Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 23, 2011

Cơ cực nghề bán sách dạo

QUẢNG NAM - Chúng tôi gặp Kiên trong quán bún bò ở Cầu Mống, tỉnh Quảng Nam. Anh chàng 28 tuổi, có gương mặt buồn và nếu như anh không giới thiệu tuổi, chúng tôi có thể xưng bằng chú hoặc anh bởi Kiên già hơn so với tuổi của mình.
Trong lúc mọi người xì xụp ăn bún bò thì Kiên nhẫn nại mang chiếc kệ sách lưu động đi mời từng bàn, năn nỉ người ta mua sách, nhìn vô cùng khổ sở và tội nghiệp...

Dường như cả gần một giờ đồng hồ, anh chỉ nhận toàn những cái lắc đầu. Và khi Kiên chuẩn bị đến bàn chúng tôi để mời, tôi đưa máy chụp một bức hình. Như vớ được mối “béo bở,” Kiên sà ngay vào bàn tôi chào hỏi, mời mọc và đưa ra hàng loạt cuốn sách như: “Diễn cầm tam thế,” “Cổ học tinh hoa,” “Truyện Kiều,” “Bố già,” “Xem bói,” “Lục nhâm độn giáp,” “Thuật xem tướng,” “Tâm lý tình yêu,” “Làm thế nào để thành công trong kinh doanh”...

Sau một hồi chọn lựa, không tìm ra cuốn sách nào ưng ý, vì phần lớn chúng tôi đi nhà sách cũ thì cũng tìm sách của các nhà xuất bản: Lá Bối, An Tiêm, Tân Việt, Trình Bày, Hàn Thuyên... Còn sách của Kiên bán thì lại là sách của các nhà xuất bản sau 1975, do các nhà xuất bản phía Bắc ấn loát. Chúng tôi đành cáo lỗi Kiên. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt buồn rầu cùng với lời năn nỉ thiếu điều cầu xin, chúng tôi cầm lòng không đậu, mua ngay một cuốn bất kỳ.

Trong lúc trả tiền, hỏi thêm Kiên vài dòng, và biết được anh đến từ Quảng Xương, Thanh Hóa, một huyện không nằm trong diện nghèo đói của Thanh Hóa. Nhưng khi tôi hỏi Kiên về vấn đề đời sống ở quê anh, lại vỡ lẽ thêm được nhiều chuyện khác.

Kiên nói: “Huyện em cũng đói lắm anh à, mùa này ăn khoai lang luộc và sắn (khoai mì) luộc là chủ yếu. Như nhà em, làm 5 sào ruộng nhưng mùa trước thì bị rét, mùa này nước nhiễm mặn, chỉ cấy được hai sào, còn ba sào kia bỏ không. Vụ mùa mấy năm nay nhiễm mặn hết...”

“Vậy nơi Kiên ở có nhiều người đi ăn xin không?” Kiên gật gù: “Cũng ít, nhưng trước đây thì nhiều lắm anh à, bây giờ họ nói là vào Nam làm thuê, thì nói vậy chứ họ vào trong đó làm gì thì có giời mới biết! Chỗ em quanh năm suốt tháng chỉ có làm ruộng và đi biển, lấy gì mà sống hả anh!”

Chúng tôi hỏi Kiên: “Ði biển, câu mực hoặc đánh cá ngừ, nhiều khi trúng vụ là giàu chứ sao Kiên lại than dữ vậy?”

Kiên lắc đầu buồn rầu: “Bộ anh tưởng ngoài Bắc tụi em giàu như trong Nam tụi anh chắc! Ði câu mực, đánh bắt xa bờ là chuyện của các đại gia, của nhà giàu, họ lắm tiền mới sắm tàu thuyền ra khơi, tụi em chỉ bơi ghe nhỏ đánh lưới ven các đầm, phá để kiếm ăn thôi. Bữa nào trúng mánh kiếm được non một trăm ngàn đồng, bữa nào không gặp thời, kiếm vài ba chục ngàn đồng là may mắn lắm rồi. Ðó là chưa kể có người bỏ mạng do gặp lốc tố, các đầm phá ngoài chỗ em dữ lắm anh à!”

Nói đến đây, Kiên im lặng, mắt nhìn đăm chiêu.

Kiên cho biết anh bán sách cũng chẳng khác người bán vé số mấy đâu. Chỉ khác chăng là mang nặng hơn và nhìn oai hơn một chút vì mình mang một đống chữ đi bán cho thiên hạ...

