Vận động ráo riết từ sáng đến khuya
Hoa Kỳ gởi cựu TT Clinton phó hội
1.
Khi Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton đứng dậy sửa soạn đọc bài phát biểu mở đầu 30 phút đồng hồ dành riêng cho phần trình bày của nước Mỹ, tất cả mọi người trong hội trường đều im lặng.
Tiếng động duy nhất nghe được là tiếng bấm máy ảnh của các phóng viên đến từ khắp mọi nơi, săn tin về cuộc bỏ phiếu chọn lựa quốc gia lãnh vinh dự tổ chức World Cup 2018 và 2022.
Bài phát biểu của vị cựu tổng thống Hoa Kỳ rất ngắn ngủi, nhưng chứa đựng tất cả những gì mà 22 thành viên của Ủy Ban Tuyển Chọn FIFA muốn nghe. Trước hết, ông Clinton cho biết ông đến đây để giới thiệu với mọi người về quốc gia mà “thế giới ai cũng biết,” và cũng là quốc gia bảo đảm “tất cả các cầu thủ khi ra sân đều mang cảm nghĩ đang tranh tài ở sân nhà.”
Ông nhắc lại chuyện từng xảy ra hàng chục năm trước khi Hoa Kỳ tổ chức World Cup 1994: trận nào cũng đông kín người, sân vận động nào cũng không còn một chỗ trống. Ðặc biệt hơn nữa, ông bảo tiếp, khán giả Hoa Kỳ rất công bằng, “hết lòng ủng hộ các hội tranh tài chẳng khác gì ủng hộ hội nhà,” và đó là lý do tại sao “World Cup 2022 nên được tổ chức ở Mỹ.” Ngưng vài giây đồng hồ, ông nhắc lại với giọng đầy cương quyết và tự tin: “World Cup 2022 phải được tổ chức ở Mỹ để đảm bảo sẽ thành công từ trận mở màn cho đến trận chung kết.”
Thành công của World Cup 2022 ở Hoa Kỳ “sẽ đem lại cho FIFA nhiều điều thuận lợi hơn nữa,” theo trình bày của ông Trưởng Ban Vận Ðộng Sunil Gulati. “Với số tiền lời khổng lồ bảo đảm sẽ đem về cho FIFA, quý vị sẽ có cơ hội để thực hiện các chương trình phát triển bóng tròn ở những quốc gia cần giúp đỡ.” Cũng ngưng vài giây đồng hồ, người đang nắm chức Chủ Tịch Liên Ðoàn Bóng Tròn Hoa Kỳ nói tiếp: “Chúng tôi có thể bảo đảm với quý vị, là dù trung bình mỗi sân chưa tới 76,000 người, trận nào cũng sẽ bán hết vé, trận nào khán giả cũng ngồi chật kín sân,” bảo thêm “vì khán giả Mỹ sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào xem tận nơi, chẳng ai ở Mỹ muốn ngồi trước màn ảnh truyền hình cả.”
2.
Cựu Tổng Thống Clinton và ông Gulati không phải là những người duy nhất đưa ra lời cam kết hùng hồn trong ngày hôm nay. Các nước khác cũng vào đến chung kết cuộc đua xin tổ chức World Cup 2022 đều hãnh diện đưa ra những lý do để giải thích tại sao nên chọn họ. Hoàng Thân Mohammed bin Hamad Al-Thani, trưởng Ban Vận Ðộng của Qatar kêu gọi FIFA “cam đảm” quyết định chọn quốc gia nhỏ bé nằm ở vùng Vịnh “vì Qatar sẽ giúp FIFA cơ hội lịch sử, mở rộng biên giới World Cup.”
Vị hoàng thân nổi tiếng quyền uy và giàu có nhất nhì của vùng đất mùa Hè sức nóng cháy da lên tới 106 độ F bảo thêm: World Cup 2010 được tổ chức ở Nam Phi chứng tỏ các nhà lãnh đạo FIFA “sẵn sàng mạo hiểm, muốn mở một chương sử mới cho môn thể thao được yêu chuộng nhất thế giới.” Từ đó, ông kết luận thật gọn: “Chỉ có Qatar mới là nơi FIFA phải chọn để viết trang sử thể thao cho toàn thế giới,” và hứa hẹn sẽ bỏ ra $50 tỷ để xây dựng hệ thống đường sá, thêm $4 tỷ để sửa sang lại các sân vận động, đặc biệt “sân nào cũng có máy lạnh” cho khán giả và cầu thủ.
Australia, một trong 5 nước vào chung kết, cũng có lý do tại sao nên đưa World Cup 2022 về với xứ sở của Kanguroo. Trong bài nói chuyện mở đầu, người mẫu “siêu sao” Elle Macpherson thỏ thẻ mời mọi người đến thăm quê hương của cô, vùng đất mà cô ca ngợi là “sân chơi tuyệt diệu nhất của trái đất,” nơi “người dân hiền hòa và hiếu khách nhất địa cầu.”
Sau đó, Trưởng Ban Vận Ðộng là ông Ben Buckley mới trình bày tiếp, cho biết World Cup 2022 “phải được đưa về Australia, quốc gia quy tụ mọi sắc dân, nói đủ mọi ngôn ngữ.” Ông Buckley cũng bảo “chọn Australia có nghĩa là chọn Châu Á, vùng đất phát triển nhất của thế giới hiện giờ.”
