Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, November 24, 2010

Điều gì sắp xảy ra ở Nam Hàn?

Chủ Nhật tới đây, quân đội Hoa Kỳ và Nam hàn sẽ mở một cuộc tập trận mới, có cả sự tham dự của tàu sân bay hạt nhân USS George Washington.
Các viên chức Nhà Trắng nói với báo chí rằng cuộc tập trận đã được hai bên ấn định trước khi chuyện Bắc Hàn pháo kích miền Nam xảy ra, nhưng cũng chính một nguồn tin khác từ Nhà Trắng lại bảo rằng khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi điện thoại nói chuyện với Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-bak, 2 nhà lãnh đạo đồng ý phải có biện pháp răn đe Bắc Hàn, và cuộc tập trận với sự tham gia của tầu sân bay hạt nhân USS George Washington bắt đầu từ đó.
Một số người cho rằng chính sách mềm mỏng của Tổng Thống Hoa Kỳ đối với Bắc Hàn đã không đem lại kết quả. Theo dư luận thì Tổng Thống Obama không đi sai đường khi hoạch định một chính sách mà họ gọi là ngoại giao khôn ngoan, áp dụng với chính phủ Bình Nhưỡng.
Chính sách của ông Obama không khác gì mấy so với chính sách của những vị Tổng Thống tiền nhiệm, và có lẽ cũng là chính sách mà các vị Tổng Thống Mỹ sau này sẽ áp dụng. Có thể chính sách dưới thời Tổng Thống George W. Bush cứng rắn hơn chính sách của Tổng Thống Obama, nhưng mục tiêu chung vẫn là sẵn sàng thảo luận, sẵn sàng đàm phán, và vận động quốc tế để cùng thúc đẩy chính phủ Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình chế tạo võ khí hạt nhân.
Hồi đầu tuần, Bắc Hàn công khai xác nhận có nhà máy tinh luyện uranium, tức là đã đi thêm một bước trong tiến trình chế tạo võ khí hạt nhân, nhưng ngay chính Đặc Sứ Mỹ là ông Stephen Bosworth, dù lên án hành động của Bắc Hàn, nhưng ông cũng bảo rằng tình hình không đến mức nguy kịch, vẫn tiếp tục tìm cách nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Một ngày sau đó thì vụ Bắc Hàn nã pháo bắn miền Nam xảy ra. Chính Tổng Thống Nam Hàn Lee Myung-bak chỉ thị phải có biện pháp cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, phải tìm cách răn đe không để Bắc Hàn tiếp tục có những hành động gây hấn như thế nữa, nhưng mặt khác thì ông Lee Myung-bak cũng bảo là phải tránh đừng để tình hình trở nên quá căng thẳng, bất lợi cho cả đôi bên.
Nói cách khác, không ai bằng lòng với thái độ của Bắc Hàn, nhưng không vì thế mà nghĩ đến chuyện chiến tranh.
Bên cạnh đó, thế giới nói đến vai trò của Trung Quốc, và cũng chẳng phải lần cuối cùng thế giới nói đến vai trò của Trung Quốc.
Hôm qua, Thượng Viện Liên Bang Hoa Kỳ có đưa ra một bản nghị quyết lên án hành động gây hấn của Bắc Hàn, sau đó Thượng Nghị Sĩ John Kerry, Chủ Tịch Ủy Ban Ngoại Giao, có nói rằng phải thúc đẩy Bắc Kinh mạnh hơn nữa, để Bắc Kinh làm áp lực với Bình Nhưỡng. Nghị Sĩ Kerry nói đúng. Nhưng trước đó, nhiều viên chức hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ nói điều này, và Washington đã nhiều lần nói với Trung Quốc, nhưng đi tới đâu lại là một chuyện khác.
Trung Quốc lắng nghe nhưng không làm vì muốn bảo vệ đàn em Bắc Hàn. Cũng có người nói là Bắc Hàn lắng nghe đề nghị của Trung Quốc nhưng không phải điều gì Trung Quốc nói thì Bắc Hàn sẽ vâng theo, và vụ Bắn Hàn nã pháo bắn vào lãnh thổ miền Nam là một trong những bằng chứng cụ thể nhất.
Mọi chuyện sẽ rất nan giải, chứ không đơn giản. Ngay chính ông Đặc Sứ Bosworth cũng vừa nói với báo chí ở Bắc Kinh là giải quyết chuyện Bình Nhưỡng chẳng bao giờ dễ cả.

No comments:

Post a Comment