Nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình
Sau khi Tổng Cục Thống Kê Việt Nam công bố bản nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ, một buổi hội thảo nhằm đánh giá kết quả điều tra trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, sẽ được tổ chức vào thứ Hai 29-11.
Buổi hội thảo ngày thứ Hai 29 tới đây, còn gọi là cuộc thảo luận bàn tròn, là một sinh hoạt tiếp nối sau khi Bản Nghiên Cứu Quốc Gia đầu tiên về bạo lực gia đình được chính thức công bố hôm 25 vừa qua.
Đây là bản nghiên cứu do Tổng Cục Thống Kê Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ hoạt động của chương trình hợp tác mang tên Chiến Dịch Truyền Thông Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình.
Chiến Dịch Truyền Thông Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình là một chương trình hợp tác nằm dưới sự điều phối của Tổ Chức Hòa Bình Và Phát Triển Tây Ban Nha, bên cạnh hai mươi sáu đối tác tham gia trong đó có Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, Bộ Văn Hóa, Thể Thao Và Du Lịch, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội, Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc UNFPA, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam.
Cuộc hội thảo ngày thứ Hai là cơ hội để viên chức chính phủ, chuyên gia, nhà báo, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, tìm hiểu kỹ hơn về bản nghiên cứu cũng như công tác phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam.
1/3 phụ nữ là nạn nhân
Kết quả bản nghiên cứu cho thấy ở Việt Nam cứ trong ba phụ nữ lập gia đình thì có một người là nạn nhân của bạo hành gia đình. Nói một cách khác, con số phụ nữ xác nhận từng bị bạn đời thường xuyên hành hạ đánh đập thậm chí hiếp đáp về mặt tình dục là 34%.
Mặt khác, 9% phụ nữ lập gia đình hiện đang là nạn nhân của bạo hành về hai mặt hành hạ thể xác hoặc lạm dụng tình dục.
Kết quả cũng cho thấy nếu gộp cả ba hình thức đánh đập, hiếp đáp và chửi mắng gây tổn thương tâm lý, thì hết 59% phụ nữ Việt Nam nói rằng trong đời sống vợ chồng họ đã từng ít nhất một lần chịu đựng những tình huống như vậy.
Theo phó giám đốc Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, bà Trần Thị Hằng, đây là lần đầu tiên có một cuộc nghiên cứu chi tiết mang tầm vóc quốc gia về một vấn đề phổ biến trong xã hội là bạo hành gia đình mà đối tượng là phụ nữ, từ đó tìm hiểu sâu hơn về hậu quả của nó để tiến tới những yếu tố cần thiết trong việc bảo vệ nạn nhân, giúp họ tìm kiếm những dịch vụ giúp đỡ hầu giải quyết vấn đề bị bạo hành của mình.
Nạn nhân thường là nghèo khó và ít học
Ông Benjamin Swanton, giám đốc điều hành Chiến Dịch Truyền Thông Về Phòng Chống Bạo Lực Gia Đình thuộc Tổ Chức Hòa Bình Và Phát Triển Tây Ban Nha, tức tổ chức có nhiệm vụ điều phối chiến dịch, phân tích quan điểm rút ra từ bản nghiên cứu:
“Bạo hành gia đình là một vấn đề thường bị che dấu trong xã hội Việt Nam trước nay, hậu quả là trở thành chuyện phổ biến và tăng cao một cách đáng ngại.
Kết quả bản nghiên cứu quốc gia đầu tiên về bạo lực gia đình đối với phụ nữ mới được công bố phản ảnh nhu cầu của người phụ nữ cần nói lên những gì họ phải chịu đựng, nghĩa là bày tỏ một cách công khai hầu tìm hướng giải quyết cho bản thân và gia đình.
Nếu theo dõi thì ai cũng nhận thấy bản thăm dò hay bản nghiên cứu này thật quan trọng vì đây là lần đầu tiên người ta có được cái nhìn toàn cảnh về vấn đề bạo hành gia đình ở Việt Nam không chỉ một vùng một miền mà trên cả nước.
Từ những chi tiết trong bản nghiên cứu, người ta có thể thấy tình trạng bạo hành gia đình ở nông thôn Việt Nam tương đối cao hơn ở thành phố. Nạn nhân của bạo hành gia đình thường là phụ nữ nghèo khó và ít học.
Có thể nói khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, đúng ra là năm tỉnh và thành phố với đà kỹ nghệ hóa và kinh tế phát triển, là những nơi có tình trạng bạo hành gia đình phổ biến.
Mặt khác, bạo hành gia đình trong các cộng đồng dân tộc ít người cũng là điều đáng quan tâm, bởi bản nghiên cứu cho thấy sự hơn kém trong cộng đồng người H’mong và những cộng đồng sắc tộc khác rồi đến cộng đồng người Kinh ở mức chênh lệch từ 8% cho đến 36%.”
Vẫn theo lời ông Benjamin Swanton, Việt Nam có luật nghiêm cấm bạo lực trong gia đình nhất là đối với phụ nữ.
Tuy nhiên, ông nói tiếp, chừng như luật này chỉ bảo vệ những người đàn bà đã lập gia đình hơn là bảo vệ cho những phụ nữ chưa lấy chồng hoặc đang trong thời kỳ có bạn trai mà mọi trường hợp lạm dụng bạo hành vẫn có thể xảy ra trong bất cứ mọi tình huống nào.
Mục đích của buổi thảo luận ngày 29 này gồm bốn phần: Thứ nhất là giải đáp thắc mắc liên quan tới Bản Nghiên Cứu Quốc Gia Về Bạo Hành Gia Đình tại Việt Nam; Thứ nhì, đánh giá ý nghĩa kết quả nghiên cứu trong công tác phòng chống bạo lực gia đình ở Việt Nam; Thứ ba, tìm hiểu về những sự khó khăn, tìm giải pháp cho vấn đề bạo lực gia đình, so sánh với một số nước trong khu vực; Thứ tư, chia sẻ và đề suất các sáng kiến truyền thông trong việc phòng chống.
Thẩm định giá trị của bản Nghiên Cứu Quốc Gia Về Bạo Lực Gia Đình, đại diện Tổ Chức Y Tế Thế Giới ở Việt Nam, ông Jean Marc Olive, khẳng định báo cáo phản ảnh rằng đã đến lúc người bị hại không thể giữ im lặng mà phải lên tiếng.
Vẫn theo lời ông, kết quả báo cáo đến từ công sức và lòng dũng cảm của những phụ nữ đã và đang bị hành hạ, bị đánh đập, bị hiếp đáp, dám bước ra để nói cho mọi người biết thế nào là bạo lực trong gia đình và phải làm sao để chấm dứt bạo hành gia đình.
No comments:
Post a Comment