Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, November 28, 2010

Bạn đọc viết: Đọc bài Tham luận của ĐGM Đà Nẵng – Phần II


Cũng như chúng tôi đã nói ở phần một: nếu “cánh thư” ngày 15/07 gởi HĐGM thiếu tính nghiêm túc và sự cẩn trọng cần thiết, ở đây học thuyết này cũng thiếu một suy tư chín chắn, trước khi được trình bày ở ĐHDC.
Cứ truyền túi bụi, truyền liên tục, truyên tưng bừng, truyền tơi bời, truyền lấy được, nhắm mắt mà truyền như vậy, hậu quả sẽ thế nào?
Nhất là khi phải đối mặt với câu hỏi sau đây: phải giải thích thế nào về đường hướng truyền giáo này ngay chính trong biến cố Cồn Dầu? Nếu sự hiện diện của các đại biểu hải ngoại “nhắc” cho Đức Cha về việc đem lưới truyền giáo Việt Nam đi thả ở nước ngoài, thì, nhân tiện, chúng con cũng xin “nhắc” cho Đức Cha về bài giảng của mình ở Cồn Dầu. Đức Cha chưa quên?
Như đã thưa trước, kỳ này xin đọc lại bài tham luận. Sau khi đã quan sát hai hiện tượng nhà trẻ và nhà đất và xem đó như là “dấu chỉ thời đại” , nhất là dấu chỉ thứ hai đã “ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt” của Giáo Hội VN, tác giả đề nghị một học thuyết mới định hướng cho việc truyền giáo. Chúng tôi cố gắng theo sát tác giả và sẽ xin đề cập đến những điểm sau đây: Một vài điều cần bàn trong quan niệm “Truyền Giáo” của ĐGMĐN, Ngài đã làm gì để biện giải cho quan niệm này? Đâu là những hậu quả?
I. Hai nền mục vụ mới trong một quan niệm “truyền giáo” mới.
Trong phần nhập đề của tham luận, tác giả cho biết có “vài ý tưởng cụ thể liên quan đến sứ mạng loan báo Tin Mừng” để chia sẻ cho Đại Hội.
Thưa vâng. Chúng con mừng như giẫm phải vàng. Gì chứ chuyện cụ thể thì chúng con mong lắm
Không phải chờ lâu, khi đọc đến mục II (những dấu chỉ), độc giả biết rằng cái “cụ thể” này được gói gọn trong “hai hướng mục vụ cần xây dựng và định hình” , đó là “mục vụ nhà trẻ” , và “mục vụ nhà đất” .  Vì quan trọng, “không hề là chuyện đùa nghịch” , nên tác giả xin mọi người cùng suy tư và cầu nguyện. Vì lời cầu nguyện không phải là chỗ nên bàn ra bàn vào, người viết xin dừng lại chút ít ở phần “suy tư” .
1. Mục đích của ĐHDC, theo tác giả, chỉ tập trung vào vấn nạn Sứ Vụ mà thôi. Đây: “Từ lệnh truyền của Chúa Giêsu, trở thành bản chất của Giáo Hội, sứ vụ loan báo Tin Mừng không ngừng được Giáo Hội nhắc nhở và thực thi. Đại Hội Dân Chúa đang diễn ra, và mỗi người chúng ta đang hiện diện nơi đây cũng không ngoài mục đích này” (x. nhập đề). Điều này được khẳng định lần nữa, long trọng và quyết liệt, trong kết luận: “Việc xây dựng Giáo Hội bắt đầu với việc” đến với muôn dân” “ .
Có thật vậy hay không? Chúng con cứ tưởng truyền giáo chỉ là một nghị trình trong những nghị trình khác của Đại Hội chứ? Nếu Truyền giáo là lý do chính để mọi thành phần Dân Chúa hội về, hóa ra những bài tham luận khác không nói về Truyền Giáo chỉ là để chuẩn bị, dọn đường, và phát triển cho bài tham luận của ĐGMĐN? Và nếu vậy, khi cho rằng ĐH lần này tập trung vào Mầu Nhiệm-Hiệp Thông-Sứ Vụ, hóa ra bài giảng lễ khai mạc đã lạc đề?
