Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, October 28, 2010

Có người con gái đợi tin cha

Câu chuyện về người con gái biệt tin cha từ 30 tháng 4, 1975, rồi bỗng nhiên, hơn 20 năm sau, nhận được tin thân phụ còn sống, thế rồi...



WESTMINSTER (NV) - Thân phụ của chị, một người lính trong quân đội VNCH, đã không thấy trở về nhà sau biến cố 30 tháng 4, 1975.
Một tháng sau đó, có người cùng đơn vị báo tin ba của chị thất lạc khi cùng những người trong đơn vị chạy loạn.
Ðằng đẵng hơn 21 năm sau, khi chị đã là cô gái 27 tuổi, một ngày, người bác ruột của chị, từ Mỹ gửi thư về, cho hay: “Ðã gặp lại ba tại Los Angeles.”
Sau những sửng sốt, bàng hoàng, chị, tên Phan Thị Thu Uyên, hiện làm nghề thiết kế thời trang ở Sài Gòn, đau đáu mong có ngày nghe được những lời thăm hỏi, những lá thư của người cha mà trong ký ức của cô bé 6 tuổi ngày nào là “ba thương tôi nhiều lắm.”
Trong gần hai năm tiếp theo, những tin tức liên quan đến thân phụ, Uyên cũng đều được thông tin qua thư của người bác, bởi “bác nói chưa thuận tiện để có sự liên lạc trực tiếp với ba.”
Chị nén lòng chờ cơ hội được gọi tiếng “ba ơi” suốt từ ngày đó, năm 1996, đến nay!
Thế nhưng...
“Ông ấy đã chết từ ngày 30 tháng 4, 1975 rồi. Chỉ là chuyện nhầm lẫn. Người tôi gặp là Phan Văn Ðức chứ không phải là Phan Quang Ðức, em trai tôi,” người bác chị Uyên trả lời phóng viên Người Việt như thế khi được hỏi về câu chuyện liên quan đến em trai ông, tức thân phụ Uyên.
Nghe tin, Uyên chới với.
Ba chị còn sống hay đã chết?
Sao lại có chuyện nhầm lẫn trong nhiều năm?
Chị và hai em trai của mình chỉ muốn biết tin tức thật sự về người cha, tên Phan Quang Ðức, sanh năm 1947, hạ sĩ, thuộc Thiết Ðoàn 10 Kỵ Binh, Chi Ðoàn 3 Biệt Phái Phù hiệu Sư Ðoàn 25 Ban Quân số, đóng tại Củ Chi, Bình Dương, số quân 67-808-768. KBC 3641. Họ muốn biết tin về thân phụ mình, “dù sự thật có như thế nào đi nữa.”

Từ biến cố 30 tháng 4, 1975...

Ngay trước ngày 30 tháng 4, 1975, theo lời yêu cầu của ba chị Uyên, mẹ chị đưa chị, khi đó mới sáu tuổi, cùng đứa em trai lên bốn, và một đứa em trai nữa hãy còn trong bụng mẹ, rời khỏi khu trại lính đóng ở Củ Chi, Bình Dương, trở về nhà trước.
Rồi biến cố 30 tháng 4 qua đi, ba chị không thấy trở về.
Những người trong gia đình chị lên trại lính ở Củ Chi, Bình Dương tìm ba chị. Tất cả đã tan hoang.
Xã hội trong lúc tranh tối tranh sáng, đi đâu, tìm đâu, hỏi đâu cho ra tin tức của ba đây?
Cả nhà chỉ biết trông ngóng, chờ đợi, chờ đợi và chờ đợi!
Ðộ chừng một tháng sau, có hai người cùng đơn vị của ba chị tìm đến nhà, cho hay: Trong cơn hỗn loạn của ngày cuối cùng, ba chị và 2 người lính đó đã chạy cùng nhau. Tuy nhiên, sau đó, ba chị đã thất lạc. Họ không biết ba chị còn hay mất.
Còn hay mất, chẳng ai biết. Chỉ biết, từ ngày đó, mọi người bặt tin nhau.
Theo thời gian, mẹ chị “đi bước nữa.”
Từ đó, Phan Thị Thu Uyên, tên người con gái, cùng hai đứa em trai, tên Phan Tuấn và Phan Phương, được người cô ruột, chị của ba, tên Phan Thị Liễu, mang về nuôi nấng, xem như những đứa con trong gia đình.
Hình ảnh người cha cũng mờ dần trong tâm trí những đứa trẻ, như chị Uyên, như các em Tuấn, em Phương.
Năm 1995, gia đình cô Liễu được người anh trai, tên P.P., bảo lãnh sang Mỹ.
Ông P.P là bác ruột chị Uyên, cũng là một người lính trong quân đội VNCH, là người từng báo cho cháu mình rằng, ông đã tìm ra người em trai, tức thân phụ Uyên.
Từ ngày bà Liễu sang Mỹ, Uyên cùng hai em trai ở lại Việt Nam, tự lập nuôi thân.
Cuộc sống tinh thần của Uyên có lẽ sẽ không có gì xáo trộn nếu vào một ngày tháng 9, 1996, chị không nhận được thư của người bác tên P.P., với nội dung liên quan đến thân phụ mình.

