Bề dày lịch sử của đời sống tu trì ở Việt Nam chưa có mấy. Còn phải nhiều thế hệ nữa may ra mới tạo nên được một truyền thống. Còn bây giờ cứ phải xây dựng từ từ mà phần căn bản là tạo nên một tinh thần và một lý tưởng đích thật của đời tu là tìm sự hoàn thiện của đức mến yêu, để đem Chúa đến cho mọi người, hay gọn hơn là theo Chúa Ki-tô với ý nghĩa chặt chẽ và đầy đủ nhất của kiểu nói đó.
Đời tu hiện nay ở Việt Nam có những điều đáng nói, một phần để cảm tạ ơn Chúa vì Người đã ban cho Giáo hội tại đây một tình trang rất đáng phấn khởi bởi có đông người đi tu, một phần cũng đề nhân cơ hội suy nghĩ lại về đời tu cho đúng nghĩa.
1. Một tình trạng phấn khởi
1.1 Hoàn cảnh đổi thay
Có nhiều sự việc trong đời tu hiện nay làm cho người ta phấn khởi. Rõ rệt nhất là hoàn cảnh bây giờ ở nhiều nơi, nhất là tại các thành phố lớn, đã có nhiều thay đổi so với mấy chục năm về trước.Từ tình trạng tu chui tu lủi, đêm đêm phải lo chạy trốn, mỗi khi công an đến khám xét hộ khẩu, muốn vào chủng viện hay tu viện, phải qua việc duyệt xét lý lịch của công an khu vực, học xong rồi không biết có được chịu chức hay không và khi nào được chịu, lễ khấn dòng thì phải âm thầm kín đáo và thường phải làm vào lúc thật sớm, ra đường thì không dám mặc áo dòng và nhiều khi phải giấu danh tính là tu sĩ hay linh mục cho đến nay với những sự kiện tiếp theo, bức tranh về đời tu nhìn từ bên ngoài, xem ra đã hoàn toàn đổi khác.
1.2 Nhà cửa được mở mang xây cất
Những năm gần đây các nhà dòng được mở mang xây cất khá nhiều suốt từ Nam chí Bắc. Những dòng tu bị lấy nhà khi trước, như Chúa Cưu Thế, Dòng Tên, Đa Minh, Don Dosco, La san, Xi-tô nay đã mở học viện và xây cất cơ sở mới. Các dòng nữ như Đa Minh Lạng sơn, Tam Hiệp, Thái Binh Thánh Tâm, Rosa de Lima, Mân Côi Bùi Chu, Chí Hoà, Mến Thánh Giá Chợ Quán, Đà lat, Gò vấp, Thanh Hoá, Thủ Thiêm, Thánh Phao-lô thành Chartres v.v… dòng nào cũng thấy phát triển mạnh mẽ về cơ sở và nhân lực. Nhiều dòng lại có cả chi nhánh ở Âu Mỹ nữa. Hiện nay có đông người vào tu. Vì thế, các dòng đã phải mở thêm nhà, xây thêm lớp. Trái với cảnh tu phồn thịnh ở Việt Nam, tình trạng các dòng tu bên Âu Mỹ thất là ảm đạm. Bởi vậy, có một số dòng tu bên đó đã cử người sang Việt Nam tìm hiểu và chiêu mộ ơn gọi. Người ta muốn đưa các tu sĩ Việt Nam sang tu ở nước ngoài. Cảnh phồn thịnh về dòng tu ở Việt Nam đã là niềm vui và sự tự hào của nhiều người. Thật là một ơn lành của Chúa đáng cho mọi người phải dâng lời tạ ơn. Nhưng dư luận lại nói rằng chớ thấy nhiều mà đã vội vui như một bài báo của linh mục Nguyễn hồng Giáo, cách đây mười mấy năm.
2. Lý do hay động lực thúc đẩy đi tu
Có nhiều động lực và lý do khiến người ta đi tu, tùy theo hoàn cảnh hay thời điểm nào. Đại khái có những lý do sau đây:
2,1 Được khơi gợi
Đây là trường hợp các chú bé và các cô gái nhỏ ở các xứ miền quê ngoài Bắc vào tiền bán thế kỷ XX. Những cô cậu bé này thường là những trẻ em ngoan nguỳ đạo hạnh, vẻ mặt khôi ngôi, tính tình dễ mến. Có người trông thấy buột miệng nói: “Sau này làm ông cha hay bà phước được đấy!”. Thế là ý tưởng đó in vào đầu óc các em. Khi gặp cha hay bà phườc nào, có người lại gợi ý. Rồi cha hay bà phước đó nhìn những em ấy thấy được thì nhận đỡ đầu, lo giúp cho vào tiểu chủng viện hay đệ tử viện. Khởi đầu các ơn gọi thường là như thế vào thời còn có những tổ chức này.
