Đại Hội Dân Chúa sẽ kết thúc và sẽ “thành công rực rỡ” nhưng bên cạnh sự thành công ấy còn thiêu thiếu một cái gì đó hết sức nhỏ nhoi đó là những con người nghèo, những con người thấp cổ bé họng. Ngày sau hết, không chừng những con người thấp cổ bé họng, những con người không được tham dự Đại Hội Dân Chúa ấy lại được vào dự dại hội Nước Trời trước những vị có mặt ngày hôm nay trong Đại Hội Dân Chúa 2010.
Đại Hội Dân Chúa 2010 mà hàng triệu giáo dân mong đợi bấy lâu đã diễn ra, đang diễn ra và sẽ kết thúc. Không ai phủ nhận một Đại Hội Dân Chúa hết sức hoành tráng với 300 đại biểu hết sức tiêu biểu sau khi đã bầu bán, sau khi đã chọn lọc từ mọi miền đất nước. Cũng đúng thôi vì tính cách đặc biệt và cách hoành tráng nên những đại biểu ấy phải được chọn lọc hay là những người có thế giá trong Giáo Hội.
Điều này không ai trách được nhưng hình như bên cạnh những con người tiêu biểu đó còn thiếu dáng dấp của những con người nghèo, những con người bị bỏ rơi. Phải chăng thành phần tiêu biểu của Giáo Hội chỉ là những người có thế giá còn những con người nghèo, những con người ở bên lề Giáo Hội đi đâu?
Tưởng nên nhớ cho rằng dân Chúa không gồm chỉ những giám mục, linh mục, tu sĩ và những người có thế giá nhưng gồm có cả những con người ngày đêm đang thống thiết bên căn bệnh thế kỷ, bên miếng cơm manh áo, bên cái nhà rách nát tả tơi, nên hậu quả của những trận bão lụt tàn khốc, bên nạn bạo hành, bên nạn bóc lột…
Cứ đọc đi đọc lại những bài tham luận ta sẽ thấy! Ai ai cũng phải cho những bài phát biểu ấy những con điểm 10 tròn vo vì nó được chắp bút và kiểm duyệt hết sức kỹ càng đi theo đường lối đã chỉ định. Những bài tham luận ấy cũng nhắc đến di dân, cũng nhắc đến nạn nhân của bất công xã hội, cũng nhắc đến những con người nghèo, những con người bị bỏ rơi nhưng dường như chỉ nhắc đến cho thêm phần điểm sắc của một Giáo Hội chạnh thương người nghèo. Trong thực tế, có bao nhiêu giám mục, linh mục, tu sĩ dã dấn thân hay nói gần nhất là yêu thương người nghèo một cách đúng nghĩa?
Tìm mỏi con mắt cũng chẳng có bài tham luận nào của những kẻ cô thế cô thân đâu? Tìm mãi cũng chẳng có được một bóng con người nghèo được đặt chân vào Đại Hội Dân Chúa để được nhìn mặt các đấng các bậc trong Giáo Hội chứ đừng nói gì đến tham với chả luận!
Đại Hội Dân Chúa có can đảm để cho con chiên của mình nói lên những thao thức, những mong mỏi của họ hay không?
Nhìn một cách chung chung hình như con chiên và đặc biệt là con chiên nghèo sao mà khó có cơ may được tiếp cận với các vị mục tử của mình quá! Miệng thì vẫn nói bác ái, giảng thì vẫn nói yêu thương, khẩu hiệu của ngày chịu chức vẫn là “chạnh lòng thương”, vẫn là “Thần Khí Chúa sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”… Thế nhưng trên và trong thực tế, tìm được bao nhiêu vị mục tử dấn thân cho người nghèo, bị bỏ rơi thật sự.
Nói đến nghèo thì ai cũng nghèo cả, ai cũng cần tiền cả nhưng cần hơn cả vẫn là cần tấm lòng, cần tinh thần, cần sự quan tâm, cần sự chăm sóc của chủ chăn.
