Báo VietNamNet vừa rồi có loạt bài điều tra “Innov Green đang làm gì trên biên giới Việt Nam” rất công phu, đúng là trăm nghe không bằng một thấy.
Qua những gì đang diễn ra tại các khu vực được cấp cho công ty Innov Green thuê đất trồng rừng từ Móng Cái (Quảng Ninh), Tràng Ðịnh (Lạng Sơn), Quế Phong (Nghệ An), Ðông Giang, Tây Giang (Quảng Nam)... và được các phóng viên ghi chép lại, người đọc hiểu ra rất nhiều vấn đề phía sau siêu dự án trồng rừng sát biên giới Việt Nam này.
Chúng ta đã hiểu ra những gì?
1. Tất cả những lời hứa hẹn ban đầu của công ty Innov Green thuộc các quốc tịch Trung Quốc, Hongkong, Ðài Loan... khi xin thuê đất trồng rừng như sẽ trả lương cao, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của vùng đất nơi họ đến làm ăn... chỉ là những lời hứa ngọt nhạt lúc đầu để nhà nước sở tại và địa phương bùi tai, chấp thuận cho họ vào làm ăn. Thực tế như thế nào, các phóng sự này đã làm rõ. Người dân chẳng được gì, mà còn bị mất diện tích đất canh tác, mất điều kiện sinh sống qua ngày. Không còn đất để làm rẫy, người dân phải vào rừng hái củ, kiếm sống vặt vãnh, hoặc đi đãi cát tìm vàng... Về phía địa phương, cái lợi kinh tế cho thuê rừng thật ra là không lớn vì giá cho thuê quá thấp (500 đồng/m2 ).
2. Khi đã giành được hợp đồng cho thuê rừng dài hạn, bắt đầu triển khai công việc là công ty này lập tức hành xử theo kiểu vùng đất này là của họ, họ muốn trồng gì, làm gì là quyền của họ. Người dân bị cấm, bị đuổi, gia súc gà, heo, trâu bò... thì bị rượt đánh chết... nếu đi lạc vào khu vực của công ty. Ðịa phương thì không quản lý được công việc của họ, thậm chí, theo thông tin từ các phóng sự , công ty này đã mở rộng diện tích trồng rừng lớn hơn diện tích được phép thuê nhiều mà cũng chưa thấy cơ quan địa phương hay trung ương có hành động gì để đòi lại.
Có nghĩa là người dân Việt Nam cũng như các cơ quan địa phương không còn có quyền gì nữa dù đây là nước mình, đất của mình. Thực tế đang diễn ra cái điều mà một số bài báo trên trang bauxite Vietnam, hay RFI đã gọi thẳng tên là “hành động áp đặt chủ quyền” hay “một bước xâm lược kiểu mới”. Dự án mới triển khai được hơn nửa năm ở Nghệ An, đến vài ba năm ở Lạng Sơn mà cuộc sống của người dân, nhất là các dân tộc thiểu số tại các vùng cho thuê rừng đã khó khăn như vậy, địa phương đã không thể giám sát, quản lý hay can thiệp gì vào công việc của các công ty nước ngoài này, vậy khi thời gian kéo dài đến 50 năm thì biết bao nhiêu hệ lụy lẫn tác hại sẽ xảy ra, làm sao lường hết được?
Hãy nhìn lại bài học nhãn tiền từ một quốc gia sát bên cạnh ta là Lào. Trong các năm qua, Trung Quốc đã tích cực tăng cường sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế và dân số tại Lào, các công ty Trung Quốc đổ vào đầu tư tại Lào ngày càng nhiều, kiểm soát kinh tế Lào trên nhiều lĩnh vực khác nhau, khai thác tận lực tài nguyên giàu có của quốc gia nhỏ bé và hiền hòa này, một số vùng nằm sát biên giới hầu như đã trở thành của Trung Quốc trong khi người dân Lào thì lại bị đẩy dạt ra ngoài ngay trên đất nước mình. Tình trạng này cũng đang và sẽ tiếp tục diễn ra tại Việt Nam.
