Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, November 25, 2010

Em bé ‘24 ngón’ dưới mái nhà buồn tẻ

Ði qua đoạn đường bụi, ổ gà, bùn nhão và hoang vu chừng 3 giờ đồng hồ cho 50km, rẽ vào một xóm núi có cái tên thơ mộng Trúc Hà, qua mấy con hẻm, qua khỏi những căn nhà bề thế của trưởng thôn, cán bộ và các tay anh chị làm trầm, hiện ra trước mắt tôi một căn nhà không đến nỗi xập xệ, nhưng vắng lạnh và buồn khó tả!

Bé Trương Thị Bích Ngọc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi chào mẹ của Trúc Hà, xưng bằng chị. Nhưng sau một hồi nói chuyện, tôi biết người đàn bà làm mẹ của ‘cô bé hai mươi bốn ngón’ Trương Thị Bích Ngọc này nhỏ tuổi hơn tôi rất nhiều. Và, hình như cô cũng già hơn tuổi rất nhiều!
Bé Bích Ngọc đang dạo chơi với bạn trong xóm, nghe mẹ gọi, cô bé ù té chạy về, vòng tay chào tôi. Sau một lúc nói chuyện, tôi hỏi thăm gia cảnh và xin chụp hình cô bé ‘dị tướng.’
Cô bé rất sợ chụp hình, nhưng nghe tôi hứa chụp xong sẽ cho kẹo thì em liền đưa hai bàn tay và chân ra.
Tôi kiểm tra kỹ, mười hai ngón chân đều có xương, bình thường như mọi ngón chân. Riêng ngón tay thứ sáu của bàn tay trái thì hoàn toàn không có xương, mềm và luôn làm cô bé đau nhức mỗi khi đụng vào.

Từ trái sang: Trương Công Nam (anh Bích Ngọc), Trương Công Khanh (chú Bích Ngọc), Trương Thị Vi Hoa (chị Bích Ngọc) và bé Bích Ngọc. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Theo như lời mẹ của bé Bích Ngọc kể thì em được học hành bình thường như bao trẻ khác, chỉ có điều làm người mẹ trẻ này rất buồn là cả ba đứa con của cô đều học chậm, kém phát triển trí tuệ.
Cô Kim Anh, mẹ Bích Ngọc, nói rằng nếu như điều kiện kinh tế thoải mái một chút thì lỡ con mình có học không tới đâu vẫn đỡ lo, đằng này nhà nghèo, sức khỏe các con kém hơn người, mà học hành cũng kém... E rằng tương lai của chúng quá mù mịt.
Tôi xin phép đi dạo một vòng quanh nhà Kim Anh, dường như chẳng có gì đặc biệt ngoài một chái bếp củi, chuồng heo bỏ trống vì mấy con heo đã chết do dịch ‘heo tai xanh’ hồi năm ngoái.
Tôi hỏi Kim Anh sao không tiếp tục nuôi heo, cô bảo đã hết vốn, giờ muốn nuôi lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi hỏi thêm nếu như mua heo để nuôi tốn chừng bao nhiêu tiền, cô bảo chừng độ 500 ngàn đồng (tương đương $25) thì có thể nuôi được lứa heo Tết. Nhưng cô không tài nào xoay ra ngần ấy tiền để mua heo con về nuôi.
Tôi còn được biết thêm từ nhỏ đến giờ, Kim Anh chưa từng được đi ra thành phố, lúc nhỏ học trường làng, học xong cấp hai thì lấy chồng, sinh con, liên tiếp ba đứa trong vòng ba năm. Rồi làm hai sào ruộng (1000m2), rảnh một chút hai vợ chồng đi bắt thêm tôm tép về bán, ngày trúng cũng được 50 ngàn đồng ($2.5), có ngày bắt đủ ăn, có ngày về tay không. Nhưng không phải ngày nào cũng làm vì con cái và các em hay ốm vặt, phải ở nhà chăm sóc.
Chồng Kim Anh, anh Trương Công Kha, năm nay 33 tuổi, làm nghề thợ sắt, hiện đang làm thuê cho một cửa hàng sắt thép ở Ðà Nẵng. Mỗi tuần về thăm nhà một lần rồi đi. Mọi việc ở nhà, lo cho ba đứa con nhỏ, lo cho người em bệnh tật là Trương Công Khanh, loay hoay cũng đủ hết ngày.