Lý thuyết mà tác giả giới thiệu ở đây, mới nhìn qua cứ ngỡ như thật, vì không những bám rễ trong Lời Chúa, lại còn nằm trong đường hướng của Công Đồng Vatican II, và là tiếng dội lại lời phát biểu của Đức đương kim Giáo Hoàng. Và nhất là, cái giòng suy tư này sát với thực tế vì nảy sinh từ những gì xảy ra ở Đà Nẵng mà TGMĐN đang theo đuổi. Nhưng có thật rằng “việc xây dựng Giáo Hội bắt đầu với việc “đến với muôn dân” “, như tác giả khẳng định hay không? Hay khởi nguyên của việc xây dựng Giáo Hội nằm ở nơi nào khác?
2. Việc bắt đầu này được cụ thể trong hai đường hướng. Tác giả đã suy tư hai lần. Lần thứ nhất: “trong giòng suy tư ngày nay về một Giáo Hội Sứ Vụ phổ quát, tại sao chúng ta lại không thể nghĩ đến một nền mục vụ nhà trẻ’” . Người đọc cũng không biết tại sao, nhưng đoán trước được rằng cái “giòng suy tư ngày nay” này nó chảy đến đâu. Đây: hơi dè dặt, kín đáo, chậm chạp, nhưng rồi nó cũng chảy đến nơi cần đến: mục vụ nhà đất. Tác giả cho biết: “Nghĩ đến một hướng mục vụ cho vấn đề nhà đất hiện nay, gọi nôm na là “mục vụ nhà đất” , không hề là một ý tưởng đùa nghịch, thậm chí còn phải đặt lên hàng đầu, để mỗi chúng ta cùng suy tư, cầu nguyện. Đùa nghịch? Cụ ơi, có cho kẹo, bố chúng con cũng không dám đùa. Lâu nay chỉ thấy Cụ đùa thôi. Khổ quá đi mất. Nhưng nếu hôm nay Cụ nhất định không đùa, chúng con sẽ không ngại gì mà cùng “suy tư” với Cụ.
Đâu là tương quan giữa hai đường hướng mục vụ: nhà trẻ và nhà đất? Như đã nói, nếu “tại sao không nghĩ đến một nền “mục vụ nhà trẻ? “thì, cũng cùng lúc ấy, tác giả dứt khoát không quên nghĩ đến mục vụ khác. Vì thế, chúng ta không muốn dừng lâu ở MV nhà trẻ này, vì đó chỉ là cái cớ hoặc bước đệm để đi đến “mục vụ nhà đất” . Nói xa nói gần, cái này chẳng qua chỉ là con đường dẫn đến cái kia mà thôi.

Đó là hai điểm chính của một học thuyết vừa mới thành hình. Học thuyết này được sinh ra để giải thích những gì đang xảy ra ở ĐN, như là một “sự kiện nóng bỏng”  đứng lẻ loi bên lề của “nhịp chuyển mình chung của đất nước”(x. II. 2, “Mục vụ nhà đất”). Chúng tôi nghĩ, nên chăng tác giả cần thêm mấy lời này: từ kinh nghiệm của địa phận ĐN, tôi xin khiêm tốn chia sẻ thế này thế khác… Có phải thành thật hơn không?
Nhưng chúng ta để giờ bàn về chuyện khác. Cái đường hướng mục vụ nhà đất này có được suy tư nghiêm nhặt hay không? Nó có thọ được lâu, hay là cũng vắn số như bao nhiêu đường hướng khác của tác giả? Cách thật thà, tôi sợ rằng nó sớm chết yểu.
Hãy đi tiếp với tác giả một đoạn nữa để xem.
II. Làm sao để “suy tư”?
Có vội vàng không khi khẳng định quyết liệt và dứt khoát rằng “việc xây dựng Giáo Hội bắt đầu với việc “đến với muôn dân”“? Hãy đọc lại Kinh Thánh, Công Đồng và Tài Liệu Làm Việc.
