Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, November 24, 2010

Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng ‘nhận trách nhiệm’ suông

Vụ Vinashin


Trả lời chất vấn chung chung, không từ chức

HÀ NỘI (TH) - Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, chỉ “nhận trách nhiệm” suông về sự sụp đổ của tập đoàn đóng tàu “quả đấm thép” Vinashin, đổ tội cho cấp dưới làm bậy, còn không thấy ông ta nói gì đến từ chức theo một số áp lực và lời chỉ trích qui tội mạnh mẽ gần đây.
Ông Dũng đọc bản “giải trình” ở Quốc Hội Hà Nội sáng ngày Thứ Tư 24 tháng 11, 2010, nói rằng: “...Việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc chính phủ còn kém hiệu lực hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo tập đoàn Vinashin.”
Dịp này ông nói “Là người đứng đầu chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của chính phủ.”
Ðầu tháng 11, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết yêu cầu Quốc Hội “bỏ phiếu tín nhiệm” ông Nguyễn Tấn Dũng vì vai trò của người chịu trách nhiệm trên hết của sự sụp đổ là ông thủ tướng chứ không phải ai khác.
Quốc Hội CSVN vốn là con đẻ của một chế độ độc đảng đã lấy cớ “chưa cần thiết” để từ chối.
Một ngày trước khi có cuộc “giải trình” và chất vấn của ông Dũng, Luật Sư Trần Vũ Hải gửi một lá thư đề nghị đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn và nếu bạch hóa được những khuất tất sai trái từ trên xuống dưới trong vụ sụp đổ, ông Dũng cũng có thể bị tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng” theo luật hình sự của chế độ.
Không những chỉ nhận trách nhiệm suông và không có một thứ hình thức kỷ luật nào kiểu chống tham nhũng, sai trái “từ rốn trở xuống”, ông Dũng và chính phủ của ông đưa ra “đề án tái cơ cấu” Vinashin và “Chính phủ rất mong được các vị đại biểu Quốc Hội chia sẻ, ủng hộ và giám sát.”
Ngày 19 tháng 11, 2010 mới đây, lãnh đạo mới, chủ tịch Hội Ðồng Thành Viên Vinashin, Nguyễn Ngọc Sự, khẳng định tại buổi họp báo công bố đề án tái cơ cấu tập đoàn này là: “Không ai trả nợ thay Vinashin mà chính Vinashin sẽ thực hiện việc trả nợ này và sẽ trả được nợ,” theo tin VietNamNet.
Luật Sư Trần Vũ Hải đặt ra một loạt câu hỏi cho thấy nếu như thế, tại sao chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng đã lấy ngân sách quốc gia bơm thêm hàng nghìn tỉ đồng, ra lệnh cho các ngân hàng trong nước “giãn nợ”, nài nỉ khất nợ với các chủ nợ ngoại quốc và tha thuế cho Vinashin?
Từ tham vọng xây dựng một tập đoàn công nghệ “mũi nhọn” cạnh tranh với những tập đoàn đóng tàu hàng đầu thế giới của Nhật, Hàn, Trung Quốc, Mỹ, nay Vinashin phải cưa làm ba, bắt hai tập đoàn khác (Petro Vietnam và Vinalines) gánh bớt một phần nợ.
Giới quan sát quốc tế tin rằng sự đổ vỡ của Vinashin là hệ quả tất nhiên của một guồng máy không minh bạch để tham nhũng. Những năm “có lãi” của Vinashin với những con số tốt đẹp mà ông Dũng đọc diễn văn biện hộ cho tập đoàn này chắc gì đã là sự thật về những tập đoàn, tổng công ty quốc doanh thường rất “nghề” trong các báo cáo “lãi giả lỗ thật”.
Bất chấp các khuyến cáo của các nhà tài trợ quốc tế, chế độ Hà Nội gần như dành độc quyền tín dụng cho các công ty lớn nhỏ của nhà nước từ trung ương tới địa phương và các cơ sở kinh tài đảng đoàn.
Theo giới phân tích thời sự quốc tế, Nguyễn Tấn Dũng đang bị áp lực từ nhiều phe cánh khác nhau nhằm hất cẳng ông này ra khỏi nhóm chóp bu quyền lực. Ðại hội đảng dự trù tổ chức vào tháng 1, 2011 để bầu tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng. Nếu các phe cánh khác mạnh hơn, có thể Nguyễn Tấn Dũng mất luôn ghế thủ tướng dù ông ta có tham vọng nắm ghế tổng bí thư.

No comments:

Post a Comment