Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, October 22, 2010

CÓ KHÔNG MỘT THẾ GIỚI BÊN KIA?

Chưa có ai dám tự hào “vỗ ngực xưng tên” rằng ta đây đã từng “diện kiến” ma, nhưng kể chuyện ma và sợ ma thì già trẻ bé lớn ai cũng từng có một thời “sợ đến xanh máu mặt”.
Ở nông thôn thời năm nẳm, buổi tối sau khi xem chương trình ti vi trắng đen đến mười giờ thì “hết phin”, mà cũng “hết điện” luôn. Điện do máy đèn đặt bên đồn phát ra, câu dây ra ngoài cho dân chung quanh khu vực đồn xài đến cuối tháng trả tiền. Cứ 6 giờ chiều thì có người “chạy máy đèn” kêu ình ình inh ỏi, điện bật lên sáng lóa. Gần mười giờ, người giữ máy đèn “nhá” ba cái cho biết sắp hết giờ để dân chúng chuẩn bị bưng đèn dầu ra, đúng mười giờ điện tắt bụp tối thui, nhường chổ cho ngọn đèn dầu leo lét, bóng tối trong nhà tràn ngập nhiều hơn ánh sáng. Tôi tưởng chừng như mọi ngóc ngách trong nhà dường như đâu đâu cũng đều có cái mặt mâm núp sẳn đợi mình đi ngang thì chường mặt ra lè lưỡi, hay bàn tay lông lá đen thui to tổ bố nó thò ra chực túm lấy mình.
Sau mười giờ đêm thì cũng là thời điểm mà người lớn trong nhà tôi bắt đầu thi nhau kể chuyện ma, còn mấy dì tôi, mẹ tôi xúm lại cầu cơ. Cầu cơ tức là đợi lúc khuya vắng vẻ, lấy tờ giấy trắng trên đó có vẽ hai mươi bốn chữ cái, dấu sắc huyền hỏi ngã nặng đầy đủ, hình đầu lâu xương chéo, mặt trăng, mặt trời, bốn bên có thêm chữ Thánh - Thần - Ma - Quỷ, Đúng - Sai - Có, v.v… trải ra trên mặt bàn hay mặt ván gỗ trên gác. Lấy thêm cái đồng xu cũ mòn lẳn chính giữa có lỗ thủng hình vuông để lên tờ giấy. Hai người ngồi đối diện lấy hai ngón tay đặt lên đồng xu rồi khấn nhỏ nhỏ trong miệng (khấn cái gì tôi hổng biết), xong chờ đồng xu tự chạy đến chữ hoặc hình trên tờ giấy. Thêm một người nữa ngồi kế bên lấy giấy viết ghi lại từng chữ cái đồng xu chạy đến để ráp lại thành chữ có nghĩa. Dì tôi nói đồng xu chạy là do “ma đẩy”.
Lúc tôi sáu bảy tuổi, nghĩa là “trình độ văn hóa” chưa đọc chạy chữ quốc ngữ, nên tôi thường được “trưng dụng” dùng để đặt ngón tay lên đồng xu, với lý do: “Nó chưa biết chữ, nó không đẩy đồng xu chạy theo ý nó được”.
Dì tôi cầu cơ để “hỏi cơ” đủ thứ chuyện như người ta đi coi bói mà hỏi thầy bói, có hôm thì xin số để đánh số đề. “Cơ” trả lời trúng hay trật tôi không biết, nhưng tôi thấy cứ cách vài ngày thì mấy dì xúm lại cầu cơ.
Có lần, đêm đã khuya, ngồi mõi lưng, mõi cổ, mõi tay muốn chết, muỗi cắn nữa, mà chờ hoài hổng thấy đồng xu động đậy chi hết. Tôi buồn ngủ quá, bèn đẩy cho đồng xu chạy tới chổ hình đầu lâu xương chéo. Dì tôi nhìn thấy đồng xu chạy đến chổ đó, bèn la “Á!” lên một tiếng thiệt lớn rồi bỏ chạy. Thấy mọi người rùng rùng chạy tôi sợ quá cũng “Á!” lên rồi chạy theo, vừa chạy vừa khóc hụ hụ um sùm. Bà ngoại tôi chửi quá xá, cấm tiệt không cho cầu cơ nữa.
