Viết đến đây tôi nhớ đến câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi trong bóng đêm nguyền rủa”. Ngọn nến nhỏ của tôi dù nó không đủ sáng để chiếu cả bầu trời, nhưng hy vọng nó cũng đủ sáng cho một căn phòng nhỏ. Nhưng nếu tất cả chúng ta, ai cũng thắp lên ngọn nến nhỏ của mình thì hy vọng bầu trời Việt Nam sẽ luôn tỏa sáng, đó là ánh sáng của tình người, ánh sáng của sự thật và ánh sáng của tình yêu mà chúng ta mang lại cho nhau.
Thời gian vừa qua, dư luận trong nước và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đang nóng lên vấn đề Bô-xit ở Tây Nguyên. Tôi một người con của tổ quốc và một người thuộc thế hệ trẻ cũng có những trăn trở đối với vấn đề trên. Lúc đầu tôi dự định sẽ không viết ra những dòng này, vì tôi nghĩ mình viết cũng không ai đọc và chẳng ai quan tâm, tôi viết cũng không thay đổi đựơc những quan điểm của họ, tôi viết cũng không giúp được gì…
Vì đã có biết bao nhà tri thức, nhà khoa học đã viết và đã lên tiếng rồi. Nhưng cuối cùng tôi đã quyết định viết, tôi viết vì lương tâm của mình, tôi viết để mai này nếu sự việc có xảy ra như vậy thì lương tâm mình không bị hổ thẹn và mình cũng không có lỗi với con cháu và thế hệ mai sau của mình.
Chưa bao giờ chúng ta thực hiện một dự án kinh tế trọng điểm của quốc gia, mà chúng ta lại gặp phải sự phản đối và bức xúc của dư luận xã hội như dự án Bô-xít ở Tây Nguyên hiện nay. Khi thực hiện một vấn đề gì trong cuộc sống cũng như trong đầu tư kinh tế, thì chúng ta cũng thường gặp những người đồng tình và những người không đồng tình, tuy nhiên thường thì những người đồng tình luôn nhiều hơn và chiếm đa số. Còn dự án Bô-xit Tây Nguyên thì sao?
Tôi đã đọc được rất nhiều bài viết bảy tỏ lo ngại về hiệu qủa kinh tế, ảnh hưởng môi trường và an ninh quốc gia từ dự án Bô-xit. Đặc biệt là bức tâm thư của 2000 nhân sĩ gởi cho những vị lãnh đạo Đảng và nhà nước. Càng đọc, tôi càng thấy được sự nguy hiểm không thể lường trước được mà việc khai thác Bô-xit ở Tây Nguyên có thể gây ra cho những người dân ở Tây Nguyên và Nam Bộ nói riêng và cho đất nước chúng ta nói chung.
Trong quá khứ và cả trong hiện tại, chúng ta đang phải trả giá cho những sự chủ quan và phớt lờ những lời cảnh báo của các chuyên gia và những người có trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong tháng 10 vừa qua, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều mất mát từ thiên tai lủ lụt ở Miên Trung và cụ thể là ở ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, và Quảng Bình. Thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn và đến bây giờ vẫn chưa có một thống kê cụ thể nào, nhưng con số thiệt hại ước chừng lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Bên cạnh đó thương vong về người cũng là rất lớn, lủ lụt đã làm khoảng hơn 100 người chết và mất tích. Trong đó đau thương nhất vẫn là những người bị chết trong chuyến xe bị lũ cuốn trôi, khi trên đường về quê ở Nam Định. Chúng ta hãy nghe tâm sự của một người có trách nhiệm khi nói về lũ lụt ở Hà Tĩnh. “Thiệt hại nặng nề ở miền Trung một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, chậm thoát ra biển”, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên bí thư Hà Tĩnh. Ông Đàn nói thêm: “Cá nhân tôi cũng có trách nhiệm vì lúc đó tôi đang là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh. Hồi đó, tỉnh còn nghèo, người ta vào đầu tư để có nhà máy phát điện và có hồ chứa nước để có nước tưới, nước sinh hoạt. Thế nên ai cũng muốn làm. Bây giờ, cần phải rút kinh nghiệm trong việc quản lý nhà nước từ trung ương tới địa phương, phải nghiên cứu cái gì nên làm và cái gì không nên làm”.
Rồi khi tai nạn thương tâm trên chuyến xe định mệnh bị lũ cuốn trôi, chúng ta lại đặt vấn đề về sự chủ quan của con người trước những lời cảnh báo của những người có trách nhiệm. Mặc dù đã đựơc cảnh báo về nguy hiểm khi đi qua dòng nước chảy xiết, cuồn cuộn không thấy đường để chạy, vậy mà lái xe vẫn phớt lờ và cho xe chạy và rồi hậu quả thật đau lòng mà ai cũng đã biết.
