Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, November 8, 2010

Mũ an toàn, chuyện dài nhiều tập

Từ khi người chạy xe gắn máy bắt buộc phải đội mũ an toàn (mà nhiều người gọi là mũ bảo hiểm), nếu không bị phạt nặng thì chiếc mũ trở thành vật dụng không thể thiếu của mỗi người
Với tình trạng hầu hết người dân thành phố đều sở hữu một chiếc xe gắn máy thì mũ an toàn là thứ hàng hóa cần thiết, không bao giờ sợ ế.
Sở dĩ mũ an toàn mới buộc đội vài năm gần đây vì trong các tai nạn giao thông, số người bị chấn thương sọ não cao quá.
Khác với nhiều nước, lưu thông trên đường phần lớn là xe hơi, xe gắn máy chỉ chiếm số lượng nhỏ. Việt Nam thì ngược lại, phát triển xe gắn máy cho nên cùng với quần áo giày dép, chiếc mũ ngoài lý do an toàn khi giao thông, đã trở thành một thứ phụ trang.
Không ai muốn đội chiếc mũ to xù, nặng trịch như mũ phi hành gia hay gọi nôm na chiếc nồi cơm điện trên đầu trong lúc mặc áo dài, áo đầm, áo vest... nên thị trường đã cho ra đời những chiếc mũ thời trang vừa đẹp vừa nhẹ nhàng sao cho người đội đỡ ngại. Chiếc mũ không to mà nhỏ hẹp tối đa che vừa đủ đầu nên có hình dạng gọn lỏn như nửa trái dừa hay cái tô múc canh.
Ða số khách hàng lại chỉ chọn kiểu dáng, trang trí... cùng lúc với giá tiền cao hay thấp chứ ít chú ý đến chất lượng mũ tốt hay xấu.
Kết quả là chiếc vỏ bên ngoài mũ ngày càng biến hóa không cùng. Nhìn cái mũ đẹp tới mức không ai nghĩ đó là mũ an toàn: Từ vành lưỡi trai, gắn tai bèo rộng vành che nắng, viền vải, xanh đỏ tím vàng, rằn ri hoặc bọc lưới như mũ lính, gắn nơ, vẽ hoa, dán lá... đủ thứ màu mè kiểu cọ đến nỗi lắm du khách ngoại quốc phải thốt lên ngạc nhiên chưa từng thấy nơi nào trên thế giới, mũ an toàn phong phú lạ lùng như vậy.
Lớp trang trí trên mũ như bức tranh. Có thể dán đề can hoặc vẽ bằng sơn ô tô, nước sơn bóng và không bị phai. Ðối với nam giới là logo các câu lạc bộ đá bóng yêu thích, hổ báo, đại bàng, đầu lâu... Ðối với phái nữ từ hoa lá cỏ cây đến chim chóc, trái tim... Mũ trẻ con có hình bọ rùa, thỏ... Dân hiphop dĩ nhiên thích chiếc mũ vẽ theo kiểu grafiti.
Mũ vẽ sẵn giá rẻ nhưng nếu nhờ thợ vẽ thì tùy hình vẽ phức tạp mà giá cao hơn. Vẽ theo ý thích khách hàng thường là sinh viên học mỹ thuật làm kiếm thêm. Người đội mũ không hề tiếc tiền khi bỏ ra mấy chục ngàn dán đề can hay vài trăm ngàn cho các họa tiết đặc biệt để có một chiếc mũ không “đụng hàng.”
Với yêu cầu của mũ bảo hiểm là che chắn đầu, tai và hàm thì mũ an toàn thời trang không thể bảo vệ được. Mũ lưỡi trai, mũ nồi, mũ kiểu quân đội hay cao bồi, mũ bo, mũ cóc, mũ có vành cứng chung quanh kết bèo... hình thức bắt chước y chang mũ thường có thể che nắng, đỡ chói mắt nhưng gặp tai nạn khó lường được tai họa.
Bên trong chỉ là lớp xốp hoặc mút mỏng, có khi chúng cũng bị gỡ ra hết cho nhẹ và tránh ướt nhem, không khô nổi khi trời mưa. Chiếc mũ khác lại đục lỗ nhỏ cho thoáng đầu vào những ngày nắng nóng hay lỗ to lấy chỗ cho nắm tóc đuôi gà ngoe ngoảy thò ra.
Vì thế đa số trường hợp chỉ giữ nhiệm vụ làm đẹp nhiều hơn là an toàn giao thông.

1 comment:

  1. Bài viết hay quá ! Phân tích chính xác thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm bây giờ. mũ bảo hiểm độc đáo chắc chỉ có duy nhất ở Việt Nam

    ReplyDelete