Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, November 26, 2010

Kể chuyện đi shopping sau ngày Thanksgiving

WESTMINSTER (NV) - Ngay sau ngày lễ Tạ Ơn, chuyện đi shopping mua sắm được rất nhiều người hưởng ứng. Bởi đó được xem là ngày giảm giá nhiều nhất trong năm, nên ai cũng cảm thấy vui khi mua được những món đồ với giá thật thấp.
Tuy nhiên, cách đi shop vào ngày này của mỗi người mỗi khác.
Có người sau bữa tiệc quây quần cùng gia đình thì xúm nhau xách theo mấy cái túi ngủ ra xếp hàng trước những cửa tiệm từ lúc 7, 8 giờ tối để sáng sớm hôm sau, khi cửa hàng vừa mở cửa thì “nhào” vô liền để mua cho bằng được món đồ mình đã “lựa sẵn trong đầu” với giá thật rẻ, và chỉ dành cho 20 hay 100 người đầu tiên.
Có người thì đi shop từ lúc 4 giờ hoặc 6 giờ sáng, tùy theo giờ mở cửa của tiệm trong ngày đặc biệt này, bởi đi giờ đó cũng mua được khối đồ với giá có khi giảm đến 75%.
Có người thì cứ thủng thỉnh ngủ cho sướng mắt rồi mới dậy đi shopping lúc 10 giờ, vì hàng đâu còn đó, hết đâu mà lo. Hơn nữa, có nơi giá đặc biệt sẽ kéo dài đến 1 giờ trưa Thứ Sáu lận mà.
Một số người phải đi làm ngày Thứ Sáu đành bấm bụng “shop” trễ hơn, từ sau giờ tan sở cho đến khi nào tiệm đóng cửa đuổi thì về. Cũng tự an ủi là đi giờ đó thì không phải chen lấn đông đúc như buổi sớm.
Có người sau nhiều năm bôn ba, chen lấn chốn đông người, tha về nhà một đống lủ khủ nào quần nào áo, nào đồ dùng nhà bếp, đồ gia dụng mà không có giờ săm soi kỹ lưỡng rồi lại phải mang đi trả, giờ đây, lại chọn cách shopping online cho chắc ăn, vừa đỡ tốn giờ ra đường, vừa có thể ngắm nghía, lựa chọn nhiều thứ trên máy vi tính.
Mỗi người mỗi cách như vậy nên chuyện đi shopping ngày Black Friday cũng có nhiều chuyện khá vui.
***
Năm đầu tiên đến Mỹ, nhân ngày Thứ Sáu Ðen, tôi được anh trai rủ đi shop ở tiệm Sears lúc 6 giờ sáng để mua một cái máy thu (recorder) với giá giảm đến 70%.
“Thực tình đây là lần đầu tiên anh đi shopping ngày này, giờ này,” anh trai tôi nói.
Tiệm Sears trong khu Westminster Mall lúc sáng sớm đó mà đã một hàng người xếp hàng đen kịt.
Ðúng 7 giờ, cửa mở. Hàng người ùa vào.
Tôi theo anh trai đến gian hàng điện tử. Cũng phải xếp hàng thêm một lần nữa vì người ở đây đông quá.
Chốc sau, nghe có tiếng lao xao cãi vã phía trước.
Thì ra một ông người Mễ đến để mua một chiếc TV lớn với giá chỉ $200, theo lời quảng cáo. Tuy nhiên, khi đến lượt ông thì nhân viên nơi đó nói “TV hết rồi.”
Ông khách cự rằng tại sao trong quảng cáo nói 100 người đầu tiên sẽ được mua với giá đó, trong khi nãy giờ ông chỉ mới là người thứ mười mấy thôi.
“100 người khách đầu tiên là tính chung cho nhiều tiệm Sears khác nhau!” Người ta giải thích.
Ông khách không đồng ý, cho rằng đó là trò “bịp bợm.” Nói qua nói lại, ông khách đòi gặp người quản lý.
Ðến lượt anh trai tôi, cái recorder cũng chỉ có trong tờ quảng cáo chứ trên kệ tủ cũng không thấy bóng dáng nó. “Hết rồi.”
Anh em tôi lòng vòng, chen chúc trong đó khoảng 20 phút nữa rồi về, bởi tôi còn phải đi làm.
“Thôi, mai mốt dù có rẻ anh cũng không đi ngày này nữa,” anh trai tôi tỏ vẻ mệt mỏi.
***
Một năm, mới hơn 4 giờ sáng sau ngày lễ Tạ Ơn, anh bạn đồng nghiệp gọi điện thoại sang nhà rủ vợ chồng tôi đi shop ở cửa hàng điện tử góc Chapman và Brookhurst, thuộc thành phố Garden Grove.
Trước khi đi, chị vợ anh bạn nhắc thêm “nhớ mang theo tờ báo Người Việt ngày Thứ Tư, trong đó có mấy coupon đến nhận hàng free!”
Lúc ngồi trên xe, chị vợ anh bạn, lần đầu tiên đi shopping vào cái giờ giấc quái dị này, dù đã sống ở Mỹ hai mươi mấy năm, cứ nói sẽ mua cái này mua cái kia, những thứ được giảm đến hơn 50%-75% theo giá in trong tờ quảng cáo.
Tôi nghĩ thầm trong bụng, “Nếu tiệm mở cửa từ lúc 4 giờ, giờ này gần 5 giờ thì có còn đâu mà mua.”
Tôi nói nhỏ với anh bạn, “Lát nữa nếu vợ anh không mua được cái mà chỉ muốn thì thôi anh chịu khó chạy đến cái tiệm nào có bán cái đó với giá bao nhiêu cũng được, mua về cho chỉ nói là mua giá rẻ để cho chỉ vui!”
Xe vừa đến nơi, đã thấy có người khiêng hàng đi về!