Tôi rất tâm đắc và đồng tình với lời phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết: “Triển khai dự án bô xít, đất nước được lợi gì, nếu rủi ro thì đến mức nào? Tiền trót đầu tư rồi, mất cũng tiếc, nhưng so với tổn thất nếu có thể xảy ra thì tiền đầu tư ấy chưa thấm tháp gì”. Thực ra, theo tôi được biết thì chúng ta đã đầu tư khoảng hơn 400 triệu USD vào các dự án rồi. Đây là số tiền rất lớn, nhưng nếu so với toàn dự án khoảng hơn 25 ngàn tỉ đồng thì dừng lại vào lúc này cũng chưa quá muộn. Bên cạnh đó, dự án có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho những người dân vô tội trong vài ba chục năm sau thì chúng ta nên có một quyết định đúng đắn, đòi hỏi phải có bản lĩnh, và có tâm nữa đó là dừng triển khai. Một khi đã làm đúng với lương tâm và trách nhiệm thì sau này sẽ không phải lên tiếng là mình cũng có một phần trách nhiệm như lời thú tội của nguyên bí thư tỉnh Hà Tĩnh trong cơn lũ lụt vừa qua.
Chúng ta thử nghĩ đến những người dân vô tội, họ đâu có tiếng nói và họ được hưởng lợi trực tiếp gì từ những dự án đó, chúng ta thử nhìn và hình dung những người dân ở Miền Trung, họ sẽ lấy gì ăn và ở khi lũ lụt đi qua. Nhà cữa không còn, lương thực đã bị nước lũ cuốn đi, hoa màu bị mất trắng… có bao giờ những người lãnh đạo đặt mình vào vị trí của những người dân đó chưa? Có bao giờ chúng ta nghĩ là người dân của mình đáng ra sẽ được sướng hơn nếu mình làm tốt hơn? Những người nông dân vô tội, họ sinh ra và lớn lên chỉ biết lao động, họ phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm sống, thế nhưng khi lũ dữ đổ về thì họ bị mất tất cả, và rồi họ phải làm lại từ đầu… Chúng ta thử nghĩ nếu 10 năm, 20 năm sau khi việc khai thác Bô-xit diễn ra, thì vấn đề bùn đỏ ở các hồ chứa như những quả bom. Hay nói như trong thư của các nhân sĩ gởi Đảng và nhà nước: “Các hồ chứa bùn đỏ sẽ là những quả bom độc treo trên đầu hàng chục triệu người dân với tai họa khôn lường“. Bên cạnh đó các nhân sĩ viết tiếp: “Thảm họa vỡ hồ bùn đỏ Ajka ở Hungary là lời cảnh báo nghiêm khắc đối với vấn đề hồ bùn đỏ chứa chất thải trong sản xuất alumina ở Tây Nguyên”
Mỗi người chúng ta hãy hành động những gì khi chúng ta có thể làm, để sau này chúng ta cảm thấy thanh thản khi mình về hưu. Trong cuộc sống có những lúc chúng ta phải chấp nhận hy sinh và mất mát để có những quyết định đúng đắn. Việc dừng triển khai các dự án Bô-xít theo tôi nghĩ cũng là một quyết định hết sức khó khăn, nhưng vì người dân, vì tương lai và sự tồn vong của đất nước, xin những người có trách nhiệm hãy dám mạnh dạn quyết định. Có những điều chúng ta có thể rút kinh nghiệm, nhưng như đại dự án Bô-xít chúng ta không thể đợi đến khi hậu quả xảy ra như ở Hungary rồi chúng ta mới rút kinh nghiệm.
Hay nói như các nhân sĩ – trí thức, thực hiện thỉnh cầu dừng dự án Bô-xít đồng nghĩa với việc lãnh đạo Đảng và nhà nước phải thực hiện “một quyết định rất đau đớn chưa hề có trong lịch sử kinh tế Việt Nam và sẽ là một tổn thất lớn mà nền kinh tế phải chịu đựng, nhất là Nhà máy chế biến alumina Tân Rai đã hoàn thành một phần lớn và đã làm được nhiều việc quan trọng trong triển khai dự án Nhà máy Nhân Cơ”. Nhưng “dù sao, sẽ vẫn còn rẻ hơn cái giá phải trả không thể lường hết được và thậm chí không thể cứu vãn được cho những hệ quả và thảm họa có thể xảy ra”,
Tóm lại, khi viết những dòng suy nghĩ trên đây xong, tôi cảm thấy nhẹ nhỏm vì mình đã làm hết khả năng của mình đó là nói lên tiếng nói của bản thân. Viết đến đây tôi nhớ đến câu ngạn ngữ Trung Hoa: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn là ngồi trong bóng đêm nguyền rủa”. Ngọn nến nhỏ của tôi dù nó không đủ sáng để chiếu cả bầu trời, nhưng hy vọng nó cũng đủ sáng cho một căn phòng nhỏ. Nhưng nếu tất cả chúng ta, ai cũng thắp lên ngọn nến nhỏ của mình thì hy vọng bầu trời Việt Nam sẽ luôn tỏa sáng, đó là ánh sáng của tình người, ánh sáng của sự thật và ánh sáng của tình yêu mà chúng ta mang lại cho nhau. Và tôi viết lên những dòng này không phải để lên án hay kết tội ai, tôi chỉ viết với những thao thức và trăn trở của một người trẻ, cho quê hương và cho đất nước. và nhất là cho những người dân vô tội. Họ không nắm được đầy đủ thông tin và họ không có khả năng để nói lên tiếng nói của mình.
Nguyễn Văn Thuật
No comments:
Post a Comment