Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, October 26, 2010

Làm sao chống tham nhũng tại Việt Nam?

Tổ chức Minh bạch Quốc tế vừa công bố bản xếp hạng Nhận thức về Tham nhũng 2010. Đây là bản báo cáo được tổ chức này thực hiện định kỳ hàng năm.

Cần theo tiêu chuẩn quốc tế

Có 178 nước được nằm trong bảng xếp hạng năm nay. Thang điểm được tính cho các nước từ 0 đến 10. Theo đó những nước có điểm số dưới 5 bị coi là có tình trạng tham nhũng cao. Việt Nam có điểm số 2.7 trong bảng xếp hạng năm nay, bằng điểm so với năm ngoái.
Việt Hà phỏng vấn bà Samantha Grant, Điều phối viên chương trình của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, phụ trách khu vực Đông Nam Á về bản báo cáo này.
Trước hết bà Grant cho biết về những điểm nổi bật của bản báo cáo năm nay như sau:
Samantha Grant: Trong bản báo cáo năm nay, chúng tôi xem xét thấy vấn đề khủng hoảng tài chính toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều nước trong suốt thời gian qua và vì vậy chính phủ các nước cần phải chú trọng hơn nữa trong việc chống tham nhũng theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, cải thiện sự minh bạch để có thể lấy lại lòng tin của người dân và điều này là hết sức quan trọng. Một điểm khác mà chúng tôi có trong bản báo cáo này là ¾ số nước trong 178 nước của bản báo cáo có điểm số nhỏ hơn 5. Điều này cho thấy vấn đề tham nhũng vẫn rất đáng ngại trên toàn cầu. Đặc biệt tại châu Á có đến 70% các nước có điểm số nhỏ hơn 5. Vì vậy tham nhũng vẫn là vấn đề mà các nước này cần phải chú trọng.
Để có thể giải quyết được các vấn đề mà chúng tôi đã đề cập đến trong bản báo cáo năm nay, bao gồm khủng hoảng tài chính, thay đổi khí hậu, nghèo đòi, các nước cần phải đưa chính sách chống tham nhũng vào mọi lĩnh vực. Và cuối cùng quản lý giám sát tốt của chính phủ chính là một phần của giải pháp cho những thách thức về chính sách, đặc biệt là việc thực thi các chính sách này. Nếu chúng ta nhìn vào châu Á chúng ta thấy có nhiều nước hơn đang cố gắng có những chính sách chống tham nhũng nhưng việc thực thi vẫn chưa tốt. Cho nên một trong những thông điệp mà chúng tôi muốn đưa ra đối với các nước châu Á là chính sách tốt là một chuyện, nhưng việc thực thi chính sách và cam kết thực hiện tốt các chính sách lại là một vấn đề khác.
Việt Hà: Thưa bà, nếu so với các năm trước, tình hình tham nhũng trên thế giới năm nay có gì biến chuyển?
Samantha Grant: Nhận thức về tham nhũng trước hết không phải chỉ là cho năm nay, so sánh các nước với nhau dựa vào nhiều chỉ số của năm nay. Tuy nhiên chúng tôi cũng thấy những thay đổi lớn trong năm nay so với các năm trước. Các nước có điểm số vượt lên trên 3 chấm đã tăng lên, và hơn một nửa số điều tra cũng cho kết quả như vậy. Nhìn vào báo cáo năm nay, nếu ta nhìn vào nước Bhutan chẳng hạn, có thể thấy là điểm số đã tăng đáng kể, đây là nước mà chúng ta có thể cho rằng sự thay đổi này một phần đến từ việc dân chủ hóa, và sự ra đời của ủy ban chống tham nhũng, và luật chống tham nhũng. Nước này cũng có cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 2008. Cho nên đó là các điểm tích cực và thay đổi lớn mà chúng tôi nhìn thấy ở nước này.
Các nước khác mà chúng ta cũng thấy có thay đổi là Chi lê, Equador, Macedonia, Haiti, Kowet, Qata. Với các nước có điểm số hạ trong báo cáo năm nay, chúng ta không thấy những thụt hạng đáng kể tại Asia, nhưng chúng ta lại thấy sự tụt dốc đáng kể của các nước khác như Czech, Hungary, Italy, Nigeria và Hoa Kỳ.