Quý bà mua sắm tại Macy's trong ngày “Thứ Sáu Ðen” - Black Friday, 2006, tại San Francisco, California. (Hình: David Paul Morris/Getty Images)

Ðến cửa đưa mấy cái coupon, mỗi người được phát cho một cái điện thoại bàn và một cái khung hình.
Vào bên trong, những món hàng mà chị vợ anh bạn mong ngóng sẽ mua được thì đúng y như tôi nghĩ: Chẳng còn cái gì!
Lượn qua lượn lại vài vòng, chúng tôi rủ nhau đi BestBuy, một nơi chuyên bán hàng điện tử khác.
Cửa hàng BestBuy chưa đến 6 giờ sáng mà cũng đầy nghẹt người. Nhiều người có lẽ cũng tìm được những món đồ như ý với giá rẻ nên cũng kệ nệ mang vác ra xếp hàng tính tiền, rồi khuân ra xe với gương mặt ngái ngủ nhưng rõ là hạnh phúc.
Anh bạn tôi lui cui cuối cùng cũng mua được cái thẻ nhớ 8GB với giá rẻ (nghe nói là rẻ hơn bình thường). Ở BestBuy ra, hai người đàn ông lại tiếp tục đòi đi Target hoặc Walmart nữa.
Chị vợ anh bạn thì đòi về ngủ. Còn tôi, “sao cũng được” bởi vừa nhảy lên xe là tôi đã ngủ khò liền.
Vậy cũng xong một ngày mua sắm “After Thanksgiving,” dù chẳng có mang được thứ gì về nhà.
***
Thanksgiving 2009, tôi lại theo lời rủ rê của các chị dâu, chị bạn: Ði “shopping outlet” ở San Diego lúc 12 giờ đêm.
Shopping lúc nửa đêm, nghe cũng rất hấp dẫn!
Thế là đúng giờ hẹn, mọi người sang nhà đón tôi đi shopping.
Ði mua sắm ngày Thứ Sáu Ðen thật có khác: Ngoài áo lạnh, áo khoác, những ví nhỏ gọn gàng đựng tiền và thẻ tín dụng, trên xe còn có cả gối, mền, và ít thức ăn dư sau bữa tiệc Tạ Ơn để “Ai đói thì có thể ăn. Ai mệt có thể ra xe ngủ.”
Cùng đi chung trên chiếc xe “van” đó, còn có 4 người bạn của tôi, những người cũng mê shopping outlet như một thú vui ở đời.
Kiếm được chỗ đậu xe trong buổi shopping giấc nửa đêm không dễ dàng chút nào. Nhưng đó là chuyện của những người đàn ông trên xe. Thả nhóm phụ nữ xuống trước, anh trai tôi chạy tìm chỗ parking.
Người người kéo vào khu outlet Carlsbad cứ như trẩy hội.
Chưa đến 12 giờ đêm, dòng người xếp hàng trước tiệm Coach, một nhãn hiệu giỏ xách phụ nữ, đã dài thậm thượt.
Tôi chưa bao giờ có thể tưởng tượng một dòng người rồng rắn như vậy chịu đứng phơi lạnh trong một ngày gần cuối tháng 11 để mua những chiếc túi xách với giá trung bình $200 trở lên, sau khi đã được giảm giá rất nhiều. Nhìn dòng người, đủ thấy ma lực hấp dẫn cũng như sự thành công của một thương hiệu.
