Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, October 31, 2010

Cánh Đồng Bất Tận

Khi tập truyện “Cánh Đồng Bất Tận” của Nguyễn Ngọc Tư viết xong vào tháng 7-2005, chưa in ra thành sách thì nó đã xuất hiện trong những quán cà phê vỉa hè hay tại các bàn làm việc của giới công chức trẻ.
Giờ nghỉ giải lao, đề tài họ mang ra kháo nhau là tập truyện này. Cánh đồng bất tận và cái tên Nguyễn Ngọc Tư trở thành chủ đề chính trong các câu chuyện văn chương.

Vượt qua rào cản

“Cánh đồng bất tận” được người hiếu kỳ theo dõi đến độ ồn ào như vậy nguyên do phát xuất từ một quyết định của Ủy Ban Tuyên Giáo và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau đã hết lời kết án nó.
Một văn bản chính thức được công bố đối với cá nhân tác giả Nguyễn Ngọc Tư do Ban Tuyên Giáo tỉnh Cà Mau gửi đi, trong đó có đoạn viết về Nguyễn Ngọc Tư:
“Nói xấu chế độ về việc tổ chức quản lý xã hội ở nông thôn quá tồi tệ, tác giả phỉ báng quê hương, những nhân vật trong truyện ngắn CĐBT đưa những hiện tượng cá biệt hoặc chỉ mang tính hư cấu tưởng tượng làm hiện tượng điển hình cho một giai cấp, một cộng đồng, một địa phương là điều không thể chấp nhận được.”
Thạc sĩ Vưu Nghị Lực Phó ban VHNT tỉnh Cà Mau nặng nề hơn, hạ bút đi liền một mạch chì chiết tác giả cuốn sách một cách thậm tệ, trong đó có đoạn:
“Chẳng lẽ khi đặt tên cho tác phẩm của mình là Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư lại không biết rằng đối với người Việt, cánh đồng là một biểu tượng văn hóa nhạy cảm? Chẳng phải dân tộc này, số đông đã lớn lên từ trên những cánh đồng ư? Vậy hà cớ gì lần này cô phỉ nhổ vào cái cánh đồng ấy tàn tệ đến thế?
Cây bút nữ xứ Cà Mau ơi, cô phải biết những cánh đồng này chứ: Cánh đồng hoang, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Đồng Chó ngáp... Những chuyện mà cô kể không còn là chuyện của cánh đồng nữa; tôi nghĩ đó là “vũng lầy bất tận” thì đúng hơn.
Nếu các bạn vẫn bảo lưu đứa con bệnh hoạn này, còn định làm thành phim nữa chứ, thì tôi xin thay mặt 80% nông dân lam lũ mà trong đó có cha mẹ ông bà tôi, cha mẹ ông bà của các bạn hãy vị tình mà bỏ hai chữ “cánh đồng” đi. Nên thay vào đó là “Vũng lầy bất tận”, vì với các bạn thì “cánh đồng đã tận” rồi.”
Mặc dù lên án, cấm cản và đưa ra nhiều biện pháp hù dọa tập truyện cũng như bản thân tác giả Nguyễn Ngọc Tư, nhưng có lẽ tiếng nói lẻ loi của những con người tự nhận là bảo vệ cho nền văn học cách mạng này đã bị dư luận khước từ vai trò của họ một cách mạnh mẽ; để sau đó không lâu cuốn sách được in ra, bán với số lượng chóng mặt và bất kể sự hăm dọa của ông thạc sĩ họ Vưu, bộ phim mang tên “Cánh đồng bất tận” chính thức ra mắt ngày 20 tháng 10 tại Hà Nội sau khi tham gia đại hội phim Pusan Hàn Quốc.


Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên sau khi tham dự buổi chiếu ra mắt của cuộn phim cho biết:
“Có thể dùng một chữ đây là tác phẩm lớn trong đời sống văn học, lớn vì vấn đề nó đặt ra và ảnh hưởng của nó trong đời sống văn học trong mấy năm gần đây. Đây chỉ là một truyện vừa mà rất nổi tiếng cho nên khi biết rằng nó được mua bản quyền cách đây vài năm và sau mấy năm chuẩn bị đến khi hoàn thành nó rất được háo hức chờ đợi. Thường thì từ một tác phẩm văn học nổi tiếng sang phim thì ai cũng chờ đợi xem là nó có được như vậy không? Có người nói họ rất sợ những tác phẩm như thế này mà chuyển sang điện ảnh không biết có làm hỏng văn học hay không?”

Phấn chấn, hồi hộp, lo ngại

Điều mà giới yêu văn học băn khoăn nhất là họ đã lỡ yêu ấn bản gốc “Cánh đồng bất tận” và trong thâm tâm, cho dù chờ đợi kịch bản phim với những háo hức như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói, họ vẫn có tâm lý lo lắng trước khi tấm màn bạc sáng lên từ những cảnh đầu tiên:
“Có thể nói buổi chiếu ra mắt của phim “Cánh đồng bất tận” vào hôm 20 tháng 10 trong khuôn khổ của liên hoan Phim lần thứ nhất tại Hà Nội chứ không dự thi, quy tụ rất đông có thể nói là giới tinh hoa của điện ảnh Việt Nam tụ về Hà Nội trong dịp này và mọi người đều có cảm giác phấn chấn hồi hộp cả lo ngại nữa. Mãi cho đến khi sau gần hai tiếng đồng hồ xem phim, đèn bật sáng thì mọi người phải đè nén lại cảm xúc, có thể nói một điều là hài lòng.”
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tác giả tập truyện cũng có mặt trong buổi chiếu phim chia sẻ với ông Phạm Xuân Nguyên về ý nghĩ của chị:
“Tôi ngồi gần với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, chị đươc mời từ Cà Mau ra Hà Nội để dự buổi công chiếu ra mắt thì có thể nói như thế này, bộ phim đã theo rất sát cốt truyện của cuốn sách. Các nhân vật, các tình tiết, các sự kiện các đường giây của truyện thì rất sát.”
Dù sao thì nhận xét của chính người tạo nên tác phẩm văn học có thể không chính xác bởi sự hưng phấn cũng như cảm tính trước những kinh nghiệm mà tác giả đã biết qua sự làm việc hết sức khó khăn của đoàn làm phim. Tâm lý này có thể ngăn cản cảm nghĩ trung thực của một người vừa là tác giả vừa là khán giả.
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn có lẽ là người chăm chú nhất khi xem bộ phim này. Ông có những nhận xét hết sức tỉ mỉ về những cung bậc tình cảm, mức độ nặng nhẹ của diễn viên khi thể hiện vai của mình cũng như những cảnh trí của cuốn phim qua sự can thiệp của kỹ xảo điện ảnh.
Nhận xét về ấn bản văn học so với kịch bản phim, Nguyễn Thanh Sơn viết:
“Và đám “cường hào mới” ở nông thôn, những kẻ phải chịu trách nhiệm về những đắng cay áp bức mà người nông dân phải gánh chịu trong tác phẩm văn học, lại được bàn tay đạo diễn “linh hoạt” chuyển đổi thành đám lưu manh giang hồ vùng sông nước.”
Về tính cách nhân vật, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhận xét cách mà đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình giao cho nhân vật Sương quá nhiều lần xuất hiện để dẫn mạch chuyện khiến cho vai chính là Nương không có cơ hội phô diễn những điều mà trong văn bản văn học miêu tả:


