Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 19, 2011

Vụ Strauss-Kahn khiến người Pháp nhìn lại chính mình

PARIS, Pháp (NPR) - Nước Pháp đón nhận việc bắt giữ ông Dominique Strauss-Kahn trong sự bàng hoàng, ngỡ ngàng. Sau giai đoạn ngạc nhiên lúc đầu về việc người đứng đầu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) bị bắt giữ, một số nhảy vào bênh vực ông, trong khi một số khác chỉ trích điều họ gọi là sự tàn bạo của hệ thống pháp lý ở Mỹ.
Nay nước Pháp được nghe về những cáo buộc liên quan đến một trong những ngôi sao chính trị sáng giá nhất của họ, và điều đó đã khiến có những sự nhìn lại chính mình.

Thái độ về vụ bắt giữ ông Strauss-Kahn đã thay đổi hầu như từng giờ ở nước Pháp kể từ khi quốc gia này thức dậy và đọc thấy tin tức là ‘DSK’ - cái tên ông Dominique Strauss-Kahn thường được biết đến ở Pháp, bị bắt ở New York về tội âm mưu hiếp dâm và tấn công tính dục.

Chỉ cái tin này cũng là sự chấn động, nhưng không có gì làm dư luận Pháp bàng hoàng hơn là hình ảnh họ nhìn thấy trên truyền hình hôm Thứ Hai: Cảnh ông Strauss-Kahn bị còng tay dẫn đi. Ở Pháp, việc đăng hình ảnh người bị còng tay nếu chưa bị kết tội là điều bất hợp pháp.

Sự bàng hoàng thứ nhì xảy đến khi các máy thu hình trong phòng xử cho thấy ông DSK bị đưa ra trình diện trước quan tòa, như một tên tội phạm tầm thường, theo như một nhà bình luận ở Pháp. Máy thu hình không được đưa vào tòa án Pháp, và những hình ảnh này làm chấn động mãnh liệt dư luận Pháp, theo ông Francois d'Orcival, thuộc tạp chí Valeurs Actuelles.

“Những hình ảnh đó thật tàn bạo đối với dân Pháp,” theo lời ông d'Orcival.

“Trước đây, họ chỉ nhìn thấy những điều này trên màn ảnh Hollywood. Và đây là cả một sự khác biệt khi nhìn thấy người này, một chính trị gia sáng giá của Pháp, sắp bị guồng máy tòa án Mỹ nghiền nát.”

Ông Gerard Carreyrou, người viết phần bình luận cho tờ báo France Soir, nói rằng nhiều người chỉ trích hệ thống tư pháp Mỹ, nhưng ít ra hệ thống này còn đối xử đồng đều với mọi người. Còn hệ thống Pháp, theo ông, chẳng thay đổi gì từ thời Louis XIV, và ông gọi sự chỉ trích ở Pháp chỉ là sự đạo đức giả.

“Ở Pháp, nếu là người quan trọng, như ông Dominique Strauss-Kahn chẳng hạn, quý vị luôn luôn có cách để thoát ra khỏi một số tình huống,” theo ông Carreyrou.

Ông Strauss-Kahn từ lâu nay vẫn có tiếng ở Pháp là người thường có quan hệ lăng nhăng. Ðiều này thường được bàn đến ở các buổi tiệc tùng, nhưng không bao giờ được nêu ra trên báo chí. Có hai lý do giải thích việc này, theo lời phân tích gia chính trị Nicole Bacharan. Một là nước Pháp có luật riêng tư rất mạnh mẽ; thứ nhì là thái độ của xã hội.

“Có sự chấp nhận rất cao về vấn đề ngoại tình và quan hệ tình ái lăng nhăng,” theo lời bà Bacharan. “Ðiều đó không có nghĩa là ai cũng chấp nhận; chỉ có nghĩa là người ta đặt ra giới hạn miễn là vấn đề riêng tư đó không cản trở đến đời sống công chúng, đời sống chính trị.”

Nhưng điều cho thấy là thói tục giữ im lặng có thể giúp cho những người đàn ông ở vị trí quyền lực có thái độ tính dục không thể chấp nhận đang khiến người ta thay đổi quan điểm.

Trong một chương trình hội luận truyền hình được nhiều người theo dõi hôm Thứ Ba, các thành viên nam nữ nói về việc đàn ông tìm cách tấn công tán tỉnh phụ nữ ở Pháp thường được bảo vệ bằng thái độ im lặng của công chúng, hay thái độ bào chữa “mấy ông là vậy,” và cho rằng sự quấy nhiễu tính dục không được coi là điều phải lưu tâm.

Bà Thalia Breton, thuộc nhóm tranh đấu nữ quyền Osez le Feminisme, nói rằng cách cơ quan truyền thông và xã hội Pháp thảo luận về vụ tai tiếng DSK là điều đáng xấu hổ.

“Chúng ta đang đọc thấy những lời diễu cợt tệ hại trên Internet,” bà nói. “Rõ ràng là sự bạo động tính dục nhắm vào phụ nữ vẫn còn bị coi nhẹ và không được quan tâm đúng mức trong dư luận quần chúng. Ðây không phải là vấn đề đạo đức hay tính dục, chúng ta đang nói về một điều có thể là tội phạm.”

Giới truyền thông Pháp đang bị chỉ trích từ bên ngoài và cả bên trong là không hành xử đúng theo nhiệm vụ của họ. Nhiều người ở Pháp tin rằng vụ Strauss-Kahn, cho dù với kết cục thế nào chăng nữa, cũng sẽ là một thời điểm đánh dấu sự thay đổi trong truyền thông và xã hội Pháp.

No comments:

Post a Comment