Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 15, 2011

Sách "Tài năng và đắc dụng” bị phê bình

Trong những ngày qua báo chí và nhiều trang blog xôn xao về việc nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia cho ấn hành quyển sách có tựa “Tài năng và đắc dụng” do GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung đồng chủ biên.Quyển sách gặp sự chống đối bởi nhân vật Đặng Lê Nguyên Vũ nằm ngang hàng với Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi và đặt nhiều dấu hỏi cho dư luận. Mặc Lâm có bài viết sau đây.


“Tài năng và đắc dụng” được giới thiệu là công trình khoa học nhằm phân tích và nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển nhân cách tài năng, sự nghiệp của 14 nhân vật tiêu biểu trong lịch sử Việt Nam và thế giới thuộc các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; kinh tế, kinh doanh; khoa học và công nghệ.


Cuốn sách gồm ba phần: Phần thứ nhất viết về các nhân tài trong lĩnh vực quản lý và lãnh đạo. Theo lời giới thiệu của quyển sách thì các nhân vật được lựa ra để nghiên cứu là Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Đào Duy Từ, Hồ Chí Minh và Chulalongkorn.


Phần thứ hai viết về nhân tài trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, các nhân vật như Lê Quý Đôn, Trần Văn Giàu, Albert Einstein và Thomas Edison được chọn để nghiên cứu.


Phần thứ ba cũng là phần cuối, quyển sách viết về những nhân tài trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh. Những danh nhân được chọn ra giới thiệu là Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Bạch Thái Bưởi, Bill Gates và đặc biệt là Đặng Lê Nguyên Vũ, đương kiêm chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên.


Thiếu kiến thức, thiếu khoa học


Bên cạnh cách biên soạn không có gì mới, chỉ là sao chép tài liệu có sẵn trong sách báo ngoại quốc đối với các danh nhân, quyển sách bị chỉ trích vì đã đưa một doanh nhân còn quá trẻ là ông Đặng Lê Nguyên Vũ vào đứng chung với các bậc tiền bối.


Nhiều tờ báo phê phán cách làm việc của nhóm biên soạn và cho rằng Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia có biểu hiện đáng ngờ khi chấp nhận một công trình được gọi là nghiên cứu khoa học này lại ấu trĩ và thiếu kiến thức tổng quát khi làm một công việc mà bất cứ nhà xuất bản nào cũng phải tránh không làm.


Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ, đương kiêm Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức cho biết nhận xét của ông về việc này:

Theo tôi thì về luật xuất bản cuốn sách đó nó không phạm về bất cứ điều luật nào của luật pháp hiện hành của Việt Nam về xuất bản. Thế nhưng bản thân của những người chủ biên làm cuốn sách đó đã có những nhận thức nếu mà chân thành thì cũng rất là thô thiển. Nếu là chân thành thì cũng không nghiêm túc.”


Dư luận chú ý sâu hơn khi phát hiện trong cuốn sách được gọi là công trình nghiên cứu khoa học này có bề dày 328 trang thì phần của doanh gia Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm hết 42 trang. Các danh nhân như Trần Quốc Tuấn được 15 trang, Nguyễn Trãi có 10 trang, Đào Duy Từ chỉ 6 trang và Chủ tịch Hồ Chí Minh 25 trang!


Với số trang khá lớn để nói về mình như vậy dưới cái nhìn của một giám đốc nhà xuất bản, Giáo sư Chu Hảo đưa ra nhận xét:


“Bản thân cái bài tự thuật của anh Đặng Lê Nguyên Vũ viết ở đó thì về nội dung cũng như hình thức thể hiện qua cái bài đó theo tôi nghĩ là bình thường có thể chấp nhận được. Cũng có thể nhiều người cho rằng anh ấy hơi lãng mạn và hơi khuếch trương những ý tưởng của mình nhưng tôi nghĩ rằng anh ấy có quyền làm như vậy.
Anh ấy nhận thức vấn đề và phát biểu ý kiến riêng của mình. Anh ấy kể lại cuộc đời của anh ấy với tất cả những khó khăn ... phấn đầu từ ban đầu theo tôi nghĩ là nhiều cái đáng trân trọng. Tuy nhiên cái bài đó mà xếp vào trong cuốn sách đó thì lại là việc khác.”

Nhằm tìm hiểu cặn kẽ hơn, chúng tôi liên lạc với ông Đặng Lê Nguyên Vũ để ghi nhận tiếng nói của ông trong câu chuyện không mấy thuận lợi cho danh tiếng cá nhân của một doanh nhân trẻ. Ông cho chúng tôi biết:


“Thứ nhất tôi xác nhận với anh rằng tôi không tham gia vào ban biên soạn, không tiếp xúc và tôi cũng không quen biết gì với nhóm này hết. Sáng nay trang giaoduc.net nó cũng đăng bài của TS Phan Quốc Việt thì chính ông này giới thiệu tôi với nhóm này; ông nói rất rõ ràng rằng tôi không có liên quan.


Bài báo đầu tiên có thể là xuất phát điểm thì họ phải nên cẩn trọng. Theo luật thì họ phải hỏi tôi chứ? Họ phải kiểm tra, sau đó cần phải gặp nhóm tác giả. Hình như cô người viết bài này cũng không đọc bài này. Trong bài người ta viết rất rõ ràng về tổng quan tổng luận...rất là rõ.