“Lẽ ra, nếu bộ phim được kể lại bằng góc nhìn của nhân vật Nương, thì nhân vật cô gái điếm Sương chỉ là nhân vật phụ, là chất xúc tác đẩy tình cảm và xung đột của ba cha con Út Võ lên đến cao trào. Nguyễn Phan Quang Bình đã dành quá nhiều ưu ái cho nhân vật Sương, khiến tuyến nhân vật phụ lấn át tuyến nhân vật chính, nên khi cô Sương ra đi, bộ phim bị mất điểm nhấn, cứ trôi dạt mãi cho tới một cái kết “từ trên trời rơi xuống”.”
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết cái nhìn của ông về các diễn viên trong phim Cánh Đồng bất tận, trước tiên là Đỗ Hải Yến, người được khán giả đánh giá cao trong bộ phim qua vai Sương ông nói:
“So với chính Đỗ Hải Yến ở các nhân vật trước đây như Phượng trong “Người Mỹ trầm lặng” hay “Pao trong “Chuyện của Pao” thì đây là một sự cố gắng, một sự muốn vượt thoát của Đỗ Hải Yến và chị cũng rất cố gắng diễn tả đượcnhưng cảm giác chung thì nó chưa tới trong vai Sương, chỉ mới ở mức trung bình thôi.”
Trong khi đó nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng rất tinh ý khi viết:
“Thất vọng lớn nhất của bộ phim là Đỗ Thị Hải Yến. Thách thức và áp lực đối với cô ở vai Sương là rõ rệt: hình ảnh một cô gái điếm miền Tây đơn sơ, bị cuộc sống đầy đọa nhưng vẫn mong mỏi yêu thương và được yêu thương, sẵn sàng hi sinh nhưng cũng sẵn sàng rời bỏ khi cảm thấy nhân cách của mình bị xúc phạm… là một vai diễn khó với Hải Yến. Và cô đã không vượt qua được thách thức này.”
Riêng vai ông Võ, diễn viên Dustin Nguyễn mặc dù rất chuyên nghiệp nhưng anh vẫn bị bức tường vô hình ngăn cản nét diễn nội tâm của một người đàn ông hận đời, bạc ác, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét:
“Có thể nói Dustin Nguyễn rất chuyên nghiệp, anh diễn rất chuyên nghiệp về vai ông bố hận đời, anh diễn gây được ấn tượng…tất nhiên theo tôi nhìn thì giữa ông bố này có cả phần đau nữa chứ không phải là hận thôi. Giá như phần đau này, cái phần sâu lắng nhất này mà có nhấn thêm nữa thì tốt hơn. Phải nói đây là vai diễn khá của Dustin Nguyễn.”

Những tiếng khóc khen tặng

Hai yếu tố vượt trội trong phim được nhiều người thừa nhận là phong cảnh miền tây mênh mông cùng nhạc nền hết sức phù hợp. Đạo diễn Phần Lan Juhani Alanen nhận xét đây là
“Một kịch bản chặt chẽ và xúc động kết hợp với những cảnh quay công phu, diễn xuất đầy cảm xúc đã giúp bộ phim này trở thành một tác phẩm điện ảnh nghệ thuật có giá trị. Tôi đặc biệt ấn tượng với phần âm nhạc của phim. Với một tác phẩm mà đạo diễn đã cố tình tiết chế tối đa lời thoại, thì âm nhạc trở thành tiếng nói của phim.”
Riêng về cảnh bát ngát của những cánh đồng thì sao? Liệu đạo diễn có khiến cho người xem liên tưởng tới các mảnh đời tất bật khốn cùng phía sau cái mênh mông của ruộng đồng miền tây trù phú hay không?
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét:
“Đúng thật là cảnh sông nước miền tây Nam bộ. Rồi có một cảnh mà lúc đầu nghĩ là có thể bị cắt khi mà cô Sương phải bỏ đi sau khi đưa mình ra cứu đàn vịt cho gia đình ông Võ… cảnh này cô Sương đi giữa một cánh đồng bạt ngàn, cánh đồng lúa nhưng cánh đồng này hiện lên hơi có tính hội họa tí nhưng vẫn là cánh đồng. Nói chung những ngoại cảnh đều ăn vào phim.”
Một bài báo đăng trên tờ Pháp Luật đã diễn tả tâm cảm người đã từng xem qua ấn bản văn học và khi ngồi xem hình ảnh chạy trên màn bạc thật quá khác nhau. Bài báo có đoạn viết với tiểu tựa “Cái đẹp lấn át cái nghèo, khổ, hận thù”:
“Xem những khuôn hình đồng năng, khóm tràm, con kênh được nắn nót trau chuốt kỹ lưỡng trong phim, nhất là chỉ mấy giây thoáng qua cái khu lò gạch gần Sa Đéc, đẹp tới nao lòng, người dân miền Tây muốn thốt lên: “Ừ đồng bằng mình đẹp quá hén, xưa giờ mình không để ý”. Nhưng chính cái đẹp đó làm khuất lấp, che lấp đi cái nghèo, cái khổ, cái tù túng tới bế tắc vốn là cái tứ rất đắt trong truyện. Khổ tới mức ở sông mà không có nước uống.”
Riêng về đoạn kết của màn ảnh, hai luồng ý kiến trái chiều đã làm câu chuyện trở nên phức tạp hơn. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho biết:
“Cảnh kết của truyện là cô bé con gái của ông Võ, cô bé Nương, như là một trả giá cho sự lãnh cảm cộc cằn độc ác của người bố nên cuối cùng bị hiếp dâm. Cảnh này một số người cho là bạo lực quá nhưng tôi thấy cảnh ấy giữ được. Như vậy thì từ một tác phẩm văn học chuyển qua tác phẩm điện ảnh thì về cơ bản nội dung cốt truyện, nhân vật, tình tiết là đã trung thành với tác phẩm viết. Tất nhiên có chỗ thêm bớt này cắt bỏ kia nhưng không đáng kể.”

