Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, May 20, 2011

Vì sao tiền đồng khan hiếm

Mấy hôm nay tiền đồng liên tục lên giá so với đồng đô la và trở nên khan hiếm hơn. Nguyên nhân nào dẫn đến sự khan hiếm đó, và chính sách tiền tệ đang tác động ra sao đến nền kinh tế?
Khan hiếm vì lạm phát cao hơn lãi suất

Hơn một tuần nay trong nước có khá nhiều tin tức về hiện tượng thiếu hụt đồng nội tệ trong hệ thống ngân hàng, cũng như sự lên giá từng ngày một của tiền đồng Việt Nam so với tiền đô la Mỹ. Trong số 19 loại ngoại tệ được trao đổi nhiều nhất trên hệ thống ngân hàng Việt Nam, thì đồng đô la Mỹ bị suy yếu hơn, một cách tương đối, so với đồng Việt Nam. Tất nhiên việc biến động của tỷ giá hối đoái là chuyện bình thường, nhưng điểm gây chú ý là chính phủ Việt Nam đang dùng nhiều biện pháp tài chính để thu gom ngoại tệ, tăng nguồn dự trữ đô la, đồng nghĩa với việc tiền đồng sẽ được đẩy ra lưu thông nhiều hơn, nhưng nguợc lại, hiện tượng khan hiếm tiền đồng lại xuất hiện.
Một trong những nguyên nhân tiền đồng Việt Nam ít được đưa vào lưu thông trong hệ thống ngân hàng là do lãi suất chưa đủ bù được mức lạm phát. Bản tin mới đây của AFP cho rằng lạm phát của Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước bị lạm phát cao nhất thế giới, khiến lãi suất thực của nền kinh tế bị âm.
Hiện tại, trần lãi suất tiền gửi huy động vẫn được giữ ở mức 14%/năm, trong khi mức lạm phát tháng 4 là 17,51%. Rõ ràng là nguời dân sẽ bị thiệt nếu họ gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Vì thế, để tự bảo vệ đồng tiền đang mất giá của mình, họ sẽ hạn chế gửi tiền đồng vào ngân hàng, hoặc sẽ tìm một kênh khác để đầu tư kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Giải thích về vấn đề này, một giảng viên của trường Kinh tế tại Hà Nội, không muốn nêu tên, cho biết:
"Thường là khi có một khách hàng gửi tiền vào ngân hàng, ngoài một khoản dự trữ bắt buộc theo yêu cầu của Ngân hàng Trung ương, thì Ngân hàng thương mại sử dụng số tiền còn lại để kinh doanh, nghĩa là cho vay ra ngoài thị trường. Đồng thời, theo quy luật của dòng vốn chảy trong một nền kinh tế, đồng tiền cho vay ra rồi cũng sẽ quay ngược trở lại hệ thống ngân hàng dưới hình thức tiền gửi của một khách hàng khác. Tuy nhiên, bây giờ, khi lạm phát cao, người gửi tiền vào ngân hàng sẽ phải cân nhắc giữa lãi suất gửi tiết kiệm họ nhận được và mức lạm phát. Do không có lợi khi gửi bằng đồng nội tệ, họ sẽ thay thế gửi tiết kiệm bằng các hình thức khác như ngoại tệ hoặc là vàng.


Vay vốn lại bị lãi suất cao

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ các doanh nghiệp đi vay vốn làm ăn kinh doanh, mà cụ thể ở đây là đi vay tiền đồng, thì mức lãi suất họ phải gánh chịu lại quá cao, mức này đang nằm dao động từ 19-24%/năm.
“Không một doanh nghiệp làm ăn chân chính nào có thể chịu được lãi suất như thế, chỉ có những đơn vị đánh quả chớp nhoáng mới dám chạm đến lãi suất vay hiện nay” đây là lời phát biểu của đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, được Thời báo Kinh tế Sài gòn trích dẫn.
Theo các chuyên gia kinh tế thì nguyên nhân sâu xa của vấn đề khan hiếm tiền đồng là do tăng trưởng tín dụng đang bị thắt chặt. Nghị định 11 về ổn định kinh tế vĩ mô nêu rõ: chính sách tiền tệ cần được kiểm soát chặt chẽ. Vì thế, lãi suất cho vay tăng cao ở các NH thương mại, đang tác động trực tiếp đến hầu hết mọi doanh nghiệp cần vốn hoạt động kinh doanh.
Liên quan về vấn đề lãi suất tăng cao này, PGS, TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện Phó Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả cho biết:
Hiện nay chính sách tiền tệ của Việt Nam là thắt chặt, cho nên lượng tiền rất khan hiếm. Chính vì vậy các ngân hàng buộc phải tăng cường huy động vốn và mức huy động hiện nay theo quy định của Nhà nước là lên đến 14%, nhưng trên thực tế, người gửi có thể gửi tới 17-18%, thậm chí 19%, có nơi 20%.