1.Kinh Thánh nói gì? Đúng là lệnh truyền đi rao giảng Tin Mừng, rửa tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần là cấp bách. Nhưng cấp bách không có nghĩa là cứ xắn tay làm túi bụi, không chịu nhìn trước xem sau. Chưa nói tới việc Chúa Giêsu truyền lệnh này vào cuối đời trần thế, và lời này được ghi lại ở cuối Phúc Âm thánh Mathêu, Ngài đã chuẩn bị rất cẩn thận. Không ai có thể cho điều mình không có. Chúa sai các môn đệ đi giảng đạo trước rồi mới huấn luyện sau? Hay là Ngài đã cẩn thận dạy dỗ các môn đồ trước đã, rồi sau đó mới sai đi? Trước khi đi rao giảng Tin Mừng của Chúa, phải là môn đệ trước đã. Nếu không, nguy cơ sẽ rất lớn: người được sai đi, thay vì rao giảng Lời Chúa, lại tuyên truyền ý riêng mình.
Tác giả trích Công Đồng Vatican 2: “Công đồng Vatican II đã mở ra một trang sử mới với Sắc lệnh về Truyền giáo, Ad Gentes – Đến Với Muôn Dân, đặc biệt là chương VI, nói về sự cộng tác của các thành phần Dân Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng”(x. phần I, nhiệm vụ truyền giáo). Nhưng nếu mở Sách Công Đồng, chúng ta thấy gì? Sắc lệnh “Đến với muôn dân” không nằm ở trang đầu. Trước đó, đã có 4 Hiến Chế và 5 sắc lệnh khác. Trong diễn tiến các khóa họp, hay quá trình hình thành văn bản, hoặc lịch trình công bố, sắc lệnh này cũng không đứng đầu. Thời các Nghị Phụ hội Công Đồng, tác giả còn bé, không biết khóa nào họp trước họp sau, mỗi khóa bàn nghị chuyện gì là chuyện có thể thông cảm. Nhưng sách vở còn ghi lại rành rành ra đấy. Hoặc, nếu muốn, chỉ cần vô lưới internet là thấy ngay, không cần tìm đâu xa xôi gì.
Về TLLV được soạn thảo năm 2010, chỉ cần xem số 37 mà tác giả đã trích: “Số 37 của tập Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa chúng ta đang sử dụng, đã đề nghị như một ưu tiên, là làm thế nào để “gây ‎ý thức thừa sai nơi người tín hữu và các cộng đoàn tín hữu Việt Nam, để họ không chỉ bằng lòng với việc chu toàn các việc đạo đức, nhưng còn quan tâm đến việc làm chứng cho Chúa và Tin Mừng”. Xin trích nguyên văn như thế và nhân tiện xin gởi đến tác giả một câu hỏi nhỏ: theo ngữ pháp, cấu trúc “không những …mà còn” muốn diễn đạt điều gì? Chính tác giả cũng sẽ sử dụng cấu trúc này trong phần III: “Tôi nghĩ đến tấm lưới truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam không chỉ thả xuống biển quê Việt Nam này” (hiểu ngầm rằng còn nên thả ở biển khác). Nếu người ta cắt nghĩa câu này như sau: trước hết hãy thả lưới truyền giáo ở nơi khác, rồi sau đó khi quay về nhà, nếu còn giờ, thả xuống quê VN sau, tác giả nghĩ gì? Ai đã ít nhiều học qua ngữ pháp, không thể bảo rằng vế “mà còn”là ưu tiên hàng đầu và quan trọng hơn vế “không những” được. Lại thêm rằng cái “mà còn” là khởi nguyên, là chỗ bắt đầu của “không những” thì o ép nó quá. Nói vậy, là nói lấy được.
Bắt đầu bằng việc đến với muôn dân? Việc đến với muôn dân vô cùng cấp bách. Trăm ngàn lần triệu lần cấp bách, bao nhiêu lần cũng được, nhưng không phải là khởi điểm để từ đó xây dựng Giáo Hội. Đời sống Giáo Hội khởi nguồn từ chính Đời Sống của Chúa Ba Ngôi, Bố ạ! Chỉ cần cần thận đọc TLLV, lắng nghe các bài tham luận khác trong Đại Hội thì thấy điều này thôi. Không phải tìm đâu cho xa.
Thôi không nói đến những điều cao siêu quá. Con hỏi Cụ thế này: có ai nói việc làm hiên, làm hè, làm chái là sự bắt đầu của việc xây dựng một cái nhà hay không? Việc mở rộng một ngôi nhà là chỗ bắt đầu của công trình xây dựng?
Có ông kiến trúc sư nào mà điên như thế hay không? Hở giời?
