Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, May 19, 2011

220 vụ đình công ở VN trong 3 tháng

HÀ NỘI (TH) - Các vụ đình công đòi tăng lương ở Việt Nam ngày càng gia tăng vì lạm phát tăng nhanh, giá cả leo thang khiến giới công nhân chịu không nổi.

Lạm phát ở Việt Nam đứng hạng 2 trên thế giới, theo bảng thống kê trên website Trading Economics ngày 18 tháng 5 năm 2011, một tổ chức theo dõi lạm phát toàn cầu.

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2011, đã xảy ra 220 vụ đình công trên cả nước, so với 216 vụ cùng một thời gian này của năm ngoái.

Cả năm 2010, đã xảy ra 424 vụ đình công nhưng hầu hết đều không thấy báo chí ở Việt Nam đưa tin.

Theo thống kê của Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam, từ năm 1995 đến nay, có 3,402 vụ đình công đã xảy ra. Hầu hết đều bị coi là đình công bất hợp pháp vì công nhân tự ý ngừng việc đòi tăng lương và đòi cải thiện chế độ làm việc, cách đối xử.

Luật lao động của Việt Nam bắt công nhân phải qua nhiều giai đoạn, tầng nấc can thiệp của nhà cầm quyền và hệ thống công đoàn (do đảng viên Cộng Sản cầm đầu) nên khó có thể có các cuộc đình công “hợp pháp”.

Hệ thống công đoàn do đảng cộng sản lãnh đạo để bảo vệ quyền lợi đảng nên dù có mặt cũng không đứng đầu các cuộc đình công.

Trong số các vụ đình công hồi năm ngoái, đa số xảy ra tại các xí nghiệp có vốn đầu tư từ Ðài Loan. Theo thống kê, 79.95% vụ xảy ra đình công ở các xí nghiệp vốn đầu tư ngoại quốc. Ðình công xảy ra ở các xí nghiệp do người Việt Nam làm chủ (gọi là xí nghiệp dân doanh) chiếm 19.81% trong khi chỉ có 1 vụ xảy ra tại xí nghiệp quốc doanh.

Vẫn theo thống kê nêu trên 37.76 vụ đình công xảy ra tại các xí nghiệp vốn đầu tư Ðài Loan, 32.15% xảy ra tại các xí nghiệp vốn Hàn Quốc, 7.67% xảy ra tại các xí nghiệp vốn Nhật Bản.

Hầu hết các xí nghiệp ngoại quốc đến Việt Nam đầu tư sản xuất đều chỉ muốn lợi dụng giá nhân công rẻ mạt do nhà cầm quyền Hà Nội ấn định, để sản xuất “gia công” phần lớn là hàng da giày, dệt may, đồ gỗ, lắp ráp điện tử, xe gắn máy.

Mai Ðức Chính, phó chủ tịch Tổng Liên Ðoàn Lao Ðộng Việt Nam nhìn nhận rằng 80% các vụ đình công xảy ra là đồng lương quá thấp không đủ sống, nhất là lạm phát lại tăng nhanh “đời sống công nhân gặp nhiều khó khăn”.

Ða số các vụ đình công xảy ra tại khu vực phía Nam, gồm Sài Gòn, Bình Dương và Ðồng Nai, tức là các nơi tập trung phần lớn các khu công nghệ của cả nước.

Nhờ đã thỏa hiệp với nhà cầm quyền địa phương, không ít các xí nghiệp ngoại quốc không đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho công nhân, không thi hành các cam kết trên hợp đồng lao động, sa thải hoặc kỷ luật công nhân “trái pháp luật”.

Bộ luật lao động hiện hành đã nhiều lần bị đả kích là đi ngược lại quyền lợi của người lao động nay vẫn còn đó.

Lê Thanh Hà, giám đốc Viện Công Nhân-Công Ðoàn nói trong cuộc hội thảo hôm Thứ Ba rằng, nhiều xí nghiệp đã lợi dụng các khe hở trong các bản hợp đồng lao động để bóc lột giới công nhân.

Trước đó, ngày 15 tháng 5 năm 2011, báo Nhân Dân Ðiện Tử thuật lời ông Chính báo động “Tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công tự phát có xu hướng gia tăng về số lượng, phức tạp về tính chất và nghiêm trọng về quy mô, mức độ.”

Ngoài chuyện đòi tăng lương và gia tăng phúc lợi, ông Chính nói rằng các vụ đình công sẽ “không chỉ diễn biến trong một doanh nghiệp mà đồng loạt xảy ra tại nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả khu công nghiệp”.

Một cuộc khảo cứu gần đây cho hay chỉ có khoảng 60% các bản hợp đồng lao động ký giữa xí nghiệp vốn đầu tư ngoại quốc với công nhân người Việt Nam là tương ứng với luật lệ lao động.

Năm 2008, khi lạm phát lên cao nhất, đã xảy ra hơn 650 vụ đình công. Năm nay, lạm phát tháng 4, 2011 là 17.51% và còn có thể tăng nữa khi nhà nước cứ cho tăng giá xăng, giá điện làm vật giá leo thang. Các vụ đình công thường tỉ lệ thuận với nỗi khốn đốn miếng cơm hàng ngày.

Ðoàn Huy Chương, Ðỗ Thị Minh Hạnh và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng là 3 người trẻ tuổi vận động thành lập tổ chức công đoàn độc lập cho giới công nhân thấp cổ bé miệng đã bị nhà cầm quyền bỏ tù từ 7 đến 9 năm hồi tháng 10 năm ngoái và bị y án trong phiên phúc thẩm ở Trà Vinh ngày 18 tháng 3 năm 2011.

No comments:

Post a Comment