Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, November 24, 2010

Truyền thống lá lành đùm lá rách

Mỗi khi không may xảy ra thiên tai, người Việt lại mở lòng theo truyền thống ‘lá lành đùm lá rách’, nhanh tay ủng hộ cho những đồng bào không may phải chịu cảnh khó khăn
Tuy nhiên, gần đây xảy ra nhiều vụ tai tiếng khiến nhiều người phẫn nộ vì những nguồn cứu trợ khẩn cấp không đến được tay người đang mong mỏi, cũng như thái độ không hay mà những người lặn lội đến tận nơi để giúp đỡ cho đồng bào của họ trong cơn nguy khó, gặp phải.

Quần áo thành...giẻ lau

Vụ việc làm dư luận bàng hoàng là chuyện áo quần cứu trợ bị tuồn ra cho một cơ sở sửa xe ở Nghệ An để nơi này làm giẻ lau. Sau khi sự vụ được đưa lên báo chí, vào ngày 4 tháng 11, phó chủ tịch Trung ương Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, ông Đoàn Văn Thái phải lên tiếng chính thức xin lỗi người dân trong nước, và hứa sẽ xử lý nghiêm Chi hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An, nơi đã để xảy ra chuyện đó.
Theo báo cáo của Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An gửi trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, sở dĩ có việc áo quần cứu trợ xuất hiện tại gara sửa xe vì quá cũ, người dân không nhận. Từ đó Chi Hội Chữ Thập Đỏ tỉnh Nghệ An phải phân loại tốt xấu riêng ra.
Hình ảnh của những bao hàng áo quần cứu trợ tại hai gara sửa xe tại Nghệ An được truyền thông đưa lên mặt báo ghi rõ xuất xứ từ Hội Chữ Thập Đỏ, huyện Thanh Trì, nên sau đó, bà Nguyễn Thị Thắm, chủ tịch của hội này tại huyện Thanh Trì đã lên tiếng với báo chí giải thích chính tay bà và các hội viên tại huyện đã sàng lọc kỹ, giặt sạch và ngâm bằng nước xả thơm, phơi khô rồi mới đóng gói gửi đi.
Phản ứng của một số dân được báo chí đăng lại cũng nói họ mang cho những áo quần dù không còn mới nhưng cũng dùng được, và sạch sẽ.
Cũng vào những ngày đầu tháng 11 vừa qua, truyền thông trong nuớc cho biết tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, đoàn cứu trợ của Bộ Thông tin- Truyền Thông, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, và Tổng Công ty Truyền thông Đa Phương tiện VTC chứng kiến việc người dân bị thu lại số tiền cứu trợ mà đoàn trao ngay tại sân của ủy ban nhân dân xã.

Tịch thu tiền cứu trợ

Một vụ việc gây bức xúc cho đoàn cứu trợ là thái độ của cán bộ uỷ ban đối với họ. Báo Lao Động cho biết hôm ngày 2 tháng 11 vừa qua, đoàn cứu trợ lũ lụt của Báo Tuổi Trẻ Thủ Đô và một doanh nghiệp lương thực tại Hà Nội đến cứu trợ tại các xã Quảng Văn, Quảng Sơn, Quảng Tiên thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ở Uỷ ban Nhân dân xã Quảng Văn, vị phó chủ tịch là ông Trần Văn Phương đã có thái độ mà đoàn cho là thiếu thiện cảm, đuổi đoàn đi với lý do phát quà cứu trợ cho dân mà không qua ủy ban.
Ông chủ tịch Trần Văn Bông của xã Quảng Văn, vào sáng ngày 23 tháng 11 giải thích về sự việc đã xảy ra cũng như biện pháp của xã trong vấn đề đó:
"Đây là điều đáng tiếc xảy ra cho xã Quảng Văn. Nguyên nhân thứ nhất là thời gian và không gian xảy ra quá nhanh chỉ trong một buổi sáng. Trong sáng đó có ba đoàn cứu trợ đến nên lãnh đạo xã phải phân chia nhau để đón tiếp.