2. Kinh Thánh, cũng như Công Đồng, cần đọc trong toàn bộ. Trọn bộ Kinh Thánh không chỉ có một lệnh truyền đi rao giảng không thôi, nhưng còn nhiều lời dạy dỗ khác của Chúa nữa. Cũng vậy, cả CĐ Vatican II không chỉ có Ad Gentes, cả Ad Gentes cũng không chỉ có câu đã được dẫn. Kinh Thánh và các văn kiện của CĐ Vatican II không phải là một đống gạch đá lộn xộn, để cho bất kỳ ai cũng có thể thò tay nhặt một hòn nhét vào chỗ này, lượm một viên khác bỏ vào nơi kia. Suy tư gì cho xa xôi, gần đây nhất ai cũng biết rằng Đức Tổng Kiệt không chỉ nói có một câu: “Chúng tôi chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” như báo đài cộng sản cố ý cắt xén.
Cũng nên nói qua về một lời của Đức Giáo Hoàng, được trích dẫn ở bài tham luận: đó là con đường “đối thoại thẳng thắn và hợp tác chân thành” (x. II.2). Chúng ta hy vọng tác giả có thể suy tư cụ thể thêm chút nữa về vấn đề này, chứ nêu ra một cách khơi khơi như vậy, độc giả có cảm giác rằng lời này của Đức Thánh Cha chỉ là bình phong cho một lập trường riêng nào đó. Tội nghiệp cho Ngài.
Tác giả hăng say nói về truyền giáo “mục vụ nhà trẻ”“mục vụ nhà đất” quá, nên quên cả nguyên tắc tối thiểu này. Bằng hai hướng mục vụ, truyền Giáo, truyền giáo, truyền giáo. Vâng, thì truyền!
Nhưng cũng nên xem trước nhìn sau rõ ràng hơn, rồi truyền, cũng chưa muộn.
Ở cuối phần III (Nước Trời như một tấm lưới), tác giả kêu gọi không chỉ thả tấm lưới xuống “biển quê Việt Nam này”… Vậy thì thả thêm ở đâu? Ngài cũng thật tình cho biết là thả ở hải ngoại. “Sự hiện diện của các đại biểu đến từ Hoa Kỳ” trong ĐHDC lần này “nhắc” Ngài cái nhiệm vụ bao la này của một nền mục vụ truyền giáo hải ngoại. Không phải chờ lâu, ngày họ được gởi lên đường đi Mỹ truyền giáo cũng không xa xôi gì.
III. Hậu quả.
Quan điểm cho rằng truyền giáo là khởi điểm của việc xây dựng GH ở GPĐN, và việc này đang được theo đuổi bởi  hai nền mục vụ nhà trẻ và mục vụ nhà đất cũng ở Giáo Phận này luôn, mới nghe qua ngỡ là mới và hay. Có điều những gì mới (nếu có) thì không hay, và những gì hay (hy vọng một ngày sẽ thấy) thì không mới. Và nhất là có thể gây ra những hệ quả không tốt. Tác giả trộn một ít lời Chúa, một ít Công Đồng, một ít Huấn Quyền hiện tại, để đưa ra một thần học mới về “mục vụ nhà trẻ” , và quan trọng hơn, về “mục vụ nhà đất” . Cũng như chúng tôi đã nói ở phần một: nếu “cánh thư” ngày 15/07 gởi HĐGM thiếu tính nghiêm túc và sự cẩn trọng cần thiết, ở đây học thuyết này cũng thiếu một suy tư chín chắn, trước khi được trình bày ở ĐHDC.
Cứ truyền túi bụi, truyền liên tục, truyên tưng bừng, truyền tơi bời, truyền lấy được, nhắm mắt mà truyền như vậy, hậu quả sẽ thế nào?
Nhất là khi phải đối mặt với câu hỏi sau đây: phải giải thích thế nào về đường hướng truyền giáo này ngay chính trong biến cố Cồn Dầu? Nếu sự hiện diện của các đại biểu hải ngoại “nhắc” cho Đức Cha về việc đem lưới truyền giáo Việt Nam đi thả ở nước ngoài, thì, nhân tiện, chúng con cũng xin “nhắc” cho Đức Cha về bài giảng của mình ở Cồn Dầu. Đức Cha chưa quên? Đức Cha đã khuyến khích rằng anh chị em đừng ngại đi xa và bị phân tán trong các vùng đất mới, vì đó cũng là, hay chính là, cơ hội để truyền giáo
Như vậy giáo hữu Cồn Dầu đang có một sứ mạng đặc biệt: họ sẽ lợi dụng cơ hội tản mác này mà đi truyền giáo luôn cho nó tiện.
