Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, May 17, 2011

‘Tự’ đến khi còn sống, ‘tự’ chết sau khi chết!

LTS: Vụ án anh Nguyễn Công Nhựt chết trong đồn công an huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương vẫn làm nóng dư luận tại Việt Nam. Người Việt trân trọng giới thiệu bài viết của Blogger Mẹ Nấm trên trang blog của cô về vụ án này.
Tôi có đề nghị như sau, không biết “các anh” nghĩ sao?

1. Nhà nước nên để Bộ Công An “phát hành” một hình thức khen thưởng riêng với tên gọi “Công dân tự giác & có ý thức trách nhiệm nhất Việt Nam.” Hơn nữa công an tỉnh Bình Dương nói riêng, và Bộ Công An nói chung, nên tổ chức truy điệu và trao giải này cho anh Nguyễn Công Nhựt - người vừa “tự tử” sau khi “tự nguyện” ở lại đồn công an huyện Bến Cát từ ngày 21 đến 30 tháng 4 năm 2011 vừa qua.

Lý do như sau:

Hiếm có ai có tinh thần hợp tác điều tra để tố giác tội phạm với cơ quan an ninh điều tra như anh Nguyễn Công Nhựt.

Ý thức được trách nhiệm công dân của mình, anh Nhựt đã “tự giác” xin ở lại đồn công an 10 ngày. Anh quả là một công dân tốt khi “tự giác” viết “bản cam kết” để cán bộ điều tra khỏi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì đã “chứa chấp” anh tại đồn công an khi chưa có sự đồng ý của Viện Kiểm Sát.

Ngoài Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với bài phát biểu trong hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công An hồi đầu năm nay ra, ít thấy ai lại thấu hiểu và cảm thông với các đồng chí công an như anh Nhựt. Anh khen ngợi công an hết lời (dù tâm trạng đang rất chán đời, sắp tự tử, vậy mà anh vẫn dành khoảng thời gian cuối cùng của cuộc đời mình để “khen ngợi” các điều tra viên).

“Trong mấy ngày này, cơ quan điều tra họ cũng đến trò chuyện, quan tâm giúp đỡ những gì trong khả năng của họ, chị Phượng, anh Phu, anh Phú và anh Nguyên là những người điều tra tuyệt vời nhất, ban đầu gặp họ thì lạnh lùng và quát nạc (nạt) nhưng sau vài ngày tiếp xúc họ cũng có thể hiểu được 70%-80% mình chưa phải là tội phạm.” (Trích “thư tuyệt mệnh” của anh Nhựt)

2. “Xem xét, đề bạt, đề nghị khen thưởng” các điều tra viên dễ thương tại công an huyện Bến Cát, đặc biệt là điều tra viên “dễ thương” Nguyễn Thành Phú - người đã “hết lòng động viên” chị Tuyền - vợ anh Nhựt trong những ngày anh “tự giác ở lại đồn công an để vui vẻ với các điều tra viên” mặc cho cha mẹ, anh chị, vợ con đi tìm. (Không biết ngoài cái cam kết “tự giác ở lại để hợp tác điều tra” thì anh Nhựt có viết thêm bản nào “tự giác từ chối tiếp xúc, gặp gỡ với người thân” không ta??)

Phải làm rõ tại sao khi anh Nhựt đã “tự giác cam kết” là sẽ “ở chơi” tại phòng làm việc của đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện Bến Cát tới 10 ngày, nhưng mới được 3 ngày thì anh đã “bỏ cuộc.” Ðang từ “tự nguyện hợp tác điều tra” thì đột ngột chuyển sang “chán đời tự tử”??? Phải chăng các điều tra viên không được “nhiệt tình, hiếu khách” khiến anh buồn lòng chăng? Sao lại có thể cư xử thiếu phép tắc với một công dân dễ thương đến thế nhỉ??

Phải làm rõ xem các điều tra viên ở đâu, làm gì khi “giữ khách” ở lại trụ sở công an? Các anh/chị bận đến nỗi không có thời gian “tiếp khách” cho đàng hoàng hay sao?? Các anh/chị ở đâu, làm gì khi để anh Nhựt quá rảnh mà ngồi viết một xấp thư tuyệt mệnh kia?? “Tiếp khách” kiểu gì mà để khách buồn chán, tuyệt vọng đến độ treo cổ mình lên? “Tiếp khách” kiểu gì mà để kiến bu, ruồi đậu lên người khách cả ngày rồi mới báo tin cho gia đình họ???

Nghe nói công an hình sự, công an điều tra - đặc biệt là các anh điều tra tội phạm về trật tự xã hội rất “chăm khách” kia mà??? Sao lại ra nông nỗi này thế nhỉ?

Joseph Goebbels - Bộ trưởng Bộ Tuyên Truyền của Ðức quốc xã dưới thời Hitler có sống lại cũng cũng phải cắp cặp đi học các anh. Bởi, Goebbels phải nói đến cả ngàn lần cái “không” mới thành “có thể,” còn các anh?

Các anh chỉ quên duy nhất một điều đơn giản, sự quên đã làm nên”thành tích” của các anh. Ðó là nguyên lý truyền ngược của ánh sáng đối với vật lý. Và khái niệm bóng tối đối với triết học.

3. Ðề nghị công an huyện Bến Cát, cử gấp người ra Bắc Giang và Hà Nội học hỏi chiêu thức của các anh/chị công an ngoài ấy, “giải quyết vấn đề tiếp khách dứt điểm, nhanh-gọn-lẹ” trong vòng 24 tiếng đồng hồ, kéo chi dài ngày ra để khách buồn, khách tự vẫn lại mắc công giải trình thì rắc rối.

Các anh ơi, trụ sở và cách làm việc của các anh rất “yên bình, tử tế.” Chỉ trong thời gian ngắn đã có nhiều người (bị & được) chọn làm nơi trút hơi thở cuối cùng. Từ “tự nguyện” đến “tự tử” - cách nhau không xa mấy các anh ha??

Những tưởng, không có chỗ nào, nơi nào trên thế giới hơn được nữa, cố lên các anh ơi, cuốn Guinness không có đối thủ...

“Thiên đường” là đây chứ đâu xa phải không các anh??

No comments:

Post a Comment