Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 19, 2011

Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF xin từ chức

Một trong những tin đáng chú ý trong ngày là tin ông Tổng Giám Đốc Dominique Strauss-Kahn của IMF đã từ chức. Ngay tức khắc, câu hỏi ai là người sẽ được chọn thay thế ở chức vụ quan trọng này được đặt ra. Ông Dominique Strauss-Kahn, Tổng Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã gừi thư xin từ chức, nói rằng ông phải dành hết thì giờ để đối phó với chuyện bị cảnh sát thành phố New York bắt giữ và cáo buộc tội cố ý tấn công tình dục một phụ nữ làm bồi phòng ở khách sạn ông trú ngụ hôm thứ Bảy tuần trước.
Trong thư gửi cho Hội Đồng Quản trị IMF, ông Strauss-Kahn cho hay ông hoàn toàn vô tội và sẽ dồn mọi sức lực để chứng tỏ cho mọi người thấy là ông vô tội. Ông hiện đang bị tạm giữ ở trại giam Rikers Island của New York, và chỉ ít tiếng đồng hồ nữa sẽ ra tòa xin được tại ngoại hầu tra.
Luật sư đại diện cho ông nói với báo chí là sẽ đề nghị tòa cho ông đóng 1 triệu đô la tiền thế chân, quản thúc tại gia 24/24, cho tới khi vụ án được xét xử. Theo các chuyên gia về luật pháp, sớm nhất cũng phải 6 tháng nữa phiên tòa đầu tiên mới bắt đầu cho vụ án mà mọi người đều tin sẽ được cả thế giới theo dõi.

Tân giám đốc IMF sẽ là người Châu Á?
Từ những ngày trước khi ông Strauss-Kahn từ chức, chuyện chọn ai thay thế đã là đề tài được bàn tán sôi nổi, sau khi các chính phủ Trung Quốc, Brazil và Nam Phi lên tiếng nói sẽ giành quyền điều khiển tổ chức quốc tế này, thay vì tiếp tục để người gốc Âu Châu giữ vai trò điều hành như đã từng làm kể từ ngày Quỹ được thành lập tới giờ.Ngay một chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Hoa Kỳ là ông Peter Morici cũng nói rằng trước đây thì người Mỹ đứng đầu Ngân Hàng Thế Giới, người Châu Âu lãnh trách nhiệm điều khiển IMF, nhưng tình thế bây giờ đã thay đổi và ông không ngạc nhiên khi thấy các quốc gia Châu Á muốn giành quyền điều hành IMF.Hiện là nước đứng hàng thứ 3 trong danh sách những quốc gia góp tiền vào Quỹ, phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc là Bà Khương Du nói rõ việc tuyển chọn người giữ chức Tổng Giám Đốc “phải diễn ra trong tinh thần công bằng, hợp lý”, không nên tiếp tục dành độc quyền cho một khu vực nào cả.
Bộ Trưởng Tài Chánh Nam Phi là ông Pravin Gordhan và 1 viên chức cao cấp của chính phủ Brazil yêu cầu được dấu tên còn nói rõ rằng dù tiếng nói của các nước đang phát triển ngày một có trọng lượng hơn trong các quyết định của IMF, nhưng đã đến lúc chức vụ quan trọng này “phải được dành cho một quốc gia đang phát triển”. Ngưởi đầu tiên lên tiếng phản đối là bà Thủ Tướng Đức Angela Merkel. Bằng giọng khéo léo ngoại giao, bà bảo trên nguyên tắc thì chuyện trao cho một nước có nền kinh tế mới nổi điều khiển Ngân Hàng Thế Giới hay IMF là điều hữu lý, nhưng lúc này một số nước trong khu vực sử dụng đồng EURO đang gặp khó khăn về tài chánh nên “cách tốt nhất vẫn là để cho người Âu Châu điều hành IMF”.
Trước đây từng có đồn đãi nói rằng nếu ông Strauss-Kahn xin từ chức để về Pháp tranh cử tổng thống, nhân vật Âu Châu kế tiếp sẽ là một kinh tế gia của Anh, và Cựu Thủ Tướng Gordon Brown là người được nhắc tới. Nhưng đương kim Thủ Tướng David Cameron lại lắc đầu, cho hay vị tiền nhiệm của ông “không phải là người phù hợp cho chức vụ Tổng Giám Đốc IMF”.Tin ghi nhận được từ Châu Âu nói rằng đứng đầu danh sách các ứng viên là bà Bộ Trưởng Kinh Tế Pháp Christine Lagarde, nhưng cũng có tin nói rằng việc 2 người Pháp liên tiếp điều khiển IMF là điều khó có thể xảy ra.
Dĩ nhiên trong cương vị của nước đóng góp nhiều nhất vào Quỹ, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chọn người vào chức vụ Tổng Giám Đốc IMF. Đến bây giờ Nhà Trắng vẫn chưa cho biết quan điểm, và ngay cả đại diện cho Hoa Kỳ trong Hội Đồng Quản Trị IMF là bà Meg Lundsager cũng không trả lời yêu cầu xin được phỏng vấn của báo chí.

No comments:

Post a Comment