Nhất là các chị em phụ nữ trong dịp này lại bận rộn hơn hẳn để chuẩn bị tiệc, cũng như trang hoàng nhà cửa đón lễ. Nhưng điểm đặc biệt là họ đã mang vào những ngày lễ này hơi thở Việt, thể hiện qua các món ăn được cải biên hay các món ăn Việt.
Tạp chí phụ nữ đã trò chuyện với một số chị em phụ nữ hiện đang sống ở Mỹ để tìm hiểu về những suy nghĩ của họ về những ngày lễ này và cách mà họ chuẩn bị đón lễ ra sao.
Nhập gia tùy tục
Những ngày này, các cửa hàng, cửa hiệu tại Mỹ lại đầy ắp các thực phẩm để nấu cho các món ăn truyền thống của người Mỹ vào ngày lễ tạ ơn sắp tới. Nhiều nơi, các tấm thiệp và gói quà giáng sinh cũng đã được bày bán. Người dân Mỹ đang chuẩn bị để đón hai ngày lễ lớn nhất trong năm này của mình. Và đây cũng là dịp mà những người phụ nữ bận rộn nhất mà cũng có thể coi là hạnh phúc nhất trong năm khi chuẩn bị tiệc và quà cho cả gia đình.Ngày lễ tạ ơn tại Mỹ được chọn là ngày thứ 5 của tuần thứ 4 trong tháng 11. Ngày lễ này bắt nguồn từ này lễ thu hoạch mùa màng có nguồn gốc từ châu Âu. Đây là ngày để người ta bày tỏ sự biết ơn đối với Thượng đế, người thân trong gia đình, cùng bạn bè vì những gì mình đã có cả về vất chất lẫn tinh thần.
Tại rất nhiều gia đình người Việt di cư sang Mỹ từ lâu nay, những ngày lễ này cũng được đón chào chả kém gì ngày Tết ở Việt Nam vậy. Mặc dù vậy, ngày mới đầu sang nhiều nhà cũng cảm thấy lạ lẫm vì ở Việt Nam không có mấy người biết ngày lễ tạ ơn là gì. Chị Trang, một phụ nữ mới theo chồng sang định cư tại Virginia hơn hai năm nay cho biết:
"Christmas thì ở Việt Nam còn biết, còn Thanksgiving ở Việt Nam không biết. Năm đầu tiên em sang em rất bỡ ngỡ về ngày này vì ở Việt Nam mình không có ngày này, không có ngày tạ ơn trời đất như thế này."
Đối với những người đã sang lâu năm thì việc chào đón những ngày này đã trở thành quen thuộc từ lúc nào không hay. Ký giả Triều Giang của báo Ngày Nay tại Houston nói:
"Đối với những người Việt Nam mới sang Mỹ thì thời gian đầu mới tới, cũng tùy nơi mình tới, như chúng tôi hồi mới sang năm 1979, những người bảo trợ đón chào ngày lễ Tạ ơn rất long trọng thì mình cũng đón chào, rồi nó quen đi. Cho nên ngay trong gia đình chúng tôi, ngày này cũng là ngày lễ quan trọng trong năm.
Không phải chỉ là vì mình đi theo họ, mình coi như ăn mừng ngày lễ này. Chính ngày lễ tạ ơn cũng có ý nghĩa, nó là ngày mình tạ ơn những người đã làm ơn cho mình, cha mẹ, anh em, những người bạn. Do đó gia đình tôi sang đây năm 1979 thì cũng coi đó là ngày lễ tạ ơn là ngày lễ trong gia đình."
Trong ngày lễ tạ ơn tại Mỹ, các gia đình thường xum họp và làm một bữa tiệc lớn với các món ăn truyền thống như gà tây nướng với món nhồi là bánh mì khô, khoai tây nghiền, khoai lang, nước sốt cranberry, salad, bánh nhân bí rợ. Đây là ngày mà người phụ nữ tại các gia đình phải bận rộn hơn thường ngày dù không phải đi làm, vì phải chuẩn bị bữa cơm lớn cho cả gia đình. Ký giả Triều Giang cho biết:
" Hầu hết ngày lễ Tạ ơn thì vấn đề làm gà tây và tiệc thì phụ nữ cũng rất bận bịu, rồi con cái được nghỉ học, nên ngày đó trở thành ngày lễ rồi, phụ nữ rất bận bịu với nấu nướng, và gia đình. Mà nhập gia thì tùy tục, bản thân gia đình tôi cũng như các gia đình mà chúng tôi quen biết thì chuyện phụ nữ bận rộn bếp núc và trang hoàng nhà cửa."
