Thế nhưng điều đáng nói là đa số các thỉnh nguyện thư hay kiến nghị lại thường bị rơi vào thinh không, không được bất cứ cơ quan nhà nước nào đứng ra giải quyết.
Không thể biện minh
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, trong cuộc phỏng vấn với Khánh An của Đài chúng tôi, gọi đây là một “thái độ xấu” hay một “thiếu xót không thể biện minh” của chính quyền. Ông nói:"Tôi nghĩ rằng ở nước nào cũng vậy thôi, nguyện vọng của dân đề đạt lên cấp lãnh đạo, đấy là quyền của dân. Khi người ta có những vấn đề bức xúc, người ta phải viết đơn thỉnh nguyện thì nghĩa vụ của người lãnh đạo là phải lắng nghe và trả lời. Nếu như một nhà nước của dân, do dân và vì dân thì phải lắng nghe nguyện vọng, kiến nghị của dân. Cho nên nếu cấp chính quyền mà không trả lời cho dân thì đó là một thiếu sót không thể biện minh."
Khánh An: Thưa giáo sư, đối với vấn đề người dân gửi ý kiến, thỉnh nguyện của mình lên cho các cơ quan nhà nước thì từ trước tới giờ, kết quả vẫn là con số 0. Điều này có vô hình chung tạo thành một tiền lệ xấu, một hình ảnh xấu đối với một nhà nước không?
GS. Tương Lai: "Ở đây có hai ý, thứ nhất là những thỉnh nguyện mà trong nước hay gọi là những “kiến nghị”, hay là “khiếu kiện” thì không phải là số 0 đâu. Cũng có những khiếu kiện, tức những thỉnh nguyện thư, đã được trả lời, trong số đó cũng có những cái đã được giải quyết, phải thừa nhận là có những việc đó và không phải là ít. Nhưng mặt khác, lại không thiếu những thỉnh nguyện thư rơi vào im lặng. Trước đây, có một người lãnh đạo đã dùng khái niệm là “sự im lặng đáng sợ”.
Trong thuật ngữ “sự im lặng đáng sợ” ấy đã bao hàm ý phê phán sự vô trách nhiệm của những người lãnh đạo đối với dân. Vì vậy cho nên nếu để những thỉnh nguyện thư được trả lời kịp thời thì điều đó sẽ giải tỏa được những bức xúc của xã hội và chỉ có lợi cho sự phát triển của đất nước. Nhưng nếu cứ để những cái đó tích tụ lại, không được giải quyết hoặc không được lắng nghe và để tất cả những thỉnh nguyện thư đó rơi vào quên lãng thì đó là một thái độ xấu của chính quyền cần phải khắc phục.
Đương nhiên, trong nhưng thỉnh nguyện thư hay những khiếu kiện, phần lớn là khiếu kiện đúng, nhưng cũng có những khiếu kiện sai. Nếu như có trả lời dứt khoát là cái nào sai thì chỉ ra cho dân biết cái này là không đúng và cái đúng thì phải giải quyết, mà nếu như vậy thì phải có sự công khai và minh bạch. Nếu chính quyền làm được điều đó thì sẽ đáp ứng được nguyện vọng của dân. Còn khi cái đó không làm được, nhất là khi cố tình lờ đi, không trả lời cho dân thì đó là tệ hại. Điều đó sẽ làm giảm uy tín cho chính quyền nhân danh là chính quyền của dân, do dân và vì dân.¬"
Sự im lặng đáng sợ!
Khánh An: Thưa giáo sư, trong những đơn thỉnh nguyện hay kiến nghị mà dư luận chú ý nhiều nhất, có một thỉnh nguyện lớn tập hợp được số đông người nhất là kiến nghị dừng dự án bauxite. Kiến nghị này đã kéo dài một thời gian khá lâu mà không được đưa lên các phương tiện truyền thông báo chí chính thức, cũng không được cơ quan nhà nước nào đứng ra trả lời chính thức về kiến nghị này. Vậy theo giáo sư đánh giá, cách mà chính quyền giải quyết đối với kiến nghị lớn nhất từ trước tới giờ như thế có hợp lý không?GS. Tương Lai: "Vâng, chính bản thân tôi cũng là người ký vào kiến nghị đó trong số 17 người đầu tiên đề xướng việc ký kiến nghị. Cho đến hiện nay, chúng tôi vẫn chờ đợi sự trả lời của những cơ quan có trách nhiệm. Tôi tin rằng thế nào cũng có sự trả lời đó. Không phải riêng ý kiến cá nhân tôi mà tại diễn đàn quốc hội, cũng có nhiều đại biểu quốc hội lên tiếng và đòi hỏi cần phải có sự trả lời. Bởi vì đây là lần tập họp khá đông của nhiều trí thức, nhân sĩ.
Vì vậy, tôi nghĩ là về phía chính quyền thế nào cũng đang cân nhắc để có một sự trả lời. Tôi tin rằng điều này sẽ không rơi vào im lặng, không thể có sự im lặng đáng sợ không.