Bé Bích Ngọc chìa hai bàn tay và chân cho chụp hình. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Tôi hỏi thêm liệu với hoàn cảnh như vậy, các con của Kim Anh đi học có được miễn học phí, được nhận chế độ trợ cấp, chia sẻ nào không? Kim Anh bảo cô chưa hề nhận được sự hỗ trợ nào, và các con cô đi học vẫn phải đóng học phí như bao gia đình khác.
Tôi nhìn người phụ nữ xanh xao cùng ba đứa trẻ nheo nhóc và anh chàng Trương Công Khanh (em chồng của Kim Anh) đã 23 tuổi ngồi oằn ẹo muốn ngã ra khỏi ghế do cột sống quá yếu. Khanh cố nói cho thành tiếng gọi chị dâu lại kéo giùm ghế (và người Khanh) lại sát vách cho em dựa lưng, an toàn... Chỉ biết im lặng!
Theo Kim Anh cho biết thì trước đây, cha chồng cô còn sống, ông cũng phụ giúp gia đình được ít nhiều. Nhưng ông đã qua đời cách đây sáu tháng. Mọi việc trong nhà chỉ mỗi mình cô cáng đáng. Nghèo càng nghèo thêm.
Tôi nhìn ra những căn nhà chung quanh, phần lớn trong khu vực này là nhà cán bộ nhà nước, vốn là ‘Việt Cộng nằm vùng’ trước 1975, nhà nào cũng bề thế, kín cổng cao tường.
Giữa núi rừng vắng vẻ, ở trong một căn nhà vắng vẻ, thiếu trước hụt sau trong khi chung quanh mình mọi nhà đầy đủ tiện nghi... Tôi hiểu vì sao người mẹ trẻ này lại có gương mặt buồn và cơ cực đến vậy!
Kim Anh nói với tôi, có nhiều đêm bé Bích Ngọc đau nhức trong người, kêu khóc. Nhưng con cô khóc một thì cô đau đến mười, và cô mong sao trời thật lâu sáng, vì có sáng ra cũng chẳng giúp được gì cho con mình, cô không có tiền để đưa con đi bệnh viện.
Tôi hỏi bé Bích Ngọc lúc này thấy ngón tay như thế nào, có đau không, bé cười hồn nhiên lắc đầu, nói không đau, vì mới ăn kẹo vào nên hết đau rồi. Tôi hỏi buổi tối bé có đau không, bé tái mặt, lắc đầu và khóc, bảo mẹ đừng cắt ngón tay của bé, bé sợ lắm.
Kim Anh dỗ con và giải thích với tôi là do nhiều lúc bé Ngọc đau quá, cô nói liều rằng giờ nhà mình không có tiền đi bệnh viện, thôi để mẹ cắt ngón đau cho con, đau một lần rồi thôi.
Kể đến đây, cả hai mẹ con Kim Anh ngồi khóc thút thít.
Tôi tạm biệt, gia đình Kim Anh, tặng vài đồng cho bé Ngọc ăn quà và hứa sẽ tìm cách vận động, quyên góp cho Kim Anh một ít tiến để cô làm vốn nuôi heo. Cô gật đầu cám ơn tôi rối rít.
Trên đường về, tôi lan man nghĩ đến thân phận con người, sự chuyển dịch về ý niệm. Mọi thứ quả thực rất vô thường. Ý định ban đầu của tôi là lên thăm, mục kích sở thị em bé có bộ phận thân thể khác thường chứ không có ý gì khác.
Nhưng gặp rồi, tôi hiểu ra chuyện hiếu kỳ, tìm một điều gì đó lạ sẽ chẳng còn ý nghĩa gì khi cái lạ ấy hằng ngày sống, thở theo một nhịp rất quen thuộc của người Việt Nam: Buồn, chán chường và tương lai mù mịt!

No comments:

Post a Comment