Mang hồn Việt vào món tây
Chị Triều Giang nói phụ nữ Việt vào ngày này ngoài việc làm các món ăn truyền thống của Mỹ, còn hay làm thêm các món Việt nữa như xôi, chả giò vì các ông chồng ở nhà đôi khi lại nhớ món Việt vào những ngày lễ đặc biệt như thế này. Chị Triều Giang nói tiếp:"Phụ nữ và người di cư nói chung là ăn uống dữ lắm. Thường thì nhà nào cũng có con gà tây, rồi nhà nào cũng làm món gì đó phụ chứ không chỉ như người Mỹ. Người Mỹ thường có thêm rau xà lách, rồi món nhồi gà tây. Người mình thì ăn rất là kỹ, ngoài gà tây ra thì mình còn làm chả giò, xôi, nhà nào khá hơn thì còn ăn tôm hùm. Dân mình còn ăn kỹ hơn dân bản xứ.Phụ nữ Việt Nam mình khéo lắm. Sau này có chợ búa đông đảo thì bớt đi, nhưng trước đây khi chúng tôi sang sớm, những ngày lễ đó, chúng tôi phải tự học nấu món Mỹ, nấu con gà tây, rồi món apple pie hoặc bánh ngọt nhân bí rợ để tráng miệng, rồi có bánh mì khô nhồi gà, rồi rau hấp để trong con gà để có hơi gà. Nói chung phụ nữ Việt Nam rất giỏi, không những nấu giống người Mỹ mà còn pha chế ra nhiều món ăn độc đáo.
Nhưng trong gia đình thì ông bố thường nhớ những món ăn Việt Nam, nên ngoài gà tây, và các đồ khác ra thì bao giờ cũng có một số món ăn Việt Nam khác cho nên nói chung phụ nữ Việt Nam rất bận rộn trong những dịp lễ đó."
Thường thì tại hầu hết các gia đình Việt Nam, vào ngày lễ tạ ơn đều có món gà tây. Nhưng cũng có gia đình chọn không làm món này vì nướng rất lâu. Mặt khác vị gà tây béo ngậy đến mức mà nhiều người Việt không quen. Vì thế có gia đình, chị em phụ nữ sáng kiến chuyển sang nướng gà thay vì gà tây, mặc dù công thức vẫn như nấu gà tây. Chị Hồng ở tiểu bang Virginia nói về bữa ăn ngày lễ tạ ơn mà chị làm cho gia đình như sau:
"Mình ở Mỹ, con cái đi học, thì mình cũng nấu đồ Mỹ như gà tây. Còn đồ Việt Nam thì ngày nào mình nấu cũng được. Nhưng Thanksgiving là ngày lễ truyền thống của Mỹ thì mình cũng theo phong tục của nó. Việt Nam mình thích ăn gà thì ngon hơn, mình làm khoai tây nghiền, xà lách, mình làm theo kiểu Mỹ. Mỹ thì người ta nấu gà tây hơi lâu nên mình làm gà, mình cũng nướng, …rồi cranberry, chị cũng làm bắp nữa. Rồi làm pumkin pie. Con mình đi học, ở trong trường nhiều khi nó cũng ăn nên mình cũng làm cái đó ở nhà cho nó biết đồ nấu ở nhà."
Lại nói đến chuyện làm gà tây. Đây là món đặc trưng của người Mỹ nhưng đối với nhiều phụ nữ Việt, gà tây không phải là món chế biến quen thuộc. Nếu như có ai đó ở Việt Nam đã từng nấu món gà tây thì cách nấu cũng khác xa ở bên Mỹ. Đây là món gây nhiều bỡ ngỡ nhất cho các chị em phụ nữ Việt Nam khi chuẩn bị bữa tiệc cho lễ tạ ơn đầu tiên tại Mỹ. Chị
Trang cho biết:
"Em rất bỡ ngỡ. Gà tây ở Việt Nam cũng có nhưng ở Việt Nam khi người ta nấu người ta cắt ra từng miếng từng miếng nhỏ, còn ở Mỹ này mình nướng nguyên cả con lớn."