Còn 40  người đang bỏ quê lánh nạn ở Thái Lan thì sao?
Thì cũng vậy, chứ còn sao nữa.
Nếu đi xa cũng là một cơ hội truyền đạo, nhân việc họ chạy sang tận Thái Lan, tôi đồ rằng không chừng nhờ vậy mà đã có thêm mấy người Thái Lan theo đạo? Rồi đây họ sẽ không ở đó được lâu, trước sau rồi cũng lo tìm đường qua Mỹ thôi, thì tiếp tục. Đã bỏ ông bỏ bà bỏ xứ đạo bỏ Cha bỏ Chúa chạy trối chết như vậy, phải học tiếng của nước người, phải tìm công ăn chuyện làm, rồi còn phải truyền đạo thêm cho  dân Thái Lan sau đó cho dân Mỹ nữa. Bỗng dưng, dù không muốn, vẫn phải nghĩ đến câu khẩu hiệu “một người phấn đấu làm việc bằng hai” của thời “kháng chiến chống Mỹ cứu nước”(!). Nay, Việt Nam mới Hoa Kỳ là bạn, thì việc gởi người sang truyền giáo cho họ cũng là việc cần làm. Dân Cồn Dầu vinh dự thật. Nhưng để mang cái vinh dự này, e rằng, quá sức của họ.
Có lẽ, nên nói về cái số phận của họ thì hơn?
Ai bảo đi tu là phúc? Phúc đức đâu chưa thấy, có ngày cả làng mang vạ như không.
Vài lời cuối.
Nói gần nói xa không qua nói thật, tại sao tác giả không nói huỵch toẹt ra rằng tôi có một sách lược và một chủ trương mục vụ rõ ràng cho những gì tôi đang theo đuổi ở Đà Nẵng? Nói cho ngay, thì tác giả cũng lưỡng lự: nếu mục vụ nhà trẻ có mặt tích cực và quả là “cơ hội lớn “cho các nữ tu” đến với muôn dân” , thì mục vụ nhà đất “không hề là ý tưởng đùa nghịch”.
Thưa Đức Cha, chúng con cũng không thích đùa mấy đâu ạ. Thứ nhất, vì đây không phải chỗ để đùa. Thứ hai, vì phải cầu nguyện. Thứ ba, phải suy tư thêm. Thứ tư, còn phải bàn hỏi cẩn thận nữa. Đôi khi mỏi mệt vì sự đời, chúng con cũng có đùa đôi chút. Nhưng ít khi chúng con đùa dai. Và thỉnh thoảng, chúng con cũng lưỡng lự.
Có điều, người thường chúng con, mỗi khi lưỡng lự, chúng con nói năng dè dặt và ấp a ấp úng lắm, hoặc chúng con suy nghĩ bàn hỏi thêm trước khi trình ra cho thiên hạ. Vì thế, chúng con rụt rè nghĩ rằng cả bài tham luận này, rốt cuộc, chỉ còn lại một câu hỏi suông. Hai cái “đường hướng mục vụ”, tội nghiệp, hơi vắn số, muốn nuôi nó chắc phải còn tốn nhiều thuốc thang và công sức. Nếu phải tổ chức một Công Đồng, tập trung mấy ngàn chuyên gia và kinh nghiệm trên mọi miền, ngồi chung với nhau lại mấy năm, e rằng cũng bó tay. Con lạy Cụ, Cụ cứ đùa dai thế này, truyền giáo mà cứ như rủ nhau đi đá bóng. Nếu văn chương đã là chốn phải cẩn thận, thì thần học còn cần biết bao những suy tư nghiêm nhặt. Đúng là lòng can đảm của Cụ ít người theo kịp.
Một tác phẩm cũng như một đứa con tinh thần. Ép một học thuyết ra đời sớm và đẩy nó vào chỗ chết yểu, tuy không phải là việc thất đức, nhưng cũng là một chuyện không nên làm. Nhất là làm nhiều lần.
G.B. Nguyễn Tráng

No comments:

Post a Comment