Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 26, 2011

Kinh Tế Trung Quốc: Hụt Hơi Thiếu Điện

Sau nhiều ngân hàng quốc tế khác như Credit Suisse hay JPMorgan Chase, hôm 24 vừa qua, đến lượt tập đoàn ngân hàng Golmand Sachs cũng hạ thấp mức tăng trưởng dự báo của kinh tế Trung Quốc, từ 10% xuống còn 9,4%.Đồng thời ngân hàng này nâng dự báo về lạm phát từ 4,3% lên 4,7%. Vì vậy, các thị trường tài chính bên ngoài đều nói đến một mâu thuẫn của lãnh đạo Bắc Kinh là vừa muốn kiềm chế nạn lạm phát vừa cố duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa thì chú ý đến nhiều khó khăn khác trong việc quản lý vĩ mô của xứ này. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.


Lạm phát


Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Mới tuần trước đây, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc cho biết là nền kinh tế này đạt mức tăng trưởng quy ra toàn năm là hơn 10%, mà lạm phát vẫn có thể vượt chỉ tiêu và là vấn đề đáng quan ngại.


Thưa ông, hôm qua Thứ Ba 24, tập đoàn ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 10% xuống 9,4% nhưng lại nâng lạm phát dự báo từ 4,3% lên 4,7%. Chúng tôi xin đề nghị là chương trình tuần này sẽ tìm hiểu về những khó khăn của lãnh đạo kinh tế Trung Quốc khi muốn giữ mức tăng trưởng cao để tạo ra việc làm hầu tránh động loạn xã hội trong khi vẫn phải kiềm chế nạn lạm phát.


Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi, và dĩ nhiên là cũng vì liên tưởng đến Việt Nam, lạm phát là gì, vì sao kinh tế Trung Quốc và Việt Nam lại đang bị nguy cơ lạm phát?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa không riêng hai nền kinh tế đó mà nhiều quốc gia thuộc loại đang phát triển hay tân hưng, là mới nổi lên, như Ấn Độ chẳng hạn cũng đang lo đối phó với lạm phát. Nhưng Trung Quốc thì hơi khác và lạm phát không là vấn đề duy nhất. Xứ này có nhiều bất toàn trong hệ thống quản lý kinh tế hơn là thế giới bên ngoài hay tường thuật và nói tới. Tôi xin đề nghị là chúng ta sẽ đề cập đến những sự bất toàn đó sau khi nói về lạm phát.
Thông thường, lạm phát là khi giá cả của hàng hóa và dịch vụ đều tăng mạnh trong kinh tế và làm giảm mất sức mua của đồng bạc. Các nền kinh tế mới tiến vào giai đoạn tăng trưởng đều có chung đặc tính là dễ bị lạm phát. Người ta đo lạm phát ở sự sai biệt của "chỉ số giá tiêu dùng", Anh ngữ gọi là "consumer price index" gọi tắt là CPI, là giá cả một số hàng tiêu thụ trong một giỏ hàng tiêu biểu, từ thời điểm này qua thời điểm khác. Lý do là vì các xứ này đang ở trong tiến trình xây dựng một hệ thống sản xuất công nghiệp và một hạ tầng xã hội trước đó không có, cho nên thường gây ra những thất quân bình giữa khả năng cung cấp và số yêu cầu của kinh tế. Khi số cung nhất thời lại thấp hơn số cầu thì người ta dễ có lạm phát. Đó là trường hợp chung.


Riêng Trung Quốc lại hơi khác vì đặc tính của xứ này. Khác là vì trong ba chục năm chuyển hướng kinh tế từ chế độ tập trung quản lý qua chế độ tự do của thị trường, từ 1979 đến nay, Trung Quốc hay bị giảm phát hơn là lạm phát, tức là hàng hóa thường giảm giá hơn là lên giá. Trong 30 năm đó, xứ này chỉ bị ba lần lạm phát, vào năm 1985, các năm 1988-1989 và 1993-1996. Nhưng lần nào cũng làm lãnh đạo Bắc Kinh lo sợ, và thậm chí khủng hoảng đã xảy ra, như trong vụ tàn sát Thiên an môn vào Tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người biểu tình bị giết.

Lãnh đạo xứ này không quên rằng chính là lạm phát đã khiến quân đội của Tưởng Giới Thạch tan rã và đảng Cộng sản chiến thắng năm 1949. Nhưng lạm phát lần này lại có những nguyên nhân và hậu quả khác với ba lần vừa mới kể trên. Cho nên từ cả năm nay rồi, nó trở thành mối lo xương tủy của lãnh đạo Trung Quốc và sau khi Crédit Suisse, JPMorgan Chase, ING và tập đoàn đầy tư Dawa, việc Goldman Sachs cũng dự báo sản lượng giảm chưa chắc đã là tin xấu nhất.


Vũ Hoàng: Thưa ông, lạm phát tại Trung Quốc lần này lại khác với ba lần trước ở những đặc tính gì?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Vì kích thước quá lớn của dân số và tinh thần duy ý chí của lãnh đạo, Trung Quốc thường ào ạt đầu tư và cung cấp tín dụng với giá trợ cấp, là thấp hơn giá thị trường, để sản xuất dư thừa hầu tung ra các thị trường thế giới. Cho nên số cung thường vượt số cầu và dẫn tới hiện tượng giảm phát. Trong nhiều năm liền, lạm phát chỉ bùng lên trong vài năm thôi và giảm phát mới là vấn đề của xứ này, kể cả trong năm 2009.


Lần này, từ cuối năm ngoái, tình hình có khác vì giá một số mặt hàng tăng mạnh và có ảnh hưởng cực bất lợi cho kinh tế và xã hội, đó là giá năng lượng như xăng dầu, than đốt, giá bất động sản vì nạn bong bóng đầu cơ, và thứ ba là giá lương thực, loại nhu yếu phẩm cần thiết cho mọi người, nhất là thành phần nghèo khổ khi phải dùng một tỷ lệ quá cao của ngân sách cho việc dinh dưỡng. Vì vậy, lãnh đạo xứ này mới như ngồi trên lửa.


Vũ Hoàng: Xin hỏi ông thêm một câu về lạm phát. Ông vừa nhắc tới Ấn Độ và nhiều nền kinh tế đang lên khác cũng bị lạm phát, vì sao lãnh đạo Trung Quốc lại đặc biệt ưu lo về chuyện vật giá này?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Nếu nói cho gọn thì đó là vì dân chủ, hoặc thiếu dân chủ!


Vì chế độ độc đảng theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế nhà nước - chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - có nhiều quyền hạn và gây ra bất ổn kinh tế và bất công xã hội. Nhưng sự bất mãn của dân chúng vì nhiều lý do khác nhau có thể được bộ máy an ninh khoanh vùng và dẹp yên. Thí dụ như từ chuyện cướp đất đến nạn tham ô, cửa quyền, xâm hại môi trường và gây tai nạn trong xây cất mà không ai chịu trách nhiệm. v.v... Lãnh đạo dễ cho khoanh vùng và dẹp yên vì mỗi nhóm biểu tình khiếu kiện lại có một mục tiêu phản đối hoặc một đối tượng phê phán khác nhau.


Nhưng lạm phát là sự bần cùng hóa chung, và lạm phát vì giá lương thực là mạng lưới đen chụp lên đầu nhiều thành phần dân chúng ở nhiều địa phương khác nhau. Lạm phát khiến người dân khỏi rải truyền đơn kêu gọi mà cũng huy động được sự tham dự của nhiều người khác!
Lý do thứ hai là khi lãnh đạo thấy ra nguy cơ xã hội của lạm phát thì phải có biện pháp đối phó, tức là giải trừ lạm phát để tránh động loạn. Nhưng chính là những biện pháp kiềm chế lạm phát lại xâm phạm vào đặc quyền kinh tế của nhiều thành phần chính trị ở trên, nên dẫn tới hậu quả là gây phân hóa trong các đảng viên cao cấp và dội lên thượng tầng lãnh đạo. Chúng ta có thể thấy ra điều ấy khi lãnh đạo Trung Quốc nói đến giải trừ lạm phát mà vẫn thiếu nhất trí trong áp dụng, thậm chí có sự phá hoại trong áp dụng. Và ở vào hoàn cảnh sẽ có chuyển giao quyền lực từ thế hệ thứ tư qua thế hệ thứ năm sau Đại hội đảng vào năm tới, sự thiếu thống nhất về chính sách như vậy càng khiến Trung Quốc khó giải quyết được nguy cơ lạm phát, vốn dĩ cao hơn những con số biểu kiến của thống kê hoặc chỉ số CPI.


Thiếu điện


Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua phần thứ hai, về những bất toàn trong hệ thống quản lý kinh tế của Trung Quốc. Ông nhìn thấy những gì để chia sẻ với thính giả?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Khi nói đến lạm phát, ta nghĩ ngay đến chế độ kiểm soát giá cả, tức là định mức giá cả và thậm chí trợ giá, là dùng biện pháp hành chính để can thiệp vào thị trường hầu cho giá cả khỏi tăng. Đó là cái lối quản lý theo định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà nước và làm lệch lạc quy luật cung cầu khiến giá cả mất chức năng phản ảnh số cầu thực tế, gây ra đầu cơ và buôn lậu, tham nhũng và cũng làm nhiều doanh nghiệp nhà nước bị lỗ lã khi giá ở đầu ra bị hạn chế trong khi giá nhập lượng ở đầu vào lại tăng. Sự lệch lạc ấy tạo ra mâu thuẫn chính trị vì phương hại đến quyền lợi của nhiều doanh nghiệp nhà nước, thí dụ điển hình là doanh nghiệp về năng lương, phụ trách cung cấp nguyên nhiên vật liệu cho kinh tế.


Một sự bất toàn thứ hai của chế độ quản lý nửa vời, là nửa tự do nửa kiểm soát, có thể được nhìn thấy trong ngành điện lực.


Thế giới cứ nói tới Trung Quốc như nền kinh tế hạng nhì của địa cầu và có thể bắt kịp Hoa Kỳ trong dăm ba năm tới mà không chú ý đến hiện tượng luân phiên cúp điện! Từ cuối Tháng Ba vừa qua, điện năng của 20 tỉnh và khu vực hành chính đã bị hạn chế, thậm chí bị cắt, cứ ba bốn ngày lại có một ngày không có điện, từ điện gia dụng trong nhà đến điện sản xuất cho các cơ sở thương mại. Từ các tỉnh trong nội địa như Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây cho đến các tỉnh duyên hải đều bị luân phiên mất điện.


Vũ Hoàng: Ông nói là điện bị cắt, nghĩa là doanh nghiệp cũng bị thiếu điện nữa hay sao?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Trung Quốc đang bị nạn thiếu điện trầm trọng nhất kể từ bảy năm nay và số thiếu hụt trên toàn quốc được ước lượng khoảng 40 Gigawatt, tức là 40 triệu Kilowatts! Từ nay đến Tháng Sáu này, là tháng cao điểm về tiêu thụ, nạn cúp điện sẽ xảy ra thường xuyên hơn và có thể kéo dài suốt năm. Với lạm phát gia tăng và điện bị cúp, người dân có muốn tìm nhiên liệu thay thế như dầu hay than thì càng dễ than trời.

Vũ Hoàng: Vì sao nền kinh tế có sức sản xuất thứ nhì của thế giới lại bị hụt hơi vì thiếu điện như vậy? Thưa ông, có phải là vì số cầu quá lớn hay chăng?


Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa câu trả lời ngắn là vì chế độ độc quyền nhà nước về điện năng.


Trước hết về chuyện cung cầu. Kinh tế Trung Quốc có công xuất về điện là 960 triệu Kilowatts cho nên trên nguyên tắc thì có đủ điện cho nhu cầu nội địa. Trong thực tế, nạn hạn hán tại một số tỉnh nội địa đã đánh sụt sản lượng của các cơ sở thủy điện và nâng số cầu về than và dầu. Ta không quên là quốc gia này dùng than để giải quyết hơn ba phần tư số cầu về điện, với hậu quả cực kỳ tệ hại cho môi sinh vì phẩm chất rất tồi của các nhà máy. Ngoài thủy điện và than thì còn có dầu cặn như diesel chẳng hạn, xứ này cũng vừa ra lệnh cấm xuất khẩu dầu. Đó là sự vận hành của cung cầu khi một sự khan hiếm nhất thời đã nâng số cầu của một mặt hàng thay thế.


