Tuy nhiên theo Ủy ban Dân số – Gia đình và Trẻ em, việc phát triển thể lực và tầm vóc của người Việt Nam vẫn còn chậm so với chuẩn quốc tế.
Gần đây Bộ Văn hoá –Thể thao & Du lịch đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình Tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010 – 2030. Liệu đề án này có đạt được mục tiêu cải thiện chiều cao của người Việt Nam hay không?
Thông tin từ Uỷ Ban Dân số – Gia đình và Trẻ em cho thấy tầm vóc và thể lực của người Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp, so với chuẩn quốc tế. Chiều cao nam thanh niên hiện nay chỉ đạt ở mức 163cm, thấp hơn khoảng 13cm so với chuẩn; và chiều cao trung bình của nữ thanh niên Việt Nam là 153cm, thấp hơn khoảng 11cm so với chuẩn.
Nếu so sánh các chỉ số này với các nước khu vực Châu Á, nam thanh niên Việt Nam kém thanh niên Nhật 8cm, Thái Lan 6cm; nữ Việt Nam kém nữ thanh niên Nhật 4cm, Thái Lan 2cm. Điều đáng chú ý, là thanh niên Việt Nam không chỉ thấp, nhẹ cân, mà còn yếu cả về sức mạnh cơ bắp, độ dẻo dai, và sức bền kém do thiếu vận động.
Do chế độ dinh dưỡng
Dinh dưỡng có vai trò như thế nào trong việc phát triển chiều cao của trẻ em, Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh Dưỡng Thực Phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:“Dinh dưỡng có lẽ ảnh hưởng lớn nhất đến tầm vóc của một người. Nhưng không phải đến lứa tuổi thanh thiếu niên mới quan tâm đến vấn đề phát triển tầm vóc, vì chiều dài của một em bé khi sinh ra cũng quyết định tầm vóc của thanh thiếu niên cũng như tầm vóc của người trưởng thành. Chiều dài trung bình của một em bé khi sinh ra là từ 48cm đến 52cm."
Trả lời câu hỏi của chúng tôi, chiều dài của một em bé mới sinh ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của chiều cao trong tương lai, Bác sĩ Kim Hưng cho biết:
"Một bé khi sinh ra với chiều dài tốt, và nhất là sự phát triển trong hai năm đầu tốt, thì chiều cao lúc trưởng thành sẽ tốt. Chúng ta biết chiều cao người trưởng thành phải gấp đôi chiều cao em bé hai tuổi. Như vậy nói chung để có một tầm vóc tốt chúng ta cần lưu ý cả đến việc chăm sóc những người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ. Và giai đoạn tăng tốc phát triển của trẻ khi đến lứa tuổi dậy thì, chúng ta cần phải cung cấp thức ăn cho trẻ còn nhiều hơn người lớn, về mặt số lượng và cân đối về mặt chất lượng, đủ các sinh tố, khoáng chất để trẻ phát triển hết tiềm năng của mình."
Mục tiêu nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam ngang tầm quốc tế đã được nhắc đến từ thập niên trước với việc đề ra chiến lược phát triển dân số. Sau mười năm triển khai thực hiện đề án, tình trạng suy dinh dưỡng của người dân nói chung đã được cải thiện. Trong báo cáo mới đây của UNICEF, Việt Nam được đánh giá là nước duy nhất trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đạt được mức giảm suy dinh dưỡng nhanh. Tuy nhiên, tỉ lệ suy dinh duỡng trong nước vẫn còn cao và chênh lệch giữa các địa phương. Ngoài ra, ở các đô thị xuất hiện một số bệnh mãn tính do tình trạng thừa cân, béo phì. Và sự tăng trưởng thể lực và chiều cao trung bình vẫn còn thấp.
Giải thích các nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam, chuyên gia dinh dưỡng này cho biết: “Suy dinh dưỡng ở trẻ em nói chung do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, những hiểu biết về dinh dưỡng chưa phổ cập, nhất là đối với những phụ nữ trước khi làm mẹ, thì gần như không có sự chuẩn bị. Người phụ nữ trở thành các bà mẹ trong khi tình trạng dinh dưỡng của họ không được tốt thì sẽ ảnh hưởng rất sớm đến tình trạng dinh dưỡng của thế hệ sau này, và sẽ rất khó thay đổi. Chúng ta chưa có những lớp hướng dẫn cho những người chuẩn bị làm cha mẹ để có hiểu biết về sự dinh dưỡng từ trong bào thai.
Đa số các bậc phụ huynh, nhất là những người ở nông thôn, chưa có sự hiểu biết rõ ràng về điều này, nên số trẻ sinh ra thiếu ký, hoặc thiếu chiều dài cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tầm vóc sau này. Trong vấn đề dinh dưỡng kiến thức vẫn là chủ yếu, chứ không phải là vấn đề chúng ta thiếu thực phẩm.”
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Chí Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, vấn đề dinh dưỡng học đường cho đến nay vẫn chưa được triển khai đầy đủ và có chất lượng trên diện rộng. Đây là một sự can thiệp quan trọng vào giai đoạn tăng trưởng nhanh của sự phát triển thể lực ở trẻ. Ông Liêm cũng nói thêm, việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em cần được tiến hành liên tục và bền bỉ trong nhiều năm. Đồng thời phải có những giải pháp riêng cho từng vùng, đặc biệt ở những vùng khó khăn.
Đề án Chương trình Tổng thể nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt giai đoạn 2010-2030 do Bộ Văn hoá-Thể thao & Du lịch đệ trình chính phủ, đưa ra hai giải pháp gồm: tăng cường hoạt động thể dục thể thao và chăm sóc dinh dưỡng học đường, nhắm tới mục tiêu đến năm 2020 chiều cao trung bình của nam sẽ đạt 167cm, nữ 157cm. Ngoài vấn đề tầm vóc, chương trình phát triển tổng thể còn phấn đấu cho mục tiêu thu hẹp khoảng cách về thể lực của thanh niên Việt Nam so với thanh niên các nước phát triển ở Châu Á.
Ngoài ra, suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng phần nào đến sự phát triển trí tuệ ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Kim Hưng nhận định:
“Chắc chắn là có sự ảnh hưởng đến trí tuệ vì nếu chúng ta thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy việc suy dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, khả năng học hành, dễ mệt mõi, khó tập trung đầu óc. Ví dụ như thiếu chất sắt sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu, dễ buồn ngủ. Như vậy việc nuôi dưỡng không đầy đủ cũng ảnh hưởng đến khả năng phát triển về mặt nhận thức, học hành của trẻ.”
Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cũng xây dựng chiến lược về dinh dưỡng trong giai đoạn 2011-2020, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Thị Hợp cho biết, chiến lược này chú trọng đến việc giảm tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em Việt Nam, để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt, và kiểm soát vấn đề thừa cân, béo phì, cũng như các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng.
Việc thay đổi tầm vóc con người ở một dân tộc không phải là một vấn đề đơn giản, đòi hỏi phải có nhiều thời gian có khi phải mất nhiều thế hệ, và cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành liên quan trong việc thực hiện thì mới đạt kết quả. Đồng thời cần tăng cường vấn đề quản lý, kiểm tra chặt chẽ khâu chăm sóc dinh dưỡng học đường để loại bỏ những tiêu cực, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi.”
No comments:
Post a Comment