Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, November 27, 2010

Thủy điện băm nhỏ sông ngòi, gây lũ lụt

VĨNH PHÚC (TT) - Tại một hội nghị khoa học về sông ngòi Việt Nam, một nhà khoa học hàng đầu khẳng định thủy điện góp phần gây nạn lũ lụt cho người dân trong lưu vực, theo tin báo Tuổi Trẻ.
Dựa trên nghiên cứu sông Ba ở Phú Yên, Tiến Sĩ Ðào Trọng Tứ - cố vấn của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, nguyên phó tổng thư ký Ủy Hội Sông Mekong - cung cấp những số liệu cụ thể chứng minh trận lũ lịch sử tháng 11, 2009 có sự “góp phần” của thủy điện Ba Hạ.
“Việc xả lũ của hồ thủy điện Ba Hạ cũng là tác nhân làm cường suất lũ cao hơn, mức ngập sâu hơn và diện tích ngập lớn hơn,” T.S. Tứ kết luận trong bài nghiên cứu mang tựa đề “Tác động xả lũ của thủy điện Ba Hạ đối với vùng hạ lưu sông Ba, Phú Yên,” trình bày tại hội nghị thường niên của Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam (VSN) tại Tam Ðảo, Vĩnh Phúc hôm 26 tháng 11.
Ông cho biết chi tiết:
“Lũ sông Ba rất lớn và gần như thường xuyên xảy ra vào tháng 10 và 11 hằng năm, có lúc lưu lượng dòng chảy đạt tới 21,000m3/giây (năm 1993), lũ năm 2009 với 14,000m3/giây là bình thường nhưng lại có cường suất lũ lên cao nhất từ trước tới nay (2.05m/giờ). Tại sao lũ về mức 14,000m3/giây lại gây ra tác hại lớn hơn? Câu trả lời đầu tiên là vì mật độ dân cư, công trình xây dựng ở hạ lưu nhiều hơn. Việc suy giảm hệ thực vật đầu nguồn cũng là nguyên nhân của cường suất lũ lớn. Vậy thì xả lũ thủy điện Ba Hạ tác động như thế nào?” T.S. Tứ đặt vấn đề.
Ðể xác định sự “tham gia” của hồ thủy điện Ba Hạ đối với lũ, nhóm nghiên cứu đã tính toán được lưu lượng lũ ở dòng chảy tự nhiên tháng 11, 2009 là 12.661m3/giây, trong khi đó thủy điện Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 14.450m3/giây. Ðiều này có nghĩa là hồ thủy điện Ba Hạ đã xả vượt lưu lượng lũ đến 1.787m3/giây.
Theo ông Ðoàn Tranh - Ðại Học Duy Tân (Ðà Nẵng), thủy điện tác động đến đâu còn cần phải nghiên cứu kỹ, nhưng chỉ cần so sánh năm 1993, lượng mưa kỷ lục tại sông Ba là 1.200mm nhưng cường suất lũ nhỏ và gây thiệt hại ít hơn lũ năm 2009 với lượng mưa chỉ 400mm thì cũng đủ thấy vấn đề.
“Chúng tôi nghiên cứu với trường hợp của thủy điện A Vương thấy rằng trong lịch sử tốc độ truyền lũ chậm, rút chậm còn bây giờ tốc độ truyền lũ nhanh nên tác hại mới lớn” - ông Tranh cho hay.
T.S. Ðào Trọng Tứ cho rằng để giảm lũ cho hạ nguồn, các hồ thủy điện trên sông Ba không thể không để diện tích phòng lũ, nếu các hồ không có dung tích phòng lũ thì vùng hạ lưu còn phải chịu ngập lụt dài dài.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn các nhà máy thủy điện ở ta là đơn mục tiêu, chỉ trừ một vài nhà máy điện lớn ở phía Bắc là có dung tích phòng lũ và cấp nước. Ở Phú Yên có câu chuyện là khi quy hoạch thì có phòng lũ, nhưng khi xây dựng thì người ta bỏ qua, vì nếu để dung tích phòng lũ phải xây hồ rất cao, các nhà đầu tư sợ tốn kém. Vậy ai sẽ xây? Ðây là vấn đề rất tế nhị” - ông Tứ nói.