Những lá thư báo tin 'đã gặp được ba'

“Costa Mesa, CA Sept 12, 96,
Cháu Uyên, Phương, Tuấn
... Bác viết thư này cho các cháu biết một tin tức quan trọng là hồi tháng 10, 1994 bác có nhắn tin trong radio và đăng báo Việt Nam tìm ba cháu là Phan Quang Ðức, nay bác nhận được một phong thư do một người Thái Lan mang đến và nói có một người thân của bác muốn gặp bác nói chuyện riêng về gia đình... Trong thư có cho bác một địa chỉ để gặp người thân này tại thành phố Los Angeles, khu Hollywood...”
Theo thư ông P., vào ngày 17 tháng 8, 1996, ông tìm đến địa chỉ ngôi nhà ở “khu Hollywood,” và tại đây, ông gặp Phan Quang Ðức, người em trai, ba của Uyên.
Thư ông P. viết có đoạn: “Ðức có nói là khi bỏ trốn đi cùng với mấy bạn đồng ngũ qua Kampuchia và sau đó qua Lào. Tại Lào được 3 tháng qua Thái Lan. Tại Thái Lan đến tìm mấy người Việt Nam ở đó nhờ họ tìm công ăn việc làm, sau tìm được nghề rửa xe.”
Trong lá thư dài tám trang giấy này, người bác kể rằng cô con gái ông chủ chỗ rửa xe ở Thái Lan “đeo đuổi” ông Ðức. Ông Ðức cũng “nói dối” là “chưa gia đình” nên cha mẹ cô gái đồng ý gả con gái họ cho ba chị Uyên, với điều kiện “không được liên hệ với ai ở Việt Nam và nếu hại đời con gái của ông bà thì ông sẽ cho người giết ngay.”
Chính vì lý do đó mà ba chị Uyên “không dám liên lạc với ai.” Riêng chuyện gặp ông P. là do lúc đó “ông bà về Thái Lan 3 tháng, đến tháng 1 năm 1997 mới về Mỹ do đó mới dám hẹn gặp anh tại nhà.”
Người bác viết thêm: “Hiện nay, ba cháu đã có vợ khác và có 2 đứa con, 1 gái lớn và 1 trai 14 tuổi. Ba cháu hiện làm chủ một cửa hàng bán xe hơi. Ba cháu để cho vợ làm quản lý trông coi 9 công nhân... Ba cháu làm văn phòng nhiều nên da dẻ không có đen ngâm quá giống hồi xưa, trông trắng ra.”
Mấy mươi năm trời, không hề nghe nhắc đến tin cha, nay bỗng nghe bác ruột báo tin đã tìm gặp được ba mình, chị Uyên không sao tránh khỏi những xúc động.
Theo lời người bác, chị Uyên gửi thư sang nhờ người bác chuyển tới ông Ðức, ba của chị.
Ngày 20 tháng 11, 1996, chị Uyên nhận được lá thư thứ hai của ông P. nói cho biết “ngày 9 tháng 11, 1996” ông P. đã mang thư của chị Uyên đến cho ba chị, nhưng “ba cháu đi ăn cùng mấy người bạn nên không có mặt tại văn phòng.”
Cũng trong thư này, ông P. nói đã xin hình của ông Ðức để gửi về cho Uyên, nhưng “ba cháu không có tấm nào coi được.” Ðồng thời, ông P. cũng cho người cháu biết “bác cũng xin được tấm business card của ba cháu, bác lại làm mất.”
Lá thư thứ ba người bác gửi về cho Uyên, viết ngày 15 tháng 1, 1997, báo tin “hồi trước Noel ba cháu có gặp bác nói rằng đầu tháng 1, 1997 sẽ đi Thái Lan để đón ông bà già vợ về Mỹ.”
Ðồng thời, ông P. cũng báo cho chị Uyên biết “ngày 8 tháng 1, 1997,” ba chị Uyên định mang quà đến “biếu cô Liễu,” nhưng do cô Liễu đã đổi số điện thoại nên ba chị Uyên đã không liên lạc được.
Trong khi đó, nói chuyện với phóng viên Người Việt, bà Phan Thị Liễu, cô của Uyên, cho rằng “do có những mâu thuẫn giữa anh em” nên trong suốt thời gian đó bà Liễu đã không liên lạc với ông P., anh ruột bà, nên cũng không hề biết tin tức gì về chuyện ông P. đã tìm gặp được em trai bà, là ông Ðức.
Lá thư tiếp theo, ông P. viết: “Hôm 28 tháng 2, 1997, bác nhận được thư của cháu... Qua hai ngày sau, bác đã trao thư đó cho ba cháu. Nay đã gần hai tuần, bác vẫn không nghe thấy ba cháu gọi lại.”
