Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, October 22, 2010

Vì sao Việt Nam gia tăng đàn áp blogger?

Vừa có thêm hàng loạt sự kiện cho thấy chính quyền Việt Nam đang bắt đầu một đợt đàn áp mới nhắm vào những blog và blogger thường xuyên có ý kiến về hiện tình Việt Nam.

Phản kháng ngày càng tăng

Từ đầu năm đến nay, sinh hoạt chính trị - xã hội tại Việt Nam càng lúc càng “nóng”. Tuy nhiên, tham nhũng – vấn nạn vẫn được xem như quốc nạn không còn là trọng tâm thu hút sự chú ý của công chúng nữa. 
Trong vài tháng qua, hàng loạt sự kiện như: Vinashin vỡ nợ, đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, lũ lụt ở miền Trung, thảm họa bùn đỏ ở Hungary, ngư dân Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc bắt giữ,… đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các diễn đàn điện tử, các blogger và người đọc và đẩy một số vụ tham nhũng từng được công chúng theo dõi sát sao, như vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận hối lộ từ tập đoàn PCI của Nhật, hoặc vụ tập đoàn Securency của Úc đưa hối lộ để được chọn làm nhà thầu cung cấp tiền polymer cho Việt Nam,… xuống hàng thứ yếu.
Cả người viết lẫn ý kiến, thái độ của người đọc các diễn đàn điện tử, các blog củng cho thấy, sở dĩ họ quan tâm đến chuỗi sự kiện vừa kể, vì chúng được xem như một chuỗi bằng chứng cho thấy, chính quyền thật sự thiếu cả “tâm” lẫn “tầm” và điều đó đang đe dọa cả vận mệnh quốc gia lẫn tương lai dân tộc.
Trong tháng này, lần đầu tiên, lời kêu gọi ký tên vào một thỉnh nguyên thư, do Bauxite Việt Nam - một diễn đàn điện tử - phát động, nhằm yêu cầu chính quyền Việt Nam ra lệnh ngưng khai thác bauxite tại Tây Nguyên, sau khi Hungary đối diện với thảm họa bùn đỏ, thu hút cả sự tham gia của cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước như bà Nguyễn Thị Bình, cựu Chủ tịch một tỉnh như ông Nguyễn Minh Nhị, tướng công an đương nhiệm như ông Lê Văn Cương, chưa kể hàng chục cựu viên chức cao cấp, sĩ quan cấp tướng của quân đội đã nghỉ hưu…   
Các bài viết, cũng như những ý kiến đóng góp cho các bài viết về những vấn đề vừa kể, sôi nổi tới mức, hệ thống chính quyền từ trung ương tới địa phương đã buộc phải điều chỉnh nhiều kế hoạch để xoa dịu dư luận.
Chẳng hạn Thành ủy Hà Nội tuyên bố hủy bắn pháo bông ở 29 địa điểm trong đêm bế mạc Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, để lấy tiền giúp đỡ nạn dân ở miền Trung. Hoặc, sau khi bị các diễn đàn điện tử và blog chỉ trích kịch liệt về sự vô cảm, thái độ thiếu trách nhiệm với những nạn dân ở miền Trung, hệ thống truyền thông chính thống, phụ thuộc chính quyền đã đồng loạt đăng, phát rộng rãi những hình ảnh, lần đầu tiên, có hai Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng CSVN là ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ tướng và ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TP.HCM, người thì đi chân trần, ngồi xuồng, người thì chèo xuồng lúc thăm nạn nhân lũ lụt tại Hà Tĩnh…   
Nhiều người trong giới quan sát thời sự tại Việt Nam từng cho rằng, tác động của các diễn đàn điện tử, các blog đến nhận thức và hành vi của cả công chúng lẫn chính quyền Việt Nam đang càng ngày càng lớn, thậm chí tác động này đã vượt qua cả hệ thống truyền thông chính thống phụ thuộc chính quyền.

