“Chúng tôi vượt biên sang Mỹ vào tháng 12 năm 1985, khi đã lỡ qua dịp Thanksgiving. Tuy nhiên, từ năm 1986 cho đến tận bây giờ, không năm nào mà gia đình tôi lại không tổ chức tiệc ăn mừng vào ngày này.” Bà Vicky Hoàng, cư dân thành phố Irvine , bắt đầu câu chuyện.
Theo bà Vicky, việc “hòa điệu” cùng với đời sống văn hóa của người bản xứ là điều cần phải làm khi đặt chân đến một quốc gia mới.
“Với tôi, ngày lễ Tạ Ơn còn có ý nghĩa là ngày đoàn tụ gia đình.” Bà Vicky chia sẻ. “Vào ngày này, các con tôi thường tập trung về hết cả nhà. Cũng đôi khi có những đứa bận bịu công việc làm nơi xa không về được, nhưng có bao nhiêu đứa về tôi cũng tổ chức tiệc. Chúng tôi ăn mừng ngày này trong tinh thần tạ ơn Chúa đã cho mình một cuộc sống sung túc, đầy đủ. Cũng là tạ ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng tôi trong ngần ấy năm qua.”
Chính trong tinh thần đó mà nếu những năm tháng còn ở quê nhà, mỗi dịp cận kề Tết Nguyên Ðán khiến bà Vicky cảm thấy chộn rộn, háo hức với việc sắm sửa, dọn dẹp, nấu nướng, thì giờ đây, những dịp lễ cuối năm ở quê hương thứ hai này cũng khiến bà bận rộn, túi bụi với hàng núi công việc chuẩn bị cho những bữa tiệc gia đình.
“Theo đúng truyền thống của dân Mỹ, bữa tiệc Thanksgiving cho gia đình năm nào tôi cũng chuẩn bị món turkey, nhưng cách chế biến mỗi năm mỗi khác nhau. Có năm tôi làm turkey theo cách quay gà của người Hoa. Có năm tôi làm turkey theo cách của người Mỹ. Nhưng các con tôi thích ăn theo kiểu Mỹ hơn,” bà Vicky vui vẻ cho biết.
Có điều, theo người phụ nữ đảm đang này, tuy năm nào cũng làm món gà tây, nhưng “thực ra turkey để làm 'cảnh' là chính chứ ăn chẳng có bao nhiêu hết á!” Bởi ngoài món gà tây, bà Vicky còn chuẩn bị thêm nào là roast beef, ham, xà lách, khoai tây đúc lò, mashed potatoes, bánh ngọt để nhìn cho “ra dáng bữa tiệc thịnh soạn.”
***
Sang Mỹ đã 20 năm, cũng là 20 năm chị Tina Phạm, một cư dân thuộc thành phố Santa Ana, đều đặn ăn mừng lễ Tạ Ơn trong tinh thần “vui chơi và sum họp gia đình.”
“Lúc đầu mới sang, mấy anh chị em tổ chức ăn Thanksgiving theo kiểu Việt Nam nhiều hơn, tức cũng gọi là mừng lễ Tạ Ơn nhưng thức ăn thì toàn là thức ăn Việt.” Chị Tina nói.
Theo thời gian, khi thế hệ con cháu chị bắt đầu hiện diện, sự hòa nhập vào đời sống văn hóa người bản xứ cũng trôi chảy hơn, thì gia đình chị Tina lại thiên về cách ăn lễ theo kiểu truyền thống Mỹ, tức là luôn có món gà tây trong bữa tiệc Tạ Ơn.
Ðiều thú vị là chị Tina có những kiểu chế biến turkey “khá lạ.”
“Khi thì đặt turkey ướp sẵn từ chợ Mỹ về rồi nướng. Khi thì chế biến theo kiểu Việt.”
Kiểu “turkey Việt” của chị Tina là dồn vào bụng chú gà tây nào nếp đã nấu gần chín, nào tôm khô, lạp xưởng đã xào sơ qua, rồi cho vào lò nướng.
“Ăn cũng ngon lắm đó,” chị Tina cho biết.
***
Một con gà tây trọng lượng trung bình cũng chừng 20 pounds trở lên nên gia đình chị Tina Phạm cũng như bà Vicky Hoàng không bao giờ ăn hết, vì “còn nhiều món khác cũng hấp dẫn không kém.”
Làm gì với những chú gà tây đã bị xẻ thịt một ít?