2,2 Được thúc đẩy từ bên trong
Khi lớn lên, có những thanh niên thiếu nữ, vào một lúc nào đó, nghe được tiếng Chúa gọi thầm kín từ bên trong, bắt đầu băn khoăn suy nghĩ, bàn hỏi rồi quyết định. Đó là trường hợp hay xảy ra ngày nay. Mấy năm vừa qua, trong Ban Hợp Xướng Pio X có ba trường hợp như thế. Trước hết là một anh xin vào chủng viện nay đang làm phó xứ một họ đạo miền quê. Rồi một anh khác sau vài năm sinh hoạt đã xin vào đại chủng viện, nay đang học năm thứ ba. Cuối cùng một chị cũng mới rời gia đình vào nhà tập một dòng nữ đầu năm học này.
2.3 Thấy đời tu hấp dẫn
Có những thanh niên thiếu nữ thấy đời tu hấp dẫn. Vẻ hấp dẫn ấy có thể đến tứ cá nhân tu sĩ, do tài năng, đức độ hay dáng vẻ lôi cuốn bên ngoàì. Rồi những người ấy tự bảo: phải chi mình cũng đi tu để được như vậy. Người khác lại nghĩ rằng trong nhà tu có nhiêu điều kiện thuận lợi để thành người giỏi giang: nào là nhà cao cửa rộng, phương tiện, sách vở, máy móc, xe cộ đầy đủ, lại có hy vọng được du học nước ngoài nữa v.v…
3. Lợi điểm và trở ngại
Người ta thường nghĩ đi tu sẽ được thảnh thơi thoải mái, không phải lo nghĩ đến nhiều chuyện như ở ngoài thế gian, đêm ngày chỉ đọc kinh cầu nguyện và làm các công việc trong dòng thôi. Đúng như vậy, nếu ai đi tu mà để toàn tâm toàn ý vào những công việc này. Nhưng không phải hoàn toàn thế, vì vẫn còn nhiều trở ngại do hoàn cảnh hay tính tình xui khiến, nên chưa triệt để dứt khoát được. Bởi vậy mới có những người phải bỏ đời tu đi sang một hướng khác, đành rằng đời tu có những lợi điểm về tinh thần và vật chất.Về tinh thần thì được học hành, huấn luyện, về vật chất thì thường được ở những nơi nhà cao ráo sạch sẽ với các phương thế thuận lợi. Những thứ đó, nếu ở ngoài đời, nhất là tại nông thôn, thì chắc hẳn nhiều người không có. Thành ra đời tu cũng là điểm thu hút đối với một số người. Họ nghĩ rằng đây lá một bước đường thăng tiến, đi tu được xã hội vị nể, cha mẹ được gọi là ông bà cố, và khi qua đời được cử hành lễ đồng tế v.v…
Đó là nghĩ và nói theo lối đời, còn khi đã vào tu thì cần phải gạn lọc và trút bỏ những ý tưởng trần tục đó đi. Có như vậy thì đời tu mới giữ được phẩm chất và người tu mới đich thật là những người đi tìm Chúa đẻ thấy Chúa, rồi đem Chúa đến cho người khác, như lời một tác giả tu đức người Bỉ, linh mục kinh sĩ Jacques Leclerc viết trong cuốn La vocation religieuse (Ơn gọi tu trì). Phẩm chất của người đi tu tùy thuộc ở tinh thần và đức độ hơn ờ những gì khác. Đi tu không phải để thành người chuyên nghiệp nổi tiếng về bộ môn này hay bộ môn khác, mà chính là để thành người của Chúa. Người của Chúa là người tìm điều thế gian tránh và tránh điều thế gian tìm, như ĐGH Phao-lô Vl nói. Người ấy cũng là người ở đời hơn mà lại ít thuộc về đới hơn, như lời một trong bảy nhà thần học nổi tiếng nhất thế kỷ XX, HY Yves Congar phát biểu. Những lời này vắn gọn nhưng ý nghĩa thật sâu sắc.
Người đời tìm danh vọng, tiền bạc, vui thú. Người đi tu tránh những thứ đó. Người đời tránh hy sinh, hãm mình, khổ chế. Người đi tu tìm những thứ đó, để kiện toàn bản thân, hầu noi gương Chúa Giê-su đã không giữ khư khư địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Người đi tu được kêu gọi dấn thân vào đời để chia sớt niềm vui, nỗi buồn trong thân phận làm người của mọi người, cho hợp với chính sách có mặt của Hội thánh trong xã hội ngày nay, hầu trở nên biểu hiểu huy hoàng của Nước Chúa ở trần gian này, như sắc lệnh Perfectae caritatis (Đức ái hoàn hảo) của Công đồng Va-ti-ca-nô ll nêu rõ. Chúa dạy: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ ” (Mt 8,22), nghĩa là để cho người đời lo việc đời, còn mình là linh mục, tu sĩ thì hãy lo các công việc của Chúa là gây dựng Hội thánh, giáo dục đức tin, củng có đạo lý cho tín hữu.
