HÀ NỘI (TH) - Nước Pháp mong muốn cung cấp võ khí và trang bị quân sự cho Việt Nam, cạnh tranh với Nga tại một thị trường có nhiều nhu cầu này.
Bản tin thông tấn AFP dẫn lời ông Pierre Lellouche, Quốc Vụ Khanh phụ trách Ngoại thương của Pháp nói “Nước Pháp sẽ có mặt trên thị trường Việt Nam” khi ông đến Hà Nội vào các ngày 25 và 26 tháng 11, 2010.
Hai ngày trước, tin tức cho biết trong chuyến thăm của ông Lellouche, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 56 triệu Euro để thực hiện dự án chế tạo vệ tinh quan sát với hai công ty Pháp là Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng Không Vũ Trụ và Quốc Phòng Châu Âu (EADS) và công ty VEGA Technologies.
Ðể phòng vệ một duyên hải hơn 3 ngàn cây số và sống bên cạnh một láng giềng khổng lồ ở phương Bắc ngày càng lộ rõ hơn tham vọng bá quyền bành trướng, khả năng quân sự của Việt Nam còn quá yếu. Ngoài Nga là nước chính yếu cung cấp võ khí và trang bị quân sự cho Việt Nam, từ năm ngoái đến nay, Việt Nam đã mở rộng sự tìm kiếm sang một số quốc gia khác, đặc biệt Tây Âu là những nước có kỹ thuật cao.
Phùng Quang Thanh, bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam sau khi thăm Hoa Kỳ cuối năm ngoái đã ghé Pháp. Tháng 7 năm nay, ông Hervé Morin, lúc đó là bộ trưởng Quốc Phòng đã tới Việt Nam. Chuyến thăm này mang ý nghĩa tiêu biểu vì đây là lần đầu tiên từ sau thất bại của quân đội Pháp tại Ðiện Biên Phủ 1954, một bộ trưởng Quốc Phòng Pháp tới Việt Nam.
Dịp này, ông Morin đã tuyên bố là về mặt chính trị, Paris sẵn sàng tham gia vào việc hiện đại hóa quân đội Việt Nam và cho biết là gần đây, Việt Nam đã mua trực thăng, máy bay vận tải quân sự, radar của Pháp.
Theo hãng tin Pháp, những điều cấm kỵ xưa kia trong quan hệ với Mỹ và Pháp nay không còn nữa. Tuy nhiên, Mỹ vẫn còn giữ kẽ, cấm bán võ khí sát thương cho Việt Nam nên Việt Nam đang đa dạng hóa sự quan hệ quân sự, quốc phòng nhiều mặt với nhiều nước.
Việt Nam cũng ký kết nhiều thỏa thuận về kỹ thuật với Australia, Bỉ và New Zealand, thậm chí có quan hệ với cả các nhà cung cấp vũ khí Israel. Tin tức mấy tháng gần đây cho hay Việt Nam điều đình để mua một loại hỏa tiễn tầm ngắn của Do Thái để phòng thủ duyên hải và hải đảo.
Tuy nhu cầu thì nhiều và rất lớn của đòi hỏi hiện đại hóa quân đội, nhưng khả năng mua sắm của Việt Nam tới đâu vẫn là dấu hỏi rất lớn của một nước mà trên nguyên tắc, chi tiêu quốc phòng không quá 2% GDP.
Giới chuyên gia tin rằng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam được công bố không bao gồm các khoản mua sắm trang bị quân sự.
“Chúng tôi hiểu rằng Việt Nam muốn hiện đại hóa trang bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau và nước Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam thỏa mãn nhu cầu.” Bộ Trưởng Herve Morin tuyên bố ở Hà Nội ngày 27 tháng 7, 2010.
Ông Morin trong chuyến đến Việt Nam chỉ có một ngày vừa kể cho biết Pháp không những sẵn sàng giúp Việt Nam về mặt trang bị mà “còn muốn phát triển một mối quan hệ lâu dài và sâu xa trên mọi lãnh vực của kỹ nghệ quốc phòng” và sẽ giúp Việt Nam thiết lập các lớp huấn luyện sĩ quan ngay tại Việt Nam một ngày không xa. Ngày 9 tháng 11, 2010 vừa qua, đại diện Tập đoàn Ðiện Lực Việt Nam (EVN) và Cơ quan Phát Triển Pháp (AFD) đã tiến hành ký kết một thỏa ước tài trợ trị giá 100 triệu USD cho dự án nhà máy Thủy Ðiện Huội Quảng. Tin từ Ðại Sứ Quán Pháp cho hay, dự án Thủy Ðiện Huội Quảng có công suất 520 MW, nằm trên sông Nậm Mu, một nhánh sông Ðà thuộc địa phận tỉnh Sơn La và Lai Châu. Dự án nằm trong Tổng Sơ Ðồ 6 về chiến lược phát triển ngành điện tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment