Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, May 13, 2011

Đức Hồng Y Ivan Dias và nỗi buồn Trung Hoa

Những lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Piô XI, dù đã được nói ra từ năm 1937, thiết tưởng vẫn còn nguyên tính thời sự:

“Chúng tôi có bổn phận phải báo cho anh em biết đề phòng những mưu mô và mánh khoé xảo quyệt cộng sản dám dùng để lường gạt dân chúng, những mánh khoé trơ tráo đến nỗi chỉ có cộng sản mới dám dùng để đạt tới đích”.[9]



Đức Hồng Y Ivan Dias, người vừa từ giã cương vị Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, sinh ngày 14/4 năm 1936 trong một gia đình Công Giáo rất ngoan đạo. Ngài thường được báo chí mô tả như một người nhiệt thành và khẳng khái bảo vệ Giáo Hội. Tiêu biểu là ngài đã mạnh mẽ bênh vực tuyên ngôn “Dominus Iesus” giữa những tranh cãi và lo lắng cho những nỗ lực liên tôn và đại kết nổi lên từ những nhà thần học Á Châu, đặc biệt tại Ấn Độ. Ngài cũng được mô tả như một người nhiệt thành cổ vũ cho đối thoại. Tháng 12 năm 2001, giữa làn sóng tấn kích dữ dội nhắm vào người Công Giáo tại Ấn trong một thế giới còn hoang mang và ngơ ngác sau vụ khủng bố ngày 11/9 tại Hoa Kỳ, ngài đã có sáng kiến mở rộng cửa nhà mình đón đại diện của các tôn giáo tại Ấn để đối thoại hầu mở ra con đường chung sống trong hòa bình và trong sự hiểu biết lẫn nhau.
Thế nhưng, đáng tiếc là sau 5 năm trong cương vị Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, người ta thi nhau tiên đoán và chờ mong sự ra đi của ngài. Đặc biệt là sau cái tát của Bắc Kinh trong vụ truyền chức trái phép tại Thường Đức và Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc diễn ra tháng Mười Một và Mười Hai năm ngoái.

“Ba năm sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI gởi lá thư của ngài cho anh chị em tín hữu Công Giáo tại Trung Hoa để kêu gọi họ hiệp nhất với nhau, Giáo Hội tại Trung Hoa chia rẽ hơn bao giờ hết.” [1] Đó là nhận định đầy chua chát của cha Bernado Cervellera, người đã từng lãnh đạo thông tấn xã Fides trong 5 năm và đã từng giảng dạy tại Hoa Lục trong 2 năm.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, còn nói cụ thể hơn khi họp báo tại Hoa Kỳ công kích đích danh Đức Hồng Y Ivan Dias, các cộng tác viên của ngài, cũng như chính sách “đối thoại bằng mọi giá” mà vị Hồng Y Trung Hoa cho rằng là thủ phạm đã gây ra những đau thương cho Giáo Hội tại Hoa Lục[2].

Đức Hồng Y Ivan Dias, một nhà ngoại giao với 38 năm kinh nghiệm, đã phải ra đi với nỗi buồn Trung Hoa. Nhưng chuyện vẫn chưa hết, các nhà quan sát tiên đoán cộng sản Trung quốc vẫn đang trù bị để đưa ra một đòn rất nặng có thể làm lung lay tận gốc Giáo Hội tại quốc gia này.

Những hiểm nguy đang rình chờ

Không đầy 48 tiếng sau khi Đức Tổng Giám Mục Fernando Filoni nhậm chức Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo, ngày 12/5/2011, giám mục “phản thùng” Phòng Hưng Diệu (Fang Xinyao – 房興耀) của giáo phận Lâm Nghi (Linyi – 臨沂), chủ tịch Hội Công Giáo Yêu Nước “nắn gân” vị tân Tổng Trưởng bằng cách tổ chức “bầu giám mục” tại Sán Đầu (Shantou -汕頭). 15 linh mục, 5 nữ tu, 2 chủng sinh và 50 giáo dân đã bỏ phiếu bầu linh mục Giuse Huỳnh Bỉnh Chương (Huang Bingzhang – 黃秉章) làm giám mục Sán Đầu mặc dù Tòa Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Trang Kiện Kiện (Zhuang Jianjian – 莊健健) làm Giám Mục giáo phận này từ năm 2006.

Giám mục Phòng Hưng Diệu, năm nay 57 tuổi, là giám mục được tấn phong với sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng vào tháng 7 năm 1997 ở tuổi 43. Trong Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc lần thứ 8 từ 7 đến 9/12/2010, ông Diệu đã hô hào thiết lập ngay một Giáo Hội tự trị tại Trung quốc độc lập hoàn toàn với Vatican.
Hôm 11/4, trả lời phỏng vấn tờ Daily News, nhật báo Anh ngữ của đảng cộng sản Trung quốc, ông Diệu cho biết hiện nay trong số 97 giáo phận tại Hoa Lục, 44 giáo phận đang trống tòa (không có giám mục công khai – nhưng đa số trong các giáo phận ông Diệu nói đến đã có các Giám Mục Hầm Trú). Trong một cử chỉ ngang nhiên thách thức Tòa Thánh, ông nói: “Việc bầu các Giám Mục và tấn phong Giám Mục cho họ là những ưu tiên tối cần. Chúng tôi khích lệ 44 giáo phận tự bầu ra các nhà lãnh đạo tinh thần của họ nếu có thể được”[3].

Lưu Bách Niên phụ họa thêm, cho biết là trong tay ông ta đã có ít nhất là 15 linh mục là ứng viên Giám Mục cho các giáo phận hiện nay đang trống tòa.

Con số Giám Mục mà đảng cộng sản Trung quốc dự định tấn phong có thể còn nhiều hơn là 44 nữa. Thật vậy, trong các cuộc đàm phán giữa Vatican với Hoa Lục trong 2 năm qua, Trung quốc luôn đề ra vấn đề phân chia lại lãnh thổ của các giáo phận cho phù hợp với địa giới hành chính của Trung quốc hiện nay. Dụng ý của Trung quốc trong trò “xóa bàn làm lại” này một mặt là xoá bỏ các giáo phận có các Giám Mục hầm trú coi sóc, mặt khác là giành quyền bổ nhiệm các Giám Mục công khai, và qua đó tạo một áp lực rất lớn trên các Giám Mục Trung quốc. Những vị nào “lừng khừng” không nhiệt thành bày tỏ lòng trung thành với đảng thì “mất ghế”.

Tưởng cũng nên biết là hầu hết các Giám Mục tại Hoa Lục dù được tấn phong trái phép vẫn mưu tìm sự hiệp thông với Vatican. Trong đa số các trường hợp, các ngài được sự chấp thuận của Tòa Thánh. Ngược lại, các ngài cũng bày tỏ công khai sự hiệp thông với Đức Thánh Cha. Trung quốc không muốn thấy một tình hình như thế nhưng muốn tất cả các Giám Mục phải vâng phục tuyệt đối sự lãnh đạo của đảng, chứ không phải là Rôma.

Trên thế giới có lẽ Trung Hoa là nước có các Giám Mục trẻ tuổi nhất. Đức Giám Mục Giuse Đồng Trường Bình (Tong Changping – 同長平) của giáo phận Vị Nam (Weinan – 渭南) được tấn phong lúc 34 tuổi, Đức Cha Giuse Hàn Chí Hải (Han Zhihai, 韓志海) của giáo phận Lan Châu (Lanzhou – 蘭州) lúc 35 tuổi, Đức Giám Mục Phêrô Phong Tân Mão (Feng Xinmao- 封新卯) của giáo phận Hành Thuỷ (Hengshui – 衡水) lúc 39 tuổi. Các Giám Mục Phaolô Mã Tồn Quốc (Ma Cunguo – 馬存國) của giáo phận Sóc Châu (Shuozhou – 朔州), Trương Hiến Vượng (Zhang Xianwang – 張獻旺) của Tế Nam, (Jinan – 濟南), Tô Vĩnh Đại (Su Yongda – 蘇永大) của Trạm Giang (Zhanjiang – 湛江) đều ở lứa tuổi 30. Tất cả các Giám Mục nêu trên đều hiệp thông với Tòa Thánh.

Nhận thấy các Giám Mục trẻ tại Trung quốc sẽ có một ảnh hưởng rất lâu dài trong đời sống của Giáo Hội tại quốc gia này, cộng sản đã tiến hành một chính sách mua chuộc các Giám Mục trẻ. Trường hợp của giám mục Phòng Hưng Diệu là một điển hình. Trong khi công an Trung quốc sẵn sàng đánh bể đầu Đức Cha Giuliô Giả Chí Quốc (Julius Jia Zhiguo), Giám Mục giáo phận Chính Định, Hà Bắc, năm nay đã 76 tuổi; chúng không chơi trò “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với các Giám Mục trẻ. Trái lại, theo các báo cáo từ Trung Hoa được đăng tải trên Asia-News, chúng “tậu nhà, mua xe, đưa tiền” cho các đấng[1].

Giáo Hội Hầm Trú tại Trung quốc

Sau khi chiếm được toàn bộ Hoa Lục năm 1949, Mao thi hành ngay một chính sách thanh lọc giai cấp. Khỏi nói dài dòng chúng ta cũng dư biết người Công Giáo chịu đau khổ đến mức nào. Năm 1957, Mao cho ra đời Hội Công Giáo Yêu Nước. Một năm sau đó, Mao buộc một Giám Mục truyền chức trái phép cho 2 linh mục. Đa số các linh mục rút lui vào tình trạng hầm trú. Những linh mục còn làm việc mục vụ bị buộc phải gia nhập Hội, và phải treo hình Mao ngay trên gian cung thánh trong các nhà thờ do họ coi sóc. Đổi lại, họ được nhà nước cấp tem phiếu thực phẩm và các nhu yếu phẩm. Dân chúng gọi họ là các “linh mục quốc doanh” để phân biệt với các linh mục thầm lặng sống lẩn lút trong dân. Với sự khích lệ (hay cưỡng bách của nhà nước), một số rất đông các linh mục quốc doanh lập gia đình.

Từ đó hình thành Giáo Hội Thầm Lặng và Giáo Hội Quốc Doanh.

Trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hoá (10/1966-10/1976), bọn Hồng Vệ Binh cũng không tha cho các giám mục và linh mục quốc doanh. Các vị bị bắt đi cải tạo, nhà thờ bị tịch thu. Giáo Hội Quốc Doanh hoàn toàn tan rã, chỉ còn Giáo Hội Thầm Lặng tiếp tục được Thánh Thần Chúa chở che dìu dắt qua bao gian nan và bách hại.

Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình thực hiện những cải cách sâu rộng trong xã hội. Các nhà thờ được trả lại dần, hàng giáo sĩ được trả tự do. Các linh mục quốc doanh sau khi ra tù hầu hết trở lại nhiệm sở cũ của họ. Một số linh mục hầm trú cũng hợp tác với các linh mục quốc doanh trong việc coi sóc mục vụ cho các giáo xứ vừa được mở lại. Tuy nhiên, hầu hết các linh mục hầm trú với đầy những kinh nghiệm đau thương đã cảnh giác không tham gia vào các giáo xứ này. Các ngài tiếp tục tình trạng hầm trú như trước đó.

Danh từ Giáo Hội Công Khai được bắt đầu nói đến như một tương phản với Giáo Hội Thầm Lặng.

Nhân đây, cũng xin nói thêm một ít về Giáo Hội Thầm Lặng hay đôi khi còn được gọi là Giáo Hội Hầm Trú.

Từ “hầm trú” chỉ có nghĩa bóng. Có người hỏi chúng tôi, “Khi các linh mục và anh chị em giáo dân cử hành thánh lễ có phải họ đi xuống các hầm để trốn tránh công an không?”

Thưa, họ không “đi xuống” nhưng mà “đi lên”. Thông thường, các vị cử hành thánh lễ ở các tầng rất cao của các chung cư. Tại sao vậy? Để khi công an ruồng bắt thì ở dưới ta gõ kẻng, la hét hay hiện đại hơn là gọi mobile lên cho ở trên chúng ta từ từ giải tán trong trật tự, ai về nhà nấy.

Trừ khu vực Hà Bắc, trong nhiều vùng khác ở Hoa Lục, có thể xảy ra trường hợp là không có nhà thờ nào do các linh mục công khai, tức là có đăng ký với nhà nước, phụ trách mà chỉ có các nhà thờ do các linh mục hầm trú chăm sóc. Các nhà thờ “hầm trú” này hoạt động gần như công khai. Có thể nhiều quan chức địa phương chẳng thấy có lợi gì khi bắt bớ các linh mục và giáo dân. Cũng có thể Thánh Thần Chúa hoạt động trong họ, soi rọi chút lương tâm còn sót lại trong lòng người, để họ lờ đi cho các cộng đoàn dân Chúa được yên ổn.

Trong báo cáo của sơ Betty Ann Maheu, MM đăng trên Web site của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, nữ tu này cho biết nhiều quan chức cộng sản tại địa phương mến mộ sự hy sinh và lòng bác ái của các nữ tu đối với những người nghèo, những người già cả, neo đơn và các trẻ em mồ côi nên bớt khó khăn với Giáo Hội[4].

