BBT Nữ Vương Công Lý nhận được bài viết của tác giả G.B Nguyễn Tráng, bài viết phân tích về bài Tham luận của ĐGM Đà Nẵng tại ĐHDC 2010.
Bài viết cũng phân tích cụ thể và khá tỉ mỉ về những bài viết, thư mục vụ, “cánh thư không niêm”… của ĐGM Đà Nẵng để giới thiệu cùng bạn đọc.
Chúng tôi đăng bài viết để bạn đọc rộng đường dư luận, quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của NVCL, mói ý kiến đóng góp, xin gửi về nuvuongcongly@gmail.com
Bài tham luận của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri trên daihoidanchua.net đã được các trang khác đăng lại và đã có lác đác nhiều ý kiến trao đổi. Phần mình, độc giả của NVCL cũng lên tiếng nhiều. Đây đó có vài lời nặng nề, e làm mất lòng nhau không tiện. Chúng tôi xin đọc lại theo một hướng khác nhẹ nhàng hơn.
Về mặt cú pháp, bài tham luận vấp những lỗi không đáng có. Ví dụ: “Đừng ai tiêu cực nghĩ rằng mình chẳng quan trọng gì trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, vì “không có mợ, chợ cũng đông”» (x. phần III ). Câu này có thể viết lại như sau: ” …loan báo Tin Mừng, theo suy nghĩ, hoặc theo kiểu “không có mợ, chợ cũng đông”“. Nếu dùng chữ “vì”, độc giả có quyền cho rằng tác giả đồng ý với câu tục ngữ. Tuy vậy, chúng ta không nên sa vào những tiểu tiết như thế. Hãy đi vào những điểm căn bản hơn.
Dựa theo tinh thần Đức Bênêđictô XVI đã vạch ra: “đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành”, mà phần mình Đức Cha Giuse đã tìm cách hiểu và áp dụng, chúng ta, như là một thành phần của Dân Chúa dù không có mặt tại Đại Hội, dưới góc độ và vị thế của mỗi người cũng có bổn phận hiểu đúng ý Đức Thánh Cha để thực thi.
Trong bài tham luận của mình, Đức Cha Giuse chạm đến một vấn đề cốt tủy và nền tảng: Truyền Giáo, từ đó Ngài đề cập đến hai đường hướng mục vụ: mục vụ nhà trẻ và mục vụ nhà đất. Vài nhận xét sơ khởi: thứ nhất, ai cũng biết rằng bóng mờ phía sau của bài tham luận là biến cố Cồn Dầu, người viết không nói ra, người đọc cũng tự hiểu; thứ hai, bài của Đức Cha nặng nề về tính khái quát và tập chú vào việc sáng chế từ ngữ hơn là tìm cách đưa ra một câu trả lời sát thực tế, để từ đó vạch ra một đường hướng cụ thể.
Tại sao? Phần mình, chúng tôi nghĩ rằng: có một đường hướng “mục vụ” bao trùm lên những đường hướng khác, đã được Đức Cha miệt mài theo đuổi từ trước. Đó là “mục vụ biện minh” và “mục vụ xảo ngữ”.
Trên căn bản đó và để trao đổi thêm, chúng tôi sẽ khai triển quan điểm của mình bằng một bài viết chia thành nhiều kỳ như sau. 1. Phê bình cách xử dụng một vài từ ngữ trong các văn thư đã đăng tải liên quan đến biến cố Cồn Dầu (vì như đã nói trên: bóng mờ phía sau “mục vụ nhà đất” là biến cố này). 2. Quan niệm “Truyền Giáo” của Đức Cha trong bài tham luận thực ra là gì? Ngài đã làm gì để biện giải cho quan niệm này? Đâu là những hậu quả kèm theo? 3. Trong mức độ nào chúng ta có thể đề cập đến một khái niệm mới “mục vụ nhà đất”, và nên tập trung vào những vấn đề nào. 4. Kỳ cuối, chúng ta thử nhận định về đường hướng mục vụ mà chúng tôi tạm gọi là “mục vụ sáng chế từ ngữ”. Đường hướng này sẽ được nhìn qua tương quan giữa Mục Tử và Mục Vụ: chính vì tư cách Mục Tử và những tuyên bố có tính cách mục tử nên những công việc của một Giám Mục sẽ mang tính chất mục vụ, hay do những công trình mục vụ mà một Giám Mục sẽ đi vào lịch sử với tư cách một Mục Tử? Hay còn một tương quan nào khác?
