HÀ NỘI NH (TH) – Việt Nam dự định mở cửa lại quân cảng Cam Ranh cho hải quân nước ngoài, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói hôm Thứ Bảy, sau khi kết thúc một hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội mà vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc là đề tài chính, theo một bản tin của AFP.
“Tại trung tâm hải cảng Cam Ranh, Việt Nam sẽ sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các quốc gia, bao gồm cả tàu ngầm, khi họ cần chúng ta,” ông Dũng nói khi trả lời câu hỏi của một phóng viên vào lúc kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á.
Các quốc gia sẽ phải trả tiền cho dịch vụ tại quân cảng, một nơi sẽ được phát triển với sự trợ giúp của Nga, ông Dũng nói.
Quân cảng Cam Ranh, một hải cảng quan trọng trong vùng Thái Bình Dương, từng được hải quân Hoa Kỳ sử dụng trong cuộc chiến Việt Nam cho đến năm 1975.
Sau đó, hải quân Liên Xô (sau này là Nga) sử dụng với giá thuê là $300 triệu/năm cho tới năm 2002.
Kể từ đó, Việt Nam tuyên bố sẽ không sử dụng Cam Ranh cho mục đích quân sự nữa, cho dù có tin Hoa Kỳ muốn thuê căn cứ này trong chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương của mình.
Hồi đầu tháng 10 năm nay, hãng tin Interfax cho biết hải quân Nga muốn xây dựng lại quân cảng Cam Ranh để phục vụ các tàu của họ tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Thế nhưng, vào ngày 12 tháng 10, ngay trước Hội Nghị Các Bộ Trưởng Quốc Phòng ASEAN Mở Rộng, gọi tắt là ADMM+, tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã bác bỏ tin này khi nói Việt Nam “sẽ không hợp tác với nước ngoài để sử dụng cảng Cam Ranh vào mục đích quân sự.”
Bà Nga còn nói thêm là “hải cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam, sẽ được khai thác tiềm năng để phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.”
Cuối năm ngoái, phi trường Cam Ranh đã chính thức trở thành cảng hàng không quốc tế với các chuyến bay đi Nga.
Việt Nam và Hoa Kỳ, bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 15 năm, đều quan tâm đến sự bành trướng quân sự của Trung Quốc trong vùng Biển Đông.
Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton nói hôm Thứ Bảy tại Việt Nam rằng Hà Nội và Washington đang “gia tăng trao đổi hợp tác an ninh.”
Cũng hôm Thứ Bảy, Mỹ và Nga đều được chính thức mời tham gia Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á như là thành viên chính thức, điều mà các nhà phân tích cho là một “cái tát” đối với cố gắng của Trung Quốc nhằm làm giảm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong vùng.
Ngoài 10 quốc gia thành viên ASEAN, Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á (EAS) còn bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Nam Hàn và New Zealand. (Đ.D.)
No comments:
Post a Comment