3. Vấn đề đáng quan ngại hơn cả mà các bài báo đã đặt ra, đó là các công ty này thực sự có ý đồ gì phía sau dự án trồng rừng, hay chỉ là một kiểu chiếm đất, vì sao họ toàn lựa chọn những vị trí nhạy cảm về an ninh-quốc phòng, “nằm dọc tuyến đường 18, đường số 4 (A, B), QL 1A và các xã biên giới hoặc điểm cao...” (báo VietNamNet ngày 19 tháng 11)
Trước đây, trong cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung xảy ra vào năm 1979, dù Trung Quốc đã chiếm được các thị xã Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, và một số thị trấn vùng biên, nhưng khi Trung Quốc tuyên bố rút quân một tháng sau khi bắt đầu tấn công Việt Nam, cả hai bên đều bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tất nhiên Việt Nam có phần chịu thiệt hại hơn vì cuộc chiến xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Chưa kể vào thời điểm đó Việt Nam còn đang vướng vào cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, Campuchia, không thể rút hết quân chủ lực ra Bắc, vì vậy lực lượng tham gia chủ yếu vào cuộc chiến tranh phía Bắc là bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Vậy mà vào thời điểm đó, Trung Quốc vẫn không thể thắng nổi Việt Nam. Nhưng còn bây giờ và trong tương lai, nếu một cuộc chiến tranh tương tự xảy ra, với Trung Quốc đang và sẽ được hiện đại hóa quân sự lên gấp nhiều lần, tình hình chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều cho Việt Nam. Và lúc đó với địa hình các tỉnh biên giới phía Bắc gồm toàn những con đường độc đạo, huyết mạch bị chia cắt bởi các công ty Trung Quốc, Ðài Loan; khu vực Tây Nguyên cực kỳ quan trọng về mặt chiến lược cũng bị các công ty Trung Quốc chiếm hữu trong dự án khai thác bauxite, với hàng ngàn người công nhân Trung Quốc đang có mặt tại chỗ, chuyện gì sẽ xảy ra? Phải chăng bài học “Con ngựa thành Troa” lúc đó lại được ứng dụng vào Việt Nam?
Hàng nghìn năm sống bên cạnh người láng giềng khổng lồ phương Bắc, dân tộc Việt Nam quá hiểu rõ mưu sâu của các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc qua các triều đại, thời kỳ khác nhau. Những người lãnh đạo Trung Nam Hải từ trước đến nay luôn luôn chuyện gì cũng tính trước hàng thập niên, thậm chí hàng thế kỷ, có chiến lược chiến thuật, đường đi nước bước lâu dài cả để thực hiện cho bằng được mộng lớn bá chủ toàn cầu, và riêng với những quốc gia láng giềng, là âm mưu di dân, chiếm đất, kiểm soát kinh tế tiến dần đến thao túng về chính trị, cuối cùng là lấn chiếm toàn bộ. Có lẽ chỉ có những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam, ngủ quên trên những đống tiền vàng chất cao như núi, những quyền lợi khổng lồ đi kèm với quyền lực không bị ai kiểm soát, sẻ chia từ bao lâu nay, nên dù có thấy cái nguy cho nước cho dân mà cũng như không thấy thôi.
Ðã đến thời kỳ người dân tự làm luật?
Karl Marx, một trong hai tác giả của học thuyết Mark-Lenin mà cho tới giờ phút này, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn luôn luôn tuyên bố sẽ trung thành noi theo, từng nói rằng: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”. Ðiều này đã được đảng Cộng Sản Việt Nam triệt để sử dụng trong giai đoạn đấu tranh giành chính quyền, khi biết cách khai thác tối đa sự bất mãn trong lòng các tầng lớp nông dân, bần cố nông và cả công nhân trước những bất công trong xã hội do tầng lớp địa chủ, quan lại... gây nên, để kích thích lòng căm thù bên trong họ, kích động họ nổi dậy.
Sau 65 năm cầm quyền, tình hình xã hội lại đảo ngược, có vẻ như nhân dân Việt Nam đã mất một quãng thời gian rất dài để chỉ đi vòng quanh và trở lại điểm xuất phát ban đầu: Những người nông dân, công nhân hôm nay vẫn nghèo khó, khốn cùng, đại đa số nhân dân vẫn vất vả vì sinh kế, bị tước đoạt mọi quyền tự do, dân chủ, tình trạng nhân quyền vẫn bị vi phạm nặng nề. Giai cấp bóc lột họ hôm nay lại chính là những người hô hào họ đứng lên đấu tranh cướp chính quyền trước kia: Những kẻ có chức có quyền trong bộ máy nhà nước Cộng Sản Việt Nam từ trên xuống dưới, tầng lớp Mafia Ðỏ, tư bản đỏ ngày hôm nay.
Và tình hình có vẻ lại đang diễn ra đúng như trước kia: Quá bức xúc, phẫn nộ, những người dân đã tự phát vùng dậy, tự làm luật cho họ.
Báo Lao Ðộng ngày 19 tháng 11 đưa tín: “Hơn 1,000 người cùng gần 100 xe công nông đi... phá rừng”: “Từ 12-15 tháng 11, gần 100 xe công nông, hơn 50 xe gắn máy và hơn 1,000 người đã tràn vào các tiểu khu 340a, 340b do ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Krông Năng quản lý và chặt phá tới 48.8ha rừng tự nhiên.