I. Kỳ thứ nhất. Bàn về một vài từ ngữ trong các văn thư đã đăng tải trước đây.
Xin giới hạn trong các chữ sau: “cánh thư”, thư “không niêm” và thư “nội bộ”.
1. Về hai chữ “cánh thư”.
Hai chữ “cánh thư” thường được dùng trong những trường hợp nào? Không kể cách nói của những người trẻ, tuổi mới lớn, hoặc những người hơi sến, chúng ta thường hay nghe “cánh thiệp” trong các dịp lễ tết. Trường hợp này: chữ thường ít, giấy thường dày. Trừ vài ngoại lệ, cỡ thiệp trung bình chỉ 15 x 12, muốn viết nhiều cũng không được.
Nếu ít nhiều mê nhạc, hẳn có nhiều người biết bài hát ” Đồn vắng chiều xuân” của Trần Thiện Thanh. Xin trích: Đồn anh đóng ven rừng mai. Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa? Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy cho chiến sĩ vui miền xa xôi. Đây là thư tình gởi cho các chiến sĩ để thêm phần thi vị cho… “đời trai” ở miền xa. Ai không thích nhạc Trần Thiện Thanh, có thể nghe ở các nhạc sĩ khác một vài ngữ cảnh tương tự. Đại loại là cánh thư bằng hữu, cánh thư mong nhớ, cánh thư cuối cùng, vân vân và vân vân.
Người không mê nhạc vẫn có cơ hội thấy hai chữ “cánh thư” xuất hiện ở một vài nơi khác. Chẳng hạn “tình yêu qua những cánh thư”, đọc được trên tờ báo nhà nước việt nam ngày 30/04/2010, nói về “những bức thư được viết vội trong chiến trường đỏ lửa, lưu lại những góc khuất nội tâm sâu kín nhất của cuộc đời mỗi người”. Rồi một bài khác nói về “ông bưu tá và những cánh thư xuyên núi”, kể chuyện ông Đặng Văn Tróc, một “người Dao ở xã Tân Tiến đã viết lên câu chuyện cổ tích của chính cuộc đời mình”. Hoặc nữa, dư âm đọng lại của chương trình “Mừng ngày của Mẹ” diễn ra ở Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn ngày 01/05/2010, thấy được trên trang ubmvgiadinh.org, là “Những cánh thư gởi Mẹ”. Nghe hơi quen quen?
Còn ai vô đó nữa. Ủy ban này do Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri làm chủ tịch. Người khó tính đến mấy cũng phải nhận rằng chỗ này hợp tình thuận cảnh hơn những dịp đã nói trên nhiều.
Bây giờ, dựa vào các trường hợp này, thử tìm một chỗ đứng cho hai chữ “cánh thư” trong các văn thư của TGMĐN. Riêng trường hợp của “những cánh thư gởi Mẹ”, vì đồng tác giả, nên đối chiếu áp dụng có phần không tiện. Còn lại những tiêu chuẩn sau đây.
Văn thư thượng dẫn của TGMĐN không phải là cánh thiệp. Lẽ đơn giản vì quá dài.
Bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có thể giúp chúng ta ít nhiều? Hẳn là không. Vì cân đo theo hoàn cảnh sáng tác của nhạc sĩ họ Trần, tác giả có cơ… rớt ngay từ vòng đầu. Trước hết, ông TTT là nhạc sĩ chứ không là mục tử. Sau nữa, vì lẽ khác, cũng rất đơn giản: Quý Đức Cha trong HĐGM đều không còn trẻ, chẳng có vị nào đang chiến đấu ở biên ải hay quan tái gì. Trong Quý Ngài, không có ai đang ở trên “rừng cao”.
Ấy là chưa kể, ngày TGMĐN gởi thư cho Quý Đức Cha lại không rơi vào dịp Tết. Nói cho ngay tình thì vì trách nhiệm, các ngài phải đọc thư từ các nơi gởi đến, nhưng trong phận vụ của mình các HĐGM không buộc phải đọc các “cánh thư” của lính, của học trò, hay của những người tương tự do ông bưu tá nào đó chuyển… Rất có thể là các ngài cũng có đọc các “cánh thư gởi Mẹ”, nhưng tôi nghĩ thường là các ngài đọc lúc riêng tư và đọc ở nhà mình. Nếu đọc chung trong Hội Đồng cũng thấy …kỳ kỳ.
