Bao giờ Việt Nam mới tiến bộ về tự do báo chí?
Khoa Diễm, phóng viên RFA
2010-10-21
Hôm 20/10 Tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới - RSF, công bố bảng xếp hạng mức tự do báo chí của các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam xếp hạng thứ 165/178.Khoa Diễm có cuộc nói chuyện với Ông Vincent Brossel, người phụ trách mạng tin châu Á của Tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới tại Paris, Pháp để tìm hiểu thêm và tường trình.
Quản lý truyền thông
Bảng xếp hạng tự do báo chí thường niên của tổ chức Nhà Báo Không Biên giới ra đời vào năm 2002 dùng phương pháp thăm dò ý kiến với hơn 40 câu hỏi dành cho các chuyên gia trong ngành báo chí và những người đấu tranh cho nhân quyền cũng như các cộng đồng có hoạt động trong lĩnh vực này. Sau đó, xử lý lại bằng phương pháp toán học dựa trên các câu trả lời để xếp thứ hạng cho các quốc gia.Kết quả năm nay cho biết Rwanda, Syria, Trung Quốc, Bắc Hàn và Miến Điện vào danh sách 10 nước đàn áp báo chí nhất thế giới.
Ông Vincent Brossel, người phụ trách mạng tin châu Á của Tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới nói thêm về kết quả Việt Nam đứng thứ 165 trong bảng xếp hạng này. Ông Brossel cho biết:
“Đây là điều thật đáng tiếc khi một lần nữa Việt Nam nằm ở thứ hạng quá xấu. Tôi nghĩ phần lớn là do chính quyền Việt Nam quản lý giới truyền thông cũng như mạng internet chặt chẽ một cách không cần thiết. Chúng tôi có nhiều câu hỏi trong bảng thăm dò ý kiến liên quan đến internet vì đây là lối đi mới của thế giới và cũng từ đó người dân có nhiều cơ hội để biểu lộ cũng như thông báo những tin tức mà truyền thông dòng chính của Việt Nam không được phép đưa tin.
Có một ví dụ, vài ngày trước nhà nước Việt Nam đã có lệnh thả blooger Điếu Cày sau hai năm cầm tù nhưng không thả ông mà còn ghép cho ông thêm một tôi danh khác và đã nhốt ông trở lại. Việt Nam có nhiều bloggers và những nhà đấu tranh cho nhân quyền qua mạng internet bị giam giữ vì bày tỏ ý kiến của họ.”
Viết trong sự cho phép
Nếu chỉ nhắc đến các phương tiện truyền thông phổ biến tại Việt Nam như báo chí, truyền thanh hay truyền hình thì có lẽ Việt Nam sẽ không đứng thứ hạng thấp như trong bảng xếp hạng của Tổ chức Nhà Báo Không Biên Giới nhưng vì có mạng internet nên thế giới mới có cơ hội thấy được nhiều hơn những sự áp bức trong nước khi người dân lên tiếng.Về vấn đề này, ông Brossel cho biết:
“Vâng, đây là một mốc quan trọng vì các nhà báo chính thống biết rằng nếu họ viết hơi xa ngoài sự cho phép của nhà nước thì họ sẽ bị xử phạt như đình chỉ công tác.
Do vậy cũng có một số nhà báo phản ảnh các vấn đề xã hội, chính trị và sự thật trong cuộc sống của người dân nhưng vẫn còn rất giới hạn. Internet như là một cánh cửa mới với nhiều tự do hơn, nhiều phương tiện để bày tỏ ý kiến như blogs hay diễn đàn và những cách khác nữa và điều này ảnh hưởng rất lớn đối với những người cầm bút vì họ bị cho rằng đang chống đối chính phủ của họ.
Tôi nghĩ điều đáng nói ở đây là cách nhà nước Việt Nam chọn để phản ứng lại sự ra đời của internet. Nó không phải là ngón tay chỉ vào những người bất đồng chính kiến với chính phủ Việt Nam, nó chỉ là một dụng cụ biểu đạt ý kiến khi người dân không còn cách nào khác để có tiếng nói trong môi trường sống của họ.”
Ông Brossel cho rằng nhìn chung thì các quốc gia như Bắc Hàn, Trung Quốc, Lào và Việt Nam, là những quốc gia được xếp hạng rất thấp có cùng một điểm chung là họ đang bị thống trị dưới chế độ Cộng Sản. Những chính quyền này tin rằng họ phải kiểm soát chặt chẽ, đến độ đàn áp các phương tiện truyền thông vì đây là một lãnh vực rất quan trọng và nếu như không kiểm soát kỹ lưỡng thì họ sẽ mất đi sự phục tùng của người dân nước họ.
Tuy nhiên, ông Brossel cho rằng những nước như Trung Quốc và Việt Nam, người dân của họ đã sẵn sàng cho tự do ngôn luận và muốn góp phần giúp quê hương họ tiến lên cho ngang hàng với các nước khác trên thế giới.
Ông Brossel cũng tin rằng Việt Nam có rất nhiều người tài trong lãnh vực truyền thông như bloggers và nhà báo. Chính quyền thật sự cần nhìn rõ vấn đề từ cốt lõi để giải quyết chứ không phải chỉ nhắm vào những người có đủ can đảm để bày tỏ ý kiến đề buộc tội họ chống phá nhà nước. Chính quyền càng cởi mở, chấp nhận cái mới, chấp nhận sự thay đổi nhưng vẫn đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân thì sẽ không mất đi sự tin tưởng cũng như lòng yêu mến của họ.
Ông Brossel hy vọng năm tới Việt Nam sẽ tiến gần hơn đến những nước có con số đứng đầu như Phần Lan, Iceland, Hà Lan hay Thụy Điển bằng những thái dộ tích cực hơn trong cách ứng xử với truyền thông và đặc biệt trong lĩnh vực báo chí.
No comments:
Post a Comment