Nhiều tác giả nghiên cứu về Trung Hoa cho rằng các khái niệm “Giáo Hội Thầm Lặng” và “Giáo Hội Công Khai” thay đổi theo thời gian và theo từng địa phương. Nhiều người nghiêng về ý kiến cho rằng chỉ có một Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Lục. Khác biệt là có các Giám Mục, linh mục và giáo xứ có đăng ký với nhà nước và có các Giám Mục, linh mục và giáo xứ không đăng ký với nhà nước.

Sơ Betty nói rằng khó lòng mà phân biệt được đâu là “công khai”, đâu là “thầm lặng”. Chị kể câu chuyện của một Giám Mục Thầm Lặng nhưng ngài lại là một linh mục công khai để có thể tiếp cận với dân chúng và cử hành các phép bí tích cho họ cách dễ dàng.

Khi được mời sang Đức, ngài đã tìm mọi cách để sang được Rôma và chụp hình chung với Đức Giáo Hoàng. Ngài in ra thành một tấm chân dung rất lớn, và tỏ ra quý tấm hình cách đặc biệt. Khi về lại Trung Hoa, những người trong tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã khuyên ngài không nên mang tấm hình đó về. Nhưng ngài nhất định mang về và treo ngay trong phòng làm việc.

Ngày nọ, một đám công an hùng hổ xông đến nắm cổ ngài hỏi “Ai cho mày làm Giám Mục?” Để che dấu vị Giám Mục Thầm Lặng đã tấn phong cho ngài, ngài chỉ lên tấm hình: “Đức Thánh Cha phong cho tôi chứ còn ai?” Lúc đó người ta mới biết tại sao ngài trân quý tấm hình như thế: Ngài đã tiên đoán trước được có ngày công an sẽ đến “hỏi tội” ngài.

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Giáo Hội tại Hoa Lục

Năm 1979, Đức Cha Phêrô Giuse Phạm Học Yêm (Fan Xueyan – 范學淹) của giáo phận Bảo Định được trả tự do. Ngài bí mật viết thư cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về tình trạng tại Hoa Lục và xin Tòa Thánh phê chuẩn việc tấn phong một số Giám Mục vì lúc đó toàn Hoa Lục chỉ còn 33 Giám Mục sống sót và đa số đã quá già yếu.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II lập tức phê chuẩn đồng thời lại ban cho Giáo Hội thầm lặng tại Hoa Lục nhiều đặc ân trong đó có việc rút ngắn thời gian đào tạo các linh mục.

Vì viết thư cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Đức Cha Phêrô Giuse bị bắt vào năm 1982 và bị kết tội “âm mưu với các thế lực thù địch gây nguy hại cho chủ quyền đất nước và an ninh của tổ quốc”. Năm 1987, ngài được tạm tha đến tháng 11/1990 thì bị bắt lại và bị đánh chết trong tù vào chiều ngày 13/04/1992. Sáng ngày 16/4/1992, công an quăng xác ngài trước cửa nhà một thân nhân.

Những ưu ái của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và lời cầu nguyện hàng ngày của ngài cho Giáo Hội tại Trung Hoa đã góp phần làm cho hàng Giáo Phẩm Thầm Lặng tại nước này phát triển nhanh chóng bất chấp những bách hại dã man của cộng sản. Cho đến năm 1989, Giáo Hội thầm lặng tại Hoa Lục đã có 50 Giám Mục.

Tháng 11/1989, các Giám Mục Hầm Trú quyết định thành lập riêng một Hội Đồng Giám Mục trong bối cảnh của sự sụp đổ lần lượt của các chế độ cộng sản tại Ba Lan, Hung Gia Lợi, Đông Đức, Bảo Gia Lợi, Tiệp Khắc và Rumani và cả biến cố Thiên An Môn vào tháng 6 năm ấy.

Trung quốc xem việc thành lập Hội Đồng Giám Mục Thầm Lặng là một hành vi khiêu khích của Tòa Thánh và lập tức tiến hành một chiến dịch bách hại khổng lồ nhắm vào các Giám Mục và linh mục hầm trú.