Nhưng xứ này cũng có nền kinh tế tự do nửa vời. Giá than chẳng hạn thì được giải tỏa từ 2002, mà việc sản xuất thì vẫn chủ yếu thuộc khu vực nhà nước. Khi đó, hàng loạt doanh nghiệp điện năng của nhà nước thi đua cạnh tranh để biến chế than thành điện và cung cấp với giá rẻ. Đến khi giá than bắt đầu tăng từ ba năm nay, thì các doanh nghiệp này bị lỗ. Giá than tăng khoảng 50% từ ba năm nay vì nhà nước ra lệnh kiện toàn ngành than, đóng cửa các doanhg nghiệp nhỏ kém hiệu năng và nhiều ô nhiễm và giá còn tăng mạnh vì số cầu về điện, khiến Trung Quốc phải nhập than! Số lỗ lã dự toán của năm doanh nghiệp hàng đầu trong ba năm qua là hơn chín tỷ đô la. Khi càng sản xuất càng bị lỗ thì các doanh nghiệp cung cấp điện tự động giảm sản xuất và dẫn tới hậu quả là Trung Quốc thiếu điện trong khi đến 60% công xuất không được sử dụng. Nghĩa là có đầu tư vào nhà máy điện nhưng nhà máy không chạy vì bị lỗ nên cả nước thiếu điện!


Vũ Hoàng: Câu chuyện này quả là ly kỳ vì Trung Quốc thừa công xuất về điện mà vẫn bị cúp điện do những lệch lạc trong chế độ quản lý.


Nguyễn Xuân Nghĩa: Thưa những bất toàn đó không chỉ có vậy!
Lãnh đạo kinh tế xứ này còn có loại biện pháp ứng phó nửa vời khác. Đó là từ năm 2004 họ liên hệ giá điện sản xuất bằng than với giá than. Nhập lượng là than mà lên giá thì xuất lượng là điện cũng được lên giá theo, với tỷ lệ là 70%. Nghĩa là nếu than tăng giá 50% thì điện được lên giá 70% của 50% là 35%. Khốn nỗi, và chúng ta trở lại chuyện lạm phát, nếu điện mà lên giá thì sẽ ảnh hưởng đến vật giá, cho nên dù đã có luật mà lãnh đạo không chấp hành từ cuối năm ngoái và rơi vào vòng luẩn quẩn là kinh tế vừa bị lạm phát, dân chúng bị cúp điện và doanh nghiệp nhà nước bị lỗ!


Từ nhiều năm nay, Uỷ ban Phát triển và Cải cách Kinh tế Quốc gia đã nhức đầu nghiên cứu việc cải tiến khu vực điện năng mà loay hoay mãi chưa có kết quả và sau cùng thì cho phép tăng giá điện tại 16 tỉnh, nhưng tăng ở mức nhỏ bằng hạt bụi và chẳng giải quyết được gì hết mà chỉ khiến đảng viên lãnh đạo các tập đoàn năng lượng bất mãn.


Những phản ứng bất mãn ngay trong đảng có thể giải thích vì sao lãnh đạo lúng túng giữa hai mục tiêu là duy trì tăng trưởng và kiềm chế lạm phát mà chỉ khiến mọi người đều thấy ra sự bất toàn của lề lối quản lý đó. Trong một kỳ sau, chúng ta có thể nói đến một sự bất toàn khác là vụ đầu cơ về đồng cho công nghiệp, có thể sẽ làm nhiều doanh nghiệp và ngân hàng của nhà nước bị lỗ khi giá đồng có thể bất ngờ sụt nặng khi có tin là kinh tế Trung Quốc giảm đà tăng trưởng. Nền kinh tế này bị hụt hơi, thiếu điện và sẽ biến một núi đồng thành đồng nát!


Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

No comments:

Post a Comment