Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Sunday, May 22, 2011

Ai chơi cứ chơi, ai bầu cứ bầu

SÀI GÒN (NV) - Còn ngày mai nữa, 22 tháng 5, là ngày bầu cử ở Việt Nam. Trong đợt bầu cử này, gồm bầu hội đồng nhân dân 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và bầu đại biểu Quốc Hội.


Người đàn ông này không biết gì về bầu với cử. Nhưng khi được hỏi về chuyện này, ông tỏ ra hậm hực vì trong số những ứng cử viên hội đồng nhân dân xã ông, có kẻ từng quỵt của ông hết 5 chỉ vàng vì vụ chạy chọt đất đai... (Hình: Phương Minh/Người Việt)



Cho đến thời điểm hiện nay, khắp các con đường, các cổng chào, các trụ sở, văn phòng hợp tác xã (đã thay đổi mô hình từ HTX Nông Nghiệp sang HTX Dịch Vụ Nông Nghiệp), các quán ăn... đều treo cờ, treo biểu ngữ, treo slogan cổ động, quảng cáo cho ngày bầu cử và treo hàng loạt hình ứng cử viên để “dân xem, dân biết”.

Tuy nhà nước, chính quyền lao xao bầu cử này nọ. Nhưng dường như không khí sinh hoạt của người dân không có gì thay đổi, nếu không nói là họ không tơ tưởng gì đến chuyện này. Thậm chí, có người còn xem việc đi bầu, đi bỏ phiếu, gạch tên, giữ tên đại biểu là một việc tào lao, vô bổ.

Thử dạo một vòng quanh các quán cà phê, không nghe ai bình luận về chuyện bầu bán gì cả. Nếu như trong các đợt cứu trợ lũ lụt vào mùa thiên tai, người ta thi nhau bình luận về chuyện cán bộ địa phương ăn chẹn quà cứu trợ, ông cán bộ này “ăn bẩn”, bà cán bộ kia tráo hàng... Thì không khí bây giờ, trong “mùa bầu cử”, dường như là không nghe, không thấy, không biết.

Cố gợi chuyện một ông chủ quán cà phê, hỏi thăm về bầu cử, ông này cười khẩy trả lời: “Tui bầu à? Tui sẽ đề cử những trí thức đích thực, những nhà dân chủ, những người yêu dân chủ, đấu tranh cho nó... Nói chung là những người tui muốn bầu không có tên trong danh sách ứng cử viên lần này. Mà có người còn đang ngồi tù. Nên tui sẽ không đi bầu!”

Và một người khác, 45 tuổi, là chủ một quán nhậu nói: “Tui chẳng bao giờ tha thiết với chuyện bầu cử. Thì cứ vậy nè, tiêu chuẩn nè, không tôn giáo, dân tộc Kinh, Ba Na, Cà Tu... Là đảng viên Cộng Sản. Và trình độ 12/12, gọi là chuẩn xóa mù chữ bằng kiểu học tại chức. Mà người ta vốn thường nói ‘dốt như chuyên tu, ngu như tại chức’ thì ông cũng biết rồi đấy. Cho đến bây giờ, tui cũng chưa biết đại diện của mình mặt ngắn hay mặt dài, mũi cao hay mũi tẹt, trán dô hay trán bươu... vậy đấy! Muốn biết về chuyện bầu cử, tối lại, ra mấy quán nhậu sẽ biết ngay à!”



Ðược mùa nhậu nhân mùa bầu cử



Hơn 20 giờ, chúng tôi vào một quán nhậu được cho là rẻ nhất, ngon nhất và tươi mát nhất trên đường Phạm Văn Ðồng, Ðà Nẵng, không khí ở đây thật sự nhộn nhạo, chộn rộn...

Và, ở các quán nhậu, phần lớn người ta lại nói chuyện về bầu cử. Ngồi một lúc, mới hiểu là phần lớn các cuộc nhậu ở đây đều do các “ứng cử viên” mời những người “đầu lĩnh” trong xóm, ấp, khu phố... đi nhậu để nhờ họ vận động bỏ phiếu cho mình.

Không biết vận động như thế sẽ đi đến đâu, chứ bia rượu tuôn như nước, rượu vào lời ra nghe chuyện gì cũng tốt, cũng hứa sẽ bỏ phiếu, sẽ chọn ra người tài cho xóm, sẽ vận động hết mình... Nhìn kĩ, những người được nhờ lại là những thanh niên đầu gấu, xăm mình xăm mẩy hoặc mấy ông bà bảo vệ chợ, bán cá... Những người siêng buôn chuyện.

Ở Quảng Nam, chuyện này cũng diễn ra hệt như chuyện vừa kể. Các quán nhậu thường đắt khách trong những ngày “tiền mãn nhiệm” của khóa trước và “tiền bầu” của khóa sau.



Rực rỡ cờ hoa và câu quảng cáo cho mùa bầu cử, những hình ảnh khôi hài...



Theo như các bảng thông báo, các bảng danh sách ứng cử viên treo và dán ở khắp hang cùng ngõ hẻm thì lần đi bầu này, người dân sẽ bầu ra ba đại biểu Quốc Hội trong danh sách 5 ứng cử viên. Sẽ bầu ra các đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh, huyện và xã.

Cách phân chia nhóm, tổ bầu cử, hội đồng bầu cử, ban bầu cử... Tùy thuộc vào điều kiện mỗi địa phương. Nhưng căn bản phải dựa trên những thông tư của nhà nước, dưới sự giám sát của chính phủ.

Nhìn vào những băng rôn, biểu ngữ, những câu slogan nặng mùi quảng cáo và tô vẽ lòe loẹt, có thể đoán ra kinh phí cho đợt bầu cử này không nhỏ chút nào. Con số 700 tỉ đồng bỏ ra làm chi phí cho đợt bầu cử này là con số có thật. Và nó được lấy ra từ thuế, từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân cũng là chuyện có thật.

Có nhiều hình ảnh khá buồn cười, trong đó, băng rôn ăn cắp slogan của công ty bảo hiểm AIA, câu: “Gửi trọn niềm tin” vẽ giữa trái tim con chim bồ câu có búa có liềm có đỏ có vàng là một ví dụ điển hình.

Vào chiều ngày 20 tháng 5, loa phóng thanh bắt đầu kêu gọi người dân đi bỏ phiếu.

Một người nông dân dừng trâu cày, đứng lắng nghe mấy câu kêu gọi trên loa phóng thanh ngoài gốc mít một lúc rồi phun nước miếng vào giữa hai lòng bàn tay, xoa xoa vào nhau, vỗ vỗ tay, nói: “Bầu hay không bầu cũng như nhau thôi, bầu cho lắm cũng mắm với dưa, bầu cho bưa cũng dưa với mắm. Tui sống mấy chục năm trời ở đây rồi, quá biết. Trách nhiệm của mình là đi bầu để coi chừng có cha nào dân bảy đáp (buôn heo) không chữ lọ mọ vào, được đề cử thì gạch bớt cho nhẹ vía. Nhưng gạch thì gạch, chứ đậu thì chuyện của hắn...”

Câu chuyện bầu cử còn hai ngày nữa để mà nghe, nhìn.

No comments:

Post a Comment