Án rửa tiền tại ngân hàng Thụy Sĩ?
HÀ NỘI 27-11 (NV) - Nhà cầm quyền Hà Nội, trong một thông tin từ Thông Tấn Xã Việt Nam, cho hay qua “Ban chỉ đạo trung ương” về phòng chống tham nhũng là “đã phối hợp với cơ quan tư pháp Thụy Sĩ để làm rõ thông tin công ty Securency (Úc) đưa hối lộ trong hợp đồng cung cấp chất nền in tiền polymer của Việt Nam”.
Bản tin được báo điện tử Pháp Luật Việt Nam (cơ quan chủ quản là Bộ Tư Pháp) trích dẫn hôm Thứ Bảy, và nói chính phủ Thụy Sĩ đã “khởi tố vụ án”.
Việt Nam đổi từ tiền giấy sang tiền giấy nhựa polymer từ năm 2002 để chống tiền giả quá phổ biến. Nhà thầu trúng mối là Securency, cung cấp từ giấy, mực, máy in và kỹ thuật.
Tai tiếng quan chức nhà nước Cộng Sản Việt Nam ăn hối lộ của công ty Securency bùng lên từ giữa năm 2009 khi báo The Age ở nước Úc khui ra chuyện này và tiết lộ Lương Ngọc Anh, tổng giám đốc công ty Phát Triển Kỹ Thuật (CFTD) đã đứng làm bình phong nhận số tiền “hoa hồng” lên hơn $10 triệu Úc kim rồi bỏ vào một số trương mục tại ngân hàng Thụy Sĩ.
Một loạt bài ký sự điều tra của hai ký giả báo The Age tiết lộ nhiều chuyện làm ăn trái luật chống hối lộ quan chức ngoại quốc của nước Úc. Trong đó, không những họ hối lộ bằng tiền mà còn cả gái điếm cho một ông phó thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam nữa.
Dù có một số viên chức cầm đầu Securency đã bị cách chức, cảnh sát Úc điều tra sâu rộng về các vụ làm ăn không minh bạch của công ty này, ngày 3 tháng 11, 2009, ông Trần Quốc Vượng, viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao của chế độ, vẫn cho rằng thông tin của báo chí Úc chỉ là tin “tố giác”, chứ chưa thể được coi là bằng chứng, là căn cứ để khởi tố ông Lương Ngọc Anh.
Công ty Securency là một công ty bán quốc doanh, một nửa do Ngân Hàng Trung Ương của Úc làm chủ, nửa còn lại do một công ty Anh Quốc làm chủ. Cũng vì vậy, cơ quan điều tra Anh Quốc cũng nhảy vào tìm hiểu.
Theo bản tin trên tờ Pháp Luật Việt nam “Cảnh sát các nước đã đồng loạt tiến hành nhiều vụ khám xét bắt giữ tại Malaysia, Thụy Sĩ, Anh, Úc liên quan tới các nhân viên của Securency bị tình nghi dính líu đến nghi án chi các khoản hoa hồng khổng lồ để có được hợp đồng in tiền ở các quốc gia khác ngoài Úc”.
Khi vụ việc được khui ra, báo The Age dẫn lời ông Myles Curtis, giám đốc điều hành của Securency nhìn nhận mối qua hệ của họ với công ty CFTD ở Hà Nội. Nhưng để được “hoa hồng” kếch xù như vậy, Ron Marchant, giám đốc Á Châu của Securency cho hay, CFTD chỉ “liên quan đến phiên dịch hồ sơ và làm cầu nối liên lạc với viên chức Ngân Hàng Nhà Nước của việt Nam”. Sắp xếp các cuộc họp rồi đưa đón phi trường, đặt khách sạn và thông dịch. Ðại khái chỉ có vậy.
“Ðại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Jean Hubert Lebet xác nhận Thụy Sĩ và Việt Nam đã hợp tác thông tin trong vụ án này. Theo ông đại sứ, phía Việt Nam đã chủ động đề nghị Thụy Sĩ cung cấp thông tin. Sau khi xem xét trên cơ sở pháp lý, Thụy Sĩ đã đồng ý hợp tác và hai bên đã có các văn bản giấy tờ, hồ sơ trao đổi về vụ việc.” Báo PLVN viết. “Ðại Sứ Jean Hubert Lebet cũng cho biết, do hai nước chưa có hiệp định về tương trợ tư pháp nên khi mỗi quốc gia có yêu cầu về một vấn đề cụ thể thì đều thông qua con đường ngoại giao và các cơ quan trong nước sẽ xem xét để đáp ứng. Tuy nhiên, ông Jean Hubert Lebet cũng nói có một số trường hợp Thụy Sĩ yêu cầu Việt Nam giải trình về cá nhân cụ thể nhưng chưa nhận được câu trả lời hoặc có sự chậm trễ trong trả lời.”
Cũng trong bản tin của PLVN “Liên quan đến vụ việc này, phó chánh văn phòng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ông Phạm Anh Tuấn xác nhận phía Thụy Sĩ đã khởi tố vụ án liên quan đến vụ việc tại công ty Securency.”
Các ngân hàng Thụy Sĩ nổi tiếng với những trương mục “ma” mà những kẻ tham nhũng, ăn hối lộ, buôn bán ma túy, võ khí lậu, nhiều nước trên thế giới mang tiền của tới đây giấu đút. Trước áp lực của thế giới, Thụy Sĩ đã phải thay đổi chính sách và cộng tác với các nước để chống rửa tiền.
Bản tin PLVN nói “Viện KSND tối cao đang nghiên cứu những tài liệu được các cơ quan tư pháp Thụy Sĩ chuyển đến, xác minh vụ việc này”.
Lương Ngọc Anh, khi tên bị nêu trên báo Úc, đã không còn thấy xuất hiện trên danh sách các cấp của CFTD.
Báo The Age từng đặt nghi vấn, CFTD là một công ty bình phong làm ăn liên hệ tới nhiều quan chức có máu mặt ở Việt Nam, dính tới cả cơ quan tình báo. Nếu không có những móc xích và quan hệ đặc biệt, không thể nào công ty này lại thầu được những dịch vụ béo bở cho các công an, quân đội và chính phủ ở Hà Nội.
Nói khác, chuyện ăn bẩn để in tiền polymer ở Việt Nam không phải chỉ dính đến bố con ông Lê Ðức Thúy (khi ông này còn là thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước) mà còn dính đến cả guồng máy quyền lực phức tạp ở Hà Nội.
Nếu Thụy Sĩ bạch hóa vụ rửa tiền này, người ta không rõ họ và cả chế độ Hà Nội có giám bạch hóa những chi phiếu chuyển từ trương mục của CFTD (ở Thụy Sĩ) đến trương mục của các cá nhân và tổ chức thật sự là kẻ được chia phần để in tiền giấy nhựa polymer hay không.
No comments:
Post a Comment