Vòng luẩn quẩn


Cũng chính vì lý do khan hiếm tiền đồng trong Ngân hàng, do thiếu tính thanh khoản trong hoạt động kinh doanh của mình, buộc các Ngân hàng TM liên tục đua nhau tăng lãi suất nhằm huy động lượng tiền gửi và khi lãi suất huy động cao, lãi suất cho vay các doanh nghiệp lại càng cao hơn và như thế cái vòng luẩn quẩn cứ tiếp tục. Về chuyện này, TS Ngô Trí Long nhận xét:
Chính sách tiền tệ hiện nay không phản ánh đúng quy luật thị trường, vì mức lạm phát người ta dự báo là khoảng 16-17% mà lãi suất trần 14%, thì không ai người ta gửi, không thể huy động được.
Hiện nay cũng đang bàn, có những phương án của nó, ngoài quy định trần lãi suất huy động, thì cũng dự kiến, dự kiến thôi, chưa có khả năng khả thi là tiếp tục huy động trần cho vay. Nhưng làm như vậy thì nhiều chuyên gia phản đối. Trong thực tế là không điều hành bằng các quy luật của thị trường. Nếu điều hành như vậy thì sẽ gây rất nhiều hệ luỵ cho ngân hàng cũng như hoạt động của các doanh nghiệp.

Lạm phát tại thời điểm này của Việt Nam vẫn đang được so sánh với mức đỉnh hồi năm 2008, tuy nhiên, lạm phát năm 2008 dù tăng cao nhưng lãi suất lúc đó chưa cao và Chính phủ vẫn có khả năng tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát; đồng thời tại thời điểm đó, ngân sách chưa bị thâm hụt quá sâu nên chính sách tài khóa còn có thể khá linh họat trong việc thay đổi mức độ thu chi. Nhưng hiện thời, cả hai chính sách tiền tệ và tài khoá đều đang được sử dụng nhưng tính hiệu quả vẫn chưa thấy. Nhận xét về tình trạng tiến thoái lưỡng nan, TS Long có thêm nhận xét khác:
Chưa bao giờ người ta thấy hiện tượng hy hữu xảy ra ở Việt Nam, đó chính là sự méo mó trong điều hành chính sách tiền tệ, cũng như trong lĩnh vực tiền tệ, có nghĩa là lãi suất ngắn hạn phải thấp hơn trong dài hạn, nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, ngắn hạn lại cao hơn dài hạn, đây là cái méo mó. Hay là nửa đầu năm ngoái, tăng trưởng tín dụng chỉ 10% thôi, nửa cuối năm nới lỏng, tín dụng lại tăng lên 31%. Chính vì điều hành giật cục, tình trạng còn kéo dài đến năm nay, vẫn chưa dừng lại. Vì vậy nó dẫn đến những hệ luỵ kinh tế của chính sách tiền tệ, cũng như sự méo mó của các ngân hàng, của hoạt động kinh tế hiện nay.


Ngân hàng gánh nhiều rủi ro nhất

Với một chính sách tiền tệ được gọi là "giật cục, thái quá", lúc nới lỏng, lúc thắt chặt, thì rõ ràng ảnh hưởng đầu tiên sẽ là hệ thống ngân hàng phải gánh chịu, vì thế TS Ngô Trí Long cho biết tiếp:
Cho nên tâm điểm của rủi ro vĩ mô hiện nay là nằm trong khu vực ngân hàng thương mại, đấy là điểm chung mà tất cả các chuyên gia đều cho là như vậy. Vì lý do đó, phải xem lại sự điều hành của các cơ quan chức năng, điều hành theo tín hiệu thị trường. Và cái thứ hai, là để tạo lãi suất ổn định, thì lãi suất các liên ngân hàng phải ổn định, thì đó là điều hết sức quan trọng. Mà lãi suất liên ngân hàng ổn định, thì mới tạo điều kiện cho lãi suất gửi và lãi suất cho vay ổn định được.
Có thể nói thiếu tiền nội tệ trong nền kinh tế chỉ là bề nổi, là hiện tượng, nhưng đằng sau đó lại là cả một câu chuyện về chính sách quản lý kinh tế của Chính phủ còn thiếu hiệu quả và không tuân theo quy luật thị trường . Có thể những nguyên nhân bất ổn sẽ được tìm thấy và sẽ được bình ổn, nhưng những xáo trộn bất thường về tiền vốn hoạt động của các doanh nghiệp hay tiền đầu tư của người dân vẫn đang là vấn đề lớn mà cả xã hội quan tâm.

No comments:

Post a Comment