Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, November 22, 2010

Tin vắn ngày 23/11/2010

Cựu TT Balan muốn thay mặt ông Lưu Hiểu Ba nhận giải Nobel Hòa bình

Hôm thứ hai, cựu khôi nguyên Nobel Hoà bình người Ba lan, ông Lech Walesa đề nghị sẽ thay mặt nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba nhận Giải Nobel Hoà bình năm nay.

Ông Lech Walesa trả lời phóng viên hãng thông tấn AFP qua điện thoại,  nói về đề nghị này, và cùng với các khôi nguyên hoà bình khác kêu gọi sự chú ý của dư luận đối với vấn đề vi phạm nhân quyền đang diễn ra tại Trung Quốc.Nhà dân chủ của Ba lan cũng muốn cho cả thế giới thấy rõ việc Bắc Kinh đã cấm một người hoạt động cho hỏi tự do và nhân quyền nhận giải thưởng cao quý này chính vì những hoạt động đó.
Ông Lech Walesa từng là nhà tranh đấu chống độc tài Cộng Sản tại Ba lan, trở thành Tổng thống Ba Lan từ 1990-1995. 
Ông cũng được trao giải Nobel Hoà bình năm 1983 do những hoạt động đấu tranh ôn hoà của ông.  Nhưng ông Lech Walesa đã không đi nhận giải vì e rằng chính phủ cộng sản Ba Lan lúc bấy giờ sẽ không cho ông trở về quê hương.



Tổ chức nhân quyền thế giới kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho ông Lưu Hiểu Ba

Một số tổ chức tranh đấu cho nhân quyền đang cùng nhau mở cuộc vận động để thế giới làm áp lực buộc chính phủ Trung Quốc phải trả tự do cho khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 là ông Lưu Hiểu Ba.
Một trong những điều các tổ chức này làm là đưa kiến nghị lên Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, yêu cầu Ủy Ban ra thông cáo kết án chính phủ Bắc Kinh đã phạm luật khi giam giữ ông Lưu Hiểu Ba.
Kiến nghị cũng nói đến việc bà vợ của ông này cũng đang bị chính quyền Trung Quốc giam lỏng, không cho tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Mới đây 15 khôi nguyên hòa bình đã gửi thư cho ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và các nhà lãnh đạo những nước nằm trong tổ chức G-20, yêu cầu áp lực với Bắc Kinh để ông Lưu Hiểu Ba được trả tự do và được quyền sang Oslo nhận giải.
Tuy nhiên ở thượng đỉnh G-20 tổ chức tại Seoul cách đây hơn một tuần vấn đề này đã không được nói tới, và để tránh những va chạm bất lợi về ngoại giao, lãnh đạo các nước cũng dùng những ngôn từ thật khéo léo khi nói đến trường hợp của khôi nguyên hòa bình 2010.

Động đất tại Thanh Hóa

Động đất nhẹ, chừng 3,7 độ richter, xảy ra tại huyện Quan Sơn thuộc tỉnh Thanh Hoá hồi tối hôm qua khiến cư dân hoảng sợ.
Tin Nhanh trong nước ghi nhận phản ánh của cư dân tại thị trấn Quan Sơn cho biết nhà cửa, cây cối rung chuyển, một số tường nhà bị nứt, mái ngói nhà rơi xuống…
Trận động đất nhẹ vừa nói kéo dài vài giây nên không gây thương vong. Được biết đây là lần thứ 3 trong vòng 3 tháng, Thanh Hóa bị động đất.

Tài sản thực của Vinashin là bao nhiêu?

Vinashin gây nhiều chú ý tại phiên họp Quốc Hội VN hôm nay.
Nhiều đại biểu – nói theo lời báo VNNet – “không hiểu nổi” tại sao Bộ Tài Chính đã phát hiện sai phạm của tập đoàn này, với 11 kiến nghị xử lý cách đây 2 năm, nhưng vấn đề Vinashin vẫn để kéo dài tới hôm nay.
Hiện có nhiều ý kiến nêu lên nghi vấn rằng ai chịu trách nhiệm về tình trạng thua lỗ nghiêm trọng của Vinashin. Và nhiều thắc mắc đang chú trọng tới số tài sản thực sự của Vinashin hiện là bao nhiêu, vì người ta không tin số tài sản “trên giấy tờ” của tập đoàn này.
Báo VNNet trích lời Đại biểu Đặng Như Lợi mở màn phiên chất vấn Bộ Trưởng Tài Chính Vũ Văn Ninh nêu lên câu hỏi về giá trị thực sự của tổng tài sản còn lại của Vinashin, dù trên giấy giờ thì số tài sản ấy hiện gần 105.000 tỷ đồng. Theo Đại biểu Đặng Như Lợi thì Bộ trưởng Ninh phải có trách nhiệm phần lớn về tình hình tài chính của Vinashin.
Ngoài Bộ Tài chính, nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh đến vai trò của các bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư sau khi nhắc lại nhiều sai phạm nghiêm trọng của Vinashin.
Theo giải thích của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thì cần phải chờ sau khi thanh tra, kiểm toàn xong mới biết “Vinashin còn giá trị thực là bao nhiêu”.
Kết thúc phiên chất vấn sáng nay, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng viện dẫn “đặc thù cố hữu quá thận trọng” của Bộ trưởng Tài chính nên câu trả lời “thường lan man”. Và ông ghi nhận các vấn đề gọi là “gai góc” mà những đại biểu vừa đặt ra.
Phiên họp Quốc hội tiếp diễn vào buổi chiều, qua đó các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo thông Hồ Nghĩa Dũng về các vấn đề liên quan đường sắt cao tốc, dự án bô xít Tây Nguyên…
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nêu lên câu hỏi về cơ sở pháp lý nào để Chính phủ tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Đại biểu Dương Trung Quốc lưu ý tới tình hình còn nghèo của đất nước nên ưu tiên hàng đầu phải là “mở rộng khổ đường sắt hiện tại” mà thôi.
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng giải thích Bộ Giao thông của ông chỉ mới nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc đúng theo khuôn khổ luật pháp.
Trong phiên chất vấn, vấn đề đường chuyên chở sản phẩm từ dự án bô xít Tây Nguyên  cũng được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm và lo ngại.

EU chấm dứt áp thuế chống bán phá giá vít thép không rỉ từ VN

Uỷ ban Châu Âu thông báo: thuế chống bán phá giá đối với vít thép không rỉ xuất xứ từ Việt Nam được tự động chấm dứt từ ngày 20/11/2010 do không có yêu cầu rà soát từ ngành công nghiệp của EU.

Thông tin này do Thương vụ Việt Nam tại Liên minh Châu Âu và Bỉ-Luxembourg cho biết.
EU áp đặt thuế chống bán phá giá 7,7% đối với vít thép xuất xứ từ Việt Nam từ 19/11/2005.
Trong khi đó vít thép không rỉ xuất xứ từ Trung Qúôc và Đài Loan vẫn tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá trong giai đoạn rà soát.
Ngoài Việt Nam, Indonesia và Thái Lan cũng được hưởng ưu đãi này.

No comments:

Post a Comment