Không biết là có bài tham luận của ai đó đặt vấn đề về việc đào tạo linh mục tu sĩ để làm sao khi họ khấn dòng, họ lãnh sứ vụ họ không đi ra khỏi lời mà họ tuyên khấn, tuyên hứa là luôn luôn ở bên cạnh người nghèo, lo cho người nghèo, sống chết với người nghèo? Không biết có bài tham luận nào nói lên thao thức làm sao để nuôi dưỡng đời sống đức tin của quá nhiều anh chị em di dân, của quá nhiều tân tòng trở lại đạo không?
Truyền giáo! Mỗi năm các xứ đạo nói riêng và toàn thể Giáo Hội nói chung nhìn lại xem có bao nhiêu tân tòng. Họ theo Chúa vì lý do hôn nhân hay là một lý do nào đó của việc bác ái xã hội chứ lý do có niềm tin sâu sắc theo Chúa từ đời sống chuẩn mực của giáo sĩ, tu sĩ và những người đạo gốc là được bao nhiêu? Đại Hội có thao thức về lối sống, về đời sống chứng nhân thật sự của mình giữa lòng xã hội hay không?
Mỗi khi đi ngang các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhìn hàng vạn hàng vạn anh chị em công nhân di dân sao mà thấy thương quá! Có bậc vị vọng nào nghĩ đến là mỗi khi nghe tin có khu công nghiệp là tìm một mảnh đất để cắm dùi một cái nhà nguyện hay không? Đi ngang những khu đó thấy thương quá những con người xa quê phải vì manh áo miếng cơm mà phải xa nhà thờ, xa cộng đoàn, xa vị mục tử thân yêu.
Còn đó những con người vì yếu đuối đã phải vướng cảnh tù tội, còn đó những con người kém may mắn ở các trại phong, trại mồ côi, trại sida, trại tàn tật … Chẳng biết là Giáo Hội hay nói gần nhất là những bậc vị vọng có nghe tiếng lòng của những con người ấy hay không?
Các giám mục, linh mục, tu sĩ đặc biệt là những vị bề trên, những vị có chức có quyền hàng năm được mấy lần đi vào thăm thôi chứ đừng nói gì xa xôi hơn nơi những con người nghèo, những con người bị đẩy ra bên lề xã hội ấy! Cứ thử nhìn lại xem, một năm phục vụ dân Chúa nhưng hình như các vị đến với các đám tiệc, các đại gia, các hội hè nhiều hơn là đến với những nơi mà khao khát tình thương, khao khát tấm lòng, khao khác tình bác ái của các đấng các bậc và cộng đồng dân Chúa.
Cũng có đó những vị chủ chăn tận tình chia sẻ và chăm sóc con chiên. Thế nhưng, đáng tiếc thay là con số tận tình ấy thật khiêm tốn với đại đa số mục tử sống như một công chức hơn là người phục vụ. Số mục tử sống nghèo, sống gần gũi với dân chúng sao tìm hoài đỏ con mắt mà chẳng thấy. Tìm mãi, tìm mãi chỉ có vài ánh sao leo lét giữa một bầu trời đen kịt.
Những con người kém may mắn ấy họ đã thiếu thốn về vật chất nhưng hình như họ thèm, họ cần, họ khát hơn vật chất, tiền bạc đó là tình cảm, sự quan tâm, tấm lòng của các vị mục tử. Bao nhiêu mục tử đã xoa dịu cơn khát, cơn đói tinh thần, lòng bác ái của các vị mục tử.
Nếu như cho họ nói, cho họ phát biểu thì họ cần lắm một Giáo Hội có những vị mục tử có tấm lòng nhân lành thật sự như Kitô Giêsu.
Đại Hội Dân Chúa sẽ kết thúc và sẽ “thành công rực rỡ” nhưng bên cạnh sự thành công ấy còn thiêu thiếu một cái gì đó hết sức nhỏ nhoi đó là những con người nghèo, những con người thấp cổ bé họng. Ngày sau hết, không chừng những con người thấp cổ bé họng, những con người không được tham dự Đại Hội Dân Chúa ấy lại được vào dự dại hội Nước Trời trước những vị có mặt ngày hôm nay trong Đại Hội Dân Chúa 2010.
Tư Vô Sài Gòn
No comments:
Post a Comment