Các blogger chính trị ở Việt Nam đang gặp phải một làn sóng tấn công trên mạng nhằm đánh sập các trang web của họ.
Hãng thông tấn AP cho biết như thế trong bản tin hôm thứ Năm và cho rằng đây là một dấu hiệu của việc sử dụng ngày càng nhiều hoạt động tin tặc nhằm bóp nghẹt tiếng nói bất đồng trên khắp thế giới.
Bản tin trích dẫn một cuộc phân tích của các chuyên gia điện toán Hoa Kỳ nói rằng hơn 15.000 máy vi tính bị nhiễm vi rút đã dính líu tới vụ tấn công một số website và một nhóm thanh niên Việt Nam đã nhận trách nhiệm về việc xâm nhập vài website trong quá khứ, và nhóm này bị nghi là thủ phạm của vụ tấn công hiện nay.
Tuy nhiên, cuộc phân tích của công ty an ninh mạng SecureWorks ở thành phố Atlanta của Mỹ chưa thể xác định là những tin tặc đó hoạt động độc lập hay hoạt động theo lệnh của chính phủ Việt Nam hay đảng Cộng Sản đương quyền.
Ông Joe Stewart, Giám đốc bộ phận nghiên cứu về phần mềm ác tính của SecureWorks, nói rằng những vụ tấn công này cho thấy một xu hướng là dùng những vụ tấn công để gởi đi một thông điệp chính trị, thay vì chỉ là để tống tiền như những vụ tin tặc ở những nơi khác trên thế giới. Ông nói thêm rằng “rõ ràng là mục đích của vụ tin tặc này là bóp nghẹt tiếng nói của những người chỉ trích chế độ ở Việt Nam, những tiếng nói có thể vượt ra khỏi biên giới Việt Nam”.
Trong tuần qua, giới hữu trách Việt Nam đã bắt giữ hai blogger Anh Ba Sài Gòn, tên thật là Phan Thanh Hải, và Cô Gái Đồ Long, tên thật là Lê Nguyễn Hương Trà.
Một blogger thứ 3, ông Nguyễn Văn Hải, tiếp tục bị giam giữ sau khi thọ xong án tù hai năm rưỡi. Ông Hải, bút danh Điếu Cày, đã bị truy tố về tội trốn thuế và bị tuyên án tù sau khi vận động dân chúng biểu tình chống cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở Sài Gòn. Blogger này có nhiều bài viết chỉ trích các chính sách của chính phủ Việt Nam và Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP, ông Stewart nói rằng những vụ tấn công mới đây dường như được tính toán để trùng hợp với thời điểm blogger Điếu Cày mãn hạn tù và có mục đích làm giảm bớt phạm vi lan tỏa của những sự chống đối khi nhà báo tự do này bị tiếp tục giam giữ.
No comments:
Post a Comment