Ở lá thư tiếp theo, viết ngày 16 tháng 5, 1997, người bác cho Uyên địa chỉ riêng của ba chị và đề nghị chị nên gửi thư trực tiếp cho ông Ðức. Ðó là địa chỉ của một “PO. Box,” đặt tại thành phố La Habra, California.
Theo lời Uyên nói với Người Việt, chị đã thử gửi thư đến P.O. Box đó, nhưng “không thấy hồi âm.” Phóng viên Người Việt cũng đã thử gửi thư cho ông Nguyễn Quang Ðức theo địa chỉ hộp thư trên, nhưng thư bị trả ngược về với lý do “Return to sender, not deliverable as addressed unable to forward.”
Cũng trong lá thư này, bác của Uyên viết rằng ông “đang khuyên ba cháu đi về Việt Nam với bác một lần. Ba cháu nói có gửi thư về Việt Nam rồi đã lâu không thấy ai trả lời.”
Uyên cho biết, chị không hề nhận được thư từ, tin tức gì trực tiếp từ ba chị.
Lá thư cuối cùng Uyên nhận được từ người bác, ghi ngày “23 tháng 3, 1998.”
Trong thư này, ông P. kể chuyện “bác khuyên ba cháu nên làm bảo lãnh cho các cháu” và “các cháu suy nghĩ, nếu muốn thì gởi giấy tờ các cháu qua địa chỉ của ba cháu.”
Cuối thư, bác của Uyên viết: “Hiện nay bác chưa thể cho ba cháu gặp cô Liễu vì chưa thuận tiện... Các cháu và cô Liễu có tin hay không việc bác đã gặp ba cháu là quyền của các cháu và cô Liễu. Vì bổn phận nên bác chỉ làm theo lương tâm của bác mà thôi.”
Kể từ sau lá thư đó thì chị không còn nghe nói tin tức liên quan đến ba mình nữa.
Câu chuyện lại nằm yên ở đó cho đến ngày Uyên tình cờ đọc được những bài báo viết về cuộc trùng phùng của hai mẹ con sau hơn 30 năm bặt tin đăng trên nhật báo Người Việt. Những hy vọng tìm được tin tức về cha, dù sống hay chết, lại bùng lên trong lòng người con đã mấy chục năm biệt tin cha.
Những đứa con chỉ muốn gọi tiếng “Ba ơi!”
Nhận được thư nhờ giúp đỡ tìm ba của chị Phan Thị Thu Uyên, phóng viên Người Việt tìm gặp bà Liễu và ông P. để tìm hiểu câu chuyện.
Bà Liễu, em ông P. và là chị của ông Ðức, ba Uyên, kể: “Có một quãng thời gian anh P. và tôi có những xích mích nên tôi không có liên lạc với anh ấy. Sau đó, tôi nghe một người quen báo cho biết anh P. đã tìm được Ðức.”
Nghe vậy, bà Liễu hỏi ông P. về tin người em trai, thì được ông P. trả lời: “Chuyện đó không có thật. Nhìn lầm thôi.”
“Khi đó là khoảng năm 97 hay 98 gì đó,” bà Liễu nhớ lại. “Nghe anh ấy nói vậy nên thôi, tôi cũng không hỏi gì thêm.”
Bà Liễu cho rằng bà không hề biết đến chi tiết những lá thư mà ông P. đã gửi về cho chị Uyên, kể về chuyện ông P. gặp ba chị Uyên như thế nào.
Nói chuyện với phóng viên Người Việt, ông P. thừa nhận lá thư là do ông viết, “nhưng chỉ là chuyện nhầm lẫn thôi. Người ta báo cho tôi biết đó là em tôi, nhưng khi tôi đến gặp thì người đó tên là Phan Văn Ðức, chứ không phải Phan Quang Ðức. Khi tôi đăng báo tìm tin Ðức thì cũng có người cho tôi biết là Ðức đã chết từ năm 1975 rồi.”
Ông P. cũng cho biết địa chỉ của PO Box mà ông gửi cho chị Uyên thực ra là địa chỉ ông mượn của bạn ông, và “bây giờ địa chỉ đó không còn xài được nữa.”
Ðã hơn 35 năm trôi qua, kể từ ngày ba chị Uyên được xem là “bặt tin,” và cũng đã hơn 14 năm kể từ ngày chị Uyên nhận được tin “ba còn sống.”
Dù là còn sống, hay đã mất, những đứa con cũng chỉ muốn biết thực sự câu chuyện về cha mình. Bởi, như chị Uyên nói “con là con có cha,” nên trước sau gì, những đứa con cũng chỉ muốn được gọi tiếng “ba ơi!”

No comments:

Post a Comment