Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 23, 2011

Phụ huynh lo chạy trường cho con

Thông thường khoảng thời gian từ khi kết thúc năm học cũ cho đến lúc chuẩn bị vào niên học mới ở các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, hay Trung học Phổ thông, thì đó là thời điểm “chạy trường” ráo riết nhất. Đối với những vị phụ huynh muốn chọn trường để gởi gấm con em vào các lớp đầu cấp của niên khoá tới. Tuy nhiên cũng có một số người đã chuẩn bị tham gia vào cuộc đua này từ một, hai năm trước bằng cách “chạy hộ khẩu” để con được nhập học đúng tuyến.

“Chạy trường” căn bệnh mãn tính?

Ở bất kỳ thời nào và hầu như tại khắp mọi nơi trên thế giới, các bậc cha mẹ đều muốn con em mình được vào học tập tại các trường tốt, có nề nếp, với cơ sở vật chất tốt, và nhất là có một đội ngủ giáo viên giỏi nhiều kinh nghiệm. Nhưng do sự phát triển chưa đồng đều của các trường, và nguồn cung chưa đáp ứng được đầy đủ, nên phụ huynh luôn tìm mọi cách để con em được vào học tại những ngôi trường mơ ước.
Giải thích vấn đề các phụ huynh ở Việt Nam thường hay chọn trường cho con ở bậc Tiểu học, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
Điều đó là do tâm lý của người Việt Nam mình. Tức là điều kiện ngày xưa khó khăn nên điều kiện học tập không được đầy đủ, chính vì thế phụ huynh nghĩ là bây giờ có điều kiện thì mình phải chăm lo cho con em như thế nào để chúng nó hơn thời của mình ngày xưa. Tâm lý của phụ huynh bao giờ cũng muốn tìm một Chỉ có điều, về mặt nhà nước là phải xây dựng trường cho tốt. Thì bây giờ ở tất cả các quận huyện tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có những trường rất tốt. Nhưng nếu như nó không còn tâm lý chạy trường thì không đúng.Nhưng người ta rất yên tâm vì quận huyện nào bây giờ cũng có những trường tốt để người ta gởi con em vào học. Cho nên tình trạng đi vào năm học mới phụ huynh cũng không phải lo lắng về vấn đề trường lớp cho lắm.”
Ở Việt Nam trước đây vào những năm 90, khi mới bắt đầu xuất hiện một vài trường điểm với các lớp dạy theo chương trình thực nghiệm ở cấp một, thì phụ huynh phải “chạy trường” cho con em bằng cách đóng góp vào “sổ vàng” của trường, để vào năm học đầu cấp thì con mình được vào trường. Dần dần việc này bị báo chí phát hiện và phanh phui ra các khoản đóng góp “sổ vàng” này chạy vào túi của Hiệu trưởng và những người làm công tác quản lý ở trường. Ngành Giáo dục đã có biện pháp kỷ luật đối với một số cán bộ và thuyên chuyển đi nơi khác. Nhưng tình trạng “chạy trường” không giảm mà còn phát triển tinh vi hơn, và cuộc đua này không chỉ dành cho các phụ huynh chuẩn bị cho con vào cấp Một, mà cả đối với những người có con em học cấp Hai, cấp Ba. Tuy không nóng bằng nhưng cũng diễn ra một cuộc chạy đua tương tự, vì ai cũng muốn con mình vào học tại các trường chuyên, trường điểm.
Đề cập đến chuyện “chạy trường”, ngoài việc thông qua các mối quan hệ để nhờ vả, hay dùng “phong bì” giúp “chạy chọt” để tên con mình xuất hiện trong danh sách nhập học đầu năm. Một số vị phụ huynh trao đổi với chúng tôi cho biết, hiện nay do một số trường cấp Một đạt tiêu chuẩn đề ra quy định, nhận các cháu có hộ khẩu đúng tuyến. Cho nên không ít các bậc cha mẹ đã tìm cách “chạy hộ khẩu” cho con từ 3-4 năm trước, khi đã nhắm vào một trường nào đó mà chẳng may con mình không thuộc diện đúng tuyến để được nhận hồ sơ xin nhập học.
Cũng như hầu hết các phụ huynh đang tìm trường cho con, chị Thanh Trang ở Thành phố Hồ Chí Minh đang chuẩn bị cho con trai vào lớp Một. Chị nói
Vì môi trường xung quanh có tác động. Tại vì phần lớn thời gian là con học ở trường rồi sau đó con mới về nhà. Nhà thì có thể lựa mua ở đâu, thì chọn trường cũng vậy. Môi trường con học ra sao, bạn bè con thế nào. Thấy các bạn cố gắng học thì tự nhiên con mình ham chơi, nó cảm thấy học yếu hơn thì sẽ cố gắng ganh cho bằng bạn với nhau. Rồi, cái trường không đơn giản tự nhiên được người ta đổ xô tới, bằng mọi cách để có một suất học cho con trong đó. Nó phải có cái gì thì người ta mới làm như vậy. Đó là cái chất lượng của trường, tiếng tăm của trường. Mà chất lượng là cái phản ánh đầu ra của trường đó.”
Tuy nhiên một vị phụ huynh khác ở cùng Thành phố thì lại có quan điểm khác. Anh bảo rằng:
“Em thì cho con em học gần nhà thôi. Tại vì ở Thành phố bây giờ thì trường nào cũng na ná như nhau. Cho con học gần để nhẹ về thời gian, và thời gian còn lại nó tập trung vào việc học cái gì nó thích. Bây giờ cứ thấy người ta lo cho con vô trường này, trường kia. Nhưng em thì cứ trường nào gần nhà thì cho con học.”

