Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, November 24, 2010

Bản In Thế khó của Hàn Quốc sau khi bị 'đánh'

Bán đảo Triều Tiên vốn căng thẳng hơn nửa thế kỷ, nhưng vụ tấn công hôm qua của miền bắc có thể coi là "lịch sử" qua quy mô của nó và sự kiện này đang đặt Hàn Quốc vào thế khó vì họ có quá nhiều thứ để mất.

Cho dù bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ hết căng thẳng kể từ cuộc chiến 1950-1953 đến nay, những hình ảnh hôm qua từ đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc sau khi bị Triều Tiên nã pháo vẫn khiến nhiều người sốc. Hàng loạt cột khói bốc cao từ những ngôi nhà cháy dữ dội và người dân địa phương sợ hãi chạy tới nơi trú ấn. Hình ảnh này phần nào gợi nhớ ký ức về cuộc chiến chưa phai của những người Triều Tiên cao tuổi.
Hiện trường giao tranh lần này cũng khác nhiều so với các vụ đụng độ trước đây của quân đội hai miền, vốn thường xảy ra giữa tàu hải quân của hai bên hoặc những vụ bắn trả ngang vùng phi quân sự trên biên giới trên bộ. Lần này chắc chắn nghiêm trọng hơn vì phần lãnh thổ có người ở của Hàn Quốc đã bị tấn công dữ dội, gây ra thương vong và thiệt hại về vật chất.
Tuy vậy, vụ tấn công cũng không dẫn đến cảnh hoảng sợ ở thủ đô Seoul, nằm cách nơi bị pháo kích chỉ hơn 100 km về phía tây. Nhịp sống ở thành phố náo nhiệt này vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ những tin tức dồn dập trên truyền thông và đồng won bị mất giá. Không hề có cảnh mọi người nháo nhác tìm cách rời khỏi thành phố, vì dường như họ đã quen với việc sống trong cảnh này từ nhiều năm nay.

Tiến thoái lưỡng nan

Chính phủ Hàn Quốc cũng có phản ứng "bình thản" tương tự người dân, khi quân đội bắn trả miền bắc bằng khoảng 80 quả đạn pháo, nhưng họ không hề tính đến việc trả đũa quân sự trên quy mô lớn. Tổng thống Lee Myung-bak một mặt lệnh cho cấp dưới "trừng phạt đích đáng" miền bắc, một mặt lại yêu cầu họ phải đảm bảo "tình hình không leo thang".
Nguyên nhân vì việc leo thang căng thẳng quân sự ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây ra những hậu quả chết người về cuộc sống, tài sản và cho cả nền kinh tế Hàn Quốc. Nói cách khác Hàn Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu để chiến tranh thực sự giữa hai miền xảy ra. Nhưng chính điều này đã đẩy họ vào thế khó khi phải tìm cách đáp trả làm sao xứng đáng với hành động được cho là "khiêu khích" trên mức bình thường đến từ miền bắc như hôm qua.
Vậy chính phủ Hàn Quốc có thể làm gì sau khi đã cho đáp trả Triều Tiên bằng loạt đạn pháo? Theo BBC nhiều khả năng sẽ có phản ứng thông qua con đường ngoại giao, ví dụ như một lời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt hành động của Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, đằng sau những lời tuyên bố lên án giống như trong vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi tháng 3 vừa qua, có thể thấy rất khó đạt được cái gì cụ thể thông qua con đường này.
Trong khi đó, hiện Triều Tiên đã là một trong những quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới liên quan đến vấn đề hạt nhân, với liên tiếp các nghị quyết cứng rắn của Hội đồng Bảo an, cùng một số biện pháp trừng phạt đơn phương của những nước khác. Nhưng ngay cả điều này cũng không ngăn cản họ xây dựng nhà máy tinh chế uranium ở quy mô công nghiệp và mức độ hiện đại được đánh giá là "không thua kém Mỹ" trong những tháng gần đây.
Với những diễn biến hiện nay, các nhà bình luận Hàn Quốc có quan điểm khuynh tả có thể cho rằng chính phủ nước này đã tự chuốc lấy thế khó cho mình. Chính phủ thuộc phe bảo thủ của Tổng thống Lee Myung-bak lên cầm quyền từ năm 2008 đã từ bỏ con đường mềm mỏng và ưu tiên hoà giải gần như vô điều kiện của những người tiền nhiệm thuộc phe tự do. Thay vào đó, Seoul kiên quyết rằng viện trợ và thương mại với miền bắc phải có điều kiện, nhằm hướng tới tương lai phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Bình Nhưỡng, tất nhiên, đã thể hiện rõ ràng sự tức giận của họ đối với cách tiếp cận vấn đề mới của Seoul từ năm 2008 đến nay. Bất đồng này chính là nguyên nhân sâu xa gây ra thế khó dù không mới nhưng gai góc mà Hàn Quốc đang phải đối mặt, trước các hành động được cho là "khiêu khích" ngày một dữ dội của miền bắc.
Trong khi đó, tại Triều Tiên đang trải qua giai đoạn khó dự đoán: chuyển giao quyền lực giữa Chủ tịch Kim Jong-il cho người con trai út Kim Jong-un. Vụ chiến hạm Cheonan của Hàn Quốc bị đánh chìm hồi đầu năm và vụ pháo kích đảo Yeonpyeong hôm qua được cho là liên quan đến quá trình này. Nếu các hành động cứng rắn liên tiếp gần đây là cách để củng cố vị thế của nhà lãnh đạo Triều Tiên tương lai, thì không loại trừ khả năng những hành động mạnh tay của miền bắc chưa dừng ở đây và điều này càng khiến chính phủ Hàn Quốc thêm khó khăn trong việc tìm ra cách đối phó hợp lý.

Đồng minh Mỹ thận trọng

Trong khi đó, đồng minh quan trọng nhất của Seoul về quốc phòng là Mỹ tỏ ra thận trọng. Nhà Trắng lên án Triều Tiên bằng những lời lẽ mạnh mẽ sau vụ tấn công hôm qua và Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh sẽ bảo vệ Hàn Quốc. "Hàn Quốc là đồng minh của chúng tôi từ Chiến tranh Triều Tiên và chúng tôi khẳng định một cách mạnh mẽ cam kết bảo vệ Hàn Quốc như một phần của liên minh đó", ông Obama tuyên bố với ABC.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng đã tránh không đả động gì tới bất cứ hành động quân sự nào mà Mỹ có thể thực hiện. Đến nay cũng không thấy có ai trong chính quyền Mỹ cho rằng vụ giao tranh giữa hai miền hôm qua là một hành động chiến tranh hay sự vi phạm thoả thuận ngừng bắn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc năm 1953.
Lầu Năm Góc cũng "kín kẽ" không kém Nhà Trắng khi tuyên bố hãy còn quá sớm để thảo luận về các biện pháp quân sự đáp trả Triều Tiên. "Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình và trao đổi với các đồng minh của mình", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Lapan cho biết.
Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nêu rõ Washington sẽ tìm kiếm "một cách tiếp cận thận trọng" vụ việc hôm qua, trong sự phối hợp với các đồng minh khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản.

No comments:

Post a Comment