Chị Trang cho biết chỉ sau một năm đầu tiên bỡ ngỡ, đến năm sau được cô dạy cách nấu món ăn Mỹ cho ngày lễ Tạ ơn, giờ chị đã có thể làm gà tây theo kiểu Mỹ và bữa ăn ngày lễ Tạ ơn cũng có đủ các món truyền thống như của Mỹ.
Nhớ Tết Việt Nam
Những ngày lễ này ở Mỹ cũng đem đến cho các chị em phụ nữ Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ những cảm nghĩ khác nhau. Người mới sang thì nhớ nhà vì thấy cảnh các nhà xum họp chả khác gì tết bên Việt Nam. Chị Trang nói:"Nó cũng giống Việt Nam, nhưng mình rất là buồn vì xa cha mẹ, chỉ sống bên chồng và người thân bên chồng, hoặc những người bên Mỹ mình mới quen."
Chị nói chị không có háo hức chờ đón những ngày này như khi còn ở Việt Nam háo hức đón chờ ngày tết đến.
Trong khi đó chị Hồng, người đã định cư tại Mỹ hơn 20 năm thì lại nói gia đình chị đón chờ ngày giáng sinh con hơn cả ngày Tết Việt Nam vì lúc đó cả một gia đình lớn đòan tụ, còn ngày Tết cổ truyền ở bên Mỹ thì mọi người ai cũng phải đi làm. Chị nói:
"Chị ăn Christmas to hơn, tại vì mình được ăn những món Việt Nam, hai ngày lễ này cũng sát nhau, cách nhau có 1 tháng, mình ăn đồ Mỹ Thanksgivng rồi thì Christmas ăn đồ Việt Nam. Mình cảm thấy là mình làm cả năm rồi, những ngày đó mình được nghỉ ở nhà chơi với con, chồng, rồi được nấu các món ngon cho chồng con, cho cháu, anh chị tới chơi vui, thì chị thấy cũng vui."
Theo ký giả Triều Giang, việc buồn, nhớ nhà vào các ngày này đối với người Việt mới sang là chuyện hết sức bình thường, nhưng năm tháng qua sẽ giúp các chị em dần nguôi ngoai. Hơn nữa theo chị, vào những ngày này, vai trò của các chị em phụ nữ lại càng trở nên quan trọng để giúp cho cả gia đình nhanh chóng hòa nhập với xã hội mới. Chị giải thích:
" Thời gian sẽ giúp rất nhiều. Như chúng tôi mà gặp những người mới qua đó thì vào ngày lễ thường mời họ qua chơi, cũng ăn uống quây quần vui vẻ, trẻ con chơi game, người lớn ăn uống nói chuyện hàn huyên để giúp các gia đình mới qua.
Còn tự trong gia đình họ thì lời khuyên của tôi là tôi nghĩ rằng cái chuyện mới sang mà nhớ gia đình thì là dĩ nhiên, không phải làm gì thái quá gọi là dẹp nỗi buồn ngay lập tức được. Nhưng đồng thời cũng cố gắng hội nhập. Những ngày đó các cháu ở nhà thì dù sao mình cũng phải làm bữa ăn, cố gắng học hỏi để làm bữa ăn đó.
Đặc biệt các em nhỏ đi học, các em vào lớp cũng được nói về lễ Thanksgiving, Nô en. Mấy năm đầu mình buồn thì không có cách gì. Những người phụ nữ nên cố gắng gặp gỡ bạn bè, ở nhà thì làm những bữa tiệc, làm những đồ ăn Việt nhiều trong những năm đầu, nhưng các cháu sẽ hỏi con gà tây của con đâu."
Nền kinh tế Mỹ mấy năm nay đang gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng tài chính, tỷ lệ người thất nghiệp vẫn còn ở mức xấp xỉ 10%. Vì vậy nhiều gia đình người Việt bên này cũng phải chịu những khó khăn nhất định. Nhưng cũng không phải vì thế mà các gia đình không chuẩn bị chào đón hai ngày lễ này. Tất cả đều phụ thuộc vào bàn tay khéo léo đảm đang của các bà vợ, bà mẹ trong nhà để làm cho bữa tiệc lễ Tạ ơn ấm cúng và ngày lễ Giáng sinh tươi vui không kém gì mọi năm.
No comments:
Post a Comment