Rồi nào Gap, nào Tommy Hilfiger, nào Banana Republic, nào Bebe, nào BCBG Max Azria, rồi Lacoste, Polo Ralph Lauren, Dooney & Bourke, Skechers... tiệm nào cũng nghẹt người là người. Có tiệm, người bảo vệ phải đóng cửa, chờ cho lượng người bên trong ra bớt, mới lại cho người xếp hàng bên ngoài vào.
Giá hàng ở các shop outlet thường ngày đã rẻ, ngày Black Friday giá lại càng rẻ hơn.
Tôi chen vào tiệm giày Kenneth Cole. Giá giày giảm 50% so với ngày thường. Lại thêm, từ lúc mở cửa đến 4 giờ sáng Thứ Sáu, giá lại giảm thêm 25% nữa. Thế là tôi ring về nhà một đôi sandal của nhãn hiệu này với giá chưa tới $20.
Mỹ phẩm hiệu Lancome cũng là một trong những thứ có giá rẻ đến kỳ lạ. Những ai đã từng biết đến Lancome sẽ không chút e dè để lựa chọn những cây son, masscara với giá dưới $10, những hộp phấn nền, phấn hồng không quá $12. Nước hoa lại càng rẻ.
Bước vào tiệm Dooney & Bourke, tôi gần như sửng sốt khi trông thấy một nàng Mỹ trắng ngồi bên đống giỏ xách chừng 20 cái đủ kiểu, đủ màu, đủ cỡ, chờ tính tiền! Tôi cầm thử một chiếc ví nhỏ hơn bàn tay lên xem. $108. Thôi, nhìn cho biết vậy.
4 giờ sáng, tôi cảm thấy đôi chân mình hình như mất cảm giác khi bước vào tiệm Banana Republic thử chiếc quần jeans. Mỏi đến ê ẩm. Tôi lê ra xe nằm ngủ.
Chị dâu và những người bạn tôi vẫn tiếp tục hành trình mua sắm trong bước chân tất bật và nét mặt rạng rỡ vì được một ngày mua sắm thỏa thuê đến cạn túi.
Chúng tôi ra về khi những tia nắng sớm đầu ngày bắt đầu lên, và dòng người xếp hàng trước tiệm Coach vẫn còn, dù ngắn hơn.
***
Người không thích shopping sẽ không tiếc lời thốt lên ngay “đồ khùng” khi nghe kể chuyện xếp hàng shopping giữa đêm.
Người mê shopping lại cảm thấy chuyện hữu ích khi tiết kiệm được một khoảng tiền kha khá khi mua được nhiều món hàng giảm giá vào những giờ mua sắm “khắc nghiệt.”
Người thì lại xem chuyện sục sạo, chen lấn trong những cửa hàng nhân ngày Thứ Sáu Ðen là một thú vui. Họ thích không khí đó, và đôi khi suốt cả buổi bận bụi như vậy, họ cũng chỉ ra về với hai tay không.
Ðiều quan trọng, vẫn là mỗi người đều có thể có được một niềm vui cho riêng mình và gia đình nhân ngày Thanksgiving.

No comments:

Post a Comment