Lúc đó, tôi sợ ma quá chừng. Giờ già rồi, mới thấy mấy chuyện đó là nhảm nhí hết sức, hổng hiểu sao hồi đó mọi người lại khoái bu vào. Chuyện tương lai, công việc làm ăn của mình mà lại đi “hỏi” ma hỏi quỷ, một kẻ mình chẳng biết nó là ai, tốt hay xấu, trình độ hiểu biết cỡ nào. Thậm chí, giao cả vào tay một đứa con nít rồi tự hù dọa mình sợ đến vãi linh hồn, thì có phải là “giao trứng cho ác” hay không?
Ngủ mà chiêm bao thấy ma, mớ, bị bóng đè… chắc chắn ai cũng đã từng trải qua những giây phút “toát mồ hôi lạnh” này, tỉnh dậy rồi mà vẫn còn run. Nhưng tỉnh táo mở mắt trao tráo chưa hồ ngủ mà thấy “áng chừng như có ai đó” bên cạnh mình thì không phải nghe ai kể, mà chính tôi từng ở trong hoàn cảnh như vậy.
Năm 1989, tôi đang là sinh viên năm thứ 4 của Phân hiệu Đại học Pháp Lý TP HCM. Trường là một khối lớn nhà đúc, trước ngày 30/4/75 là tài sản của Giáo xứ Phatima tại phường Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức), gần ga xe lửa Bình Triệu. Lúc đó, trong trường vẫn còn rất nhiều tượng Chúa Jesu, thiên thần ở ngoài sân, còn trong Hội trường lớn (theo cấu trúc tôi nghĩ đó là Thánh đường) có tượng Chúa Jesu trên thập giá. Ký tục xá của sinh viên nằm luôn bên trong khuôn viên trường, từ phòng ở xuống lớp học chỉ cách mấy bước chân. Tôi sống cùng phòng với ba bạn nữ khác trong một căn phòng chừng 12 mét vuông ở lầu 2. Do lối kiến trúc hình chữ L đan xen vào nhau, phòng ở này mặc nhiên nằm ở vị trí gần như chính giữa khuôn viên trường.
Một đêm nọ, tôi đang ngủ say sưa thì nghe rất rõ tiếng ai đó kêu tôi phát ra từ vị trí đầu giường của mình. Tôi lười không muốn mở mắt mà cũng không muốn thức dậy, nhưng tiếng kêu “Tạ Phong Tần! Tạ Phong Tần!”càng lúc càng lớn hơn làm tôi không thể ngủ tiếp được. Bực mình quá, tôi ngồi dậy chui ra khỏi mùng, trong bụng nghĩ thầm rằng: “Ra coi đứa nào kêu. Đang ngủ mà kêu hoài. Tao ra mà không có chuyện gì là mày chết mẹ mày với tao”. Tôi bật đèn, thấy trong phòng ai cũng đều ngủ hết, tôi bèn mở cửa phòng bước ra hành lang đi một vòng. Ánh trăng sáng vằng vặc như ban ngày. Chung quanh tất cả các phòng đều cửa đóng im ỉm, hành lang vắng ngắt không một bóng người. Tiếng gió thổi vào đám lá của hàng cây bạch đàn cao nghệu trồng xung quanh hàng rào mỗi lúc mỗi mạnh, phát ra những tiếng ú ú, rào rào liên tục. Tôi bắt đầu cảm thấy lạnh dọc sống lưng, vội vàng đi nhanh vào phòng đóng chặt cửa lại rồi ngủ tiếp. Sáng hôm sau, tôi hỏi mấy bạn ở các phòng gần đó: “Đêm hôm qua, cũng hơi khuya khuya rồi, có đứa nào kêu tao hông dzậy?”. Tụi nó trả lời: “Tụi tao mắc ngủ, kêu mày làm cái giống gì”.