Dù bị bách hại dữ dội, Giáo Hội lại trở nên có sức thu hút đặc biệt nơi những người trẻ, các nhà trí thức và những người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Họ tìm thấy nơi đức tin Công Giáo những giá trị cao thượng mà họ khát khao. Dân số Công Giáo không ngừng tăng lên mặc dù truyền thông nhà nước và cả các giám mục đã bị thúc đẩy để thi đua đưa ra những lời phỉ báng nhắm vào Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Trong cuộc diễn binh khổng lồ “mừng quốc khánh đầu thiên niên kỷ” tại quảng trường Thiên An Môn hôm 1/10/2000, thay mặt cho 120 đại biểu Công Giáo, giám mục quốc doanh Phó Thiết Sơn đã “cực lực lên án” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người được đảng cộng sản Trung quốc xem là “kẻ thù nguy hiểm nhất vì đã làm sụp đổ các chế độ cộng sản tại Đông Âu”, lại còn mang thêm một “tội trầm trọng” nữa là đã dám cho phép mở án phong thánh cho 120 vị tử đạo Trung Hoa, mà lại còn dám tổ chức Lễ Phong Thánh ấy vào đúng ngày quốc khánh của Trung quốc. Ông ta nói:

“Việc chọn ngày hôm nay để phong thánh cho những kẻ gọi là ‘thánh’ là một xúc phạm và sỉ nhục công khai chống lại người Công Giáo Trung Hoa. Đây là một hành vi khiêu khích không thể tha thứ được vì hôm nay là ngày lễ trọng đại đánh dấu sự giải phóng nước Trung Hoa khỏi tư bản, thực dân xâm lược, và bóc lột”[5].

“Chúng tôi hiện diện nơi đây với một mục đích đặc biệt là mừng sự lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo Trung Hoa trong 5 thập niên qua, là những năm tháng thoát khỏi sự kiểm soát và can thiệp của các thế lực nước ngoài.” Cụm từ “sự kiểm soát và can thiệp của các thế lực nước ngoài” là “thành ngữ” thường được Phó Thiết Sơn dùng để ám chỉ Tòa Thánh.

Năm năm sau đó, giám mục quốc doanh Phó Thiết Sơn và đảng cộng sản Trung quốc thấy được nhãn tiền lòng căm thù vị Giáo Hoàng Ba Lan mà họ muốn cấy vào trong lòng người Công Giáo đi đến đâu.

Ngày 7/4/2005, phóng viên Jim Yardley của tờ Newyork Times tường trình như sau: “người Công Giáo cả thầm lặng lẫn công khai hiệp nhất với nhau than khóc Đức Gioan Phaolô II”[6].

“Với bức chân dung thật to của Đức Cố Giáo Hoàng được kính cẩn treo trên một bàn thờ dã chiến, một linh mục Trung Hoa, cha Giuse, đứng trước hàng trăm nông dân trên một mảnh đất đầy bụi bặm cử hành thánh lễ cầu hồn cho vị Giáo Hoàng. Khi cha dâng bánh và rượu, đám đông quỳ xuống nhưng những người canh chừng cho thánh lễ ‘chui’ vẫn đứng dáo dác nhìn tứ phiá, sẵn sàng báo động khi có công an ruồng bắt. Sau lễ, đoàn lũ dân chúng xếp hàng trong trật tự hôn kính chân dung vị Giáo Hoàng trước khi giải tán”.

“Đấy là cảnh ở Hà Bắc. Nhưng mà, ngay cả ở Bắc Kinh, nơi các giáo đường do nhà nước kiểm soát, các thánh lễ liên tục được tổ chức và dòng người đến cầu nguyện cho vị Giáo Hoàng này kéo dài suốt ngày không dứt”.

Đối thoại – Đối đầu

Tháng 5/2005, Bắc Kinh tuyên bố rằng cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người bị chúng coi là “có tội” làm sụp đổ các chế độ cộng sản trên thế giới, đã mở ra một trang mới trong quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Vatican.

Trong các cuộc thảo luận không chính thức giữa Vatican và tòa đại sứ Trung quốc tại Rôma, Bắc Kinh đồng ý cho 4 vị Giám Mục được tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thánh Thể (10/2005) và cho các nữ tu của Mẹ Têrêsa được mở một nhà cho người nghèo và người già tại Hoa Lục.

Năm 2006, một viên chức cao cấp của đảng cộng sản Trung quốc lại hứa thêm với phái đoàn Tòa Thánh là sẽ cấm Hội Công Giáo Yêu Nước không được truyền chức Giám Mục trái phép nữa.

