Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 15, 2011

Quân đội Mỹ -Trung cố cải thiện quan hệ dù chưa hết nghi kỵ nhau

Một phái đoàn quân sự cao cấp của Trung Quốc bắt đầu viếng thăm nước Mỹ trong một tuần kể từ hôm nay, 15/05/2011, và sẽ được trải thảm đỏ đón tiếp.Lầu Năm Góc hy vọng là chuyến công du của tướng Trần Bỉnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc sẽ cho phép cải thiện thêm quan hệ giữa hai bên, đang được sưởi ấm lại, sau gần một năm xấu đi, kể từ tháng Giêng năm ngoái. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc này không dễ dàng do thái độ nghi kỵ lẫn nhau còn nặng nề.

Điểm qua thành phần phái đoàn quân đội Trung Quốc công du nước Mỹ, và chương trình tiếp đón do bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dự trù, giới quan sát đã ghi nhận nỗ lực hòa dịu đến từ cả hai phía.

Phái đoàn quân đội Trung Quốc công du Hoa Kỳ lần này bao gồm 24 người. Tháp tùng tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, còn có thêm 7 viên tướng cao cấp khác. Chuyến viếng thăm kéo dài cho đến ngày 22/05. Tại Mỹ, ông ông Trần Bỉnh Đức sẽ gặp hầu hết các quan chức cấp cao của Mỹ có liên quan đến vấn đề quốc phòng, từ dân sự đến quân sự.

Ngoài cuộc hội đàm với đô đốc Mike Mullen, tổng tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, phái đoàn Trung Quốc còn sẽ tiếp xúc với bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, Ngoại trưởng Hillary Clinton và cố vấn An ninh quốc gia Tom Donilon. Đồng thời, tướng Trần Bỉnh Đức còn đi thăm 4 căn cứ quân sự Mỹ, từ căn cứ hải quân ở Norfolk, Virginia, cho đến căn cứ không quân Nellis tại Nevada…Ông cũng được mời phát biểu tại Học viện Quốc phòng Mỹ.

Theo các nhà quan sát, sở dĩ giới chức quốc phòng Mỹ có thái độ trân trọng kể trên, đó là vì họ mong muốn thuyết phục phía Trung Quốc đồng ý “thể chế hóa” quan hệ giữa hai quân đội, như thiết lập những cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn, qua điện thoại chẳng hạn. Mục tiêu là tạo ra được một sự tin tưởng lẫn nhau và phát huy một sự minh bạch nhất định, nhằm tránh các sự cố đáng tiếc có thể xẩy ra giữa hai quân đội.

Vấn đề đặt ra là nếu phía Mỹ đã sẵn sàng tiến bước, thì phía Trung Quốc còn dè dặt. Trong việc “nâng cấp” quan hệ song phương, Bắc Kinh luôn luôn nhắc đến một trong những điều kiện tiên quyết là Washington phải chấm dứt việc bán vũ khí cho Đài Loan, một điều mà Hoa Kỳ khó chấp nhận.

Chính quyết định của Mỹ bán 6,3 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan vào đầu năm 2010 đã khiến Trung Quốc nổi giận, gây căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Lần này, trước khi lên đường thăm Hoa Kỳ, tướng Trần Bỉnh Đức đã từng cảnh báo là quan hệ quốc phòng Washington - Đài Bắc vẫn là trở ngại lớn nhất trong quan hệ giữa hai quân đội Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Một số nhà phân tích cho rằng so với Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc ít quan tâm hơn đến việc đẩy mạnh quan hệ song phương. Theo ông Patrick Cronin, Giám đốc tại Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc trung tâm nghiên cứu an ninh Center for a New American Security, trong lúc Washington giả định rằng Bắc Kinh cũng rất muốn tránh cho hiểu lầm bùng lên thành khủng hoảng toàn diện, quân đội Trung Quốc có vẻ như muốn duy trì thái độ mập mờ, buộc Mỹ phải suy đi nghĩ lại trước khi quyết định hành động tại châu Á.

Chính thái độ mơ hồ của Bắc Kinh đã làm tăng thêm mối nghi kỵ của dư luận Mỹ đối với thực tâm hợp tác của Trung Quốc. Hôm 14/05 vừa qua, nhân cuộc điều trần trước Ủy ban duyệt xét vấn đề An ninh và Kinh tế Hoa Kỳ - Trung Quốc, ông Frank Wolf, chủ tịch tiểu ban chuẩn chi Hạ viện Mỹ chuyên giám sát ngân sách của cơ quan không gian NASA, Quỹ Khoa học Quốc gia, và Văn phòng của Nhà Trắng đặc trách Chính sách Khoa học và Công nghệ, đã khuyến cáo người Mỹ là không nên cả tin vào Trung Quốc.

Nhận định về khả năng Mỹ có thể hợp tác với Trung Quốc trong lãnh vực không gian, ông Wolf tuyên bố : “Công việc của Hoa Kỳ không phải là giúp Trung Quốc phát triển chương trình không gian của họ”. Lý do là vì chính quân đội Trung Quốc là bộ phận điều hành chương trình đó, và “không có lý do gì để tin rằng chương trình không gian của quân đội Trung Quốc lại hiền hòa hơn các động thái quân sự gần đây của họ”. Ông Wolf viện dẫn một loạt những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong thời gian qua, từ vùng Biển Đông qua đến Trung Cận Đông.

Tóm lại, thái độ nghi ngờ lẫn nhau giữa hai bên không thể được hóa giải trong một sớm một chiều, và đó là khó khăn chính trong việc cải thiện quan hệ giữa hai quân đội.

No comments:

Post a Comment