"Chạy trường" vấn đề tất yếu của xã hội?

Theo cô Anh Thư giáo viên Tiểu học của một trường Quận ở trung tâm Thành phố Hồ chí Minh thì trong vấn đề phụ huynh chọn trường học cho con có nhiều nguyên nhân. Cô này nói:
“Do điều kiện của Việt Nam, có những trường mới được xây dựng, hoặc là có những trường có nề nếp từ lâu. Cho nên phụ huynh chấm những trường đó. Ví dụ như trường đó có cơ sở vật chất khang trang hơn, hoặc có những thầy cô giáo tận tình hơn thì người ta thích những trường đó, hoặc gần cơ quan thuận tiện cho họ nên họ xin cho con vào trường đó. Theo em nghĩ vào lớp Một là bước đầu các em bắt đầu học chữ, thì người ta thích chọn những trường như vậy, có những thầy cô mà người ta thích. Nói chung là dạy giỏi, các bé dễ tiếp thu thì người ta thích những thầy cô đó. Rồi người ta lại cũng thích trường tốt, trường đẹp. Và những người giàu thì người ta mới có những điều kiện để người ta chạy, chứ còn những gia đình không có điều kiện thì con học ở trường nào cũng được hết. Mà thật ra thầy cô giáo ở đâu cũng có cái tâm như nhau thôi. Nhưng mà có thể vì phụ huynh nhìn nhận dưới góc độ khác. Cho nên cũng tùy theo cách nhìn nhận của vị các phụ huynh đó.”
Lý giải vì sao cha mẹ của các học sinh Trung học cũng vào cuộc chạy đua tìm trường tốt cho con. Ông Huỳnh Công Minh nói: Thực ra ở khu vực Trung học cũng vậy. Ở quận huyện nào cũng có trường tốt, nhưng tỉ lệ học sinh thi đậu nhiều hay ít, và chú ý nhiều ở khu vực Đại học, tức là thi đậu vào Đại học, chứ còn đậu tú tài thì dễ thôi. Thì trường nào có điểm số đầu vào cao, thì tỉ lệ đậu đại học cũng cao thì nó liên quan đến đầu vào, chứ không phải cái trường này tốt là mọi thứ đều tốt hết, còn cái trường nọ xấu thì mọi thứ cũng đều xấu. Về mặt chuyên môn, điểm đầu vào là quan trọng nhất vì nó liên quan đến tỉ lệ thi đậu vào đại học.”
Đề cập đến vấn đề trường chuyên, người đứng đầu ngành giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết:
“Thực ra trường chuyên là một trường rất đặc biệt, chỉ có một số em học sinh phải thi riêng để tuyển chọn theo kiểu năng khiếu mà thôi, chứ còn số trường tốt để tạo ra sự yên tâm cho phụ huynh và các em học sinh đạt tỉ lệ đậu đại học cao thì cũng chiếm gần một nửa của số trường của toàn Thành phố. Ở đây người ta đầu tư cho trường lớp cũng rất tốt so với cả nước. Cho nên tình hình về chất lượng cũng được yên tâm hơn. Và những trường mà các em có điều kiện để thi đậu thì cũng nhiều hơn chứ không phải chỉ là những trường chuyên như Lê Hồng Phong hay Trần Đại Nghiã mà thôi."
Vấn đề phụ huynh tìm cách “chạy” cho con vào học tại những trường có uy tín và đạt tiêu chuẩn không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà ngay cả tại một số trường trung học công lập của Hoa kỳ cũng xảy ra tình trạng này. Phụ huynh cũng tìm cách “mượn địa chỉ” của thân nhân, hay người quen để ghi tên cho con vào học “đúng tuyến” tại các trường mình mong muốn. Việc này nếu bị nhà trường phát hiện, thì phụ huynh phải nộp tiền phạt, và tuỳ theo luật của từng tiểu bang có khi bị phạt tù. Còn học sinh thì bị trả về học tại trường đúng nơi đang sống. Do vậy tình trạng “chạy trường” náo loạn ít thấy xảy ra.
Ngoài ra, việc lựa chọn trường tốt cho con em vào học còn mang ý nghiã như một sự đầu tư lâu dài – lựa chọn một con đường cho quá trình phát triển và trưởng thành của con mình. Một bộ phận không nhỏ các bậc cha mẹ có học thức và có điều kiện kinh tế khá giả ở các thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều có chung suy nghĩ cho rằng, chọn trường cho con là định hướng cả tương lai về sau này cho con.
Chị Vũ Hương Lan ở Hà Nội, có con hiện đang du học ở nước ngoài cho hay, điều quan trọng là phải đầu tư cho con em từ giai đoạn cơ sở để có được lộ trình học tập và các kỹ năng học tập đúng phương pháp, đồng thời có thể chủ động tìm tòi, và học hỏi thêm trong quá trình học tập.
Thực tế cho thấy, nhiều vị phụ huynh có điều kiện tài chính, nhưng không phải ai cũng thành công với ước muốn cho con đi du học. Do thiếu định hướng và sự đầu tư từ cấp cơ sở, nên dẫn tới những khó khăn rất lớn cho nhiều học sinh trên con đường vào cánh cổng của các trường Đại học đạt tiêu chuẩn thế giới.
Do vậy tình trạng phụ huynh chạy trường học tốt cho con là một thực tế khó tránh khỏi. Vấn đề trước tiên là cần phải nâng cao chất lượng của việc dạy và học tại các trường theo một chuẩn mực nhất định. Đồng thời áp dụng những biện pháp chế tài hay sử phạt hành chính đối với những trường hợp gian lận khi bị phát hiện. Thì may ra tình trạng này mới có thể giảm được đôi chút.

No comments:

Post a Comment