Ngay cả phần trình bày của Nhật Bản và Nam Hàn cũng có những điểm thật đáng nói tới, cho dù hầu hết các nhà báo hiện diện ở Zurich, Thụy Sĩ, chẳng ai nghĩ một trong hai quốc gia này sẽ được chọn. Bài phát biểu của Cựu Thủ Tướng Nam Hàn Lee Hong-Koo có đoạn nói rằng giữa lúc tình hình bán đảo Triều Tiên đang đầy căng thẳng, “World Cup sẽ đóng vai hòa bình, giúp đoàn kết người dân Nam-Bắc Hàn và xây dựng ổn định, hòa bình cho Châu Á.”
Vị cựu thủ tướng Nam Hàn cũng nhắc lại chuyện hồi 1991 hai miền Nam-Bắc đã lập chung hội tuyển đi dự Giải Vô Ðịch Thiếu Niên Thế Giới, và lịch sử có thể sẽ tái diễn nếu trách nhiệm tổ chức World Cup 2022 được trao cho Nam Hàn.
Trong khi đó, ông Trưởng Ban Vận Ðộng Kohzo Tashima của Nhật Bản lại đưa ra một lời hứa thật lạ: tất cả các trận đều được trực tiếp chiếu hình với kỹ thuật 3-D (tức hình ảnh 3 chiều) “để dù đang ở góc nào của thế giới, sẽ có ít nhất 360 triệu khán giả có được cảm giác đang xem ngay tại sân vận động.” Hệ thống thu và chiếu hình đặc biệt này được giao cho công ty SONY lãnh phần nghiên cứu thực hiện, và ông Chủ Tịch Ðiều Hành Howard Stringer bảo đảm “từ giờ đến năm 2022 chắc chắn sẽ xong.”
3.
Tổng cộng có 22 thành viên được quyền bỏ phiếu, và ngày mai (Thứ Năm, mùng 2 tháng 12, 2010) cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra ngay sau phần trình bày của những nước Âu Châu đang nuôi hy vọng được chọn để tổ chức World Cup 2018. Thể lệ cuộc bỏ phiếu được quy định khá dễ dàng: mỗi vòng sẽ loại một nước được ít phiếu nhất, và ở vòng cuối cùng nếu 2 quốc gia có đồng phiếu với nhau, ông Chủ Tịch FIFA Sepp Blatter sẽ quyết định chọn nước nào.
Hai mươi hai thành viên, 22 lá phiếu, các nước đều biết phải tìm cách vận động để xin từng lá phiếu một. Cứ nhìn lịch trình làm việc của phái đoàn đại diện cho Anh Quốc thì thấy ngay: từ sáng sớm Thủ Tướng David Cameron đã uống cà phê với ông có quyền bỏ phiếu, nửa giờ sau đó lại ngồi ăn sáng với một ông khác. Chứng một tiếng sau lại tiếp khách, pha trà cho ông thứ ba, và lần lượt kéo dài cho đến hết ngày.
Anh cầu thủ nổi tiếng David Beckham cũng bận chẳng kém: tiếp hết người này đến người khác, lúc thì cà phê, lúc thì trà, lúc ăn sáng, lúc ăn trưa... kéo dài cho mãi đến quá nửa đêm mới trở về khách sạn. Ðó cũng là lịch làm việc của những nhân vật nổi tiếng thế giới khác đang có mặt ở Zurich để vận động cho quốc gia của họ, chẳng hạn như chương trình làm việc của Cựu Tổng Thống Clinton cũng dầy đặc, từ sáng sớm đến mãi tối khuya mới hết khách ghé thăm.
Nhưng dù có vận động đến mức nào đi chăng nữa - kể cả trường hợp được hứa hẹn sẽ dồn phiếu, hầu như không có gì bảo đảm lời hứa và cuộc vận động sẽ đem lại kết quả. Lý do: cuộc bỏ phiếu diễn ra theo thể thức bầu kín, không ai biết lá thăm các ông thành viên như thế nào.
Dự đoán của chừng 1,000 nhà báo đang có mặt ở Zurich về kết quả cuộc bỏ phiếu ra sao? Cũng chẳng khác gì dự đoán của các song đánh cá thể thao Âu Châu, các nhà báo nghĩ giải 2018 sẽ lọt vào tay Anh Quốc, và giải 2022 sẽ đến với Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, cũng có một số rất nhỏ cho rằng có thể cuộc bỏ phiếu sẽ đem lại kết quả đầy bất ngờ, chẳng hạn như Nga (chưa tổ chức World Cup lần nào) hoặc Tây Ban Nha (đương kim vô địch thế giới và vô địch EURO) là những nước “ngựa về ngược,” hay biết đâu chừng Australia sẽ qua mặt nước Mỹ để lãnh phần thưởng cho năm 2022.
Chuyên bên lề thú vị nhất của ngày đầu tiên: Tỷ phú Australia đã 80 tuổi Frank Lowy là người được chọn để giới thiệu người đẹp Elle Macpherson. Trước mặt mọi người, cô nàng hôn ông lão một cái thật kêu, và bảo tất cả mọi người dân Australia “đều xem cụ là anh hùng.” Ông cụ cũng đùa không kém, nắm tay cô nàng vào bảo “đây là giải thưởng quý giá nhất của đời tôi,” và chuyện nếu được FIFA chọn tổ chức World Cup “chỉ là giải thưởng quý giá hạng nhì!”
No comments:
Post a Comment