Còn nếu chuyện đó chưa làm được, chắc là người ta đang còn cân nhắc xem nên trả lời như thế nào. Bởi vì hiện nay giữa vấn đề đình hay chưa đình thì đang còn nhiều tranh luận lắm, kể cả những người có trách nhiệm quản lý cái đó, ví dụ như ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng to tiếng lắm.
Ông kiên quyết bảo vệ nhưng nếu đọc kỹ những kiên quyết bảo vệ của ông thì thấy là trình độ của ông còn hạn chế quá. Có những vấn đề về mặt khoa học, ông ta cứ nói khơi khơi như là không có chuyện gì. Bản thân những chuyện đó người ta càng nói, càng bênh vực bao nhiêu thì nó càng lộ ra những khiếm khuyết bấy nhiêu. Cho nên về phía chúng tôi là những người kiến nghị thì chúng tôi lắng nghe những lời biện minh, giải thích. Nhưng càng nghe những lời biện minh, giải thích thì càng thấy kiến nghị của chúng tôi là đúng.
Vì vậy, tôi có niềm tin là rồi đây thế nào nhà nước cũng phải có trả lời, chứ không phải để cho nó rơi vào im lặng đáng sợ. Đấy là quan điểm của tôi."
Vừa rồi là ý kiến của GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, về việc chính phủ xử lý kiến nghị hay thỉnh nguyện thư. Chắc chắn việc “làm lơ” đối với các thỉnh nguyện thư, kiến nghị của người dân là một thái độ không thể chấp nhận đối với một chính phủ “do dân” và “vì dân”, nhất là khi hệ thống công quyền vẫn tồn tại một cơ quan để xử lý việc này và vẫn thường được gọi là “văn phòng tiếp dân”.
Vậy các văn phòng tiếp dân có thực sự hoạt động đúng chức năng và trách nhiệm của mình?Người dân có còn tin vào hiệu quả của những kiến nghị mà mình gửi đi không? Mời quý vị đón theo dõi phần tường trình tiếp theo trong chương trình kỳ tới.
Kiến nghị của người dân gửi cho các cơ quan chính phủ nhà nước những năm gần đây không được hồi đáp.
Liệu điều này khiến cho không ít người dân đặt câu hỏi về việc liệu chính quyền có thực sự lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của họ? Hay vấn đề người dân đặt ra đã khiến cho chính quyền lúng túng trong cách giải quyết?
Quyền của người dân
Hình thức gửi thỉnh nguyện thư, đặc biệt là thỉnh nguyện thư tập thể đã bắt đầu trở nên phổ biến tại Việt Nam. Theo Luật sư Trần Đình Triển, luật pháp Việt Nam khuyến khích những đóng góp, kiến nghị hay thỉnh nguyện của người dân nhằm mục đích đem lại lợi ích cho cá nhân, tập thể hay đất nước. LS. Trần Đình Triển cho biết:"Lấy trước hết là với vai trò đóng góp của người dân về những ý kiến, đường lối, chủ trương, chính sách, quy định chung để đưa lại một lợi ích tốt thì điều đó luật pháp Việt Nam khuyến khích mọi công dân. Thứ hai, trong đơn thư của người dân còn có một lĩnh vực liên quan đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của tập thể hay lợi ích của cá nhân họ thì ở đây có một quyền gọi là quyền khiếu nại.
Thứ ba, liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của những tổ chức hay cá nhân khác mà người công dân có trách nhiệm phải nói ra điều đó để xem xét, giải quyết và xử lý thì đó là quyền tố cáo của công dân. Cả hai quyền khiếu nại và tố cáo được quy định trong luật khiếu tố, khiến nại của Việt Nam."
Trên thực tế hiện nay, nội dung các thỉnh nguyện thư hay kiến nghị tập thể đúng là có liên quan đến những vấn đề về lợi ích chung của tập thể hay của đất nước, chẳng hạn như kiến nghị nổi tiếng đề nghị dừng dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên mà cho đến nay đã tập hợp hơn 2700 chữ ký của các trí thức và nhân vật quan trọng trong và ngoài nước, kiến nghị của 31 tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp gửi cho Bộ chính trị và các ủy viên trung ương Đảng về những vấn đề thời sự của đất nước v.v…
Bên cạnh đó, cũng có những kiến nghị, thỉnh nguyện thư có nội dung bênh vực cho quyền lợi của những cá nhân, tập thể khác tiêu biểu, chẳng hạn như thỉnh nguyện thư kêu gọi thả blogger Điếu Cày vừa được giới bloggers truyền đi vào cuối tháng trước, thỉnh nguyện thư đòi trả tự do cho các bloggers, các luật sư, các nhà đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm mà cụ thể là trường hợp Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ vừa bị bắt giữ vào ngày 5/11…
Đối với các trường hợp này, nhiều người trong cuộc cho biết chuyện thỉnh nguyện hay kiến nghị không được trả lời là lẽ đương nhiên!