Tôi hỏi Kiên lấy nguồn sách từ đâu để bán, vì thấy sách của anh có vẻ cũ mốc, gần như là lọc lại từ các đống giấy vụn cân ký ngoài chợ trời.

Kiên lắc đầu: “Nếu em có vốn, em sẽ mua theo cách của anh nói. Hy vọng là tháng sau em sẽ đủ vốn để mua kiểu này, có như vậy bán mới có lãi. Hiện tại, em phải thế chấp sổ hộ khẩu và chứng minh thư cho chủ hiệu sách để họ giao cho em chừng này sách, mang vào miền Nam bán kiếm lãi, khi về, em trả tiền gốc lại cho họ và lấy tiền hoa hồng. Nói chung là lãi khá, nhưng đi xe, thuê chỗ trọ và ăn uống qua ngày cũng đủ mệt, còn chẳng bao nhiêu anh ạ!”

Kiên kể: “Em ăn sáng hơi kỹ vì phải mang nặng, tới hơn 55kg trên vai, mang từ nơi này đến nơi khác nên buổi sáng em ăn hết 2 ổ bánh mì, hết 10 ngàn đồng, buổi trưa thì em ăn một dĩa cơm chừng 10 ngàn đồng để chắc bụng mà đi buổi chiều. Buổi tối thì đơn giản, em nhai sống hai gói mì tôm, hết 6 ngàn đồng. Vị chi mỗi ngày 26 ngàn đồng cho chuyện ăn uống, còn chỗ ngủ. Mỗi đêm tốn hết 8 ngàn đồng ở nhà ngủ tập thể ngoài Ðà Nẵng...”

Tôi thử nâng cái “tủ sách lưu động” của Kiên, nó nặng không tưởng tượng được. Phải là hơn 60kg nữa kia. Tôi dùng hết sức chỉ đủ nhúc nhích chứ không thể mang nó đi như Kiên được.

Những cái ghế xếp nói thay thân phận

Nói đến chuyện nhà mình, Kiên im lặng, mặt buồn thiu, mắt hơi rươm rướm. Không cần hỏi thêm, tôi cũng hiểu vì sao Kiên buồn đến vậy, vì ở nhà ngủ tập thể này, mọi chuyện “phức tạp!”

Chủ nhà sẽ cho thuê một chiếc ghế xếp cũ với giá 3 ngàn đồng, tiền cho thuê mặt bằng đặt ghế 5 ngàn đồng, thuê mùng mền 5 ngàn nữa. Vị chi 13 ngàn đồng. Kiên tốn 8 ngàn đồng chứng tỏ anh không thuê mùng mền. Nhìn vẻ mặt hốc hác, da nổi đầy vết muỗi chích của Kiên cũng dễ hiểu!

Kiên quay sang giải thích: “Nhà em khổ lắm, có ba anh em, em là con đầu, đứa em sau mới chết vì bệnh ung thư, đứa út thì bỏ nhà đi biệt xứ đã lâu, không thấy tin tức gì, có khi là chết rồi nữa kia! Còn ba mẹ em thì già quá, chỉ còn nương nhờ vào em thôi!” Nói đến đây, Kiên im lặng.

Nói về đời sống trong nhà trọ, Kiên kể thêm: “Chỗ phòng trọ tập thể, có hôm cả trăm người dồn vào căn nhà chưa đầy hai trăm mét vuông, chẳng biết cựa quậy sao cho phải đạo anh ạ! Mà toàn là dân nghèo với nhau cả, cũng từ Thanh Hóa vào đa phần là đi bán sách. Vậy mà có người còn có tật ăn cắp vặt, làm tụi em mang tiếng. thậm chí họ còn ăn cắp của nhau, đánh nhau. Cuối cùng, nhiều người còn nói là coi chừng bọn bán sách trộm cắp... Em đau lắm, nhục lắm anh ạ!”

Những người Thanh Hóa vào miền Trung, miền Nam bán sách chiếm số lượng lớn, mỗi ngày họ kiếm được chừng 50 đến 100 ngàn đồng, sau khi trừ tất cả các khoản ăn uống, ngủ trọ, đi xe bus, họ còn dư chừng 30 ngàn đồng. Và như thế, với họ đã là quá may mắn.

No comments:

Post a Comment