Hành động phá rừng này xuất phát từ bức xúc của những người dân không có đất cày, trong khi hàng trăm hécta rừng được tỉnh giao cho một doanh nghiệp tư nhân trồng cao su.”
Cũng theo bài báo, “mặc cho những nỗ lực giải thích, vận động của chủ rừng, chính quyền các xã và cơ quan chức năng đều không đem lại kết quả...” Ông Nguyễn Văn Lương - PGÐ BQLRPH Krông Năng - chỉ còn biết lắc đầu: “Người đông chưa từng thấy”... Và: “Không còn cách nào khác, chiều 12 tháng 11, UBND tỉnh đã công bố quyết định chấm dứt chủ trương cho phép công ty Lộc Phát trồng cao su tại các tiểu khu nói trên, yêu cầu Sở Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn nghiêm túc kiểm điểm sai phạm.”
Và một sự kiện khác: “Phó bí thư huyện ủy Sóc Sơn bị hàng ngàn người dân bao vây”.
Cho đến hơn 22 giờ đêm qua, ông Vương Văn Bút - phó bí thư huyện ủy Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn bị hàng nghìn người dân bao vây và giữ lại tại trụ sở UBND xã Minh Phú.
Trước đó, vào khoảng 8 giờ cùng ngày, ông Bút cùng một số cán bộ huyện Sóc Sơn đến UBND xã Minh Phú họp về việc xây dựng nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng trên địa bàn xã thì dân kéo đến phản đối. Sau đó nhiều người dân đã lôi một số cán bộ và ông Bút vào hai căn phòng trong trụ sở UBND xã.
Ðến đầu giờ chiều, một số cán bộ huyện có dấu hiệu kiệt sức nên được thả ra. Riêng ông Bút vẫn tiếp tục bị giữ lại và bị gây áp lực yêu cầu phải ký vào biên bản chứng nhận có sự va chạm giữa cán bộ với người dân và kiến nghị không được xây dựng nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng trên địa phận xã vì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt.” (báo Thanh Niên ngày 20 tháng 11)
Lại nhớ đến hàng loạt những vụ xung đột xảy ra giữa người dân với nhà nước trong thời gian qua, với nhiều vấn đề khác nhau, từ những vụ khiếu kiện đất đai của nông dân, xung đột quyền lợi đất đai dẫn đến đàn áp tôn giáo như vụ giáo xứ Thái Hà (Hà Nội), nhà thờ Tam Tòa (Quảng Bình), giáo xứ Cồn Dầu (Ðà Nẵng) hoặc đơn thuần là đàn áp tôn giáo như vụ tu viện Bát Nhã (Lâm Ðồng), giáo xứ Ðồng Chiêm (Hà Nội) v.v... Cả những vụ ban đầu chỉ từ sự bức xúc của gia đình nạn nhân bị công an vô cớ đánh chết kéo theo sự ủng hộ của đông đảo người dân, đã trở thành một cuộc bạo động như vụ bạo động xảy ra tại Bắc Giang ngày 25 tháng 7 năm 2010.
Trong tất cả những vụ việc như vậy, cách hành xử của nhà nước Việt Nam luôn luôn là đàn áp, không nhân nhượng. Nhưng rõ ràng có những lúc công an buộc phải bất lực khi người dân quá đông như trong vụ bạo động tại Bắc Giang, người dân tham gia lên tới cả ngàn người, bao vây trụ sở UBND tỉnh Bắc Giang, trèo cả lên xe cứu hỏa do công an điều động tới, giật đổ cả cánh cổng và hàng rào, đồng thời ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát và làm giao thông qua trung tâm tỉnh Bắc Giang tê liệt nhiều tiếng đồng hồ.
Trong hai vụ việc gần đây mà báo chí đưa tin cũng vậy, người dân đã nhốt cả ông Phó bí thư huyện ủy Sóc Sơn hoặc đem cả xe công nông đi... phá rừng để phản đối việc làm sai trái của nhà nước.
Có vẻ như càng ngày người dân càng ý thức rõ ràng rằng, khi luật pháp đã không đứng về phía họ, luật pháp chỉ để bảo vệ những kẻ có chức có quyền trong xã hội này thì chính họ sẽ tự nổi dậy, tự làm luật, đòi lại công bằng cho mình và cho những người cùng cảnh ngộ. Cũng giống như trước đây, dưới thời phong kiến, thực dân.
Những hiện tượng lẻ tẻ này sẽ không dừng lại mà chắc chắn sẽ ngày càng tăng lên theo mức độ bất công và mâu thuẫn xã hội ngày càng tăng.
Liệu những điều này có thể làm cho nhà cầm quyền Việt Nam thức tỉnh hay họ vẫn tự cho rằng với bạo lực trong tay, họ sẽ tiếp tục giữ vững mọi việc trong tầm kiểm soát?
No comments:
Post a Comment