Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, October 24, 2010

Bồng Miêu, câu chuyện tức nước vỡ bờ (Kỳ 2)

Vào rừng bắt xe, ‘bịt miệng’ bằng tiền

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt

LTS: Bồng Miêu là mỏ vàng được coi là lớn nhất Việt Nam thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, hôm 25 tháng 8, đã nổ ra vụ bạo động với 500 người dân thuộc ba thôn An Lâu 1, An Lâu 2 và Bồng Miêu đã đánh trả lực lượng công an sau khi anh Dương Văn Yên, 19 tuổi, vào bãi thải của nhà máy vàng Bồng Miêu mót quặng bị công an bắt và tra tấn bằng cách dí roi điện vào vùng kín. Vừa qua, ký giả Liêu Thái, cộng tác viên của Người Việt đã có chuyến đi về Bồng Miêu để tìm hiểu về cuộc sống ngột ngạt của người dân ở đây sau vụ bạo động.

***

...
Người đàn ông tiếp tục kể về nỗi bức xúc của mình. Ông kể liên tu một hồi dài không ngớt. Có lẽ đáng nhớ hơn cả là chuyện những công an giao thông vào tận rừng sâu bắt xe một cách vô lý và chuyện bà cụ hay phản đối bị “bịt miệng” bằng tiền...

