tôi đi chợ trời từ năm 1993, khi mới vừa sang Mỹ. Lúc đầu là vì mới qua nghèo quá nên cái gì cũng ra chợ trời mua cho rẻ. Nhưng đi riết thành một thói quen, nhiều khi đi không mua về cái gì hết, nhưng tuần nào cũng đi.” Ông Lợi Nguyễn, một cư dân ở thành phố Westminster, nói về thú đi chợ trời của mình.
Trong khi đó, ông Tư Phụng, “nhà cũng ở Westminster,” chia sẻ: “Những người già như chúng tôi lúc mới qua đâu có quen ai, lại không biết nói tiếng Anh, nên chỉ cảm thấy vui khi đi chợ trời mà thôi, bởi cứ ra đây thế nào cũng thấy người Việt, có người chuyện trò.”
Theo ông Tư Phụng (ông nói cứ gọi ông là vậy thì ai cũng biết), vợ chồng ông “đã đi chợ trời này suốt cả mười mấy năm qua, đều đặn mỗi tuần, nắng mưa gì cũng đi.” Chính vì đi riết như vậy nên ai thấy cũng quen, rồi thành bạn bè.
Không chỉ gặp được đồng hương nói chuyện, mà đi chợ trời còn là để tập thể dục, vận động đôi chân, hít thở không khí trong lành, mua đồ được trả giá như ở Việt Nam,... là lý do để những người như ông Lợi Nguyễn, vợ chồng ông Lương An, vợ chồng bác Hiếu, vợ chồng ông Tư Phụng có mặt hàng tuần ở chợ trời.
Có khi suốt cả một buổi chợ, họ không mua bất cứ thứ gì, nhưng ngồi nói chuyện gia đình, con cái, cháu chắt, bệnh tật, chỉ nhau cách sử dụng thuốc gia truyền, cũng làm cho một ngày cuối tuần của họ trở nên thú vị hơn.
Ông An Lương, “nhà gần bánh mì Chợ Cũ,” trong lúc chờ bà xã còn đi mua đồ chợ trời, nói cởi mở: “Chúng tôi qui định không bao giờ được mua quá $20 mỗi lần đi, nên có khi không mua cái gì hết, nhưng cũng đôi khi tha về kỉnh kỉnh thứ.”
Ông An nói cứ mua đồ về nhà, đôi khi không có chủ đích gì hết, cứ thấy lạ, thích thì mua, rồi khi đầy kho, đầy nhà, vứt thì thương vương thì nợ, thành ra nghe có ai cần gì thì lại mang đi cho.
***
Anh Phương Ðoàn sau vài lần đến chợ trời đã bắt đầu cảm thấy “học được biết bao điều hay ho.”
Anh Phương nhận xét: “Mỹ là một đất nước đa văn hóa, đa chủng tộc. Biết bao người từ mọi xứ sở đặt chân đến đây. Khi rời quê hương ra đi, họ mang theo những gì họ cho là kỷ niệm của quê hương mình. Tuy nhiên, sau quá trình hội nhập, sinh sống, đến thế hệ thứ hai, thứ ba, con cháu họ lớn lên, đôi khi những thứ vật dụng đó với con cháu không có giá trị kỷ niệm gì cả, thế là khi dọn nhà, họ mang đi vứt hoặc mang đi bán. Vậy là khi ra chợ trời, mình tìm mua được đủ mọi thứ của nhiều quốc gia khác nhau.”
Nếu như ông Lợi Nguyễn cho rằng “chợ trời ở Mỹ lịch sự và văn minh hơn nhiều so với chợ trời lúc còn ở Việt Nam,” anh Phương Ðoàn lại nhìn nhận rằng chợ trời, “ngoài sự vui vẻ, giao tiếp, mình còn có cơ hội tìm hiểu thêm về nền văn hóa nơi đây.”
Không như sự yên ắng, bình an đến “buồn ngủ” khi đi vào các siêu thị, chợ trời, như chợ trời Golden West, cho người ta cảm nhận một cách rõ ràng sự sống động của đời sống, qua tiếng cười nói, qua không khí rộn ràng, qua việc được giao tiếp trực tiếp về kinh nghiệm sử dụng món đồ, lẫn kinh nghiệm cuộc sống, qua khí trời, qua tiếng xe chạy, qua tiếng người mua kẻ bán, qua tiếng mặc cả, trả giá rồi đi có khi quay lại thì hàng đã vụt bay, để lại nỗi tiếc nuốt ngậm ngùi.
Và cũng chính từ thú đi chợ trời, mà nhiều người đã có thêm một nghề mưu sinh kiếm sống bằng cách bán hàng trên online, hay trở thành những “nhà sưu tập bất đắc dĩ” của một loại hàng gì đó, như máy ảnh, hộp quẹt Zippo, những chiếc ly rượu, những tượng phật nhỏ bằng đồng.
Chúng tôi sẽ đề cập đến những “nhà sưu tập” này trong bài viết kế tiếp.
(Kỳ 2: Từ chợ trời trở thành nhà sưu tập bất đắc dĩ)
No comments:
Post a Comment