Đây có thể là lý do khiến các cuộc tấn công vào những diễn đàn điện tử và blog đang càng ngày càng rộng hơn về diện và nghiêm  trọng hơn về mức độ.   
Vừa tấn công bịt miệng, vừa gia tăng đàn áp…
Trong năm nay, người ta ghi nhận ít nhất có hai đợt tấn công vào các diễn đàn điện tử và các blog Việt ngữ. Đợt tấn công thứ nhất diễn ra hồi đầu năm, chủ yếu nhắm vào các diễn đàn điện tử Việt ngữ ở bên ngoài Việt Nam. Đợt tấn công thứ hai, bắt đầu vào khoảng trung tuần tháng 8 và kéo dài cho đến nay.
Đợt tấn công thứ hai có gì đáng chú ý? Chúng tôi đã phỏng vấn ông Diên Vỹ - một trong những thành viên điều hành hai diễn đàn điện tử X-càphê và Dân Luận, vốn đã và vẫn đang là đối tượng tấn công của tin tặc.
Trân Văn: Theo chúng tôi được biết thì ngoài diễn đàn X-cà phê và Dân Luận, còn có khá nhiều những diễn đàn điện tử và blog khác cũng bị tấn công, anh có biết thêm thông tin nào về đợt tấn công mới vừa xảy ra không? Đợt tấn công này bắt đầu từ lúc nào, nó diễn ra trên diện ra sao và so với đợt tấn công vào đầu năm nay thì đợt tấn công gần đây có gì giống và có gì khác? 
Diên Vỹ: "Tôi thấy rằng đợt tấn công này quy mô hơn, có hệ thống hơn. Lần này có cả những diễn đàn khác và tôi hơi ngạc nhiên, đó là tất cả những blog cá nhân của những blogger cũng bị đánh phá. Có một dấu hiệu mà tôi để ý là đều cùng một nguồn. Chúng tôi không có thời gian để phán đoán và truy tìm thủ phạm nhưng việc đánh vào những diễn đàn và những trang ngoài luồng và không chính thống, có tiếng nói khác biệt với lại những tờ báo trong nước là việc rất sai trái về mặt đạo đức lẫn pháp luật."
Trân Văn: Anh nghĩ thế nào khi những đợt tấn công liên tục nhắm vào hàng loạt các diễn đàn điện tử và các blog mà thông tin cũng như nội dung không phù hợp với quan điểm cũng như đường lối của chính quyền Việt Nam?
Diên Vỹ: "So với những lần trước, nhóm tin tặc này hình như là có tổ chức hơn và có mục đích rõ ràng hơn là tìm cách bịt miệng tất cả những tiếng nói trái chiều, những diễn đàn cổ vũ cho tự do ngôn luận và tự do thông tin. 
Tôi không thể khẳng định đây là việc có bàn tay của chính quyền nhúng vào nhưng hàng loạt các trang mạng và các blog có tiếng nói không phù hợp với chính sách của chính quyền hoặc là quan điểm của chính quyền đều bị đánh phá như thế này thì mọi người có thể rút ra được kết luận là có một thế lực nào đó cảm thấy rằng đây là một môi trường mới mà nó đang đe dọa tính chính danh của chính quyền cũng như hệ thống tuyên truyền của chính quyền cho nên họ tìm mọi cách để dẹp bỏ những tiếng nói trái chiều này. 
Điều này cho thấy nhu cầu tự do ngôn luận ở cả trong nước lẫn ngoài nước càng ngày càng cao, cho nên vai trò của những trang web này trở nên quan trọng hơn trong đời sống tinh thần của mọi người. Ai mà thấy rằng đây là một trở ngại thì rõ ràng họ phải tìm cách để dẹp bỏ."
Trên thực tế, số blog có thông tin, ý kiến thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng bị tin tặc tấn công, vô hiệu hóa đang tăng đáng kể. Tính cho đến ngày 20 tháng 10, đã có thêm hàng loạt blog bị tin tặc kiểm soát, trong số này có cả những blog của một số trí thức, nhà báo như Nguyễn Hồng Kiên, Trương Duy Nhất.
Hiện đang có một cuộc chiến giành và giữ quyền kiểm soát blog giữa các blogger và tin tặc. Giống như nhiều blogger khác, đêm 19 tháng 10, blogger Trương Duy Nhất vừa thông báo đã giành lại được quyền kiểm soát blog của mình song chưa rõ tình hình sẽ như thế nào. Cũng theo blogger này, hộp thư điện tử của ông đã bị tin tặc chiếm đoạt nên mọi bài viết, thư từ, ý kiến mang tên Trương Duy Nhất sẽ là giả danh cho đến khi ông có thông báo tiếp theo. 
Hồi giữa tháng này, khi được đề nghị nhận định về cuộc chiến giành và giữ các blog giữa blogger với tin tặc, blogger Anh Ba Sài Gòn, tên thật là Phan Thanh Hải, một luật sư tập sự đã hoàn tất tất cả các thủ tục luật định nhưng không được Bộ Tư pháp Việt Nam cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư – nhận định:
"Họ toàn hack những blog và những web có tính chất phản biện và có hơi hướng của cái sự gọi là bất đồng chính kiến với quan điểm hiện nay của nhà nước Việt Nam. Đó là một điểm lạ. Mình chỉ biết là mình chơi blog thì có vẻ là khá không an toàn bởi vì tin tặc nhiều và nó săm soi, theo dõi mình cũng nhiều. Đặc biệt nhất là Việt Nam không có cơ chế nào đủ hiệu quả để bảo vệ cho mình hết!"
Không những không được bảo vệ mà chỉ vài ngày sau, hôm 18 tháng 10, ông Phan Thanh Hải – blogger Anh Ba Sài Gòn, bị bắt.
Một số các blogger cho rằng, chính các cuộc tấn công của tin tặc vào giới blogger đã thúc đẩy việc hình thành lời kêu gọi chọn ngày 19 tháng 10 – ngày ông Nguyễn Văn Hải – blogger Điếu Cày được trả tự do làm “Ngày blogger Việt Nam”.
Lời kêu gọi đó được nhiều người dùng Internet tại Việt Nam tán thường và có thể là vì thế mà hôm 19 tháng 10 vừa qua, sau khi thi hành xong bản án 30 tháng tù, lẽ ra phải được trả tự do thì ông Nguyễn Văn Hải - blogger đầu tiên đi tù với cáo buộc “trốn thuế”, đột nhiên bị khởi tố về tội “Tuyên truyền chống nhà nước”.

RFA

No comments:

Post a Comment