Vào rừng bắt xe
Mới nghe tưởng nói đùa, vì trong rừng đường sá gập ghềnh, mấy ai đi xe, phần lớn dùng trâu kéo hoặc mang vác. Nhưng trong một số trường hợp và ở một vài đoạn đường thuận tiện, người ta có thể sử dụng xe để thồ, việc này rất hãn hữu, ít xảy ra.
Riêng ở thôn Bồng Miêu, việc đi lại của bà con trong thôn tương đối thuận tiện ở những đoạn đường của công ty khai thác vàng Bồng Miêu, còn những đoạn không liên quan đến việc khai thác vàng của công ty thì tệ hại không gì bằng. Những đoạn như vậy chỉ còn cách duy nhất là dắt xe, cho nổ máy và chạy theo nó, những lúc nó chạy không nổi thì người đẩy phụ nó... chạy.
Thế nhưng điều lạ là vẫn có công an giao thông vào tận trong rừng bắt xe của bà con. Và trung bình mỗi ngày một chuyến, họ bất ngờ tiến sâu vào hoặc đến bìa rừng bốc những chiếc xe dựng dọc rừng bỏ lên xe tải chở về đồn. Bà con đi làm rừng về, tưởng xe mình bị mất, tìm lẩn quẩn mãi mới hay nó đang ở đồn. Cũng có một số trường hợp được thông báo về thời gian và địa điểm bắt xe.
Dần dần, bà con trong thôn thấy đời sống mình ngột ngạt, không còn bình yên được, bị kìm kẹp đủ điều. Ngay cả trong việc tối thiểu như mua một chiếc xe gắn máy về chạy cũng trở thành nỗi lo. Xe có thể bị bắt bất kỳ giờ nào. Ở một nơi vắng vẻ, núi rừng sơn cước tưởng như được bình yên nhưng lại suốt ngày thấy xe công an giao thông lượn lờ, bắt bớ.
Một khi bị bắt thì phải đóng tiền phạt, phải tăng cường làm việc để tăng thu nhập mà bù lỗ, phải tranh thủ khai thác chút quặng nằm vất vưởng may rủi đâu đó trong rừng, phải vào rừng trồng cây, kiếm củi. Cái vòng lẩn quẩn ấy bám lấy bà con ngày một nặng nề kể từ ngày công an xuất hiện dày đặc ở thôn Bồng Miêu.
Khói và ô nhiễm, đấu tranh rồi lại thôi
Mỗi ngày trong khu sản xuất tách quặng vàng, cách chỗ ở của bà con thôn Bồng Miêu chừng một ngàn mét từ đồi cao, công ty Bồng Miêu sử dụng chừng một tấn cyanua [CN] để đốt, phân loại quặng, khói từ chất này rất độc, nếu một người bình thường, khi hít phải khói sẽ bị ngất, trong trường hợp chất này bị nhiễm vào nước thì xem như dòng sông đó có thể giết rất nhiều sinh linh.
Theo như anh H. kể thì nhiều bữa mưa rừng về, sương mù phủ xuống làng thành từng mảng lớn, trong làng có người bị ngộp thở, bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu. Mà cấp cứu ở đâu? Xuống trạm y tế của công ty Bồng Miêu hoặc trạm y tế xã, huyện, cấp cứu xong, các bác sĩ ở đó kết luận do say nắng, suy dinh dưỡng...
Ðương nhiên là bà con biết mình bị lừa, vì những ngày đang mưa, hít phải khói bị ngất mà bảo là say nắng thì nghe thật buồn cười. Ðành vậy, họ phải nghĩ là chắc do nắng mấy bữa trước tích tụ trong người, chưa kịp say, đến lúc này nhân cơ hội trời mưa, nó say cho đỡ nhớ.
Trong làng có rất nhiều người bất bình, phẫn nộ đứng ra đấu tranh vì chuyện này, đầu tiên họ dẫn chứng về con sông Bồng Miêu.
Trước đây chừng mười năm, nó là con sông nước trong xanh, cá lội tung tăng, phong cảnh hữu tình. Sông bồng Miêu cũng là nguồn nước tưới tiêu cho những đồng lúa trong làng, và là nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Nhưng rồi dần dần người ta cày xới chỗ này, lấp đi chỗ kia, kết quả là con sông khô cạn, nhiều đoạn không còn là sông nữa, dù mùa mưa đang đến nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đó là sông, một bãi đất trống trơn, trơ trọi. Những con mương dẫn thủy bằng bê tông nằm chõng chơ. Ðoạn sông mà tôi và người bạn đã lội qua “lượm đá,” gặp người đàn ông “câu cá” là đoạn duy nhất còn nước của con sông Bồng Miêu - một con sông đẹp và thơ mộng của mười năm trước.
Chính vì bức xúc chuyện con sông, khói độc, bà con đứng ra đấu tranh. Ai đấu tranh? Thoạt đầu thì người dân ở đây rất sợ công an, họ bị bảo vệ mỏ và công an đánh như cơm bữa, chẳng mấy người dám đứng ra lên tiếng chuyện này. Trong làng chỉ có mấy cán bộ về hưu, mấy người mẹ liệt sĩ đứng ra kiện tụng. Vì chính họ cũng nhận ra là mình bị xâm phạm môi trường quá mức chịu đựng.
Người mà tôi muốn nói trong chuyện đấu tranh chống lại sự hủy hoại môi trường trong thôn Bồng Miêu này là một bà cụ chừng bảy mươi tuổi tên Năm Tài. Cứ mỗi lần có việc gì không bình thường là bà cụ xuất hiện, dẫn đầu đoàn người đi lên ủy ban xã, huyện thương thuyết, đấu tranh. Bà cụ rất hăng hái, không sợ chuyện gì. Chỉ phải cái tội nhà nghèo, neo đơn. Biết được điểm yếu này, người trong công ty đến “thăm,” cứ mỗi tháng có người đến thăm vậy, dần dần ai khói bụi, nghẹt thở hay sao đó kệ, bà Tài im lặng.
Những lần sau có sự cố, mọi người rủ bà đi, bà cười hề hề: “Tau không quậy nữa đâu!” Hiểu ra chuyện, bà con trong xã càng thêm bực bội... Và họ tự đấu tranh, càng táo bạo, quyết liệt hơn.
“Và cả những chuyện có liên quan đến đất rừng, quyền lợi của bà con trong thôn, trong làng nữa ông ạ! Tôi nói ra đây và mong ông đừng ghi lại tên tôi, vì như vậy tôi hết đường sống, tôi có vợ con và mẹ già, muốn an phận thôi ông ơi, nhiều lúc bức xúc quá muốn mang lửa ra đốt trụi cho bõ hận, nhưng đó là tức, chứ mình thấp cổ bé họng mà! Làm gì được hở ông?...” Người đàn ông tên H. nói với tôi như vậy trước lúc tôi tạm biệt ông để sang nhà ông Dương Văn Thanh, cha của cậu bé Dương Văn Yên.
Lúc tôi bước chân ra khỏi nhà ông H. thì có hai chiếc xe gắn máy rồ ga chạy về phía tôi, những người ngồi sau xe nhìn mặt tôi thật kỹ, vẻ mặt của họ mang nặng sát khí, tôi thấy hơi ớn nhưng vẫn phớt tỉnh và tránh nhìn lại họ, vì rất có thể...! Ðợi họ đi khỏi, anh bạn đi cùng nói nhỏ tôi hãy cẩn thận, hết sức cẩn thận, vì bây giờ khó mà phân biệt giữa du đãng với công an. Mỗi năm Việt Nam đào tạo ra hàng ngàn công an viên nhưng họ xuất hiện ở cơ quan rất ít. Rất có thể, du đãng và công an là một. Có khác nhau chăng là du đãng ngoài đời không có được thế lực công an, thế lực nhà nước.
Tôi nói anh bạn thôi đừng nói thêm nữa, vì đi giữa rừng núi mà nói chuyện này nghe xui xẻo quá, để khi về Tam Kỳ rồi hẳn nói. Anh bạn cười hề hề bảo: Bộ ông tưởng về Tam Kỳ là không có loại này à? Sao ông có vẻ sợ ma thế? Tôi cười.
Kỳ tới tôi sẽ kể quí vị nghe câu chuyện gặp một người đàn bà đau khổ ở Bồng Miêu. Bà ấy là mẹ của em Dương Văn Yên, bà không chỉ mới biết đau khổ từ câu chuyện của em Yên đâu, chuyện người anh của nó mới ra tù cũng đã làm bà lưng nước mắt lâu rồi!
(Còn tiếp)
Kỳ 3: Người đàn bà đau khổ

No comments:

Post a Comment