Mhững lợi điểm nói trên về đới tu không che khuất nổi các nỗi khó khăn và lo ngại của các vị bề trên về tình trạng hịện nay của các tu sĩ. Mới đây, trong buổi nhậm chức của vị tân giám tỉnh Dòng Tên Việt Nam, linh mục Giu-se Phạm thanh Liêm, người ta đọc thấy trên mang Vietcatholic ngày 5.11.2010, những lời lẽ sau đây: “Có tình trạng mất lửa nơi nhiều tu sĩ. Khi mất lửa yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, người ta cũng chẳng còn sống nội tâm để thành khí cụ trong tay Chúa sử dụng để đem lại hoa trái thiêng liêng nơi các tâm hồn.”
Khi đang chữa bệnh ở Hoa kỳ,trong một buổi chuyện trò với linh mục Nguyễn hữu Lễ, ĐC Tuyến có cho biết mối bận tâm của ngài về các linh mục trẻ mới chịu chức trong giáo phận. Có lẽ vì vậy, ngài ít truyền chức và có truyền chức rồi thì cũng để các linh mục ở toà giám mục chưa bổ nhiệm ngay đi các xứ. Có thể ngài đã được nghe nói về phản ứng của giáo dân đối với phần đông các linh mục trẻ hiện nay. Đại khái người ta cho rằng các linh mục bây giờ không được huấn luyện chặt chẽ và kỹ lưỡng như ngày trước, khi còn có các tiểu chủng viện hay đệ tử viện. Ngoài ra, giới trẻ hiện nay lại sống trong một hoàn cảnh xã hội suy đồi về nhiều mặt. Người ta sống che đậy, gian dối và ích kỷ. Não trạng của giới trẻ tu sĩ hiện nay khó lòng mà không bị lây nhiễm bởi cách hành xử và lý luận của tuổi trẻ bây giờ. Có nhiều người đi tu chưa hẳn vì lý tưởng ơn gọi cho bằng những lợi thế có được trong đời sống tu trì. Có thể cũng vi vậy mà xẩy ra tình trạng thiếu lửa như nói ở trên. Hơn nữa, thói quen trong đời tu ở Việt Nam xem ra như ít đòi hỏi về đức nghèo khó cá nhân. Một tu sĩ ở Pháp chẳng hạn, ít có đồ dùng máy móc cá nhân. Đồ vật chung của tu viện thì không thiêu, nhưng vật dung cá nhân thì khá hạn chế. Ít người có máy vi tính, thu thanh, máy ảnh riêng, trong khi ở Việt Nam, chuyện này coi như bình thường. Đây chính là một hình thức khổ chế. Ở Việt nam, hình thức này bị xem nhẹ. Có thể vì thế một số người thích đi tu, vì nghĩ rằng vào tu rồi thì trước sau, thế nào mình cũng có những thứ đó.
Kết luận
Đời tu ở Việt Nam hiện nay sầm uất, phát triển mạnh và trông rất ngoạn mục, qua các cơ sở và số người vào tu. Nhưng tình trạng này liệu có kéo dài được chăng và kéo dài được bao lâu nữa ? Ở Âu Mỹ, đã có những thời đời sống đạo rất phồn thịnh, nhà dòng, nhà thờ đầy người. Bây giờ thì nhiều nhà thờ phải bán đi, nhiều tu viện không có người ở. Mong rằng tình trạng này không xảy đến cho Việt Nam, nhưng do hoàn cảnh kinh tế, xã hội, nhiều khi rất khó. Vì vậy, phải lo đề phòng và chăm sóc đời sống đức tin, chú trọng về phẩm hơn về lượng, tuyển lựa và huấn luyện cho thật kỹ lưỡng. Bề dày lịch sử của đời sống tu trì ở Việt Nam chưa có mấy. Còn phải nhiều thế hệ nữa may ra mới tạo nên được một truyền thống. Còn bây giờ cứ phải xây dựng từ từ mà phần căn bản là tạo nên một tinh thần và một lý tưởng đích thật của đời tu là tìm sự hoàn thiện của đức mến yêu, để đem Chúa đến cho mọi người, hay gọn hơn là theo Chúa Ki-tô với ý nghĩa chặt chẽ và đầy đủ nhất của kiểu nói đó.
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
No comments:
Post a Comment