Vấn đề thứ hai là quy trình vận hành liên hồ chứa (hiện nay chính phủ đã xây dựng xong) phải được kiểm soát chặt. “Năm 2009, giám đốc nhà máy thủy điện sông Ba Hạ nói với chúng tôi là hồ phía trên xả bao nhiêu chúng tôi phải xả bấy nhiêu, vì có như vậy mới đảm bảo an ninh cho hồ chứa” - ông Tứ cho hay.
Tuy quy trình vận hành liên hồ chứa có nói rằng các hồ thủy điện có chức năng tham gia giảm lũ cho hạ lưu, nhưng một khi hồ không có dung tích phòng lũ thì làm sao giảm lũ được?
Không phải chỉ có ở miền Trung, tại miền Nam sông ngòi cũng bị các công trình thủy điện băm chặt. Vào thời điểm này những năm trước, trên sông Ðồng Nai nước về nhiều. Năm nay, tại sông La Ngà (một nhánh của sông Ðồng Nai), những doi cát vẫn trồi trên sông. Ngay như hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối nguồn sông Ðồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong việc tích nước.
Không những gây khó khăn cho nông nghiệp và làm chết người trong lũ lụt, những đập thủy điện ở thượng nguồn còn gây khó khăn cho những đập khác ở hạ lưu.
Ðập thủy điện Trị An nổi tiếng cũng không thoát khỏi cảnh này.
Ngược lên thượng nguồn sông Ðồng Nai, tại xã Tân Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng), chúng tôi thấy thủy điện Ðồng Nai 2 đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị việc khởi động các tổ máy. Vòng qua xã Quảng Khê (huyện Ðắk Nông, tỉnh Ðắk Nông), thủy điện Ðồng Nai 3 cũng tích nước nhưng đến nay lượng nước về hồ rất ít.
Lý giải việc thiếu nước như hiện nay, ông Nguyễn Kim Phúc - giám đốc nhà máy thủy điện Trị An - cho rằng một phần là do lượng mưa trên khu vực năm nay ít hơn năm trước nhưng cũng không loại trừ khả năng các thủy điện đầu nguồn (Ðại Ninh, Ðồng Nai 2, 3...) đang tích nước nên lượng nước năm nay về hồ thủy điện Trị An muộn và thấp hơn so với những năm trước.
Từ thủy điện Ðồng Nai 3 sang Ðồng Nai 4, dọc con đường nội bộ dài khoảng 35km, từng quả đồi nối đuôi nhau “trọc lóc” cây rừng, chỉ còn là những đồi trà, nương cà phê. Rừng bị triệt phá, khả năng nước được giữ lại trong đất cũng không nhiều, những dòng suối đổ về sông Ðồng Nai cũng cạn dần.
Chỉ tính riêng trên dòng chính của sông Ðồng Nai hiện nay đã có chín nhà máy thủy điện, trong đó ba nhà máy đã đi vào vận hành (Ða Nhim, Ðại Ninh, Trị An), ba đang xây dựng (Ðồng Nai 2, 3, 4), hai dự án chuẩn bị đầu tư và một dự án đang thiết kế kỹ thuật (Ðồng Nai 5). Tổng công suất của chín nhà máy thủy điện khoảng 1.849MW và cho sản lượng điện khoảng 7.16 tỉ kWh/năm.
Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, cho rằng việc xây dựng công trình thủy điện Ðồng Nai 5 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Riêng thủy điện 6 và 6A (do công ty Ðiện lực Gia Lai đầu tư) nằm ngay tại phân khu phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt vườn quốc gia Cát Tiên. Trong đó, diện tích chiếm đất của dự án là 137.5ha rừng thuộc vùng lõi vườn quốc gia Cát Tiên.
“Việc xây dựng hồ thủy điện sẽ làm mực nước ngầm phía hạ lưu hồ thấp đi, gây khó khăn về nước sản xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Thủy điện sẽ kết nối hai bờ sông Ðồng Nai tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu vào săn bắt thú rừng và khai thác gỗ vườn quốc gia Cát Tiên một cách dễ dàng” - ông Thành nói.

No comments:

Post a Comment