Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Friday, April 22, 2011

Việt Nam tuần qua

Nền kinh tế Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu tiêu cực. Đó là nhận định do công ty đánh giá tín dụng quốc tế Moody's đưa ra đầu tuần này.
Theo Moody's, hiện đang có những lo ngại về tình trạng bất ổn trong cán cân thanh toán của Việt Nam, thêm vào đó là các biện pháp thắt chặt quản lý tiền tệ của chính phủ cũng khiến cho tỉ lệ lạm phát và biến động tỷ giá hối đoái gia tăng.


Cùng với Moody’s, các công ty đánh giá tín dụng, tài chính, ngân hàng hàng đầu thế giới như Fitch, Standard &Poor’s, đều đồng loạt hạ điểm tín dụng của VN, lưu ý về nguy cơ đến với nền kinh tế VN, cùng nhiều khó khăn khác.


Các công ty quốc tế này đều cho rằng, Việt Nam đang phải đứng trước chọn lựa giữa mức tăng trưởng hoặc là ổn định kinh tế vĩ mô, và nhận xét thêm rằng những chính sách kinh tế của VN trong vài năm qua đã tạo ra áp lực phát triển quá nóng, dẫn tới lạm phát và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán quốc tế.


Cùng với khó khăn tài chính và mức chênh lệch trong cán cân thanh toán quốc tế, trong nước Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng tranh chấp lao động ngày càng gia tăng.
Theo thống kê của Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam, trong hai năm 2009-2010, cả nước đã xảy ra 3.620 vụ đình công của công nhân. Và chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2011 đã có tới 220 cuộc đình công.


Nguyên nhân chính của các vụ đình công vẫn là tranh chấp lương bổng và điều kiện lao động giữa công nhân với giới chủ nhân, mà phần lớn là các nhà đầu tư nước ngoài.
Trước tình trạng này, giới chức chính phủ Việt Nam cho rằng cần phải sửa đổi luật lao động hiện hành để bảo vệ người lao động.


Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân nhấn mạnh rằng “Luật lao động Việt Nam hiện còn thiếu nhất quán và minh bạch, cho nên cần phải sửa đổi để các quyền của người lao động được tôn trọng hơn trong một khuôn khổ pháp lý”.


Được biết, Bộ luật Lao động của Việt Nam đã tồn tại 15 năm và đã qua 3 lần sửa đổi, nhưng vẫn chưa giải quyết được các vướng mắc liên quan đến quyền lợi của người lao động.
Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, tuần này lần đầu tiên vị đại diện không thường trú của Tòa Vatican tại Việt Nam, đã đặt chân đến Hà Nội trong chuyến thăm làm việc kéo dài hai tuần.

Tổng Giám mục Leopoldo Girelli hôm thứ Tư 20-4 đã được đông đảo giáo dân và Đại diện của Hội đồng Giám Mục Việt Nam ra đón tại sân bay Nội Bài. Được biết, trong chuyến thăm lần này, Đức Tổng Giám mục sẽ tham dự và cử hành Tuần Thánh tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.


Sau đó Ngài sẽ vào thăm Tổng Giáo Phận Sài Gòn và tham dự Hội nghị thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ 24 đến 29 tháng Tư.


Theo dự trù, Tổng Giám mục Girelli cũng sẽ có chuyến viếng thăm đến các giáo phận Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Xuân Lộc.
Theo một số nguồn tin Công Giáo, nhân dịp này Tổng Giám mục Girelli cũng sẽ bàn thảo với đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc đặt văn phòng đại diện Vatican ở Hà Nội và Sài Gòn.
Liên quan đến ngoại giao, tuần này Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã tổ chức lễ trao giải thưởng Nhân quyền nhằm cổ vũ cho nhân quyền trên toàn thế giới. Đặc biệt trong số những nhân viên ngoại giao Mỹ được vinh danh trong buổi lễ tổ chức tại thủ đô Washington hôm thứ Năm 21-4 có ông Christian Marchant, tùy viên chính trị tòa đại sứ Mỹ tại Việt Nam.


Theo Thứ trưởng Bộ Ngoai giao Hoa Kỳ William Burns, trong thời gian công tác tại Việt Nam ông Christian Marchant đã bất chấp nhiều khó khăn và ngăn cản của chính quyền để bằng cách này hay cách khác thúc đẩy việc tôn trọng Nhân quyền tại Việt Nam.


Nhắc lại, ông Christian Marchant đã từng bị công an Việt Nam hành hung khi vào Huế thăm Linh mục Nguyễn Văn Lý – một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng tại Việt Nam - tại Nhà Chung thuộc Tổng Giáo Phân Huế hôm 5 tháng 1-2011.

Cánh cửa hẹp của công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang Mỹ có vẻ đã khép lại, qua vụ hai công ty Nhà nước Interserco và Vinamotors bị kiện ở tòa án liên bang Hoa Kỳ về tội buôn người và vi phạm hợp đồng lao động.


Đơn kiện đứng tên 55 công nhân đến từ Việt Nam, nộp lên tòa án liên bang Mỹ tố cáo là, để nhận được công việc làm thợ hàn tại một xưởng đóng tàu ở Houston, Texas, họ đã phải trả từ 7 ngàn đến 15 ngàn đô la, và được hứa hẹn là sẽ nhận được một công việc có hợp đồng 30 tháng với số tiền lương tổng cộng khoảng 100,000 đôla Mỹ.


Thế nhưng khi đến Mỹ, họ đã bị đối xử tàn tệ như những nô lệ trả nợ, điều kiện sống tồi tệ, và cách ly với cuộc sống xung quanh. Điều đáng buồn hơn là chỉ sau 8 tháng làm việc, họ bị chủ sa thải và bảo họ phải trở về Việt Nam.


Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Luật sư đại diện cho các công nhân Việt Nam, ông Tony Buzbee nói rằng: hiện các công nhân này đang lo ngại họ không có đủ tiền để trả nợ cho khoản vay để được lao động ở Mỹ, và tệ hơn nữa là họ lo sợ cho cuộc sống của họ cùng thân nhân tại Việt Nam bởi vì các công ty mà họ kiện đều là công ty nhà nước.


Tuy nhiên, phía đại diện các công ty bị kiện phản bác rằng: “những người lao động Việt Nam này đã nói sai sự thật.”

No comments:

Post a Comment