Vì thế, “cánh thư” của TGMĐN gởi về đây e không hợp.
Hãy xét theo những khung cảnh khác kém lãng mạn hơn, và thử xem thêm các trường hợp mà “dòng nhạc… trữ tình cách mạng” có dùng chữ “cánh thư”? Đáng tiếc là diễn biến của các sự việc rất khác, nếu không muốn nói là khác hoàn toàn. Dù óc tưởng tượng có phong phú đến đâu, độc giả cũng khó lòng tìm ra trong “câu chuyện dài” đang xảy ra ở Cồn Dầu, (theo như mô tả của “cánh thư” ngày 15/07/2010) một chút chi trữ tình hay lãng mạn nên thơ trong cuộc “hỗn chiến” (cũng vẫn theo lời tường thuật của “thư mục tử” ngày 06/05 cùng năm) giữa “lực lượng an ninh” và “dân chúng”.
Kết luận: ai cũng thấy. Không cần kết luận.
2. Về mấy chữ “không niêm” và “nội bộ”.
Hãy chưa vội nói đến chuyện làm sao một cánh thư “không niêm” lại có thể đèo bòng thêm tính chất “nội bộ”, một điều rất mâu thuẩn như bài viết của Lê Nguyễn đã chỉ ra ngày 15/11/2010), chỉ xét cách riêng rẽ hai chữ “không niêm” và “nội bộ” đã thấy có điều khó hiểu.
Thử tưởng tượng ra hoàn cảnh sau đây: một ngày đẹp trời, Tòa Giám Mục Đà Nẵng gởi một bức thư “không niêm” cho các Đức Cha trong HĐGM. Các Đấng đang họp, Đức Cha này đọc xong chuyền tay cho Đức Cha kia, cứ thế mà bức thư được lần lượt luân chuyển. Nhưng thực ra thì không có cuộc họp nào vào thời điểm đó cả. Vả lại, không ai dám nghĩ rằng HĐGM có lối đọc thư chuyền tay hơi… kỳ cục đó.
Trường hợp thứ hai: thư được gởi qua bưu điện, nhưng để trống, điều này quả là quá sức tưởng tượng cho những ai đang sống ở CHXHCNVN hiện thời. Giả thiết thứ ba: thư gởi qua mạng internet, ai muốn đọc thì đọc, nhưng nếu vậy, thì thư lại mất tính cách “nội bộ”. Cũng nên dừng lại một chút để bàn về hai chữ “nội bộ” này.
Ngày 15/07/2010, tác giả cho biết: thư này được gởi đến “Quý Đức Cha, và qua Quý Đức Cha, đến những người thành tâm thiện chí (đoạn này không thấy xuất hiện nữa trong các lần đăng tải sau trên trang web của Đức Giám Mục Đà Nẵng) cánh thư không niêm này như một thông tin và chia sẻ mục vụ”. Sau đó, ngày 27/10, “cánh thư” này đột nhiên thư biến thành “có tính cách nội bộ”. Có lẽ tác giả là một người hay quên: mấy ngày sau tự nhiên quên mất một đoạn liên quan đến những ai “thành tâm thiện chí”. Cái quên sau mới trầm trọng hơn nhiều: một khi đã gởi đến tất cả những “người thành tâm thiện chí”, thì tính “nội bộ” của bức thư sẽ không còn. Chúng ta không thể tin rằng quan niệm về những người “thành tâm thiện chí” của tác giả rất khác với phần đông chúng ta. Nghĩa là, dù thế nào mặc lòng, TGMĐN không thể cho rằng họ chỉ có lác đác dăm bảy người. Nếu không tin được rằng tất cả đều có “thành tâm thiện chí”, thì cũng khó mà cho rằng họ chỉ là một nhóm rất nhỏ.
Nhân đây, tưởng cũng nên nhắc lại: cách đây hai ngàn năm, đã có một sứ điệp của Thiên Chúa, sứ giả đưa tin là các thiên thần (không qua bưu điện, không cần internet), gởi cho loài người trong đêm Giáng Sinh: vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm. Sứ điệp này được gởi cho hết cả và nhân loại, vậy mà cho đến bây giờ, vẫn còn có người chưa có dịp nghe đến, vẫn chỉ có 1/6 nhân loại biết Chúa mà thôi. Nếu Chúa thay sứ điệp bằng “cánh thư” có “tính cách nội bộ”, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Có Giáo Hội hay không? Nếu có, chắc Giáo Hội chỉ là một dúm người? Còn đâu là công giáo, là phổ quát, là hoàn vũ?