“Có cần phải kết thúc lạc quan?” Bài viết trong tờ Pháp luật đặt câu hỏi với đạo diễn khi viết:
“Nhiều người biết chuyện, thông cảm cho rằng cần, rất cần vì không kết thúc lạc quan thì phim khó mà chiếu được.
Nhưng lạc quan tới mức ngay lập tức người đàn ông thô bạo, căm giận, thù đời biến thành ông đưa đò hồn hậu sau khi chứng kiến cảnh con mình bị cưỡng hiếp thì gấp gáp quá. Người xem bất giác nói sao lẹ dữ vậy ta? Ước gì phim chỉ nói lơi lơi, tưng tưng như truyện. Thiệt ra trong truyện, Nguyễn Ngọc Tư đâu có ác. Ngay trong lúc đau đớn bị cưỡng hiếp, Nương đã nhận ra sự thật về người mẹ: “Rồi ký ức ùa về kinh hãi, vẻ mặt má tôi cái hôm bị người đàn ông bán vải đo lên người hình như không phải là khoái lạc thăng hoa, nó giống như tôi bây giờ, đau ràn rụa, nhói tận chân tóc. Trời ơi, tại sao tôi không nhận ra điều đó ngay lúc ấy”. Và người cha cũng đã vỡ nát nỗi hận thù: “Người cha cởi cái áo trên người để đắp lên đứa con gái. Ông ta bò quanh nó, tìm bất cứ cái gì để có thể che cơ thể nó dưới mặt trời”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thú nhận: “Tôi đã khóc rất nhiều trong suốt bộ phim. Khi tới đây, tôi nghĩ, mình không hy vọng xem được một minh họa cho truyện ngắn của mình. Bộ phim này, với tôi, đã đứng độc lập so với tác phẩm văn học. Và đó là một thành công.”
Đa số khán giả dù đã xem qua ấn bản văn học hay chưa vẫn công nhận rằng bộ phim đã đạt được độ cần thiết miêu tả cảnh đời của những con người cụ thể trong tác phẩm văn học. Mức độ nặng hay nhẹ, sâu hay nông đã được khán giả cho qua khi hình ảnh, âm thanh, diễn xuất của các ngôi sao Việt nam đã hút hồn họ, và đâu đó khi rạp chưa bật đèn lên người ta đã nghe tiếng thổn thức ngậm ngùi từ nhiều hàng ghế bên dưới. Khán giả chia sẻ tác phẩm điện ảnh này bằng tiếng khóc của họ. Tiếng khóc phải chăng chính là phần thưởng mà nhóm làm phim nhắm tới, trong đó có chính tác giả Nguyễn Ngọc Tư khi ngồi xem phim bên dưới?

No comments:

Post a Comment