Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, May 16, 2011

Châu Âu lo ngại tác hại từ vụ tổng giám đốc IMF bị buộc tội

Việc ông Diminique Strauss-Kahn, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế bị cảnh sát New York buộc tội mưu toan cưỡng bức tình dục ở Mỹ đã gây ra những lo ngại vào lúc khu vực đồng tiền euro đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, đặc biệt là truờng hợp khó khăn của Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha.
Mặc dù đến chiều tối nay, 16/05/2011, tính theo giờ Pháp, tòa án Hoa Kỳ mới ra quyết định hoặc là tiếp tục giam giữ hoặc cho đương sự nộp tiền thế chân để được tự do có điều kiện, dưới sự quản lý của tư pháp, trong mọi trường hợp, ông Dominique Trauss-Kahn không thể tiếp tục đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc IMF trong giai đoạn hiện nay.

Một nhà ngoại giao châu Âu than thở : « Vụ việc xẩy ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với châu Âu », bởi vì vào lúc này, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và châu Âu đang chuẩn bị một chương trình cho Bồ Đào Nha vay 78 tỷ euro và một kế hoạch thứ hai, tiếp tục giúp đỡ Hy Lạp cho giai đoạn sau 2012.

Theo giới chuyên gia, từ một năm rưỡi qua, trên cương vị tổng giám đốc IMF, ông Dominique Strauss-Kahn đã đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc thương lượng để cứu khu vực đồng euro.

Ngay từ đầu, khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu mới bùng phát, tổng giám đốc IMF đã chủ trương phải giúp đỡ các nước gặp khó khăn. Ông kín đáo vận động, tháo gỡ những bế tắc, thuyết phục, lôi kéo các quốc gia còn lưỡng lự, tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng. Lãnh đạo IMF cũng khuyến cáo khu vực đồng euro nên thành lập một cơ chế hỗ trợ tài chính.

Trong các kế hoạch của châu Âu giúp Hy Lạp 110 tỷ euro, Ailen 85 tỷ và sắp tới là Bồ Đào Nha, phần đóng góp của IMF lên tới một phần ba.

Sự giúp đỡ của IMF đối với khu vực đồng euro đã gây ra những căng thẳng trong định chế tài chính quốc tế này. Hoa Kỳ, Canada và một số nước đang trỗi dậy không hài lòng là một phần quan lớn số vốn của Quỹ được dành cho châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, bất chấp các khu vực khác trên thế giới.

Lẽ ra, ngày hôm qua, tổng giám đốc IMF phải gặp thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin và ông sẽ dự một cuộc họp tại Bruxelles vào hôm nay. Nội dung chính của hai cuộc họp này là chuẩn bị một kế hoạch thứ hai giúp Hy Lạp, bởi vì nước này dường như không thể thực hiện được các cam kết giảm thâm hụt ngân sách, đối mặt với nguy cơ không thanh toán được các khoản nợ đáo hạn, có rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường.

Dưới sự lãnh đạo của ông Dominique Strauss –Kahn, IMF đã vận động theo hướng cho phép Hy Lạp tái cơ cấu nợ, kéo dài thời hạn thanh toán. Hôm qua, lần đầu tiên, bộ trưởng Kinh tế Đức nói đến khả năng này.

Báo chí châu Âu ngày hôm nay đều đưa ra hai nhận định về ảnh hưởng của vụ ông Dominique Strauss-Kahn : Đảng Xã Hội đối lập tại Pháp mất đi một ứng viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, việc giải quyết khủng hoảng nợ tại châu Âu có thể gặp khó khăn do có sự thay đổi lãnh đạo IMF.

Các phương tiện truyền thông tại Hy Lạp thì bình luận là chính phủ cánh tả của thủ tướng Georges Papandréou « mất một đồng minh », « Athens ở trong tình trạng nguy khốn »…

Ngay hôm qua, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ra thông báo nhấn mạnh rằng định chế này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Nhân vật số 2 của Quỹ, ông John Lipsky, người Mỹ, giữ chức quyền Tổng giám đốc.

Còn Ủy ban châu Âu trấn an là việc ông Dominique Strauss-Kahn bị buộc tội tại Mỹ không có tác động gì đến các kế hoạch giúp đỡ tài chính đã được dự kiến đối với những nước trong khu vực đồng euro, đặc biệt là Hy Lạp.

No comments:

Post a Comment