Cộng sản toàn hứa lèo, nhưng chúng ta có lẽ đã quá chân thành trong quá trình “đối thoại” với Trung quốc. Trong hơn 3 năm qua, để đáp ứng những yêu cầu của cộng sản Trung quốc, không một linh mục thầm lặng nào được tấn phong Giám Mục[7]. Trái lại, các chuyên viên của Bộ Truyền Giáo lại còn chân thành đến mức kêu gọi “xoá sổ” luôn Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa để bày tỏ thiện chí đối thoại “hết ga” của mình.

Linh mục Jeroom Heyndrickx, cố vấn của Bộ Truyền Giáo, viết trên UCANews “Giáo Hội mà sống hầm trú thì không phải là tình trạng bình thường. Giờ đây, không có lý do gì để tồn tại Giáo Hội Thầm Lặng tại Trung Hoa. Đức Thánh Cha, do đó, bãi bỏ tất cả mọi quyền lợi đã được ban cho cộng đoàn hầm trú trong quá khứ. Các tín hữu Trung Hoa có thể tham dự phụng vụ Thánh Thể do các linh mục thuộc cộng đoàn công khai cử hành”[8].
Đức Hồng Y Ivan Dias ra đi mang theo nỗi buồn Trung Hoa. Người Công Giáo Trung Hoa ở lại tiếp tục gánh lấy những đau thương. Có lẽ cần phải suy gẫm sâu xa những lời của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân:

“Đối thoại và thoả hiệp là cần thiết, nhưng phải có căn bản. Chúng ta không thể từ bỏ các nguyên tắc của đức tin chúng ta, và kỷ luật cơ bản của Giáo Hội chúng ta, hầu làm vui lòng nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Giữa Giáo Hội tại Trung Hoa và nhà cầm quyền nước này chẳng có đối thoại gì hết. Người ta sẵn sàng đóng sầm cánh cửa lại thẳng ngay vào mặt của người đối thoại quá-đỗi-hiền lành của họ và chỉ quyết tâm đẩy đối phương vào vũng lầy của sự khuất phục.”

Những lời cảnh cáo của Đức Giáo Hoàng Piô XI, dù đã được nói ra từ năm 1937, thiết tưởng vẫn còn nguyên tính thời sự:

“Chúng tôi có bổn phận phải báo cho anh em biết đề phòng những mưu mô và mánh khoé xảo quyệt cộng sản dám dùng để lường gạt dân chúng, những mánh khoé trơ tráo đến nỗi chỉ có cộng sản mới dám dùng để đạt tới đích”.[9]

Tham Khảo:

[1] Bernardo Cervellera (15/04/2011) Asia-News: The Holy See and the Church in China: firm and merciful – http://www.asianews.it/news-en/The-Holy-See-and-the-Church-in-China:-firm-and-merciful-21311.html

[2] Benjamin Mann (12/04/2011) Catholic News Agency – Cardinal Zen: Vatican officials have blocked Pope’s plan for Chinese Church http://www.catholicnewsagency.com/news/cardinal-zen-vatican-officials-have-blocked-popes-plan-for-chinese-church/

[3] China Daily News (11/04/2011) Approval of bishops ‘a priority’ http://www.china.org.cn/china/2011-04/11/content_22327972.htm

[4] Sister Betty Ann Maheu, MM (2005) The Catholic Church in China: Journey of Faith -An Update on the Catholic Church in China: 2005 – http://www.usccb.net/conference/conference21/Paper_BettyAnnMaheu13Jul05.pdf

[5] Nguyễn Việt Nam (20/4/2007) Giám mục Phó Thiết Sơn của Bắc Kinh sắp qua đời. VietCatholic News: http://vietcatholic.net/News/Html/43203.htm

[6] Jim Yardley (7/4/2005) JOHN PAUL II: CHINA; China’s Divided Catholics Unite, if Just to Mourn: http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9E0DE1D7163EF934A35757C0A9639C8B63

[7] Bernardo Cervellera (11/4/2011) Vatican Commission on Church in China meets. Expectations and realism http://www.asianews.it/news-en/Vatican-Commission-on-Church-in-China-meets.-Expectations-and-realism-21266.html

[8] Đặng Tự Do (12/4/2011) Con đường đối thoại chông gai: Bài học bi đát của Giáo Hội tại Hoa Lục. VietCatholic News. http://vietcatholic.net/News/Html/89024.htm

[9] Pope Pius XI (19/3/1937) DIVINI REDEMPTORIS http://www.vatican.va/holy_father/pius_xi/encyclicals/documents/hf_p-xi_enc_19031937_divini-redemptoris_en.html

Nguyễn Thanh

No comments:

Post a Comment