Khoảng cuối năm 2004, tôi đang công tác tại Sở Thương mại - Du lịch Bạc Liêu. Căn nhà làm trụ sở cơ quan này là hai căn nhà đúc rộng liên kết liền kề nhau, tọa lạc tại số 35-37 đường Lê Văn Duyệt, phường 3, thị xã Bạc Liêu. Tôi nghe hàng xóm nói dãy nhà phố này trước đây nguyên là của một ông Ba Tàu cất lên để cho thuê. Sau ngày 30/4/75 ông Ba Tàu đi vượt biên rồi mất tích, nhà bị tịch thu. Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ nhưng cách cơ quan tôi công tác không đầy 50 mét. Vì vậy mà lãnh đạo cơ quan kêu tôi: “Tối ở nhà cũng ngủ chớ có làm gì, vô đây ngủ giữ cơ quan, có phòng riêng, mùng mền chiếu gối, tiện nghi đàng hoàng, mỗi tháng cho thêm 200 ngàn nữa” thì tôi gật đầu liền.
Một buổi tối nọ, sau khi xem hết phim trên ti vi, tôi đi bộ ra cơ quan ngủ. Tôi mở cửa sắt vào cơ quan, khóa lại cẩn thận rồi bật đèn sáng choang, đi từ dưới lên hai tầng trên kiểm tra khóa hết các cửa nẻo, ngõ ngách, gầm bàn, gầm ghế, tủ xem có thằng ăn trộm nào núp sẳn trong đó không, nhưng thấy ai. Tôi yên chí tắt hết đèn, đi xuống phòng ngủ ở tầng lửng. Vừa nằm lên giường được một lúc thì tôi nghe tiếng kéo ghế rột rột ở Hội trường trên tầng 2. Tầng 2 có một Hội trường rộng, phòng làm việc của Giám đốc, phòng làm việc của tôi. Trong Hội trường có khoảng trăm rưỡi chiếc ghế gỗ tốt loại có đai dựa. Gỗ nặng đến mức một người sức khỏe bình thường không thể cầm cái ghế đưa lên cao quá đầu. Tôi nghe tiếng chân ghế nghiến ken két, ken két trên nền gạch bóng như có ai đó kéo lê chiếc ghế từ vị trí này sang vị trí khác, mà lại kéo nhiều lần nữa chứ. Tôi bật đèn, đi trở lên Hội trường kiểm tra lại lần nữa. Cửa vẫn đóng kỹ, trong Hội trường và hai phòng làm việc cửa đóng chặt và im phăng phắc. “Chắc là nhà kế bên nó kéo ghế”. Tôi nghĩ vậy nên đi xuống phòng ngủ của mình.
Sáng ra, tôi quan sát thì thấy bên trái có một nhà duy nhất lên lầu cao bằng Hội trường, bên phải thì nhà trệt, có một khoảng trống xa mới đến lầu nhà khác, tiếng động bên phải không thể lọt căn nhà cơ quan tôi được. Tôi bèn nửa thật nửa đùa hỏi cô chủ nhà có lầu cao bên trái: “Bà nội, đêm qua làm gì không ngủ lên lầu kéo bàn kéo ghế um sùm vậy?”. “Lúc mấy giờ?”- Cô hàng xóm hỏi lại. “Khoảng hơn 10 giờ, sau khi hết phim trên ti vi”. Cô trả lời một câu tôi nghe mà dựng tóc gáy: “Em không biết, đêm qua ngủ sớm, giờ đó cả nhà em ngủ hết ở nhà dưới rồi, không có lên lầu”.
Tôi vốn không tin rằng có thế giới bên kia, nhưng thật tình hai chuyện vừa rồi tôi không thể giải thích tại sao. Tôi đã từng đem ra hỏi nhiều người nhưng vẫn chưa ai có câu trả lời thỏa đáng. Có người hỏi tôi: “Vậy có sợ không?”. Tôi trả lời rằng: “Người xưa có câu: “Đạo cao long hổ phục, Đức trọng quỷ thần kinh”, cứ sống ngay thẳng đàng hoàng thì không có gì phải sợ”.

No comments:

Post a Comment