Tự do báo chí để chống tham nhũng

Việt Hà: Bà nhận xét thế nào về tình hình tham nhũng tại Việt Nam thể hiện qua bản báo cáo này năm nay?
Samantha Grant: Điểm số của Việt Nam năm ngoái là 2.7 và năm nay vẫn vậy. Điều này có nghĩa là theo các chuyên gia và các nhà nghiên cứu, tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa giảm xuống. Chiến lược chống tham nhũng của chính phủ đến năm 2020 đã nhìn nhận tâm quan trọng của vấn đề này nhưng mặc dù đã có những cố gắng nhưng theo các chuyên gia Việt Nam vẫn chưa có tiến bộ nào
Theo tôi, Việt Nam là một nước đang phát triển và với gói kích cầu được chính phủ tung ra, nhiều tiền được đưa ra đầu tư có nghĩa là các vấn đề về minh bạch cần phải được chú trọng hơn để đảm bảo là tiền đầu tư được sử dụng đúng chỗ. Cơ hội cho tham nhũng có ở bất cứ đầu có tiền đổ vào, và Việt Nam cũng là một trong những trường hợp như thế. Và vì vậy chính phủ cần phải giám sát được vấn đề này. Mặt khác chúng ta cũng không thể không nhắc đến tầm quan trọng của báo chí trong trận chiến chống tham nhũng, và xã hội dân sự. Họ cần phải được khuyến khích để tham gia tích cực hơn nữa vào cuộc chiến chống tham nhũng của chính phủ.
Việt Hà: Trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức độ nhất định và thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trưởng. Nếu nói rằng tình trạng tham nhũng tại Việt Nam không có tiến bộ rõ rệt thì chúng ta có thể giải thích thế nào về vấn đề này?
Samantha Grant: Quốc tế nhìn chung đều cho rằng Việt Nam đang cố gắng chống tham nhũng và có lẽ đó là điều mà chúng ta thấy thể hiện qua tốc độ phát triển khá đồng đều trong những năm qua. Nhưng Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa các nỗ lực đó bởi vì tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì ở mức như vậy mãi nếu tình trạng tham nhũng vẫn dậm chân tại chỗ.
Việt Hà: Bà nói đến vấn đề dân chủ và tự do báo chí là các yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Singapore là nước có điểm khá cao trong năm nay nhưng lại không phải là nước tiêu biểu về dân chủ và tự do báo chí trong khu vực. Bà giải thích thế nào về trường hợp này?
Samantha Grant: Tôi tin là tự do báo chí đóng vai trò rất quan trọng. Singapore là một trường hợp đặc biệt ở khu vực. Họ có thứ hạng khá cao so với các nước trong khu vực, đặc biệt khi nhìn vào vấn đề tham nhũng ở khu vực công. Và chắc chắn là việc chống tham nhũng ở khu vực công tại Singapore là một điểm tốt. Tuy nhiên tại khu vực tư thì vẫn còn phải lo ngại về tham nhũng, đặc biệt khi có liên quan đến các thương vụ quốc tế. Cho nên trong khi Singapore có điểm số tốt ở khu vực công, nhưng khi nhìn vào khu vực tư của nước này và tự do báo chí thì bức tranh lại khác hoàn toàn. Cho nên điểm số của bản báo cáo CPI phán ánh cái nhìn của chuyên gia đối với khu vực công, và nói như vậy không có nghĩa là không có những tham nhũng khác. Bản báo cáo của chúng tôi mới chỉ là một công cụ, muốn nhìn tổng thể bức tranh tham nhũng của một nước phải nhìn vào nhiều yếu tố khác nữa.
Việt Hà: Xin cảm ơn bà đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn này.

1 comment:

  1. Chỉ có cách dẹp chế độ tham nhũng sẽ hết tham nhũng , mà chế độ tham nhũng là ai thì ai cũng biết

    ReplyDelete