“Tôi lấy xương turkey hầm súp nấu canh, còn thịt thì làm chà bông.” Ðó là cách “giải quyết hậu sự” cho con turkey của bà Vicky.
“Phần xương nấu canh, phần thịt nấu cháo đậu phộng hoặc khìa với nước tương” là lựa chọn của chị Tina cho số phận còn lại của con gà tây.
Trong khi đó, bà Công Huyền Tôn Nữ Hồng, nhà ở Garden Grove, cho biết: “Mấy đứa trong nhà chỉ ăn phần nhân nhét trong bụng con turkey thôi, còn lại thì bỏ hết, không ai chịu ăn.”
Cũng như mọi người, bà Hồng cũng ăn mừng lễ Tạ Ơn, nhưng không phải năm nào cũng có gà tây trong bữa tiệc.
“Hồi năm đầu mới sang, người ta mang cho con turkey. Tôi chế biến theo kiểu Việt Nam, đem chặt con gà ra, phần thì nấu cà ri, phần thì nấu cháo, phần thì luộc. Cuối cùng không ăn được thứ nào hết vì nghe hôi quá!” Bà Hồng kể.
Từ đó về sau, mỗi lần có muốn ăn turkey thì bà Hồng chỉ nướng theo kiểu Mỹ mà thôi.
***
Nếu các con của bà Vicky Hoàng thích ăn gà tây theo kiểu Mỹ, thì Duy Lê, ở Garden Grove, lại thích mẹ làm turkey theo kiểu Việt Nam. “Thấy miếng thịt thấm gia vị ướp có nước mắm ăn cảm giác ngon hơn,” chàng sinh viên đang học tại trường Orange Coast nhận xét.
Qua Mỹ đã được 10 năm, nhưng không phải năm nào gia đình Duy Lê cũng tổ chức tiệc ăn mừng nhân ngày Thanksgiving, “Ðó không phải là tục lệ hằng năm trong nhà em, có năm ăn, có năm không,” Duy cho biết.
Không ăn tiệc, nhưng “cuộc sống ở đây bận rộn quanh năm, lúc đó là thời điểm cả nhà có thể dành thời gian cho nhau, nên với em thì ăn món gì cũng được, miễn vui là được rồi.” Duy chia sẻ.
***
“Năm nào nhà tôi cũng ăn duy nhất món turkey trong ngày lễ Thanksgiving,” cô Marry Vũ, cũng là một cư dân thành phố Garden Grove, cho hay.
“Thịt bầm, nấm rơm, bún tàu được dồn vào bụng chú gà tây đã được ướp với muối, xì dầu rồi đem nướng, sau đó ăn với bánh mì và dưa leo” là món ăn ngày lễ của gia đình cô Marry từ nhiều năm qua.
Với cô Marry, “ngày lễ Tạ Ơn là ngày dành cho gia đình, là ngày tỏ lòng biết ơn những người đã cưu mang giúp đỡ mình trong cuộc sống.”
Khi chưa lấy chồng, sau bữa tiệc, cô Marry thường cùng với các chị em trong nhà “ngồi kể chuyện đời xưa, chuyện lúc còn ở Việt Nam.”
Từ ngày lập gia đình, cô ăn mừng lễ Thanksgiving cùng gia đình chồng.
Cô Marry tâm sự: “Sau bữa tiệc, mọi người con trong gia đình chồng tôi đứng lên nói lời cám ơn đến bố mẹ đã sanh dưỡng, chăm sóc họ. Tôi thấy xúc động lắm. Lúc đó, tôi ao ước giá như tôi cũng có thể nói như vậy với bố mẹ mình.”
Cô nghẹn giọng. Bố mẹ cô vẫn còn đang ở xa, và có một người đã đi rất xa...
***
Ngày lễ Thanksgiving đã về mang theo khí lạnh cuối Thu.
Hàng triệu con gà tây đã sẵn sàng “liều thân” mang đến niềm vui cho con người trong ngày Lễ Tạ Ơn.
Người Việt Cali, trong ngày Thanksgiving, cũng mang nhiều nỗi niềm tạ ơn, chung cho mọi người, và rất riêng mỗi người.
Những “gói gà Tây” làm sẵn, bán tại các siêu thị Mỹ. Người Việt Nam qua Mỹ đã 35 năm, “Việt Nam hóa” cách ăn gà Tây, bằng những con... gà ta. Hình minh họa. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images) |
No comments:
Post a Comment