Blogger Mẹ Nấm kể về kinh nghiệm riêng của chị:
"Mình cũng đã làm một cái thư kiến nghị về việc kêu gọi trả tự do cho hai em Hằng và Thúy trong vụ án mua bán dâm nữ sinh ở Hà Giang của ông Sầm Đức Sương với ông chủ tịch Tô, mình thu thập được khoảng một ngàn một trăm mười mấy chữ ký của mọi người trên mạng và cả ở ngoài, sau đó mình gửi thư đến khoảng 9 hay 10 hộ, Hội Bảo vệ Trẻ em, Hội Liên hiệp Phụ nữ, mà cho đến giờ thì họ vẫn im lặng, coi như cái thư đó đi lạc mất rồi."
Theo blogger Mẹ Nấm, chuyện đơn thư kiến nghị “đi lạc” hay rơi vào sự “im lặng đáng sợ” không những phản ánh thái độ vô trách nhiệm của cơ quan chính quyền mà còn cho thấy sự lúng túng của họ trong cách giải quyết các kiến nghị hay thỉnh nguyện thư và chắc chắn đây không phải là lối hành xử của những người văn minh! Chị nói tiếp:
"Không nói gì đến chuyện một chính quyền có do dân hay không, cách hành xử của những con người văn minh là khi mình nhận được thư hoặc yêu cầu, góp ý gì của người ta thì ít nhất mình cũng phải nói là mình đã nhận được bằng văn bản hoặc là thông báo ngay trên phiếu người ta gửi thư cho mình là “tôi đã nhận được, thư của anh gửi đúng địa chỉ rồi đó”, đó là cách hành xử của những con người văn minh và tôn trọng nhau."
Hình thức tiếp dân
Trở lại với việc tiếp nhận và trả lời đối với những đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, theo GS. Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, điều này đã được quy định rõ ràng trong trách nhiệm của các văn phòng tiếp dân:"Thực ra cơ quan nhà nước thì đã có rồi, có nhiều lắm rồi đấy. Ngay cả bên chính phủ thì từ lâu lắm rồi đã có một cơ quan chính thức đặt ngay tại Hà Nội để tiếp dân nhưng thực ra mà nói là không đủ. Một cơ quan trung ương đặt ra để tiếp dân thì làm sao xuể được. Cho nên người ta đã có quy định là Chủ tịch tỉnh thì phải có định kỳ cái ngày để tiếp dân, huyện cũng thế. Chỉ có điều người ta chấp hành điều đó như thế nào thôi."
Riêng trong cách thức các văn phòng tiếp dân thi hành trách nhiệm của mình, trên thực tế đã có không ít than phiền, khiếu nại của người dân đối với chính cơ quan công quyền đầu tiên chịu trách nhiệm giải quyết kiến nghị, khiếu nại của họ. Thậm chí đối với những khiếu kiện liên quan đến lợi ích kinh tế cá nhân, nhiều người dân còn phải chấp nhận chạy chọt chút tiền bạc cho “đường dây” tiếp dân để… được tiếp! Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng văn phòng tiếp dân thực chất là để hành dân. Chia sẻ về điều này, blogger Mẹ Nấm nói:
"Nếu cho mình nói chính xác thì văn phòng tiếp dân chỉ hoạt động được 10% công suất của nó. Mình cũng đã đi tham dự một buổi tiếp dân rồi. Hình thức văn phòng tiếp dân là chỉ nhằm làm giảm áp lực lên các cơ quan phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong các buổi tiếp dân thôi, tức là chúng tôi đã lắng nghe, chúng tôi sẽ chuyển ý kiến lại rồi sau đó trong buổi tiếp dân lắng nghe thì tất cả nó cũng như cũ thôi.
Nó không thay đổi gì đâu, tức là nó là cầu nối làm giảm áp lực lên UBND thành phố, tức là thay vì người dân đến thẳng UBND thành phố thì người ta sẽ phải qua phòng tiếp dân. Nó chỉ là một hình thức đi vòng để kéo giãn sự chú ý ra thôi."
Khoan nói đến những kiến nghị hay thỉnh nguyện thư liên quan đến những vấn đề được xem là “nhạy cảm” mà người kiến nghị thường biết trước kết quả là con số 0, chỉ nói riêng những nguyện vọng, những ý kiến rất đỗi bình thường của người dân trong cuộc sống mà lẽ ra phải được giải quyết kịp thời, nhanh chóng thì nay lại bị làm tiền hoặc làm ngơ.
Như vậy, khái niệm về một nhà nước muốn lắng nghe nguyện vọng của người dân có thực sự hiện hữu, hay ngược lại, câu nói “con kiến kiện củ khoai” lại tiếp tục được chứng minh?
No comments:
Post a Comment