Việc tiếp đoàn cứu trợ của Báo Tuổi Trẻ Thủ đô được phân công cho đồng chí Phương, phó chủ tịch phụ trách. Sáng đó trời mưa nên việc tiếp đoàn cùng có trục trặc một chút. Đúng ra cần phải có trao đổi kỹ trước giữa đoàn cứu trợ và ủy ban. Địa phương có bàn chuyển số hàng cứu trợ đó cho thôn Văn Phú  nhưng rồi do Đoàn và phó chủ tịch Phương chưa chủ động trao đổi. Sự việc xảy ra khi đó có mất trật tự và có to tiếng như báo chí đã nêu, chúng tôi đã có làm việc kiểm điểm điều này.
Đến thời điểm đó có chừng 30 chục đoàn đến địa phương. Ý định của họ muốn trực tiếp cấp phát cho dân; nhưng địa phương cần cho đối tượng cần thiết trước, theo phiếu được trao trước…"
Mỗi khi có thiên tai xảy ra, dù chính quyền địa phương luôn phải có vai trò nòng cốt trong hoạt động cứu cấp cho người dân; nhưng rồi địa phương vẫn cần phối hợp của các đoàn thể xã hội khác như thừa nhận của ông Phạm Hùng, phó chủ tịch Huyện Bình Sơn, với Đài chúng tôi hôm ngày 17 tháng 11 sau đây:
"Tiếp tục sẽ có những biện pháp khác. Những nơi bị cô lập thành ‘ốc đảo’ sẽ có hỗ trợ trong nguồn từ Nhà Nước cũng như các tổ chức xã hội ngoài Nhà Nước, chúng tôi có tiếp cận và đồng thời có phân phối."

Một miếng khi đói bằng một gói khi no

Trong thực tế, các tổ chức xã hội nhất là của các tôn giáo như Phật giáo, Thiên Chúa giáo rất tích cực trong công tác cứu trợ nạn nhân thiên tai hay những sự cố gì trong cuộc sống. Tuy nhiên, đa số các tổ chức xã hội đều mong muốn đưa hàng cứu trợ đến tận tay người gặp nạn như trình bày của linh mục Nguyễn Văn Vinh, giám đốc Tổ chức Bác ái- Xã hội Caritas giáo phận Vinh sau đây:
"Các đoàn cứu trợ đến nhiều lắm. Điều thấy rõ là họ muốn đến trực tiếp với dân. Đoàn nào có điều kiện làm thế thì dân được hưởng."
Một người dân tại Nghệ An đưa ra nhận xét về công tác cứu trợ cho dân chúng tại những nơi gặp thiên tai như ở Nghệ An quê ông như sau:
"Trước đây có vụ đi tù vì tham ô tiền bạn lũ lụt. ‘Nó’ dã man lắm, dù người ta chết ba bốn ngày vẫn chưa chôn mà không động lòng, ăn được là ăn. Lương tháng của họ mấy triệu bạc tháng, so với dân còn sướng chán nhưng tính ích kỷ vẫn không bỏ được. Kỷ luật thì cảnh cáo thế thôi…"
Hẳn nhiên không ai muốn gặp khó khăn để người khác phải giúp cứu trợ cho mình; tuy vậy thiên tai, bão tố, lũ lụt xảy đến là bất khả kháng, nhất là như ở những quốc gia đang phát triển như tại Việt Nam. Theo họ đó là chuyện do ông Trời gây ra.
Mỗi khi lâm cảnh ‘màn trời chiếu đất’, đói khát do mất nhà mất cửa phải chạy trốn bão lũ thì ‘một miếng khi đói bằng một gói khi no’, do đó không ai là không trân trọng sự giúp đỡ của người khác. Còn đối với những người may mắn không gặp nạn cần có cách giúp sao cho nổi khổ của người chịu nạn không phải tăng thêm nữa.

No comments:

Post a Comment