Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, November 26, 2010

Doanh nhân châu Âu : Việt Nam cần đơn giản hóa việc cấp phép đầu tư

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã vươn lên đứng đầu danh sách các nước ngoài khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc) đang được giới đầu tư quốc tế quan tâm. Tuy nhiên, Việt Nam phải tháo gỡ một số « nút chặn » làm nản lòng doanh nhân ngoại quốc để tranh thủ thời cơ này. Trên đây là nội dung khuyến nghị của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam EuroCham trong quyển “Sách trắng 2011” về thương mại và đầu tư tại Việt Nam công bố hôm 25/11/2010.
Theo EuroCham, Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế kinh tế quan trọng : chi phí nhân công tương đối thấp, nhiều tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa dư thuận lợi, thị trường nội địa rộng lớn đang tăng trưởng, ổn định về chính trị… Thế nhưng, đối với tổ chức đại diện cho các doanh nhân châu Âu, đầu tư vào Việt Nam vẫn có thể hàm chứa rủi ro.
Theo ông Matthias Dühn, giám đốc điều hành Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, thông điệp quan trọng trong quyển sách trắng dày 236 trang vừa công bố là chính phủ Việt Nam đã thực hiện được một số « bước tiến nhỏ, nhưng nhiều nút chặn còn tồn tại. »
Về phần mình, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham, đã ghi nhận tiến bộ của Việt Nam trong việc hoàn thiện các bộ luật mới quy định việc quản lý ngân hàng trung ương và các tổ chức tín dụng. Ông cũng hoan nghênh kế hoạch thử nghiệm quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân trong một số đề án thí điểm.
Tuy nhiên, ông Cany kêu gọi chính phủ cố gắng nhiều hơn nữa trong việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư còn rất phức tạp tại Việt Nam. Đối với chủ tịch EuroCham, nếu không nhanh chóng cải thiện tình trạng này, Việt Nam có thể bị thua thiệt so với các nước khác trong khu vực, như Indonesia chẳng hạn, đã thực thi chính sách "một cửa" cho giới đầu tư nước ngoài để họ dễ dàng hoàn tất toàn bộ các thủ tục giấy tờ cần thiết ban đầu.
Theo ông Cany, các nhà đầu tư vào Việt Nam phải đợi tới 6 tháng mới có giấy phép đầu tư trong khi tại các nước cùng khu vực chỉ mất 5 hoặc 6 tuần.
Ông Matthias Duhn xác định rõ : « Chúng tôi kiến nghị Việt Nam chuyển sang mô hình phê duyệt “một cửa” như nhiều quốc gia khác trong khu vực. Thời gian là tiền bạc và chúng tôi vẫn còn mất nhiều thời gian trong vấn đề này và chúng tôi mong sao thời gian cấp phép sẽ được cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa”.
Nhìn chung, theo EuroCham, chính phủ Việt Nam nên tập trung giải quyết các rào cản căn bản đang ngăn trở sức cạnh tranh của Việt Nam, như tiếp tục ưu tiên cải cách hành chính, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và giải quyết nạn quan liêu, tham nhũng.
Có như vậy thì Việt Nam mới tranh thủ được ưu thế ‘’điểm đầu tư hấp dẫn’’ đạt được gần đây. Theo giới quan sát, trong một vài năm qua, Việt Nam luôn luôn được các doanh nhân quốc tế xem là nơi đầu tư đáng chú ý nhất trong số các nền kinh tế đang vươn lên. Một trong những thí dụ điển hình phản ánh mối quan tâm này là kết quả cuộc thăm dò mới nhất của Cơ quan thương mại và đầu tư Anh Quốc - Trade&Investment UK - công bố cách đây 2 tháng.
Theo bản điều tra này, thì trong số các thị trường đang vươn lên nói chung, Việt Nam được coi là một trong ba điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong hai năm tới đây, chỉ đứng sau Trung Quốc, nhưng đứng trước Ấn Độ. Nếu không tính đến Trung Quốc và Ấn Độ, đã được xếp vào khối BRIC, thì Việt Nam đứng đầu danh sách, và năm nay là năm thứ ba liên tiếp.
Trong giới đầu tư quốc tế hiện nay, Việt Nam được xếp vào nhóm 6 quốc gia đầy triển vọng, được mệnh danh là nhóm CIVETS, từ tắt tiếng Anh của Colombia (Nam Mỹ), Indonesia, Việt Nam, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi. Đây là nhóm nước được cho là sẽ có tốc độ tăng trưỏng kinh tế cực nhanh trong thâp niên này.

No comments:

Post a Comment