Hay là phải hiểu thư của ĐGMĐN theo nghĩa những trao đổi của TGMĐN với chính quyền Đà Nẵng, thuộc dạng thông tin “nhạy cảm”, “thông tin có tính cách nội bộ”, mờ mờ ảo ảo, như Ngài đã cho biết trong phần cuối của văn bản thứ nhất, “thông cáo” ngày 01/02/2010.
3. Một vài suy nghĩ.
Khó tin rằng đây là một bản văn được viết với một thái độ nghiêm túc và một sự cẩn trọng cần thiết. Văn thư trình cho HĐGM mà viết là “cánh thư” ! Đời thủa nhà ai lại đi viết cho HĐGM như thế bao giờ ! Chắc là Quý Đức Cha trong HĐGM đã có dịp nhắc nhở to nhỏ (có phải vì thế mà gần đây tác giả cho đăng thêm một bài mới về việc Đức Giáo Hoàng nhắc HĐGM không được làm suy giảm quyền của GM giáo phận?) Nếu không, sẽ có nhiều sự bất tiện lắm. Tác giả cứ vẽ rắn thêm chân, quên rằng khi thêm chữ như vậy, nghĩa bị hại đi nhiều. Cứ đà này, dám một ngày con em chúng ta sẽ được dạy rằng ngày xưa Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã viết một… “cánh” thiệp Hịch tướng sĩ, Cụ Nguyễn Trãi viết “cánh” Bình Ngô Đại Cáo, trong các cử hành phụng vụ, người ta sẽ đọc, chẳng hạn, “cánh thư” của Thánh Phao-Lô Tông Đồ gởi tín hữu Rô-ma !!! Nay mai, biết đâu không chừng, có một Đức Giáo Hoàng Việt Nam, sẽ viết “cánh” thông điệp gởi toàn thể Dân Chúa.
Mới nghĩ đến đây con đã hãi, Giời ạ !
Chữ nghĩa của Đức Giám Mục chứ phải chuyện chơi à. Dân ta vốn thiệt thà, mọi người tha hồ “tôn sư trọng đạo” mà bắt chước. Người trẻ bây giờ lại hay học đòi những điều rất nhảm. Một khi kiểu nói cải lương và rất sến này sẽ được hợp thức thì thậm nguy !
Chuyện viết thư mục vụ, thông cáo, thông tin, chia sẻ đâu phải là chuyện mới xảy ra lần đầu trong Giáo Hội để có thể nói rằng chưa có từ vựng thích hợp, cần phải sáng chế thuật ngữ mới. Thư mục vụ và thư từ trao đổi giữa các vị hữu trách đã được viết từ thời Giáo Hội sơ khai, đâu phải chờ đến bây giờ?
Điều này nói lên sự gì? Có lẽ là sự màu mè. Ai có dịp vô trang web của TGM Đà Nẵng và chịu khó đọc các lời bình sẽ còn thấy vài chuyện thú vị. Nói chung có thể gồm tóm lại trong hai cảm tưởng: hoặc tác giả ở hơi lâu trong văn chương của tuổi mới lớn, hoặc tác giả xem chuyện viết lách trong các dịp này chẳng có chi quan trọng, chỉ là chỗ múa bút, nhá chữ nhai văn, trong “trận võ trường văn” của riêng mình.
Tác giả cho rằng thư gởi HĐGM bất quá chỉ là một dịp để thi thố chút tài năng văn chương cho thiên hạ biết? Nhưng…
Tuy rằng cánh cửa lâu đài văn chương chữ nghĩa không hẹp hòi với bất cứ ai, người nào cũng được chào đón, tiếc thay con đường dẫn vào nơi ấy cũng không quá thênh thang để cho những người viết lách lạng quạng có thể chen chân vào.
Một lời khuyên chân thành cho tác giả: từ nay nếu muốn viết gì, xin viết gọn gàng lại.
Nghe nó đỡ dở hơn.
G.B. Nguyễn Tráng
No comments:
Post a Comment