Không đọc mà mình nêu lên như vậy thì ở đây làm cho dư luận hiểu sai, bản thân tôi và nhóm tác giả tổn thương rất lớn. Giống như là mình dùng tài chánh để mà mình PR tên tuổi của mình thì không nên. Hiện nay việc ồn ào nó quá lớn ảnh hưởng cho tôi quá nhiều từ tinh thần cho đến cả đội ngũ nữa. Thương hiệu thì anh hiểu rồi xây dựng nó rất khó, nếu nhìn ở góc độ đó thì nó tổn thương rất lớn.”


Nghiên cứu là đặt hàng cho người khác viết?

Ông PGS-TS Phạm Hồng Tung, một trong hai chủ biên của cuốn sách trả lời trong một bài phỏng vấn nhấn mạnh rằng, do nhóm nghiên cứu không thể tiếp cận được hết về những số liệu kinh doanh của các doanh nghiệp cho nên nhóm của ông đã đàm phán với Đặng Lê Nguyên Vũ để doanh nhân này tự tường thuật về lộ trình thành đạt của mình, và ông Vũ cũng đã tự trình bày về mức độ thành đạt, tự rút ra bài học kinh nghiệm, do đó ông Vũ phải chịu trách nhiệm về những gì ông ấy viết.


Câu hỏi đặt ra là cách làm việc như vậy có thể gọi là một công trình nghiên cứu hay không? Công việc của nhóm biên tập là gì khi chỉ gói gọn trong việc đặt hàng cho người khác tự viết về họ rồi bỏ vào quyển sách của mình và tự cho là công trình nghiên cứu? Vậy uy tín của nhóm biên tập có phải là vấn đề hay không và Nhà xuất Bản mang tên Chính trị Quốc Gia có trách nhiệm cụ thể gì về tổn thương uy tín như vậy?


Giáo Sư Chu Hảo nhận xét về dư luận trước những việc làm được ông cho là thiếu thận trọng này:

“Dù sao đi nữa tôi nghĩ rằng quyển sách này không được xã hội đồng tình mà có nhiều phản ứng khá gay gắt. Tuy nhiên những phản ứng gay gắt cũng tùy từng mức độ khác nhau. Tôi biết là có nhiều người chưa đọc cái cuốn đó mới nghe người ta nói thôi thì đã phản ứng. Phản ứng này có thể là cách phát biểu ý kiến.


Ai không đọc mà cũng phản ứng thì cũng là một cách phản ứng nhưng theo tôi nghĩ những người nghiêm túc thì nên đọc những quyển sách đó, khi mà đọc thì sẽ phân biệt được, thí dụ như tôi, tôi nghĩ rằng cái tài của anh Vũ mà đặt vào đấy là không thích hợp. Hai nữa là có cảm giác rằng muốn đánh ngang hàng anh Vũ với những nhân vật lịch sử.


Hơn nữa liều lượng nói về anh Đặng Lê Nguyên Vũ do anh ấy tự nói lại đưa vào những tóm tắt lịch sử cũng như sự nghiệp của những nhân vật như là Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh...là điều theo tôi nghĩ là chưa thận trọng.”


Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết cảm tưởng của ông về sự việc này bằng cách so sánh cách hành xử của báo chí đối với nguồn lực mà ông gọi là quốc lực ông nói:


“Nhìn rộng ra nữa mình cũng buồn cho đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ hình như cũng có sự đố kỵ hay là cái gì đó nó rất là lớn. Trong khi đòi hỏi thì chúng tôi phải khát khao ra ngoài thi thố với thiên hạ, nhưng với môi trường như vậy nó nuôi dưỡng thì quá khó khăn.

Tôi thấy trên góc độ văn hóa, vấn đề nhìn nhận thậm chí những bình luận nêu lên giới doanh nhân chúng tôi là con buôn! Thử hỏi trong một đất nước mà cái quốc lực được nhìn nhận như thế thì liệu rằng đất nước sẽ đi về đâu? Trong khi anh thấy kể cả nước Mỹ, nước Nhật, nước này nước kia qua rồi cái thời đi xâm lăng chiếm thuộc địa lấy nguồn lực của quốc gia khác. Hiện nay thông qua trao đổi buôn bán, thông qua lực lượng trao đổi doanh nhân này người ta mở mang bờ cõi biên giới, hàng hóa văn hóa của đất nước họ đem lại cái quốc lực.


Tôi thì tâm tư nhiều lắm nhưng tôi nghĩ những điều đó nên nhìn rộng ra. Hình như Việt Nam cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề để có thể nó rằng trở thành một nước hùng mạnh, thi thố được với thiên hạ bên ngoài.”


Câu chuyện về cuốn sách “Tài năng và đắc dụng” cho người đọc nhiều kinh nghiệm đáng ghi nhận về con dao hai lưỡi của những công trình được gọi là nghiên cứu khoa học.


Với độ sâu quá hời hợt, cách kết hợp yếu tố đầy dấu hỏi, và quan trọng hơn hết là sự chủ quan của nhóm chủ biên đã cho thấy phần nào sự thiếu cân nhắc trong những công trình nghiên cứu không đáng để làm tiêu tốn kinh phí của nhà nước.

No comments:

Post a Comment